Bác sĩ Vũ Minh Đức: “Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi làm người khác vui”

NHẬT LỆ |

Nói đến bác sĩ Vũ Minh Đức, người ta nghĩ ngay đến một người đa tài: Là bác sĩ giỏi, nhà quản lý có tiếng và cũng là nhạc sĩ kiêm tác giả tản văn.

Ở mỗi lĩnh vực, anh đều thể hiện khả năng và sự hết lòng vì nghề. Là một trong những người tiên phong về kỹ thuật chụp, nong động mạch vành cho ngành y Việt Nam, hơn 20 năm qua, bác sĩ Minh Đức luôn tâm niệm phải giữ cho được y đức và chữ tín, đồng thời luôn bao bọc những mảnh đời khó khăn. Nhiều năm qua, anh lập quỹ “Heart to heart - Chắp cánh ước mơ” để trao học bổng tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Người ta còn biết nhiều đến anh với những ca khúc Top 10 “Bài hát Việt” như: “Còn lại những yêu thương”, “Cánh diều còn không”, “Giấc mơ mang anh đến bên em” và “Mưa cho một ngày mới”. Đặc biệt, tản văn “Sài Gòn chữ vội trên vai” khá xúc động của anh cho độc giả thấy có một tâm thế rất Sài Gòn, rất nhân văn đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi cảnh đời, mỗi tâm sự sâu sắc mà thấm thía.

Xin anh cho biết cơ duyên nhận học bổng ở Pháp, rồi trở thành một trong những bác sĩ đi tiên phong về kỹ thuật chụp, nong động mạch vành trong nước?

- Tôi về công tác ở Bệnh viện Thống Nhất năm 1998, rồi hai năm sau đó, đúng năm 2000, may mắn nhận học bổng ở Pháp, học về chuyên ngành tim mạch, kỹ thuật chụp và nong động mạch vành - một kỹ thuật rất mới, mà lúc đó, chỉ có 3 đơn vị triển khai được ở miền Nam là BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, và Viện Tim TPHCM. Sau này, kết hợp với một số chuyên gia nước ngoài và đàn anh ở BV Chợ Rẫy, chúng tôi đã triển khai thành công kỹ thuật trên tại BV Thống Nhất.

Suốt 22 năm gắn bó với nghề, anh nghĩ gì về ngành y?

- Nói đến ngành y ở VN thì phải nói đến hai lĩnh vực: Công và tư. Môi trường công đem lại cho bác sĩ cảm giác an toàn, cứ thế mà làm, tuy nhiên lại dễ có cảm giác an phận, ngại đụng chạm, không dám có ý kiến gì ngược lại số đông, và chỉ những ai kiên tâm, có sức chịu đựng thì mới phát triển tay nghề. Một số tài năng được trọng dụng, nhưng nhìn chung, việc đánh giá chuyên môn vẫn bị đánh đồng một lứa.

Còn ở môi trường tư nhân, thoạt nhìn có vẻ khắc nghiệt hơn, vì người ta cân đo giữa chi phí và doanh thu, bắt buộc bạn phải chứng minh tính hiệu quả trong công việc; thế nhưng ở môi trường này, lương bổng hợp lý hơn, bác sĩ tích cực, năng động hơn, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước sự việc mình đảm trách, thay vì “chịu trách nhiệm tập thể”. Do đó, bác sĩ ở bệnh viện tư mạnh dạn sáng tạo, xây dựng được các quy trình để công việc vận hành hiệu quả hơn. Khi làm ở môi trường tư nhân, tôi thấy mình được là mình, chủ động trong nhiều việc.

