Nhìn lại vụ mùa sầu riêng 2023, nông dân Nguyễn Văn Truyền (TP Cần Thơ) phấn khởi chia sẻ với Lao Động: “Vụ sầu riêng 2023, sức mua của thị trường tốt, giá cả ổn định và có chiều hướng tăng cao so với năm trước. Sầu riêng tôi bán cho thương lái dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg trong khi năm ngoái cao nhất chỉ khoảng 47.000 đồng”.
Theo các nông dân trồng sầu riêng, chỉ cần sầu riêng bán được giá từ 40.000 đồng/kg, mỗi công sầu riêng người trồng có thể thu được lợi nhuận trên 80 triệu đồng.
Không chỉ riêng chính vụ năm 2023 mà trước đó, trong suốt năm 2022 và bước sang những tháng đầu năm 2023, giá trái sầu riêng liên tục duy trì ở mức khá cao giúp người trồng sầu riêng đạt mức lợi nhuận rất hấp dẫn. Đỉnh điểm từ ngay sau Tết Quý Mão, giá sầu riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng với tốc độ “phi mã”, có lúc vượt mốc 200.000 đồng/kg.
Đó cũng là lý do mà rất nhiều nhà vườn có dự định mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Tuy nhiên, diễn biến này không chỉ khiến giới chuyên gia mà cả các cơ quan quản lý đặc biệt lo ngại.
Trước hết, trong số các loại cây ăn quả ở miền Tây, sầu riêng vốn dĩ là loại cây trồng đặc biệt khó tính và rất mẫn cảm với nguồn nước. Còn nhớ, đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2019 - 2020 đã làm thiệt hại khoảng 30% diện tích trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang. Hay nói như ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ - thì “sầu riêng là loại cây mà không phải ai trồng cũng thắng”.
Thế nhưng, trước sức hấp dẫn của thị trường, từ năm 2022 đến nay, cả khu vực phía Nam đang phát triển nóng cây sầu riêng. Chỉ riêng ở ĐBSCL, diện tích sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang đến nay đã hơn 17.000 ha - tức vượt hơn 5.000 ha so với quy hoạch diện tích sầu riêng của tỉnh này đến tận năm 2030. Còn tại Cần Thơ, diện tích sầu riêng cũng tăng rất nhanh, từ 537 ha (năm 2015) đã lên gần 3.000 ha (năm 2022). Hàng loạt tỉnh khác như Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long… cũng có diện tích sầu riêng khá lớn. Trong khi đó, đầu ra của sầu riêng hiện nay chủ yếu chỉ xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc.
Không quá xa, chỉ mới năm 2021, “giải cứu” sầu riêng thành chủ đề thời sự khi loại trái cây này rớt giá thê thảm vì mất nguồn xuất sang Trung Quốc. Đó là chưa nói đến bài học “giải cứu” cam sành không chỉ năm 2018 mà mới ngay trong quý I năm nay. Đó còn là bài học từ ồ ạt phá vườn để trồng thanh long, mít Thái… rồi sau đó là những cuộc kêu gọi “giải cứu”. Mà tất cả đều có chung một nguyên nhân “cung vượt cầu” do mất nguồn xuất sang thị trường Trung Quốc.
“Giải cứu” - cụm từ mang ý nghĩa tốt đẹp của cộng đồng khi nông dân vấp phải khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Nhưng có gì đó thật không ổn khi cụm từ này gần đây xuất hiện thường xuyên. Chính nó đã nói lên, đây chỉ là sự tập trung mang tính nhất thời, trong khi việc tiêu thụ nông sản cần một sự hoạch định ổn định lâu dài.
Đã có những chủ trương lớn hướng đến sự tác động tích cực đối với sản phẩm do nông dân làm ra, như liên kết “3 nhà”, rồi “4 nhà”… Vậy nhưng, nhiều năm rồi, chuỗi liên kết ấy bị lu mờ dần và gần như bất lực trước thảm cảnh giá nông sản cứ trồi sụt, lên xuống. Hơn 20 năm rồi, điệp khúc trồng - chặt vẫn đeo đẳng khiến nông dân khốn đốn, cạn kiệt cả sức lực và tài chính…