Hiện tại xã Hồng Nam có diện tích trồng nhãn khoảng 200ha với gần 1.200 hộ dân, trong đó có khoảng 54ha nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Với diện tích đó, “sản lượng nhãn năm nay ước tính đạt từ 3.500-4.000 tấn, tăng 50% so với năm ngoái”, ông Vũ Duy Hân - Chủ tịch UBND xã Hồng Nam cho biết.
Ông Trịnh Văn Phi (thôn Nễ Châu) – hộ dân sở hữu 100 gốc nhãn cho hay, nhãn năm nay được mùa nhưng tiêu thụ chậm, năm ngoái giờ này thương lái các nơi đổ xô về đây mua nhiều nhưng năm nay lại rất ít. Hơn nữa, giá nhãn năm nay cũng giảm hơn ½ so với năm ngoái, năm ngoái dịp này bán được từ 25.000-30.000 đồng/kg, còn bây giờ chỉ bán được 13.000-15.000 đồng/kg.
Do nhãn đang vào độ chín nên nhiều hộ dân nơi đây phải thu hoạch trong cảnh không có thương lái đến mua, lượng tiêu thụ ở các chợ cóc hoặc mua lẻ ít. Người dân không còn cách nào khác là phải bán cho các lò làm long nhãn, giá trung bình từ 8.000-12.000 đồng/kg, có khi xuống đến 7.000 đồng/kg.
Trong hoàn cảnh đó, bà Bùi Thị Thanh (thôn Nễ Châu) – chủ nhân của 4 tấn nhãn đang chờ thu hoạch chỉ mong rằng sắp tới sẽ có thương lái về mua với giá từ 11.000-12.000 đồng/kg, giảm ½ so với giá nhãn năm ngoái bà Thanh bán. Dù với giá đó thì tiền bà Thanh bỏ ra để mua phân đạm, thuốc sâu, thuê người bẻ cũng không đủ.
May mắn hơn các hộ dân trên, bà Trịnh Thị Minh Tuyết (thôn Lê Như Hổ) – một hộ dân trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap lại có đầu ra ổn định hơn. Với sản lượng khoảng 10 tấn, gia đình bà Tuyết đã được các siêu thị bao tiêu nhưng giá cả được điều chỉnh theo tuần.
Hiện tại, trong vườn bà Tuyết có 2 loại nhãn chính, nhãn Hương Chi có giá dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg – giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với lúc bắt đầu thu hoạch, giảm từ 5.000-10.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái; còn nhãn đường phèn có giá ổn định và cao hơn dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg, do nhãn này hiếm và khó trồng, sản lượng thấp, chất lượng cao.
Tuy nhiên, những hộ dân như bà Tuyết chỉ chiếm số ít trong các hộ trồng nhãn được mùa nơi đây khi đã tìm được đầu ra, nhưng giá nhãn vẫn bị giảm hơn so với mọi năm. Trong hoàn cảnh ấy, cũng như nhiều hộ dân nơi đây, bà Tuyết mong muốn nhãn có thể xuất khẩu rộng ra nước ngoài và các tỉnh thành trong cả nước để nhãn có thể giữ được giá và có giá cao hơn.
Để khắc phục thực trạng này, chính quyền địa phương đã kết hợp với các ban ngành của tỉnh Hưng Yên tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại kết nối cung cầu nhằm tìm kiếm những hợp đồng tiêu thụ nhãn cho bà con. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, sự bế tắc về đầu ra của các hộ dân trồng nhãn nơi đây vẫn chưa được cải thiện là bao.