Bán hàng theo trend - “nóng” nhưng qua nhanh
Thời gian gần đây, phong trào mua bán theo trend (trào lưu) đang khá sôi động. Nhờ các clip đó, nhiều cửa hàng bán mãng cầu, măng cụt mỗi ngày tiêu thụ được hàng trăm kilôgam, thậm chí nhiều cửa hàng bị “cháy hàng”. Phải chăng, cách bán hàng mới này sẽ hiệu quả hơn so với cách buôn bán truyền thống xưa nay?
Là một người bán hàng trên TikTok, chị Ngọc Linh (Ba Đình-Hà Nội), cho biết: Người mua hàng trên trang mạng xã hội phần lớn là giới trẻ, chủ yếu dưới 35 tuổi nên “tâm trạng mua hàng” rất dễ theo trào lưu, nhưng cũng dễ quên và rất khó đoán định. Do đó, rất khó để nói rằng, bán hàng trên TikTok là hiệu quả hơn cách bán truyền thống xưa nay.
“Đối với mặt hàng như nông sản, thời trang, thực phẩm… trào lưu thường rất ngắn, giới trẻ, đặc biệt là Gen Z lúc thích thì lùng sục sản phẩm này, nhưng cũng rất nhanh chóng quên đi để chuyển sang món mới. Do đó, nếu bám "trend” mà ôm vào lượng hàng lớn, không tiêu thụ kịp mà trào lưu đã qua thì rất nguy hiểm" - chị Ngọc Linh nói.
Một chuyên gia bán hàng online - chị Ngọc Yến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: Bản thân chị đang bán gỏi mãng cầu, gỏi măng cụt… nhưng trào lưu đang qua rất nhanh.
“Đã là “trend” thì thường qua nhanh. “Bão trend” qua rồi, hiện nay báo chí đang đưa tin giá mãng cầu đang giảm” - chị Yến thông tin.
Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, việc mượn các trang TikTok, Facebook, Zalo để bán hàng là có hiệu quả. Nhưng tâm lí của người tiêu dùng rất sợ hình ảnh 1 đằng, chất lượng 1 nẻo. Do đó, điều kiện cần là sản phẩm phải có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói phải đẹp, minh bạch thông tin và bảo vệ được sản phẩm khi va đập do vận chuyển.
Ông Nguyễn Như Cường-Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, bán hàng qua các nền tảng số như: Zalo, Facebook, TikTok... đang khá hiệu quả. Đây cũng là cách đa dạng hoá phương thức bán hàng, nâng cao hiệu quả thương mại. Thị trường nội địa 100 triệu dân chính là "tệp" khách hàng khổng lồ để các doanh nghiệp hướng tới.
"Bán hàng trên nền tảng nào cũng được, nhưng phải đúng quy định: Truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện đúng quy định về thương mại điện tử" - ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Làm gì để đạt hiệu quả trong thương mại điện tử
Ngoài cách bán hàng truyền thống, hầu hết các siêu thị đang thực hiện bán hàng online.
"Để đẩy mạnh thương mại điện tử, doanh nghiệp cần thực hiện 4 điều: Xây dựng hình ảnh sống động trên trang điện tử hoặc hình ảnh tĩnh có clip đi cùng; minh bạch thông tin chất lượng, thành phần của sản phẩm, công dụng, hướng dẫn cách sử dụng; có ứng dụng (app) để đối thoại, tương tác, kết nối với khách hàng cả 2 chiều mua vào - bán ra. Nếu là sản phẩm đặc thù ocop thì có câu chuyện về sản phẩm đó để kích hoạt xúc cảm và truyền thông.
Điều tối kỵ là khách hàng cần trao đổi doanh nghiệp lại trả lời tự động (lập sẵn và hỏi lại mua lượng là bao nhiêu” - ông Hoàng Trọng Thủy chia sẻ.
Bán hàng trên nền tảng số đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Phương thức này sẽ thuận lợi cho hoạt động thương mại trong nước, nếu xuất/nhập hàng nông, lâm thuỷ sản hay nói cách khác là thương mại nông sản quốc tế thì tổ chức hoặc cá nhân phải hiểu rõ các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (biện pháp SPS) của quốc gia cần giao dịch để tránh vi phạm. Bởi vì, các biện pháp SPS là biện pháp bắt buộc áp dụng mà các thành viên WTO cam kết thực hiện.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam