Từ thất vọng đến hi vọng…
Trong 5 phiên giao dịch, VN-Index có 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng điểm. Với 2 phiên giảm điểm đầu tuần từ ngày 8-9.3, chỉ số diễn biến trong phiên có lúc bị đẩy xuống ngưỡng hỗ trợ 1.150-1.155 điểm gây nhiều lo lắng, thất vọng.
Bởi theo dự báo, một khi ngưỡng hỗ trợ này bị chọc thủng, VN-Index rất có thể sẽ về lại vùng 1.100-1.120 điểm. Tuy nhiên, kết phiên ngày 9.3 cũng chỉ kéo VN-Index xuống mức 1.161,97 điểm.
2 phiên giữa tuần từ ngày 10-11.3, VN-Index tăng lần lượt 8,11 điểm và 11,65 điểm, đưa chỉ số lên lại mức 1.181,73 điểm. Đây là mức điểm được kì vọng sẽ tiến lên thử thách lại vùng 1.185-1.200 điểm và hoàn toàn có khả năng quay trở lại chinh phục đỉnh lịch sử 1.200 điểm đã được thiết lập cách đây gần 2 năm (4.2018).
Nhưng niềm hi vọng cũng chỉ dừng lại ở hi vọng. Phiên cuối tuần ngày 12.3 được kì vọng chỉ số chứng khoán VN-Index sẽ tiến lên vùng 1.185-1.200 điểm, song diễn biến thực tế thì ngược lại. Ngay từ đầu phiên thị trường đã diễn biến rung lắc, giằng co cho tới cuối phiên, và kết phiên điểm số gần như không thay đổi so với phiên trước, cho thấy thị trường lại tiếp tục xu hướng giằng co, lình xình đi ngang.
Nhìn chung, tính chất diễn biến của chỉ số VN-Index tuần qua tương tự tuần trước đó, là trong một chuỗi phiên lình xình sẽ xuất hiện 1-2 phiên gây bất ngờ với việc giảm hoặc tăng điểm mạnh, nhưng sau đó chỉ số tiếp tục quay trở lại trạng thái diễn biến lình xình đi ngang.
Động lực chính từ đâu?
Các dự báo đều thống nhất rằng thị trường đang chủ yếu diễn biến với trạng thái đi ngang tích lũy trước khi bước vào một làn sóng tăng mới.
Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cái thiếu lớn nhất của thị trường hiện nay là động lực để bứt phá vượt qua đỉnh cũ 1.200 điểm.
Động lực trước hết bắt đầu từ dòng tiền. Theo đó, trong các yếu tố ảnh hưởng gây cản trở việc tiến lên đỉnh 1.200 điểm hiện nay của VN-Index, dòng tiền chưa đủ lực tạo bứt phá chính là lí do lớn nhất.
Tuy nhiên cũng theo bà Kim, để có được dòng tiền mạnh trên sàn HoSE, trước hết vấn đề cần tháo gỡ chính là tình trạng nghẽn lệnh giao dịch đang gây tâm lí bức bối, chán nản cho các nhà đầu tư.
“Nhiều nhà đầu tư bây giờ dường như chỉ còn giao dịch được phiên sáng, còn phiên chiều thường nghẽn lệnh sớm chẳng mua bán gì được nhiều”, bà Kim cho biết.
Trong 5 phiên giao dịch tuần qua, bình quân mỗi phiên thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 15.667 tỉ đồng. Đây là một mức thanh khoản khá cao. Tuy nhiên theo bà Kim, để tạo được bứt phá cho thị trường về điểm số, sàn HoSE cần có thanh khoản bình quân từ 17.000-18.000 tỉ đồng/phiên, thậm chí trong tuần có phiên đạt 20.000 tỉ đồng để đủ sức hấp thụ hết lượng cổ phiếu bán ra chốt lời trên thị trường.
Trước đó, bà Kim từng đưa ra dự báo rằng chỉ số chứng khoán VN-Index có thể vượt đỉnh 1.200 điểm trong nửa cuối tháng 3.2021.
Tuy nhiên, trước tình trạng nghẽn lệnh diễn ra trong mỗi phiên chiều của ngày giao dịch như hiện nay ảnh hưởng nặng đến tâm lí trên thị trường, bà Kim cho rằng thời điểm VN-Index vượt đỉnh có thể không diễn ra như dự báo ban đầu mà sẽ kéo dài hơn.