Theo tôi nghĩ, môi trường nào để bác sĩ chứng minh được tài năng của mình, tiếp cận bệnh nhân nhiều hơn, dành đầu óc suy nghĩ những điều tốt đẹp cho bệnh nhân, và cao hơn, có cách đối xử với đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới hợp lý, hợp tình, mọi người coi nhau như trong một gia đình, thì đó là môi trường tốt nhất. Như vậy thì mới dễ tạo nên văn hóa trong bệnh viện, giống như văn hóa của doanh nghiệp. Và một bác sĩ trong môi trường y tế tư nhân, không chỉ giỏi chuyên môn, mà giỏi cả quản lý. Nếu không quản lý bệnh viện như một doanh nghiệp, thì khó có thể tăng cao chất lượng phục vụ và sắp xếp mọi thứ có hệ thống. Đó là lý do sau một thời gian làm ở bệnh viện công, tôi có dịp cọ xát ở môi trường tư, và muốn xây dựng hình ảnh của các bệnh viện, phòng khám quốc tế tư nhân với những chuẩn mực nhất định.

Phải chăng tình hình y đức hiện nay đang rất đáng báo động như truyền thông đang lên tiếng?

- Tôi không nghĩ y đức đang xuống dốc báo động. Lý do khiến người ta có cảm giác đấy thực ra là vì cổng thông tin hiện nay mở rộng hơn, rồi mạng cộng đồng phát triển… nên nhiều sự cố trong ngành được cập nhật nhanh và nhiều hơn. Ngày trước có khi còn nhiều sự cố hơn, nhưng vì ít thông tin mà người ta không biết đến. Ở một góc nhìn tích cực nào đó, tôi lại thấy bây giờ mọi việc có vẻ đang tốt hơn, đương nhiên không đề cập đến số ít đối tượng xấu vẫn vi phạm…

Ngày trước, y tế công chiếm ưu thế độc tôn, khiến người bác sĩ rất khổ. Bác sĩ mới ra trường đi làm công quả, “làm không công”, nhiều năm sau cũng không được nhận vào bệnh viện. Từ khi có y tế tư nhân, nhiều người có chỗ làm hơn, còn người ở môi trường công cũng có chỗ thể hiện mình hơn. Đạo đức cũng tốt hơn, lý do, bác sĩ phải khẳng định được tên tuổi thì mới có khả năng đứng vững ở trong môi trường công lẫn tư. Thứ hai, bệnh nhân bây giờ hiểu biết nhiều hơn, họ đặt nhiều câu hỏi kín kẽ và bác sĩ phải biết cách trả lời đầy đủ. Các bệnh viện công hiện nay cũng bắt đầu có các lớp đào tạo chăm sóc khách hàng. Cũng do cạnh tranh giữa môi trường tư và công mà bác sĩ cũng phải ăn mặc chỉn chu, ăn nói đàng hoàng, lịch sự hơn, giải thích cho bệnh nhân rõ ràng hơn… Còn về trong sâu thẳm mà nói thì trên tất cả vẫn là cái tâm, và đằng sau đó là văn hóa, nhân cách.

Nhưng không phủ nhận được rằng đến môi trường bệnh viện, người ta vẫn bị ám ảnh trước cảnh chật chội, quá tải, đông đúc, thiếu vệ sinh…

- Chuyện quá tải, nhếch nhác là câu chuyện của cấp quản lý cao hơn, phải có lời giải cho bài toán vĩ mô này. Riêng trong nội bộ bệnh viện sẽ giải quyết bằng cách nào, đó là điều mà những người lãnh đạo như chúng tôi sẽ phải suy nghĩ tìm ra giải pháp. Còn bây giờ, phần lớn làm theo thói quen, coi đó là chuyện chung, không phải của riêng ai, bệnh nhân đã vô viện thì cứ nằm đi, còn thiếu thái độ cần đến bệnh nhân …

Cuộc sống hiện tại khiến con người dễ stress, bệnh tim mạch cũng tăng lên. Theo anh, nên nhìn nhận hiện tượng này ra sao?

