Vẫn dưới ngưỡng cho phép
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết, chỉ số CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng 2022 tăng 2,73%.
"Theo như chỉ số lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho năm 2022 không quá 4%. Như vậy chúng ta còn dư địa tương đối lớn" - ông Nguyễn Văn Truyền nói.
Đánh giá từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho rằng có một số áp lực làm tăng giá trong nước bao gồm: Giá nhiên liệu và năng lượng còn biến động phức tạp do xung đột trên thế giới; bối cảnh lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm; ảnh hưởng của biến động thời tiết, ngập lụt,... ảnh hưởng đến một số địa phương sẽ dẫn đến việc tăng giá cục bộ một số hàng hoá thiết yếu.
Trong khi đó, một số yếu tố đan xen khác có thể sẽ giúp làm giảm những áp lực trên như việc một số mặt hàng do Nhà nước định giá sẽ giữ ổn định từ nay đến cuối năm; sự kiên định trong điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; miễn giảm thuế, phí.
"Dư địa để thực hiện chỉ tiêu lạm phát đề ra của Quốc hội và Chính phủ dưới 4% là hoàn toàn có thể thực hiện được. Vì vậy, chúng ta khẳng định chỉ tiêu này có thể đạt được một cách yên tâm" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho hay.
Về các giải pháp, cơ quan chức năng cho rằng thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đảm bảo yếu tố cung - cầu và xử lý ngay nếu có yếu tố biến động về giá; điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm; chủ động đề xuất theo lộ trình, đánh giá kỹ tác động trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; sử dụng các công cụ về điều hành giá, như kê khai giá, niêm yết giá, tổ chức thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá.
Tập trung nguồn lực, trí lực để kiểm soát
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mục tiêu của Chính phủ vẫn là nhất quán để thực thi các giải pháp nhằm hướng tới đạt được nhiệm vụ về chỉ tiêu lạm phát đề ra hàng năm.
"Để làm được điều đó, 9 tháng qua, chúng ta đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn, nên nhiệm vụ các giải pháp để kiểm soát lạm phát luôn luôn nằm trong chương trình nghị sự của các cơ quan của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ, các bộ, ngành tập trung rất nhiều nguồn lực, trí lực để đề ra các giải pháp đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng..." - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Nói về các giải pháp về tài chính, Thử trưởng Bộ Tài chính cho hay, đã trình các cấp có thẩm quyền để giảm thuế ngay từ đầu năm cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu.
“Gần đây nhất, tôi xin chia sẻ là Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn các kịch bản khác nữa, không chỉ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà còn thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này, tuỳ thuộc vào diễn biến của giá xăng dầu trên thế giới để ứng phó kịp thời, giữ giá mặt hàng chiến lược. Rồi bên cạnh đó là giá của nông sản, lương thực, giá của dịch vụ y tế, giáo dục... Tất cả những cái đó cộng lại để có được kết quả như ngày hôm nay.
Chúng ta sẽ tiếp tục, không chủ quan, điều phối một cách nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đạt được các mục tiêu” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Thống kê mới đây sau khi công bố chỉ số CPI với mức tăng 2,73%, cho rằng, lạm phát năm 2022 có thể nói là đang được kiểm soát tốt. Một trong những nguyên nhân quan trọng, đó là vì để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Dù vậy, đánh giá một cách thận trọng, phía Tổng cục Thống kê cho hay, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn hiện hữu.
Biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 9.2022 tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Trong 9 tháng năm 2022, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng gồm: Giá dịch vụ giáo dục giảm 1,88% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí trong năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,1%. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,42% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.