Gạo là điểm sáng về xuất khẩu nông sản
Theo các thương gia xuất khẩu gạo, ngày 17.12, trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 493-497 USD/tấn.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, trong 11 tháng qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao dù số lượng gạo xuất khẩu đi nước ngoài giảm.
“Khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỉ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019” – ông Nguyễn Quốc Toản thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, Việt Nam đang thay thế dần các loại gạo phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao để vào thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc… “Việt Nam đang thay đổi cái nhìn của nhiều nước là chỉ xuất khẩu gạo chất lượng thấp” – TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) – ông Phạm Thái Bình khẳng định, gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, đặc biệt giá gạo liên tục tăng đã đánh dấu mức tăng lịch sử trong khoảng một thập kỷ của mặt hàng này.
Nói về nguyên nhân “bứt phá” ngoạn mục của giá trị gạo Việt, ông Phạm Thái Bình phân tích: “Có ba nguyên nhân khiến gạo Việt Nam có bước phát triển tăng cao như hiện nay. Thứ nhất, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, trong đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai mạnh mẽ đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng.
Thứ hai, những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia mang tầm chiến lược như CPTPP, EVFTA gần đây là RCEP và với Anh Quốc đã tạo điều kiện cho Gạo Việt Nam bứt phá.
Thứ ba, năm 2020, tình hình dịch COVID-19 làm suy giảm nhiều ngành nghề, nhưng nhu cầu về lương thực không giảm mà còn tăng, đây cũng là nguyên nhân khách hàng vẫn cần mua gạo Việt Nam”.
Tiếp tục mở rộng thị trường cao cấp, tiềm năng
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, 11 tháng năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Indonesia, tăng gấp 3,1 lần, đạt 83,8 nghìn tấn và 45,6 triệu USD và Trung Quốc, tăng 79,2%, đạt 657,6 nghìn tấn và 379,6 triệu USD.
Xuất khẩu gạo vào thị trường EU cũng tăng mạnh nhờ các lợi thế từ Hiệp định EVFTA.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Cộng hòa Armenia: 400 tấn; Cộng hòa Belarus: 9.600 tấn.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, bên cạnh các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia… doanh nghiệp này cũng đã có thêm nhiều trị trường mới như: Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hàn Quốc, EU…
Tại thị trường Châu Á, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) - cho biết, giá gạo cũng tăng khoảng 10%, trong đó chủ yếu xuất khẩu đi các nước Malaysia, Philippines, Trung Quốc…