TS Mai Huy Tân là nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt, Chủ tịch HĐQT công ty Nhịp cầu Việt Đức. Vào năm 2016, Đức Việt về tay tập đoàn Daesang của Hàn Quốc, chủ sở hữu thương hiệu Miwon. Sau phi vụ M&A dậy sóng thị trường thời đó, ông Tân đã chuyển sang lĩnh vực môi trường, cung cấp giải pháp tư vấn liên quan đến xử lý rác thải và năng lượng tái tạo. Ông cũng không có ý định quay lại với sự nghiệp sản xuất xúc xích nữa, vì "làm thế đủ rồi".
Báo Lao Động có cuộc trò chuyện cùng TS Mai Huy Tân về lần khởi nghiệp thứ 3 của mình – kinh tế tuần hoàn.
Doanh nghiệp của ông được dự đoán là đơn vị tiên phong trong sản xuất năng lượng xanh. Vậy các hợp phần trong sơ đồ kinh tế tuần hoàn hiện đang được triển khai như thế nào?
- Nông nghiệp thì luôn cần đất đai. Chúng tôi đang tập trung vào xin giấy phép sử dụng đất để xây dựng gần 20 nhà máy tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Trong đó trích ra khoảng 2.000 ha chuyển đổi từ đất trồng lúa bằng phân bón, thuốc trừ sâu hoá học sang trồng bằng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Từ đó xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ. Ngoài ra sẽ sử dụng thêm vài trăm ha đất trồng mía bị chặt bỏ chuyển sang đất trồng cỏ. Số cỏ này sẽ được bao tiêu để làm phân hữu cơ và thức ăn chăn nuôi bò. Bò thì ăn rơm nên cũng thu mua thêm rơm để nông dân không đốt bỏ. Như vậy quá trình này sẽ được tuần hoàn. Bởi lẽ, nuôi bò xong sẽ trở lại làm phân hữu cơ, phân hữu cơ đem đi bón ở ruộng. Đây chính là quá trình sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến không có chất thải.
Rất nhiều biện pháp cũng được thực hiện để hỗ trợ sản xuất để hợp tác chiến lược lâu dài, đôi bên cùng có lợi với nông dân. Ví dụ, từ trước tới nay, thương lái thu mua thóc của nông dân trên cánh đồng rồi dùng ghe thuyền chở đến và bán cho các nhà máy chế biến lúa gạo và ăn chênh lệch ở giữa. Nhưng giờ đây, chênh lệch đó không thuộc về thương lái, cũng không thuộc về doanh nghiệp chúng tôi mà sẽ về tay nông dân hết. Bên cạnh đó, nông dân còn cắt giảm được nhiều chi phí mà bình thường vẫn bỏ ra như chi phí cày bừa, cấy mạ, mạ giống, phân bón… nhằm tăng lãi thu hoạch cho nhân dân 4-5 lần.
Riêng phân bón là phân hữu cơ vi sinh được sản xuất trong vòng tuần hoàn của chúng tôi. Giá rất thấp mà còn đem lại hiệu quả cao hơn phân hoá học, giúp tăng năng suất từ 7 tấn lên 12 tấn/ha. Đồng thời, phân hữu cơ không để lại dư lượng chất hoá học trong hạt gạo, góp phần làm nên gạo hữu cơ. Khi đó, gạo hữu cơ sẽ có giá trị gấp 10 lần so với hạt gạo bình thường.
Ông từng chia sẻ, lần khởi nghiệp trước đây xuất phát từ mục đích kinh tế chứ chưa có ước mơ nào xa vời. Vậy với lần khởi nghiệp thứ 3 này, có phải ông đã nhìn ra vấn đề của xã hội và mong muốn giải quyết nó nhiều hơn không?
- Mục đích của tôi dấn thân vào kinh tế tuần hoàn không phải làm giàu hay trở thành đại gia hay tỉ phú đô la. Ước mơ của tôi là biến nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành khu kinh tế số 1 thế giới, làm cho nông dân Việt Nam trở nên sung túc và khá giả. Tôi muốn riêng ĐBSCL có thể đóng góp vào GDP quốc gia hơn 600 tỉ USD/năm.
