Không ngạc nhiên

Cấm kỵ để làm gì?

Hà Quang Minh |

Hôm 15.1 vừa rồi, trên sóng VTV3, trong chương trình “Biệt tài tí hon” xuất hiện một cậu bé 4 tuổi, ở Hà Nội, tên là Nguyên Hoàng. Tài năng mà bé 4 tuổi ấy mang ra trình diễn là ca hát và những ca khúc mà bé hát là nhạc bolero, hay vẫn gọi là nhạc vàng, nhạc sến.

Và ngay lập tức, phần trình diễn của Nguyên Hoàng (phải nói là bé hát rất hay) đã tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Rất nhiều người ngợi khen giọng ca trong trẻo, tình cảm cũng như khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng nắm chắc tiết tấu của cậu. Nhưng cũng nhiều không kém là những người lên tiếng chỉ trích cha mẹ, những người làm chương trình, những giám khảo, những người kiểm duyệt đã “vô nhân đạo” khi “khuyến khích trẻ con hát nhạc não tình”.

Thực sự, quan điểm nào cũng có lý của nó cả và nếu ta đặt chỗ ngồi của mình ở vào góc quan sát nào, ta sẽ có đánh giá của mình dựa trên góc quan sát ấy. Và câu chuyện kia không phải riêng của Nguyên Hoàng, hay những giám khảo như Trấn Thành, Cẩm Ly, Mỹ Linh… mà là câu chuyện chung của cả xã hội Việt Nam. Mỗi khi có một chương trình mà trẻ em làm gì đó hơi “người lớn” là y như rằng chúng ta sẽ có phản ứng tương tự. Nửa khen cuồng nhiệt, nửa chê mãnh liệt, hai nửa không bao giờ chấp nhận đội trời chung.

Quay trở lại với câu chuyện trẻ em hát nhạc người lớn và không khu biệt hóa nó ở môi trường xã hội Việt hôm nay mà mở rộng nó ra ở môi trường toàn cầu, chúng ta sẽ dễ nhận thấy có rất nhiều ví dụ tương đồng. Đơn cử là trường hợp của cậu bé Kai trong “Ellen’s Show”, một talk show từ năm 2003 của người dẫn Ellen DeGeneres. Cậu bé Kai, khoảng 3 - 4 tuổi, lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình của Ellen cách đây khoảng 4 năm, với ca khúc Grenade của Bruno Mars, ca sĩ mà cậu thần tượng. Và một trong những câu Kai hát dịch ra tiếng Việt là “Ôi lẽ ra anh phải biết em là nỗi phiền của đời anh ngay từ nụ hôn đầu tiên của chúng mình vì em hôn anh với đôi mắt mở rộng”.

Vâng, câu hát ấy có “não tình” không, xét theo tiêu chuẩn của người phương Tây. Có thể nói, nó thuộc diện sến. Nhưng người phương Tây không có những quan điểm như chúng ta, tức là sẽ đả kích người làm chương trình hay cha mẹ của bé đã cho trẻ nghe và thuộc những thứ như thế.

Tất nhiên, phương Tây không phải chuẩn mực song cách họ cư xử với trẻ em lại là thứ chúng ta nên tham khảo. Họ đối diện đứa bé như một con người bình đẳng chứ không phải như một thứ còn non nớt nên buộc phải cấm kỵ tất thảy. Và nên nhớ, chúng ta nghe nhạc gì, xem phim gì, con cái của chúng ta sẽ rất dễ nhớ và thuộc loại nhạc cũng như phim ấy.

Kai sau đó còn trở lại với “Ellen’s Show” vài chương trình nữa và chương trình nào cậu cũng hát một bài rất người lớn. Điều đó cho thấy việc Kai thuộc ca khúc của người lớn không phải là điều đáng ngại đối với khán giả, thậm chí họ còn khuyến khích nó nên Kai mới có cơ hội quay lại. Song, điều đáng lưu tâm là cách Ellen DeGeneres cư xử với Kai. Đó chính là thứ chúng ta phải học.

Trong chương trình năm 2015, khi gặp lại Kai, Ellen hỏi Kai: “Giờ cháu muốn hát bài gì?” và Kai trả lời “Marry You” (Anh sẽ cưới em), tên một ca khúc của Bruno Mars. Sau đó Kai nói “Cháu ước gì cháu có thể cưới cô nhưng mà cô thì lại đã có gia đình rồi”. Đáp lại câu nói ấy của Kai, Ellen trả lời rất hay: “Cô ước gì cô cũng cưới được cháu nhưng cháu còn trẻ mà, nên một ngày nào đó cháu lớn lên, cháu sẽ gặp ai đó, và cháu sẽ cưới họ. Cô lấy làm tiếc là cô không thể”. Câu trả lời ấy cho thấy một điều rất rõ. Họ nói chuyện với trẻ em thẳng thắn như hai người lớn nói chuyện với nhau chứ không phải họ đặt ra một rào cản về tuổi tác, về độ trưởng thành cả về tâm sinh lý. Với họ, nói chuyện là cách giáo dục tốt nhất bởi chỉ khi nói chuyện, ta mới hiểu được trẻ muốn gì và do đó dễ khơi gợi cho chúng trưởng thành theo đúng con đường thuận với tự nhiên và đạo đức.

Với những câu chuyện trên, chúng ta sẽ nhận thấy thực sự mình chưa nói chuyện với trẻ em đúng nghĩa, mà thay vào đó, chúng ta chỉ dạy dỗ một cách khô cứng hoặc bỡn cợt với chúng mà thôi. Đứa trẻ lớn lên sẽ lệch lạc khi chính người lớn cư xử với chúng lệch lạc. Và đừng nghĩ, tách đứa trẻ ra khỏi môi trường người lớn mới là cách hay. Môi trường người lớn có thể già dặn nhưng không phải cái gì cũng độc hại, nếu như chúng ta biết cách điều tiết và ứng xử với trẻ.

Để kết lại câu chuyện, sẽ không có gì hay hơn là câu nói của ca sĩ Mỹ Linh với cậu bé Nguyên Hoàng rằng “Tôi cũng đến lạy ông”. Vâng, câu nói ấy sẽ mang lại cho đứa trẻ được gì? Câu hỏi này, chắc mỗi chúng ta đều tự hiểu.

Hà Quang Minh
TIN LIÊN QUAN

32 bàn thắng ở 7 trận đầu lượt trận thứ hai Champions League

tam nguyên |

32 bàn thắng được ghi trong loạt 7 trận đấu mở màn lượt trận thứ hai UEFA Champions League 2024-2025.

Hà Nội trang hoàng dịp kỉ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Nhật Minh |

Hà Nội - Nhiều tuyến phố, địa điểm công cộng tại Hà Nội được trang trí cờ, hoa, pano để chào mừng kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Nước Sông Hồng dâng cao, cầu phao Phong Châu tạm đóng

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều tối 1.10, cầu phao Phong Châu phải tạm ngừng phục vụ người dân do nước sông Hồng dâng cao.

Sau lũ quét kinh hoàng, Làng Nủ tiếp tục bị chia cắt

Đinh Đại |

Lào Cai - Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vào Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên bị chia cắt.

Thông tin chính thức về tiến độ đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Xuyên Đông |

Chiều 1.10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cuộc trao đổi thông tin với báo chí về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.