Biển và mở cửa giao thương

PGS.TS. TRỊNH SINH |

Nước ta có hơn 3.200 cây số đường bờ biển. Đó thực sự là một nguồn tài sản vô giá mà cha ông để lại sau hàng ngàn năm “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Con đường mở cõi cũng là con đường dọc ven biển về phương nam, để đến hôm nay, hình dáng đất mẹ có quá nửa đường viền là biển khơi.

Từ cách đây hơn 2.000 năm, con đường ven biển nước Việt ngày nay đã là con đường giao thương nhộn nhịp, cũng không ngoại trừ cả vấn đề các dòng người di cư xuôi ngược mà các nhà khảo cổ gọi chung là sự giao lưu văn hóa. Đã tìm ra những bằng chứng từ trong lòng đất, lòng biển các hiện vật đánh dấu sự giao lưu đó. Đấy là các trống đồng Đông Sơn do người Việt cổ đúc lại tìm thấy ở nhiều hòn đảo của Indonesia, đảo Cosamui của Thái Lan, ven bờ biển của Malaysia và ở trong một mộ táng ven biển có tên gọi là Thượng Mã Sơn ở huyện An Cát, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Đấy còn là các khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu nhọn bằng đá ngọc của văn hóa Sa Huỳnh đã có mặt ở Philippines, ở tỉnh Uthong ven biển Thái Lan, ở đảo Đài Loan… Theo chiều ngược lại, đất này cũng tiếp nhận các hiện vật của nhiều nền văn hóa xa xôi khác như các hạt chuỗi bằng đá quý, đồ trang sức từ công xưởng chế tác của một số làng quê ven biển miền đông Ấn Độ có mặt ở di tích Hòa Diêm (Khánh Hòa), Lai Nghi (Quảng Nam). Người ta còn tìm thấy các đồng tiền La Mã cổ đại có mặt trong di chỉ khảo cổ Óc Eo vùng Nam Bộ. Nhiều thế kỷ sau đó, con đường Đông - Tây ven biển lại nhộn nhịp với việc xuất đi từ miền Trung Việt Nam các gia vị và lâm sản sang nhiều vùng đất phía tây mà các nhà khoa học gọi con đường thương mại nhộn nhịp ven biển này là “con đường gia vị”.

Vào thời Lý - Trần, nhà nước Đại Việt cũng không “quay lưng” với biển mà tiếp tục khai thác mặt mạnh của biển trong giao thương. “Đại Việt sử ký toàn thư” còn ghi lại nhiều lần thương cảng Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) là nơi được triều đình cho phép các tàu buôn của nước ngoài cập bến và lập cơ sở buôn bán ở đó: Tàu buôn của Thái Lan và Indonesia cổ đại đã từng xin vua Lý Anh Tông cho cập bến Vân Đồn để buôn bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương vào năm Kỷ Tỵ (1149). Khi đó, một số nhà nước cổ đại là Lộ Lạc và Xiêm La đã có trang trại nơi hải đảo ở xứ Hải Đông (Quảng Ninh). Mà Lộ Lạc có thể là từ chữ Lộ Hạc, biến âm từ chữ chỉ nước La Hộc tức quốc gia Lavo ở Lopburi, Thái Lan ngày nay. Còn Xiêm La (hoặc là Xiêm) là quốc gia của người Thái ở vùng thượng lưu sông Mê Nam thời cổ. Có thể đây chính là nhà nước Sukhothai của Thái Lan.

Vào thời Trần, dưới triều vua Trần Anh Tông, vào năm Hưng Long thứ 13 (năm Ất Tỵ 1305), “Đại Việt sử ký toàn thư” lại chép nước La Hồi sai người dâng vải liễn la và nhiều thứ khác lên triều đình Đại Việt. Mà theo giải mã của các sử gia thì La Hồi chính là nước La Hộc, Thái Lan.

Vào năm Canh Tý (1360), dưới triều vua Trần Dụ Tông, thuyền buôn của nước Lộ Hạc và Xiêm La lại tiếp tục đến hải cảng Vân Đồn buôn bán và dâng các vật lạ.

Vào thời Lê, nhà Lê có giai đoạn mở cửa giao lưu với tàu buôn nước ngoài. Thuyền buôn Hà Lan ngược sông Hồng vào tận Phố Hiến (Hưng Yên), tạo ra cảnh sầm uất một thời “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Chính nhờ sự giao thương này, mà ông vua Lê Thần Tông có được bà vợ ngoại quốc người Hà Lan, nay bà Hoàng hậu này còn được thờ ở chùa Mật Sơn (Thanh Hóa).

