“Chỉ phát triển bền vững, các bên cùng có lợi thì mới có yên bình…”

Tuyền Linh |

“Khi xảy ra bất ổn vì bất cứ lý do gì thì đó là lúc mọi người thấu hiểu, chỉ phát triển bền vững, các bên cùng có lợi thì mới có yên bình, mới có thanh thản trong cuộc sống của doanh nhân, phồn vinh cho người lao động và hạnh phúc ấm no cho xã hội” - chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Đến quán cà phê gặp ông Nguyễn Duy Hưng, tôi chẳng thể ngờ, những tờ giấy tập học sinh đã dùng một mặt của con gái mà tôi vẫn thường có thói quen “tận dụng” mặt còn sạch để làm sổ ghi chép lại là cái chốt, đủ để ông Hưng bật khơi dòng quá khứ ngược về Hà Nội, Sài Gòn hơn 30 năm về trước…

Nguyễn Duy Hưng: Vì sao sổ tay ghi chép của chị lại là xấp giấy học sinh đã dùng một mặt?

Lâm Tuyền: Thực ra, không phải vì tính tôi tằn tiện, chẳng qua, tôi luôn nhớ ngày xưa đi học, không có nhiều giấy trắng để viết, nên tôi tiếc, thường tận dụng lại. Thế ngày trước đi học, ông dùng giấy thế nào?

Nguyễn Duy Hưng: Từ bé đi học chỉ đến khi cô giáo sắp kiểm tra vở tôi mới bỏ ra một vài ngày để thay vở mới vì tôi chưa bao giờ dùng hết được một quyển vở. Khi đi học đại học, tôi không ghi chép bài và 30 năm đi làm tôi chưa bao giờ dùng sổ ghi chép nên thực sự tôi không có kỷ niệm gì nhiều về giấy vở.

Ký ức của tôi về chuyện ngày xưa này chỉ là những lần mẹ cho ăn roi vì không chịu viết bài và những giáo huấn của mẹ kèm theo một quyển vở mới, những quyển mẹ tôi đóng bằng những tập giấy đen không dòng kẻ, bà thức đêm dùng bút chì và thước tạo dòng kẻ cho tôi. Chẳng phải mình tôi mà hầu như tất cả học sinh thời tôi đều dùng loại vở ấy, những quyển vở trắng kẻ ô ly chỉ được dùng làm phần thưởng cho mỗi dịp tổng kết.

Lâm Tuyền: Bây giờ nhìn lại, thật sự những điều kiện sống, học tập vui chơi cho con trẻ hôm nay còn hơn cả thiên đường trong trí tưởng tượng của chúng tôi lúc ấy!

Nói thật với ông, tôi không thuộc nhóm người cứ hay nhớ mãi ngày xưa. Nhưng trong một ngày cuối năm được thong dong thế này, nhân việc ông - một người được đặt cho một cái “tên phụ” là “Ông trùm chứng khoán” nhớ lại câu chuyện thiếu thốn vật chất của vài chục năm trước, tôi cũng muốn hỏi ông, nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp của mình, liệu có một khoảnh khắc nào, hay có điều gì, ai đó phải khiến ông có suy nghĩ “giá mình tư duy, cư xử, hành động thế này, giá hoàn cảnh thế này, giá đường hướng, chính sách của Nhà nước nên/có thể mở như thế này… thì công việc của mình, cộng đồng doanh nghiệp thuận lợi hơn, mình có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước”?

Nguyễn Duy Hưng: Chúng tôi thuộc lớp doanh nhân đầu tiên của đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, cho nên vào thời ấy tất cả vừa dò dẫm vừa học vừa làm từ nhà nước đến doanh nghiệp, thiếu cơ sở pháp lý, thiếu nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm triển khai nhưng quá trình chuyển đổi đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, nói vậy, không có nghĩa là chúng ta không thể làm tốt hơn, nếu ngay sau khi thực hiện đổi mới cuối những năm 80 thế kỷ trước, Chính phủ thực sự đóng vai trò kiến tạo chỉ cần riêng đối với khu vực kinh tế, tức là phân định rõ nhà nước làm gì doanh nghiệp làm gì thì sự phát triển của nước ta sẽ nhanh hơn và bền vững hơn.

