Cụ thể, giá dầu Brent tăng 0,3%, lên mức 86,15 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,4%, lên mức 82,52 USD/thùng.
Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023 lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày. Mức tăng này chủ yếu do mức tiêu thụ mạnh hơn từ Trung Quốc sau khi quốc gia Đông Á gỡ bỏ các hạn chế dịch COVID-19.
Trong khi đó, OPEC+ lại quyết định cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày.
Chính vì vậy, IEA đưa ra cảnh báo rằng việc cắt giảm sản lượng sâu theo công bố của OPEC+ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu và gây tổn hại cho người tiêu dùng. IEA dự kiến nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm 400.000 thùng/ngày vào cuối năm nay.
Cũng hỗ trợ giá leo dốc là tuần thứ ba liên tiếp số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm xuống.
Dữ liệu của Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu đã giảm 2 giàn xuống 588 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 6.2022. Trong khi số giàn khoan khí đốt giảm 1 giàn xuống 157 giàn.
Bên cạnh đó, đồng bạc xanh suy yếu khiến dầu mỏ được định giá bằng đồng USD rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm đẩy mạnh nhu cầu.
Giới phân tích cho hay, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể chứng kiến tình trạng khan hiếm nguồn cung vào nửa cuối năm nay. Điều này sẽ đẩy giá dầu tăng cao. Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu có thể tăng ở mức 90-100 USD/thùng trong các quý tới.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 15.4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.173 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 24.245 đồng/lít; Dầu diesel không quá 20.149 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 19.739 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.194 đồng/kg.