- Bỏ qua bệnh lý bẩm sinh, nếu nói đến tình trạng bệnh mắc phải, thì yếu tố đầu tiên là môi trường ta hít thở hàng ngày đang bị ô nhiễm; tiếp đến là chế độ ăn, công việc và nhịp sống đảo lộn khiến con người dễ stress nhiều hơn; thêm nữa, thiếu ý thức tập thể dục, rèn luyện giữ gìn sức khỏe và cuối cùng là thói quen xấu, như hút thuốc, uống rượu…

Hình ảnh con người hiện đại bất an, tâm thần và phạm tội ngày càng nhiều hơn, liệu có phải vì xã hội cũng đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiêu cực?

- Tôi thấy những gì du nhập vào đều mang đến cả cái tốt lẫn cái xấu. Ví dụ như điện thoại, rồi Google, nơi bọn trẻ có thể lên gõ tìm nhiều thứ… Cái gì đến ồ ạt, mà mình tiếp nhận đúng cách, chỉ tiếp nhận cái tốt có chắt lọc, thì sẽ tránh được đưa cả cái xấu vào. Còn nếu mình vơ đũa cả nắm, thì sẽ chỉ thấy cái xấu mà không thấy cái tốt. Ví dụ, người ta nói ngày xưa không có nhiều bệnh nhân ung thư, mà giờ đây sao bệnh ung thư hoành hành dữ quá. Thật ra, do bây giờ bệnh nhân có điều kiện và ý thức hơn, biết đi khám tổng quát, phát hiện bệnh sớm hơn. Ngày trước chết cũng không biết bệnh gì. Thành ra, đúng là môi trường, rồi thức ăn độc hại nhiều hơn, nhưng cảm giác tỉ lệ bệnh tật nhiều hơn không hẳn chính xác. Chúng ta phải cảm ơn y học phát triển không ngừng, nhờ có máy móc và các phương tiện hiện đại mà con người phát hiện bệnh sớm hơn, tỉ lệ được chẩn đoán cao hơn.

Vì sao đang là bác sĩ hàng đầu trong chữa trị tim mạch theo phương pháp mới, anh lại chuyển sang công việc quản lý?

- Ngày trước, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vì mạch vành bị hẹp, máu chỉ đi qua được một ít, rồi bị tắc luôn. Ở vị trí bị tắc, máu không xuống được, chúng tôi đưa một cái stent (giống như cái lưới) vào đúng chỗ, bung lên để giúp tái thông mạch máu bị tắc nghẽn. Tôi làm công việc này suốt 7 - 8 năm. Đây là một ngành khá "hot", với người nước ngoài thì là ngành thu nhiều tiền. Còn ở Việt Nam, chúng tôi có vị trí cao, có thể nói là “hàng hiệu”. Nhưng phải nói công việc đó chịu ảnh hưởng tia X-quang cực kỳ độc hại. Có ca khó đứng làm suốt 4 tiếng đồng hồ chưa xong. Bác sĩ cũng được mặc áo chì, nhưng che chắn không hoàn toàn. Riêng tôi cẩn thận mặc 2 áo chì, nhiều khi làm xong người mỏi nhừ vì áo quá nặng. Song do kỹ thuật mới, ít người làm, nên chúng tôi cứ ráng. Sau này, đào tạo xong một lớp bác sĩ mới thì mới đỡ vất vả. Tuy nhiên, chưa có ai thật sự có tâm đứng ra bảo vệ cho bác sĩ chúng tôi. Nước ngoài ra quy định mỗi ngày chỉ được làm bao nhiêu ca thôi. Bác sĩ được bồi dưỡng, uống sữa để hấp thu bớt những độc hại… Ngoài ra thu nhập cao gấp nhiều lần so với người bình thường. Áo chì của họ cũng nhẹ hơn, độ ngăn chặn tia X-quang xuyên thấu cũng tốt hơn.

Tôi từng say mê kỹ thuật này, giờ kỹ thuật đó đã phát triển nhiều, tôi quay lại công việc điều trị nội khoa tim mạch song song với việc làm một nhà quản lý. Cùng lúc đó có những bệnh viện tư ra đời, nên tôi chuyển ra làm và trải nghiệm môi trường y tế tư nhân. Bệnh viện Quốc tế Vũ Anh là nơi để tôi học hỏi rất nhiều. Tôi là bác sĩ trưởng khoa Tim mạch và phụ trách khối nội ở đó, đã xây dựng được những quy trình chuyên môn và dịch vụ. Sau một thời gian, tôi chuyển sang một môi trường khác - phòng khám quốc tế Victoria.

