Tích cực phối hợp với tổ chức quốc tế để nâng hạng thị trường
Mới đây, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương đã có những chia sẻ cập nhật về tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) trong chương trình Talkshow Phố Tài chính (VTV8). Theo đó, trong thời gian qua, UBCKNN đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, các tổ chức xếp hạng quốc tế và các thành viên thị trường để cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp để tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc trong công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Đối với nội dung ký quỹ trước giao dịch, UBCKNN đã cùng các đơn vị liên quan, thành viên thị trường nghiên cứu giải pháp đối với vấn đề này. Đồng thời UBCKNN cũng chủ động rà soát các văn bản pháp luật về chứng khoán để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để kịp thời đáp ứng tiến độ. Về trung hạn, việc triển khai hoạt động bù trừ thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) là giải pháp cần thiết.
Đối với tỉ lệ sở hữu nước ngoài, Bộ Tài chính (UBCKNN) đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các ngành nghề giới hạn tỉ lệ tham gia của nước ngoài. Công bố công khai thông tin về danh mục các ngành nghề có giới hạn và tỉ lệ cụ thể của từng ngành để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin…
Đồng thời, UBCKNN cũng sẽ báo cáo Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư 96/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK nhằm khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh. Ngoài ra, UBCKNN đang rà soát để sửa đổi quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP theo hướng quy định thời điểm cụ thể các công ty đại chúng bắt buộc phải hoàn thành việc thực hiện thông báo tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trên TTCK...
"Trước mắt, UBCKNN hướng tới đáp ứng tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi thứ cấp. Tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra. Song song với đó, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện quy định trong nước trên cơ sở nghiên cứu các quy định và thông lệ quốc tế để thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư nước ngoài" - bà Phương nói.
Sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành chính thức
Trong năm 2024, Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã được quy định tại đề án Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, một số giải pháp trọng tâm, như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường. Trong đó tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai đề án Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2023 – 2030.
Thứ hai, gắn việc phát hành IPO với niêm yết để các tổ chức phát hành có thể rút ngắn thời gian, khoảng cách từ lúc phát hành đến thời điểm được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là giám sát đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, người hành nghề, các tổ chức phát hành. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Thứ tư, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, làm chủ và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành chính thức trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho việc ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường.
Thứ năm, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đưa những thông tin chính thống, kịp thời ra ngoài thị trường cho công chúng đầu tư. Đồng thời, đào tạo, tập huấn về an ninh phi truyền thống cho người hành nghề, cán bộ lãnh đạo, quản lý của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Thứ sáu, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tập trung công tác chuẩn bị cho Hội nghị Ủy ban Chứng khoán các nước của Tiểu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Việt Nam vào năm 2025.