Nhớ lại những năm đầu làm tư vấn đầu tư nước ngoài, tuần nào tháng nào cũng tiếp các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội, nhưng cái nhìn của họ và của nước mình về một vấn đề chẳng giống nhau nên gặp nhau họp hành đàm phán thì nhiều, nhưng ký kết hợp tác được chẳng bao nhiêu… Thật khó khăn cho các nhà đầu tư lớn đã quen được các quốc gia trải thảm đỏ để mang đến những dự án quy mô lớn mà đậu lại toàn dự án nhỏ, quy mô vài triệu đô la, thậm chí chỉ vài trăm. Đến hôm nay, chúng ta đã cấp giấy phép cho những dự án nhiều tỉ đô la, hoạt động đóng góp tích cực cho nền kinh tế, mang lại công ăn việc làm cũng như ngân sách nhà nước.

Thị trường chứng khoán đã được xây dựng và phát triển ở Việt Nam, góp phần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hay công ty cổ phần hoá từ doanh nghiệp nhà nước đã huy động nhiều tỉ đô la qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán để sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Khu vực doanh nghiệp kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh nhất, hiệu quả nhất tạo ra lượng công việc nhiều nhất cho xã hội. Những công ty tư nhân thực sự đã trở thành trụ cột của sự phát triển. Những tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng nhiều tham gia vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế bao gồm cả các lĩnh vực mà trước đây chỉ những tập đoàn đa quốc gia mới có đủ tiềm lực tài chính và kỹ thuật để triển khai. Thị trường chứng khoán ra đời đã góp phần làm minh bạch hoạt động nền kinh tế, một yếu tố sống còn khi nước ta tham gia hội nhập quốc tế.

Nhìn nhận về tiềm năng của nước mình - một quốc gia với hơn 90 triệu dân, trong đó hơn 70% có nguồn gốc xuất thân từ ngành nông nghiệp, làn sóng đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm với tham vọng biến nước ta thành một trong các bếp ăn được ưa thích của thế giới, chúng ta trong tương lai sẽ không chỉ nói đến thành tích về những sản lượng gạo, cà phê xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, hạt tiêu hay điều đứng đầu thế giới mà chúng ta còn có thể tự hào về những sản phẩm nông sản Việt Nam có chất lượng đứng đầu thế giới, hay sẽ có những thương hiệu thực phẩm hàng đầu thế giới có xuất xứ từ Việt Nam

Lâm Tuyền: Trong kinh doanh, câu chuyện về “tư duy mở” theo lối nghĩ dân gian là “xởi lởi, Trời cởi cho; so đo, Trời co lại”, liệu với ông, với đối tác của ông, có mang lại cho ông điều gì? Hay chỉ là đôi bên cùng có lợi?

Nguyễn Duy Hưng: Nhìn lại gần 30 năm làm doanh nhân, lại hoạt động trong các lĩnh vực từ tư vấn đầu tư, chứng khoán và gần đây cả nông nghiệp và thực phẩm, có cơ hội tiếp xúc với nhiều đối tác trong và ngoài nước, từ các tập đoàn lớn trên thế giới đến các hộ kinh doanh cá thể trong nước, tôi nhận thấy khi xảy ra bất ổn vì bất cứ lý do gì thì đó là lúc mọi người thấu hiểu chỉ phát triển bền vững, các bên cùng có lợi thì mới có yên bình, mới có thanh thản trong cuộc sống của doanh nhân, phồn vinh cho người lao động và hạnh phúc ấm no cho xã hội.

Tuyền Linh
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.