Sản lượng nông sản dồi dào, nhưng cần tháo gỡ khâu lưu thông
Trao đổi với PV Lao Động chiều 25.7.2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021 ngành nông nghiệp phấn đấu sản lượng lúa đạt 43,1 triệu tấn; thịt các loại: Trên 6 triệu tấn; thủy sản: 8,6 triệu tấn; trứng gia cầm: 15 tỉ quả; sữa: 1,2 triệu tấn…
Để nguồn cung nông sản đến với người tiêu dùng trong điều kiện dịch bệnh, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương có nhiều chương trình hợp tác. Đặc biệt, Đoàn công tác phía Nam của Bộ NNPTNT đã họp với Bộ Công Thương và các tỉnh thành tạo được "luồng xanh" cho vật tư nông nghiệp, nông sản.
“Hàng ngày Tổ công tác của Bộ NNPTNT họp với Tổ công tác của Bộ Công Thương và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để bàn và tổ chức các giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa đảm bảo cung ứng nguồn thực phẩm, phát triển sản xuất; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Về tiêu thụ nông sản, các tỉnh, thành phố áp dụng nhiều hình thức, trong đó đẩy mạnh bán hàng trên ứng dụng công nghệ số, livestreams, Zalo…. Hiện tại, vấn đề tắc nghẽn nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giải quyết tương đối tốt, còn tỉnh nọ tỉnh kia đang vướng mắc, Bộ NNPTNT đã liên lạc trực tiếp cho chủ tịch tỉnh, đồng thời gửi công văn gửi tất cả tỉnh thành để phối hợp cho chặt chẽ.
Một vấn đề được Bộ NNPTNT hết sức quan tâm là, dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp, tình trạng giãn cách có thể còn kéo dài và thậm chí phải tăng lên mức cao hơn, do đó, cần chủ động vấn đề cung ứng để không bị đứt gãy. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ví dụ TPHCM mỗi ngày cần 6.000 con lợn, trên 100 nghìn con gia cầm, thống kê vào chưa phải là đủ nhu cầu, dù hiện tại nhu cầu đang giảm.
Để đáp ứng vấn đề này, cần mở lại 3 chợ đầu mối lớn tại TPHCM vì riêng 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền… đáp ứng được 65% nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân.
"Cầu nối nông sản đến người dân là chợ đầu mối. Nếu chợ đầu mối không để trong hệ thống phân phối như từ trước đến nay thì sẽ rất khó khăn. Nếu hiện nay, có những điểm không an toàn thì phải di dời sang điểm khác đảm bảo an toàn, kiểm soát người vào người ra, kiểm soát vật tư… để mở lại chợ đầu mối" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu ý kiến.
Những "nút thắt" gây nguy cơ thiếu nông sản ở chu kỳ tới
Một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là vật tư nông nghiệp. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ hôm qua (ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách-PV) đến nay, Hà Nội bị tắc nghẽn nguồn cung thức ăn, thuốc thú y, vật tư nông nghiệp, bao bì... cùng các nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến do khâu vận chuyển.
“Suốt từ hôm qua đến nay, nhiều doanh nghiệp đề xuất tháo gỡ nhưng chưa được. Tôi đã liên lạc với Bộ Giao thông Vận tải, nhắn tin cho đồng chí phụ trách vấn đề này nhưng chưa có phản hồi. Hiện nay Hà Nội có quy mô mấy chục triệu con lợn, 38 triệu con gia cầm, nhiều triệu con trâu bò hàng ngày đều phải ăn uống, dùng thuốc nhưng nguồn vật tư nông nghiệp đang bị tắc nghẽn” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.
"Bộ NNPTNT đề nghị tập trung vào 2 cơ sở lớn, 1 là nhà máy của CP tại Bình Phước có quy mô đầu tư lên tới 250 triệu USD hiện chỉ mới đạt công suất 38% thì cần huy động tăng công suất để hỗ trợ các tỉnh.
Thứ 2 là nhà máy của Masan tại Long An với quy mô đầu tư 1.800 tỉ có thể giết được 3.500 con lợn/ngày. Phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho những cơ sở giết mổ lớn này để đảm bảo cung ứng thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa cần quan tâm, là các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch nông sản, đặc biệt là vụ hè thu, nếu không huy động nguồn lực, kể cả dân quân, tự vệ, lực lượng vũ trang vào thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” thì sẽ rất khó khăn.
"Nếu không thu hoạch đúng thời vụ, thì không chỉ làm thất thoát sau thu hoạch, mà còn trễ vụ sau, vì nông nghiệp Việt Nam đều theo mùa vụ" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.