Chỉ một phòng khám nhỏ nhưng lượng khách luôn đông, vì nơi đây làm quy trình khá tốt theo mô hình phòng khám quốc tế. Song song với công việc tại phòng khám, tôi bắt đầu học về nghề giám đốc điều hành tại Viện kinh tế. Trong khi tôi đang ước có thể mở một phòng khám tương tự vậy, thì đúng lúc gặp đối tác, cùng bắt tay thực hiện mở phòng khám quốc tế Yersin. Nhờ một cơ duyên khác, tôi chuyển sang làm Giám đốc điều hành tại phòng khám Tân Mỹ. Cứ thế, dần dần tôi trở thành cổ đông sáng lập.

Thời gian khám chữa bệnh và điều hành công việc dày đặc như thế, anh lấy đâu thời gian sáng tác nhạc?

- Buổi sáng, tôi vẫn làm công việc của một bác sĩ tim mạch, còn buổi chiều, tôi mới là nhà quản lý.

Khi tất cả đã đâu vào đó, tôi chỉ dành vài buổi chiều để làm việc cùng các trưởng bộ phận. Trong cuộc sống, rất khó có điều gì khiến tôi bị stress. Bởi tôi lấy niềm vui trong công việc làm đầu. Chuyện viết văn, viết nhạc đầu tiên là do năng khiếu. Nhưng tính tôi đã làm gì thì làm nghiêm túc, không muốn chỉ là dân nghiệp dư. Những năm học sau đại học, tôi đi dạy học, đi hát phòng trà kiếm thêm tiền. Có một ngày, tôi nghêu ngao một giai điệu, thấy cũng hay hay, nên tìm cách tự học guitar, tìm sách tự học về nhạc lý để ký âm lại. Những bài nhạc đầu tiên khiến tôi hưng phấn. Rồi tôi tham gia "Bài hát Việt", được chọn cũng thấy vui và tự tin hơn. Tôi bắt đầu buộc mình phải viết ca từ hay hơn, viết nhạc kỹ hơn. Bây giờ tôi đã có hơn 120 bài, trong đó khoảng 50 - 60 bài đã thu âm.

Thế còn việc viết văn?

- Lúc nhỏ, tôi học chuyên toán nên không giỏi về văn. Nhưng càng học lên, tôi thấy mình có khả năng viết nghị luận. Mỗi ngày đi làm, thời gian trống ngồi trên xe không làm gì, trong đầu tôi lại lên ý tưởng, viết trên điện thoại. Chiều về lên xe, tôi lại mở ra, đọc lại và viết tiếp. Những dòng tản văn ra đời từ đó. Tôi nghĩ rằng, mình cần truyền năng lượng tích cực, cho mỗi ngày đều thấy vui, hoặc làm thay đổi được ai đó. Những bài đầu tiên tôi post lên Facebook với chủ đề “Sài Gòn bé tẹo, ai bỏ túi mang theo?”. Không ngờ lượt người xem khá đông. Tôi thử viết tiếp, tự dưng tạo một cộng đồng quan tâm những gì mình viết. Nhạc sĩ Quỳnh Lệ khuyên tôi nên làm sách. Thế là cuốn “Sài Gòn chữ vội trên vai” ra đời. Hiện NXB Văn hóa Văn nghệ đang đặt tôi viết tiếp “Thư gửi cho con”.

Xin anh cho biết thêm về quỹ “Chắp cánh ước mơ”?

