Dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,8% ở mức 84,76 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giảm 2,05% xuống 80,83 USD/thùng. Trước đó, cả 2 hợp đồng dầu tương lai này đều ghi nhận mức tăng tuần thứ tư liên tiếp - chuỗi dài nhất kể từ giữa năm 2022.
Đồng USD mạnh lên cùng với việc tăng lãi suất đã khiến dầu được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các tiền tệ khác. Chỉ số USD tăng khoảng 0,5% trong phiên đầu tuần.
Chuyên gia phân tích Phil Flynn (Price Futures Group) cho biết: “Đồng USD mạnh hơn dường như đang gây áp lực nhẹ lên giá dầu”.
Các nhà giao dịch đang kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất cho vay vào tháng 5 tới thêm 0,25% rồi sẽ dừng thắt chặt chính sách về cuối năm - điều thường xảy ra trong thời kỳ suy thoái.
Trong khi đó, việc công bố một số dữ liệu được cho sẽ tác động tích cực đến giá cả hàng hóa. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tăng trưởng nhu cầu năm 2023 sẽ phụ thuộc vào những dữ liệu này.
Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo, việc cắt giảm sản lượng từ OPEC+ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu dự kiến trong nửa cuối năm nay cũng như gây tổn hại cho người tiêu dùng và sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nhóm các nước G7 sẽ giữ mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, bất chấp giá dầu thô toàn cầu tăng và một số quốc gia khác kêu gọi giảm giá trần.
Tại Iraq, chính phủ liên bang và Chính quyền khu vực người Kurd (KRG) đã giải quyết các vấn đề kỹ thuật để nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ phía Bắc từ cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) sang các thị trường quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã tạm dừng xuất khẩu 450.000 thùng mỗi ngày sang Iraq vào ngày 25.3 sau phán quyết trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bồi thường thiệt hại cho Baghdad 1,5 tỉ USD đối với hoạt động xuất khẩu trái phép của KRG từ năm 2014 đến 2018.
Tại Ả Rập Saudi, xuất khẩu dầu thô trong tháng 2 đã giảm xuống 7,455 triệu thùng/ngày từ 7,658 triệu thùng/ngày trong tháng 1.
Về triển vọng thị trường dầu mỏ sắp tới, Hiroyuki Kikukawa, chủ tịch NS Trading nhận định: “Tâm lý thị trường vẫn bi quan sau dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ. Cùng với kỳ vọng tăng lãi suất, điều này làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ”.
"Dầu WTI dự kiến sẽ được giao dịch trong khoảng 75-80 USD trong tuần tới khi các nhà đầu tư cố gắng tìm hiểu xem liệu nhu cầu xăng của Mỹ có tăng vào mùa hè này hay không?” - ông Kikukawa nói.
Các chuyên gia của Ngân hàng Quốc gia Australia phân tích: “Chúng tôi kết hợp tác động giữa biến động giá dầu ngắn hạn với việc định vị thị trường trước các đợt tăng lãi suất tiếp theo. FED, BOE và ECB đều họp vào tuần đầu tiên của tháng 5. Chúng tôi cho rằng, áp lực giảm giá dầu sẽ được duy trì trong các cuộc họp này”.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thông tin, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm nhiều so với dự báo khi hoạt động xuất khẩu tăng cao. Trong khi đó, xăng lại tồn kho do nhu cầu thị trường giảm.
Về phía cung, lượng dầu từ các cảng phía tây của Nga trong tháng 4 có thể tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019 lên trên 2,4 triệu thùng/ngày, bất chấp cam kết cắt giảm sản lượng của Moscow.