Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống
Vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến ở thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi ngày 5.6.
Nhận định việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém diễn ra còn chậm, không đạt mục tiêu dự tính, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) dẫn chứng, vụ việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tháng 10 năm ngoái là một hệ luỵ nặng nề nhưng tất yếu của thực trạng trên.
Góp ý về vấn đề cụ thể, ông Đồng cho rằng, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống, do làm gia tăng một số rủi ro chính. Đơn cử là rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu).
"Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính", ông Đồng phân tích.
Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng chỉ ra rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.
"Như Baovietbank và PVcombank có cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Vụ việc Trương Mỹ Lan - ngân hàng SCB; tập đoàn Masan và nhóm cổ đông lớn tại Techcombank; nhóm cổ đông tại ACB...", ông Đồng dẫn chứng.
Dù có quy định các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn, nhưng thực tế chủ sở hữu lại có thể cho vay đối với các công ty, doanh nghiệp con của những cổ đông này. “Một khi giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án “sân sau” của mình”, ông Đồng lo ngại.
Cũng đề cập tới vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, đại biểu Đặng Ngọc Huy (Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Quảng Ngãi) cho rằng, tình trạng sở hữu chéo chưa giải quyết dứt điểm được, nhưng trong Luật Các tổ chức tín dụng chưa đề ra được quy định phòng ngừa tình trạng sở hữu chéo.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đưa vào diện kiểm soát đặc biệt trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng, 2 ngân hàng yếu kém. Cụ thể, 3 ngân hàng 0 đồng đưa ra phương án chuyển giao, có ngân hàng sẵn sàng đứng ra nhận nhưng quá trình giải quyết rất chậm.
"Như Ocean Bank, tôi biết MB dự kiến tiếp nhận, nhưng từ năm ngoái đến năm nay, một năm thủ tục chưa xong, rất khó khăn", ông Huy nói.
Vị đại biểu Quảng Ngãi nêu thực tế bài học từ một số ngân hàng của Mỹ, Thụy Sĩ. Khi khó khăn họ cho phá sản hoặc sáp nhập, chứ Nhà nước không can thiệp.
Từ đó, ông đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đối với ngân hàng thuộc diện theo dõi, kiểm soát đặc biệt, áp dụng thông lệ quốc tế, tránh sự can dự sâu của Nhà nước.
Chấm dứt sở hữu chéo chứ không phải hạn chế
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ trước đến nay, đóng góp của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại rất lớn. Song, khi thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cần thẳng thắn đặt ra các vấn đề như tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết Trung ương lần này cũng đã nhấn mạnh phải chấm dứt sở hữu chéo; chấm dứt chứ không phải hạn chế.
Bên cạnh đó, cần phải công khai những chủ sở hữu có vốn sở hữu tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, để người dân biết ai là người thực sự chi phối ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đó.
Ông cũng cho rằng, Việt Nam chưa có luật về tập đoàn tài chính, trong khi đó, trên thực tế đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tập đoàn tài chính; hoặc công ty mẹ - con, trong đó, công ty mẹ là một tổ chức tín dụng; hoặc một tập đoàn, song trong tập đoàn đó có tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn).
"Điều này cần được làm rõ quan hệ giữa doanh nghiệp, tập đoàn với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại như thế nào; báo cáo tài chính hợp nhất, nghĩa vụ công bố thông tin ra sao", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Đối với nội dung về 2 ngân hàng chính sách xã hội được quy định trong dự án luật, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng - cần phải thiết kế một chương, quy định cụ thể một số điều có tính nguyên tắc, là cơ sở để giao Chính phủ quy định một số vấn đề cụ thể hơn.
"Mỗi ngân hàng chính sách xã hội đều có một Nghị định của Chính phủ. Sau này nếu có điều kiện thì tách ra, tách ra thành Luật về Các ngân hàng chính sách xã hội", ông nói và cho biết, trong Điều 136 dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có đề cập nội dung về tài chính của các tổ chức tín dụng, nhưng quy định chỉ vài dòng.
"Điều này là không được! Cần quy định cụ thể hơn như doanh thu, chi phí tài chính ra sao, phần nào là doanh thu hợp lý, phần nào không hợp lý, trích lập dự phòng thế nào, tất cả phải tường minh cho xã hội khỏi thắc mắc", ông nói.
Cũng theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, hiện nay, ngân hàng đã nỗ lực hết sức với nền kinh tế. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 3 lần lãi suất điều hành, Thống đốc Ngân hàng cũng nói "còn có thể giảm được nữa".
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 nhưng lãi suất huy động đến 9% thì quá vô lý.
Do vậy, muốn giải đáp những câu hỏi như thế này cần phải quy định ngay trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng. Những nội dung nào cần chi tiết hơn nữa thì quy định bằng nghị định.
"Bộ Tài chính có hẳn Vụ Tài chính ngân hàng để quản lý tài chính của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chứ không phải Ngân hàng nhà nước quản lý.
Bộ Tài chính sinh ra là để quản lý tài chính "tất tần tật" các nguồn tài chính, định chế tài chính, từ hợp tác xã đến hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI", ông cho hay.