Quý 3 vừa qua, nhân dân tệ có quý giảm thứ 6 liên tiếp so với USD, chuỗi thời gian giảm dài nhất của đồng tiền này kể từ năm 1992. Trong quý, đồng nhân dân tệ mất giá gần 4% so với USD.
Theo ông Andy Xie, khả năng giảm giá thêm 10% là hoàn toàn có thể xảy ra với nhân dân tệ nếu Mỹ thực hiện lời cảnh báo nâng thuế bổ sung đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc lên mức 25% bắt đầu từ năm sau.
"Biến động tỷ giá đồng nhân dân tệ gần đây phản ánh những thách thức kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt. Bởi vậy, khi thuế tăng đối với hàng Trung Quốc, sự điều chỉnh tỷ giá là điều tất yếu", ông Xie nói.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Tuần trước, Mỹ áp thuế bổ sung 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này mỗi năm.
Sau khi đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, trong một thông báo, ông Trump cho biết thuế này sẽ tăng lên 25% vào ngày 1.1.2019. Ông khẳng định “Nếu Trung Quốc trả đũa chống lại người nông dân và các ngành công nghiệp của chúng ta, chúng ta sẽ ngay lập tức thúc đẩy giai đoạn 3 – đánh thuế thêm khoảng 267 tỉ USD hàng hóa nữa”. Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 24.9.
Động thái này khiến cho nhiều công ty nước ngoài lo sợ, chuẩn bị sẵn sàng để bất cứ lúc nào rút ra khỏi hoặc ít nhất là giảm thiểu tối đa đầu tư vào Trung Quốc.
Nếu đồng nhân dân tệ giảm giá thêm 10%, thì đó sẽ là một sự phủ nhận đối với những nỗ lực bình ổn tỷ giá thời gian qua của Bắc Kinh. Vào cuối tháng 8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) phát tín hiệu rằng nước này không có ý định dùng nhân dân tệ làm vũ khí chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Chính phủ Trung Quốc có đủ khả năng ứng phó với các áp lực suy giảm tăng trưởng và mất giá đồng tiền.
"Tôi không cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ mất giá mạnh. Quan điểm của tôi là Bắc Kinh có cam kết mạnh mẽ đối với việc duy trì ổn định tỷ giá", ông Michael Taylor - Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service nhận định.
Theo vị chuyên gia này, ngoài các biện pháp kích thích tăng trưởng, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn và các công cụ chính sách khác để giữ vững tỷ giá.