Khó khăn đang bủa vây tất cả các ngành
Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.
Trong giai đoạn thu hoạch, việc thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ trên đồng, từ người đi thu mua cho đến người gặt lúa, bốc vác xuống ghe (thuyền) do các ghe vận chuyển lúa không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là giữa các địa phương.
Vụ hè thu sản lượng tập trung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thu hoạch rộ ngay thời điểm mưa nhiều nên lúa phải được sấy bằng thiết bị sấy, nhưng việc vận chuyển lúa từ ruộng đến nhà máy bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng ùn ứ lúa tươi chưa được xử lý, làm giảm chất lượng gạo. Các thương nhân thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến gạo thành phẩm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết trước đó.
Đối với những nhà máy tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” (3T), năng suất hoạt động giảm mạnh, chỉ duy trì từ 50% trở xuống do thiếu hụt lực lượng nhân công. Các thương nhân dù đã áp dụng hình thức “1 cung đường - 2 địa điểm” cho nhà máy sản xuất, chế biến, tuy nhiên do bị giới hạn bởi khung giờ không được ra đường (18h đến - 6h), nên một số hoạt động bị gián đoạn qua ngày, làm cho chất lượng hàng hóa tươi sống bị sụt giảm.
Chưa dừng lại ở đó, khó khăn trong khâu vận chuyển từ nhà máy chế biến đến các cảng xuất khẩu cũng là nút thắt lớn cần tháo gỡ. Hiện nay, thị trường thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải, container, sà lan vận chuyển gạo, hàng hóa từ nhà máy chế biến ra cảng. Người lao động làm hàng tại các cảng xuất khẩu cũng bị giảm rất nhiều.
Tại một số địa phương, tài công ghe hoặc tài xế lái máy gặt đập liên hợp được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, tuy nhiên giấy xác nhận này chỉ có hiệu lực trong vòng 72 giờ, không đủ thời gian để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đi các cảng khu vực TP.Hồ Chí Minh.
Kết quả tổng hợp cập nhật từ các hiệp hội và DN khối tư nhân trên toàn quốc được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện cho thấy, hiện có 3 vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt, đó là nhiều nhà máy gặp khó khăn, thách thức trong duy trì hoạt động, đặc biệt khi áp dụng các quy định của mô hình 3T; Cung ứng hàng hóa, gồm cả đầu vào và đầu ra cho các DN và hoạt động tiêu dùng đang đặc biệt khó khăn, vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh hiệu suất hoạt động.
Trong khi đó, sức khỏe tài chính của nhiều DN cũng đang suy yếu do sức chống chịu rất mỏng từ ảnh hưởng của 4 đợt dịch COVID-19 căng thẳng.
Trao quyền cho địa phương để thiết lập các “vùng xanh”
Theo Ban IV, việc thiết lập các “doanh nghiệp xanh” tiến tới hình thành các “vùng xanh” sẽ duy trì sản xuất, kinh doanh trong nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng. Các chuyên gia Ban IV đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỉ lệ doanh nghiệp xanh trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn.
Trên cơ sở đó, chính quyền các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vắc xin để tổ chức tiêm cho người lao động ở các nhà máy, nhóm lái xe, nhân lực logistics tại các công ty vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu..., nhằm tạo lập và phát triển các doanh nghiệp xanh.
Để triển khai thực hiện, Ban IV cho rằng nên trao quyền cho các địa phương được quyết sách chủ động việc tổ chức tiêm tại chính các nhà máy, thay vì chỉ ở trung tâm y tế; hay việc cho phép doanh nghiệp tư nhân phối hợp với chính quyền tổ chức tiêm nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn y tế, dưới sự giám sát và tập huấn của sở y tế tỉnh, thành...