Nở rộ nhiều trào lưu ẩm thực mới
Được giới thiệu một quầy trà chanh giã tay khá nổi tiếng tại Quận 1, chị Hoàng Thanh Mai (ngụ quận Bình Tân) đã vượt hơn 10km để tìm đến quầy trà chanh này. Khi đến đây, chị Mai mất thêm khoảng 1 giờ đồng hồ xếp hàng chờ thưởng thức ly trà chanh giã tay mới lạ.
Món trà chanh giã tay được làm từ những nguyên liệu như trà, mật ong, đường, đá, đặc biệt là chanh nước hoa (chanh Quảng Đông) - loại chanh ít nước, vỏ dày, có mùi thơm.
Một số cửa hàng còn sáng tạo cho vào các loại topping như trân châu, thạch…, giá bán dao động 22.000 đồng - 50.000 đồng/ly.
Ghi nhận tại một quầy trà chanh trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1), lượng khách ra vào liên tục, cửa hàng đã tăng cường thêm nhân viên nhưng vẫn không trả kịp đơn hàng.
Chị Mai cho biết, trước đây, chị thử món trà chanh giã tay ở Trung Quốc và ấn tượng với hương vị của nó. Vì thế, khi món trà chanh giã tay xuất hiện tại TPHCM, chị không ngần ngại tìm để thưởng thức.
“Tôi không nghĩ món này về TPHCM lại “hot” như thế. Tôi đến đây xếp hàng vào gọi món, lấy số thứ tự, sau đó đi dạo 1 vòng rồi quay về cửa hàng. Mất gần 1 giờ đồng hồ mới lấy được món”, chị Mai nói.
Một quầy trà chanh giã tay trên đường Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp) cho biết, lượng khách đông nhất vào khoảng 19h - 21h.
Chị Nguyễn Hoàng Kim Phụng (quận Gò Vấp) chia sẻ, chị biết món trà chanh giã tay qua mạng xã hội và đây là lần đầu tiên uống thử. “Tôi tìm thử món này vì chính cách làm thu hút”, chị Phụng cho hay.
Trước trà chanh giã tay, đã xuất hiện các món khác gây sốt như bánh đồng xu, cà phê muối… Điểm chung là các món này đều rầm rộ một thời gian, sau đó lại lắng xuống. Hiện tình trạng khách xếp hàng dài chờ thưởng thức bánh đồng xu không còn, thậm chí một số nơi phải đóng cửa và thanh lí máy móc.
Tránh “vòng xoáy tiêu dùng”
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống và Xã hội - cho rằng, hành vi trên phản ánh chung làn sóng văn hoá tiêu dùng.
Do đó, động lực mua hàng không nhất thiết xuất phát từ nhu cầu thực tế mà đôi khi chỉ mua để khẳng định mình ở một vị thế xã hội nào đó hoặc thấy hấp dẫn trước mắt thì cứ mua. Thời gian ngắn sau đó, sản phẩm đấy không còn hấp dẫn nữa, người tiêu dùng lại chuyển sang mua sản phẩm khác.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho biết thêm, hành vi mua hàng này đã diễn ra hơn 1 thập kỉ nay, tuy nhiên nó bị thúc đẩy nhanh hơn bởi các nền tảng số hoá, kĩ thuật số.
Khi người dùng bị kéo theo từ các phương tiện truyền thông bởi nó cung cấp đúng nhu cầu, tâm lí của người dùng ngay tức thời thì đôi khi, chính điều đó tạo ra áp lực tài chính cho người dùng. Nếu không ý thức về việc này sẽ dễ dàng bị kéo vào vòng xoáy - cảm thấy vất vả, thiếu thốn vì tiêu tốn rất nhiều vào việc mua sắm cho những nhu cầu trước mắt.
“Quá trình đấy diễn ra liên tục thúc đẩy tiêu dùng như một thuật ngữ “tôi tiêu dùng - tôi tồn tại” dẫn đến việc kéo nền tảng xã hội đi xuống”, ông Lộc nhấn mạnh.