- Tôi muốn giúp những trẻ em nghèo học giỏi, sau này lớn lên, đó sẽ là cộng đồng xây quỹ giúp những đứa trẻ khác. Sau đêm nhạc đầu tiên, tôi bắt đầu gây quỹ, đến vùng sâu vùng xa ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai) trao 20 suất học bổng. Sau đó, tôi cấp học bổng cho một cậu bé học giỏi Anh văn ở Huế có cha suy thận nặng phải chạy thận, mẹ làm thuê, bằng cách liên hệ với trường chọn một giáo viên dạy giỏi tiếng Anh để dạy em đến khi lên đại học. Có một cô bé ở Nghệ An nhà rất nghèo, thi khối C được 21,5 điểm mà không đủ tiền đi học. Cô bé lên kế hoạch đi làm thêm để sang năm thi tiếp. Tôi chuyển học bổng cho em để được vào trường đại học. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của các anh chị tôi ở nước ngoài, chúng tôi muốn giúp những sinh viên y khoa khó khăn. Vừa rồi, có cậu sinh viên ngành y có hoàn cảnh rất tội nghiệp: Anh cậu bị tâm thần, người cha 70 tuổi đi bán vé số. Tôi quyết định cấp học bổng cho cậu suốt 6 năm. Hiện tôi đang tìm kiếm những học sinh như thế để giúp họ bước vào trường đại học, thực hiện ước mơ của mình.

Ý nghĩa cuộc sống với anh là gì?

- Lúc mới đi làm, lúc nào cũng muốn kiếm nhiều tiền. Bây giờ cũng muốn kiếm nhiều tiền, nhưng là để giúp đỡ nhiều người hơn. Nói chung, tiền chẳng bao giờ đủ. Tôi nghĩ, cuộc sống chỉ có ý nghĩa để mình thấy vui và nhẹ nhàng, là mình làm cho người khác vui. Còn mình làm cho mình cả đời cũng chẳng bao giờ hài lòng hết, và thời gian trôi qua, lại càng có nhiều thứ khiến mình ham muốn hơn.

Xin cảm ơn anh!

NHẬT LỆ
TIN LIÊN QUAN

Mẹ ruột đau đớn khi con trai nghi bị bạo hành phải nhập viện

Minh Anh |

TPHCM - Nhìn con trai nằm bất tỉnh trong phòng bệnh, khắp cơ thể chi chít vết bầm tím và bỏng rộp nghi do bị bạo hành, chị N.T.V. không kìm được nước mắt.

Hà Nội trang hoàng rực rỡ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

HOÀNG LỘC - HUYỀN TRANG |

Hà Nội - Người dân háo hức đi chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, với cờ hoa rực rỡ ở khắp các tuyến phố.

Tìm giải pháp cho ngư dân mất kết nối giám sát trên biển

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Cục Thủy sản, nhà mạng VinaPhone - VNPT, Chi cục Thủy sản và người dân đã có buổi làm việc để tháo gỡ việc mất kết nối giám sát hành trình.

Nghi vấn Iran dùng tên lửa siêu thanh tấn công Israel

Khánh Minh |

Iran được cho là lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Fattah 1 trong cuộc tấn công vào Israel, song các chuyên gia vũ khí đã bày tỏ hoài nghi.

HLV Kim Sang-sik tìm nhân tố trẻ cho tuyển Việt Nam

MINH PHONG |

Khi các trụ cột đang sa sút, huấn luyện viên Kim Sang-sik buộc phải tìm những nhân tố trẻ mới cho đội tuyển Việt Nam.

Người dân Hà Nội khoác áo dài, hào hứng đón không khí lạnh

HOÀNG XUYẾN - VIỆT ANH |

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết Hà Nội bắt đầu chuyển sang mát mẻ, se lạnh vào buổi sáng.

Huyện nông thôn mới đầu tiên của Quảng Ninh lên thành phố

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Ngày 1.11.2024, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức có hiệu lực.

Cận cảnh côn trùng chưa có thuốc trị tấn công lúa diện rộng

Lục Tùng - Phong Linh |

Kiên Giang - Trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị, bọ xít hôi có khả năng tiếp tục gây hại trên nhiều cánh đồng lúaĐồng bằng sông Cửu Long.