Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tín dụng toàn nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt mức tăng 2,06% so với cuối năm 2022 và tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục được các ngân hàng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, hoạt động cho vay có dấu hiệu chững lại khiến tăng trưởng tín dụng chứng kiến mức sụt giảm so với năm 2022.
Cụ thể, theo số liệu của NHNN chi nhánh tỉnh Sơn La, dù các tổ chức tín dụng (TCTD) luôn cố gắng tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng tốt hơn để phục vụ tăng gia, sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế, dư nợ cho vay trên địa bàn trong quý I/2023 chỉ đạt 44.443 tỉ đồng, giảm 0,30% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, nguồn vốn huy động tại địa phương cũng chỉ ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ khi đạt 30.603 tỉ đồng, so với năm 2022 tăng 1,90%.
Tương tự tại Nam Định, NHNN chi nhánh tỉnh Nam Định cho hay trong quý I, hoạt động ngân hàng Nam Định ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong công tác huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn với mức tăng trưởng 7,4% so với đầu năm.
Song trái ngược với tốc độ tăng trưởng huy động vốn, việc giải ngân vốn tín dụng gặp khó khăn khi tăng trưởng tín dụng giảm 0,91% so với đầu năm.
Theo NHNN chi nhánh tỉnh Nam Định, nguyên nhân theo báo cáo của các TCTD, trong những tháng đầu năm, hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm do thiếu đơn hàng, do vậy hạn chế nhu cầu vốn tín dụng.
Từ thực tế này, ông Đặng Văn Kim - Giám đốc NHNN tỉnh Nam Định - yêu cầu các TCTD trên địa bàn cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản và đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn.
Đồng thời, tập trung vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực phát triển kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; khẩn trương triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/2023 của Chính phủ.
Trong khi đó, theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, ước tính đến cuối tháng 3.2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 147.500 tỉ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước và chỉ tăng 1,3% so với thời điểm cuối năm 2022.
"Tín dụng tăng thấp đồng nghĩa với nguồn vốn cho cơ sở kinh doanh thiếu tích cực, mất đi đà phục hồi tăng trưởng" - Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh.
Trong bối cảnh đó, NHNN có văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thực hiện đồng thuận lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 0,5-2%/năm tùy đối tượng trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.
Một diễn biến đáng chú ý là cũng tại Bắc Ninh, các ngân hàng tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế.
"Tuy nhiên, với việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động tiền gửi, ước tính đến cuối tháng 3.2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 207.500 tỉ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước, nhưng giảm 0,7% so với cùng tháng năm trước và giảm tới 7,6% so với thời điểm cuối năm 2022" - Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh thông tin.