Cũng ở thời Lê, chúng ta có được di sản Hội An (mà nay là Di sản văn hóa thế giới) là nhờ có sự “mở cửa” biển để giao thương với các nước, mà chủ yếu là Nhật Bản. Cái chùa Cầu giữa Hội An và nhiều lăng mộ thương gia người Nhật ở trong vùng đã nói lên mối kết giao Việt Nhật có từ thuở ấy. Khi đó, vùng Hội An dưới sự cai quản của các Chúa Nguyễn có chính sách ngoại thương cởi mở. Bằng chứng thuyết phục là bức Quốc thư có niên hiệu Quang Hưng thứ 14 (1591) của chúa Nguyễn Hoàng gửi chính quyền Hideyoshi, Nhật Bản trao đổi về việc giao thương hay bức Quốc thư của chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi Mạc Phủ Tokugawa, Nhật Bản trao đổi buôn bán có niên hiệu Hoằng Định thứ 11 (1610). Khá thú vị là trong kho tàng nghệ thuật của Nhật Bản, có một bức tranh cuốn Jyomyo có tên là “Giao Chỉ Quốc mậu dịch hải đồ” của Mạc Phủ Tokugawa tả cảnh thuyền buôn Châu Ấn của Nhật cập cảng Hội An thế kỷ 17.

Một phần của bức tranh cuốn Jyomyo tả cảnh Hội An thế kỷ 17.

Cho đến thời các vua Nguyễn trị vì đất nước, bên cạnh nhiều cái “được” của nhà Nguyễn như khai khẩn đất đai phương Nam, đất nước yên bình. Bản đồ Việt Nam ngày nay có được như vậy là nhờ chính sách của ông vua sáng thời bấy giờ là Minh Mạng. Tuy nhiên, trước bối cảnh làn sóng phương Tây ào ạt tràn vào Đông Á, các vua Nguyễn đã có một chính sách sai lầm đối với biển và sự mở cửa giao thương: “Bế quan tỏa cảng”, không chấp nhận giao thương mở cửa với phương Tây và học hỏi kỹ nghệ của họ. Điều đó dẫn đến bi kịch mất nước. Chỉ đơn cử một dẫn chứng: Vào sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, dưới sự chỉ huy của đại úy Garnier, đội quân ô hợp chỉ có hơn 300 lính cùng với 2 pháo thuyền, đã chiếm được Bắc thành, Hà Nội. Đạn từ thuyền Pháp bắn vỡ Cửa Nam. Hơn 2.000 quân nhà Nguyễn trang bị gươm, giáo thô sơ, thua trận bởi vũ khí tân tiến của giặc. Đến nỗi mà vào trận, quân Nguyễn chỉ có một ít súng hỏa mai mà cũng không được huấn luyện để sử dụng. Gươm giáo không đọ được với đạn pháo chiến thuyền. Nhà Nguyễn không đánh giá đúng thời cuộc. Cái năm 1858, Pháp đánh Đà Nẵng với vũ khí hiện đại hơn, lẽ ra nhà Nguyễn phải lấy đó làm bài học, kịp hiện đại hóa vũ khí quân đội.

Cùng thời điểm nhà Nguyễn đóng cửa biển, thì ở Nhật lại mở cửa biển với chính sách “Duy Tân” của Minh Trị Thiên Hoàng. Chủ động giao thương, học hỏi, tăng cường kỹ nghệ quốc phòng mà rồi vẫn giữ được chủ quyền đất nước. Hai nước Đông Á cùng hoàn cảnh, cùng một trình độ phát triển kinh tế, xã hội của nửa cuối thế kỷ 19 mà đã có cách ứng xử với chuyện mở hay không mở cửa giao thương khác nhau.

Trong một thế giới phẳng như hôm nay, nước ta đã phát triển mạnh về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, dường như con đường ngoại thương qua đường biển với những con tàu vượt đại dương đang còn… mắc cạn. Chúng ta vẫn chưa nhận thức đúng về tài sản vô giá của đất nước chính là cái vị trí địa lợi của mình là có được cái “mặt tiền” hướng ra Biển Đông.

PGS.TS. TRỊNH SINH
TIN LIÊN QUAN

32 bàn thắng ở 7 trận đầu lượt trận thứ hai Champions League

tam nguyên |

32 bàn thắng được ghi trong loạt 7 trận đấu mở màn lượt trận thứ hai UEFA Champions League 2024-2025.

Hà Nội trang hoàng dịp kỉ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Nhật Minh |

Hà Nội - Nhiều tuyến phố, địa điểm công cộng tại Hà Nội được trang trí cờ, hoa, pano để chào mừng kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Nước Sông Hồng dâng cao, cầu phao Phong Châu tạm đóng

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều tối 1.10, cầu phao Phong Châu phải tạm ngừng phục vụ người dân do nước sông Hồng dâng cao.

Sau lũ quét kinh hoàng, Làng Nủ tiếp tục bị chia cắt

Đinh Đại |

Lào Cai - Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vào Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên bị chia cắt.

Thông tin chính thức về tiến độ đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Xuyên Đông |

Chiều 1.10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cuộc trao đổi thông tin với báo chí về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.