Theo dự tính của tôi, nền kinh tế tuần hoàn sẽ triển khai tại Hậu Giang và thậm chí là khắp ĐBSCL, mục tiêu đó chắc chắn sẽ đạt được. Việt Nam sẽ là cường quốc kinh tế thứ 5 ở Châu Á và số 1 ASEAN.
Tiềm năng nào tại vùng ĐBSCL giúp ông khẳng định dự án của mình là khả thi?
- Vùng ĐBSCL có diện tích 40.600 km2 với dân số 18,6 triệu người, xấp xỉ với Vương quốc Hà Lan. Nhưng GDP của Hà Lan là 60.000 USD/năm, cao gấp nhiều lần ĐBSCL của chúng ta. Mục tiêu của tôi là đưa GDP của ĐBSCL đạt 30.000 USD/năm, so với bây giờ vào khoảng hơn 1.000 USD/năm.
Việt Nam có điều kiện thuận lợi là ĐBSCL có tới 2,6 triệu ha đất nông nghiệp. Trong đó, 2 triệu ha đất trồng lúa, chiếm hơn 50% diện tích lúa của cả nước. Đó chính là tiền đề rất tốt. Bên cạnh đó, do có sông lớn chảy qua nên đất đai nơi đây tương đối phì nhiêu. ĐBSCL sở hữu khí hậu nhiệt đới gió mùa, không có mùa đông nên có thể trồng trọt quanh năm. Chúng ta có tiền đề rất tốt để giữ vai trò là kho thóc gạo của thế giới.
Chúng tôi đang đi đúng những gì mà Đảng và Chính phủ đã tạo điều kiện. Bên cạnh đó còn có những nghiên cứu khoa học, dự án, tập đoàn công nghệ công nghệ của EU hỗ trợ... nên tôi tin tưởng rằng sẽ làm được.
Để đạt được mục tiêu biến ĐBSCL thành vựa lúa số một thế giới, những bài toán nào cần phải giải quyết?
- Về mặt vĩ mô thì là bài toán về chính sách và quy hoạch của Nhà nước. Những mô hình này đều cần diện tích đất để đầu tư và sản xuất nên cần Nhà nước quy hoạch đất đai và phát triển. Cụ thể, tôi muốn Hậu Giang trở thành tỉnh đầu tàu của ĐBSCL. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để cùng các cơ quan ban ngành tỉnh Hậu Giang và trung ương đưa ra quy hoạch dài hạn từ năm nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó còn phải có phương pháp tổ chức sản xuất lại thành cánh đồng lớn; tái tổ chức lại hợp tác xã nông nghiệp hộ nông dân để canh tác theo kiểu mới và đào tạo người nông dân trở thành những nhà kỹ thuật làm việc được trong các nhà máy công nghệ và máy móc của Châu Âu…
Hơn nữa, chúng tôi còn tính cả bài toán về việc người nông dân có được hưởng bảo hiểm xã hội như công nhân không. Nếu người nông dân chưa có tiền, chúng tôi chủ trương đóng bảo hiểm cho họ để họ yên tâm canh tác trên cánh đồng với thu nhập gấp 5 lần mà không sợ thiệt hại trong trường hợp mất sức lao động. Ngoài ra còn hàng loạt vấn đề khác về khoa học kỹ thuật, công nghệ, nghiên cứu…
Chiến lược này sẽ góp phầm giảm 20 tỉ tấn CO2 của Việt Nam vào năm 2050 như Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết. Những điều tôi muốn làm mang ý nghĩa chiến lược lâu dài chứ hoàn toàn không phải chộp giật ngắn hạn.
Khi 42 tổ hợp đi vào vận hành và cung cấp sản phẩm ra thị trường quốc tế, GRDP của tỉnh Hậu Giang sẽ đạt 16,8 tỉ USD/năm chỉ riêng nông nghiệp vào năm 2030. Dự kiến mô hình này đến năm 2024 sẽ ra sản phẩm mang về doanh thu 1 tỉ USD/năm. Phải có đầu óc, công nghệ, mô hình kinh tế tuần hoàn mới mang lại giá trị gia tăng như thế, chứ không phải lấy đất rẻ từ nông dân rồi phân lô bán nền.
Xin cảm ơn ông với cuộc trò chuyện vừa rồi. Chúc ông sức khoẻ và thành công trên con đường chinh phục kinh tế tuần hoàn!