Đảm bảo hàng hoá được thông suốt
Nghị quyết yêu cầu các bộ ngành cần đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo cân đối vật tư, hàng hoá quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất và đời sống, không để lợi dụng tăng giá.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa lớn.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để thực hiện Nghị quyết, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện, đảm bảo hàng hoá được thông suốt, cung ứng đầy đủ cho người dân.
"Chúng tôi theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, công tác bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời theo sát diễn biến của giá dầu thế giới, tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu, phù hợp với các kịch bản điều hành giá của Chính phủ", ông Đông cho hay.
Cũng theo ông Đông, để thực hiện Nghị quyết, Bộ Công Thương cũng đề nghị các hệ thống phân phối lớn có phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang.
Vận động doanh nghiệp, kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối lớn - hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, không để xảy ra dư thừa.
Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thúc đẩy quảng bá thương hiệu, đưa hàng hóa nói chung, hàng nông sản nói riêng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, bảo đảm kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm;
Hướng dẫn các địa phương về việc đảm bảo lưu thông hàng hoá qua các vùng có dịch, tránh tình trạng mỗi địa phương một hướng dẫn, mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp lên kế hoạch tái khởi động
Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp dệt may lớn trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam có quy mô gần 5.000 lao động cho hay, công ty đã phải nghỉ sản xuất trong vòng 1 tháng nay.
Mặc dù phải đóng cửa, nhưng mỗi tháng công ty chi gần 20 tỉ đồng cho những chi phí cố định, chưa kể chi phí hỗ trợ lương cho người lao động.
"Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội sớm được mở cửa, tái khởi động các hoạt động kinh tế.
Việc mở cửa kinh tế trở lại sẽ được thực hiện từng bước phù hợp theo điều kiện của mỗi doanh nghiệp và quy định của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động", doanh nghiệp này cho hay.
Trao đổi với Lao Động, bà Lê Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhôm Đô Thành (TP.Hà Nội) cho hay, thời gian này, mặc dù vấn đề lưu thông hàng hoá giữa các tỉnh, địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng để không đứt gãy chuỗi cung ứng, công ty vẫn duy trì sản xuất. Có những tuần, hàng hoá chất đầy kho, công ty vẫn chấp nhận để người lao động có việc làm, có thu nhập.
"Chúng tôi mong muốn, ở những vùng ít bị ảnh hưởng bởi dịch, nhà chức trách cho phép những công nhân đang sản xuất "3 tại chỗ" được về nhà. Còn những khu vực "vùng đỏ" thì tiếp tục duy trì sản xuất 3 tại chỗ", bà Tuyết kiến nghị.