Bản lĩnh người dầu khí trong đại dịch COVID-19

T.T.VINH |

Trước diễn biến đại dịch COVID-19 phức tạp trong nước và các quốc gia láng giềng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng như các đơn vị thành viên đã và đang chủ động thắt chặt, tăng cường các giải pháp ứng phó dịch bệnh, chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công” với mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ động, quyết liệt với chủ trương “nhiều vòng - nhiều lớp”

Hiện, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, cũng như bùng phát mạnh ở các quốc gia Châu Á, đặc biệt là các nước có đường biên giới chung với nước ta. Nhận thức tình hình dịch bệnh tác động rất lớn đến mọi hoạt động, với kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19, các đơn vị trong toàn Tập đoàn đang theo dõi rất chặt chẽ, kích hoạt các giải pháp ứng phó theo các kịch bản khác nhau, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến tại 8 điểm cầu trong cả nước với lãnh đạo các đơn vị thành viên, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo rõ: Trước những diễn biến mới tình hình dịch bệnh, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung đánh giá các rủi ro, biến động của tình hình dịch bệnh để cập nhật, triển khai các giải pháp ứng phó, nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì nhịp độ SXKD, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, lãnh đạo Tập đoàn liên tiếp ban hành các chỉ thị yêu cầu các đơn vị, đoàn thể trong toàn Tập đoàn tập trung rà soát cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, đảm bảo phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe CBCNV, người lao động, đặc biệt tại các địa điểm tập trung đông người như giàn khoan, nhà máy, công trường; Yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống dịch, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống; căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh bố trí, sắp xếp, hình thức làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến đảm bảo an toàn, thông suốt mọi hoạt động SXKD; tăng cường các hình thức họp trực tuyến; tập trung tuyên truyền, phổ biến tới CBCNV thực hiện nghiêm yêu cầu 5K theo đúng quy định. Ngoài ra, các ban ứng cứu tình huống khẩn cấp của Tập đoàn và các đơn vị phải tổ chức ứng trực 24/7, chủ động liên lạc, báo cáo khẩn cấp khi có ca nhiễm để Tập đoàn có biện pháp chỉ đạo xử lý.

Thực hiện nghiêm túc các chỉ thị từ Tập đoàn, các đơn vị trực thuộc Petrovietnam đã và đang triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái chủ động, kiểm soát tình hình.

Đến nay, có thể khẳng định, công tác phòng chống dịch COVID-19 được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong toàn Tập đoàn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn Tập đoàn không có trường hợp nào nhiễm COVID-19.

PSR tiến hành xét nghiệm PCR cho nhân sự trực tiếp sản xuất. Ảnh PVN
BSR tiến hành xét nghiệm PCR cho nhân sự trực tiếp sản xuất. Ảnh PVN

Có cả sự hy sinh thầm lặng

Người lao động Dầu khí hiện diện trên khắp các lục địa, vùng biển, từ sa mạc Sahara, Qatar đến Nga, Peru, Malaysia, Camphuchia... Việc đổi ca cho người lao động ở các tổ hợp ngoài biển, cũng như ở nước ngoài rất khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người lao động. Do đó, Ban lãnh đạo Petrovietnam đã đặc biệt lưu ý các đơn vị cần động viên, đôn đốc người phụ trách các dự án ở nước ngoài, nhân sự công tác ngoài khơi, không chỉ bảo đảm gìn giữ an toàn trước dịch bệnh mà còn đảm bảo an toàn lao động, tránh để yếu tố tâm lý ảnh hưởng xấu đến người lao động, đến hoạt động SXKD cũng như công tác phòng, chống dịch.

Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, hàng nghìn người lao động Dầu khí đã và đang bị kẹt lại ở nước ngoài. Điển hình như những cán bộ biệt phái của PVEP, hằng năm trời không đổi ca, làm việc và sinh hoạt tại khu mỏ nằm giữa sa mạc Sahara đầy khắc nghiệt; những thuyền viên trên các con tàu của PVTrans kẹt trên các vùng biển quốc tế; tàu PTSC Hải Phòng bị kẹt lại nhiều tháng trời tại Malaysia khi đất nước này đóng cửa biên giới... Trong đó, không ít hoàn cảnh mang những nỗi niềm không dễ sẻ chia, đó là những người chồng xa vợ, người cha xa gia đình, thậm chí có những người con không kịp về nhìn cha mẹ già lần cuối. Họ đã phải nén đau thương, tự mình vượt qua những ngày tháng khó khăn nơi xứ người xa lạ, tiếp tục công việc và hoàn thành nhiệm vụ được giao!

Những lúc này, sự quan tâm, động viên từ ban lãnh đạo các đơn vị bằng những cuộc trò chuyện qua điện thoại trực tuyến, email thăm hỏi, cổ vũ tinh thần, bằng chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp, bằng những lần thăm hỏi người thân của CBNV, người lao động ở quê nhà, đã không chỉ tiếp thêm nghị lực, tinh thần, còn làm ấm lòng người dầu khí xa quê...

Có thể nói, nếu trong những điều kiện thuận lợi bình thường, người lao động Dầu khí luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thì trong hoàn cảnh bất định, đầy khó khăn như hiện nay, người Dầu khí càng thể hiện bản lĩnh cũng như ý chí, nghị lực của mình. Trong các nhà máy, xí nghiệp, trên các giàn khai thác ngoài khơi hay trong đất liền là sự kiên nhẫn, đoàn kết, hy sinh, sẻ chia, chung lòng cùng vượt khó. Họ nỗ lực ngày đêm để làm việc, bởi nhiều người trong số họ giờ đây phải đảm nhận thêm phần việc của đồng nghiệp do thực hiện biện pháp giãn cách phòng chống dịch! Đó là câu chuyện anh Lê Bá Tuấn, hiện đang làm việc cho dự án khai thác dầu khí của Tập đoàn/PVEP tại Algeria, là một trường hợp điển hình. Anh đã không thể trở về Việt Nam kể từ tháng 2.2020, ngày đi cũng là thời điểm bùng phát dịch COVID-19 đợt 1, anh hy vọng chậm vài ca làm việc rồi sẽ được về thăm nhà. Thế nhưng, diễn biến nghiêm trọng tại Châu Âu và một số nước Bắc Phi, trong đó có Algeria, đã khiến tình hình thay đổi, các nước dừng bay quốc tế, một số nước đóng cửa biên giới. Anh Tuấn và tất cả anh em Việt Nam tại dự án đều không về được. Bế tắc kéo dài, may sao, đến tháng 7.2020, Chính phủ bố trí được chuyến bay giải cứu công dân xuất phát từ Pháp, vì vậy anh em dự án mới có cơ hội trở về. Ngặt nỗi, số chỗ ngồi có hạn, là lãnh đạo, lại nhiều tuổi nhất, từng nhiều năm công tác xa nhà, anh Tuấn đã ở lại, nhường cơ hội cho anh em trẻ hơn dù lòng anh đau đáu khi nghĩ đến gia đình vợ ốm, cha già đã gần đất xa trời. Đó cũng là cơ hội duy nhất để đưa người Việt ở Algeria trở về trong cuộc giải cứu công dân của Chính phủ. Đó cũng là sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều người Dầu khí trong đại dịch!

Mặc dù chúng ta hiện “cơ bản kiểm soát được tình hình”, nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, nguy cơ dịch bệnh rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn. Thủ tướng cũng nói rằng Việt Nam cần chuyển trạng thái chống dịch từ “phòng ngự sang chủ động tấn công”. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiêm vaccine phòng chống COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho CBCNV trong thời điểm dịch diễn biến khó lường, chủ động chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công”, Petrovietnam đã làm việc với Bộ Y tế tiến hành triển khai tiêm vaccine cho CBCNV bắt đầu từ Cơ quan Tập đoàn. Petrovietnam cũng là một trong những đơn vị kinh tế đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vaccine cho CBCNV.

Đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều dự án, công trình, tòa nhà, văn phòng của Petrovietnam và các đơn vị thành viên nằm trên địa bàn có ca mắc COVID-19, nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ các vùng dịch vào Việt Nam để tham gia các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng. Dù vậy, mọi hoạt động SXKD của Petrovietnam luôn được đảm bảo thông suốt, an toàn tuyệt đối. Kết quả đó không chỉ thể hiện sự quyết liệt, chủ động của Ban lãnh đạo Petrovietnam trong công tác chỉ đạo xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó dịch bệnh, mà còn thể hiện tinh thần nghiêm túc, sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, có cả sự hy sinh của toàn thể người lao động Dầu khí, trong mọi hoàn cảnh đều tận tâm, tận lực phấn đấu hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được giao - đó chính là bản lĩnh, văn hóa Petrovietnam.

T.T.VINH
TIN LIÊN QUAN

Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát động Tháng Công nhân 2021

Thành An |

Ngày 23.4, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2021, tuyên dương người lao động dầu khí tiêu biểu và khen thưởng các cá nhân xuất sắc thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công đoàn Dầu khí Việt Nam, LĐLĐ Cà Mau tổng kết quy chế phối hợp

NHẬT HỒ |

Tối 16.4, tại Cà Mau, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐDKVN) và LĐLĐ tỉnh Cà Mau tổng kết 10 năm thực hiện quy chế phối hợp, đồng thời tiếp tục ký quy chế phối hợp toàn diện giai đoạn 2021 -2026. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự và chứng kiến lễ ký kết.

Công đoàn Dầu khí Việt Nam dự kiến phát động Tháng Công nhân vào 23.4

Hải Anh |

Công đoàn Dầu khí Việt Nam dự kiến tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh, lao động vào ngày 23.4 tại Vũng Tàu.

Đơn vị duy nhất ngành Dầu khí được Tổng LĐLĐVN tặng Cờ thi đua “Hai giỏi”

Hải Anh |

Trong ngành Dầu khí, Ban Nữ công Công đoàn Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là đơn vị duy nhất của ngành được Tổng LĐLĐVN tặng Cờ thi đua cho phong trào thi đua “Hai giỏi” giai đoạn 2010-2020.

Tái khởi động dự án hơn 17 tỉ đồng sau phản ánh của Lao Động

THANH BÌNH - QUANG ĐẠT |

Sau phản ánh của Báo Lao Động, dự án hơn 17 tỉ đồng sửa chữa con đường lầy lội vào xã nông thôn mới đầu tiên tại Điện Biên đã được tái khởi động.

Chứng khoán đón dòng tiền mới

Gia Miêu |

Chứng khoán chưa thể thành công chinh phục ngưỡng 1.300 điểm, nhưng sự điều chỉnh sẽ tạo cơ hội đón đầu mùa công bố kết quả kinh doanh quý III.

Cháy lớn tại nhà máy chè ở Yên Bái

Bảo Nguyên |

Vụ cháy kéo dài 5 giờ đồng hồ tại nhà máy chè ở Yên Bái gây thiệt hại lớn về tài sản.

Thanh Thúy và hình mẫu cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp

HOÀI VIỆT |

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy luôn được các huấn luyện viên đánh giá cao ở tính kỷ luật trong tập luyện, thi đấu chuyên môn và tính cách cá nhân.