Cuộc giải cứu báu vật ký ức trong thảm họa sóng thần

Tường Linh (tổng hợp) |

Nếu chỉ còn 60 giây để lấy đi những thứ quý giá nhất trong nhà trước khi nó bị phá hủy, bạn sẽ mang theo thứ gì? Nữ trang quý giá, tiền bạc, giấy tờ, tài sản giá trị? Với nhiều người Nhật từng đối mặt với thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng cách đây 10 năm, sự lựa chọn của họ gây ngạc nhiên hơn nhiều: Đó là những bức ảnh bình thường của gia đình.

Những tài sản vô giá

Khi thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng xảy ra hồi năm 2011 tại khu vực bờ biển phía Đông Nhật Bản, Tomomi Shida, một giáo viên 48 tuổi, đang ở cách nhà 1 giờ chạy xe. Nhà Tomomi nằm tại thành phố biển Ofunato và cô không có cách nào để trở về nhà ngay lập tức, cũng như không thể biết có thành viên nào trong gia đình còn sống.

“Cách duy nhất để lấy tin là nghe đài phát thanh. Tôi nhận tin Ofunato đã bị phá hủy. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu rằng nơi mình từng sống không còn tồn tại nữa”, cô nhớ lại. Khi ấy Tomomi vẫn chưa biết được rằng gần 16.000 người đã thiệt mạng trong thảm họa. Nhiều người vĩnh viễn không thể tìm được xác.

Phải mất vài ngày, Tomomi mới tìm thấy hai đứa con trai tuổi teen và người mẹ chồng. Nhưng cô vẫn bặt tin chồng - người là một lính cứu hỏa với công việc là đóng cổng ngăn sóng thần của thành phố. May mắn như một phép màu, người chồng vẫn sống sót sau thảm họa. "Khi gặp lại, chúng tôi đã ôm lấy nhau và khóc", Tomomi nhớ lại.

Người còn nhưng của cải mất sạch. Ngôi nhà cũ của gia đình chỉ còn lại phần móng. Mọi thứ trong nhà đều bị sóng thần cuốn đi. Hoặc ít nhất đó là điều mà nhà Tomomi đã tưởng.

Vài tuần sau khi thảm họa xảy ra, một bất ngờ đã xuất hiện. "Có người ở đội cứu hỏa nhận ra gương mặt của chồng tôi trong một bức ảnh mà anh tìm thấy ở một đống đổ nát khi làm công tác cứu hộ”, Tomomi chia sẻ.

Đó là một bức ảnh chân dung gia đình đơn giản, được chụp khi hai con của Tomomi còn bé. Thực tế thì những người lính cứu hỏa đã tìm được vài tấm hình của cùng một bức ảnh. Ngay lập tức chúng trở thành những tài sản giá trị nhất của gia đình - kỷ niệm về một thời gian giản dị, hạnh phúc hơn mà họ sẽ không bao giờ có thể lưu lại những hình ảnh tương tự nữa. Nhưng tất cả các bức ảnh đều đã hư hỏng. Trong một bức, phần mắt của Tomomi bị nước biển phá hủy. Trong bức khác, thân hình chồng cô cũng bị nhòe màu.

Câu chuyện của gia đình Tomomi hóa ra không phải là duy nhất. 2 tuần sau thảm họa, lực lượng cứu hộ Nhật Bản tham gia cứu người đã nhận được lệnh phải mang về mọi bức ảnh họ tìm thấy. Tại mỗi con phố, họ để tất cả các album ảnh, các bức ảnh được đóng khung, bên trong các hộp chứa bằng nhựa. Phần lớn những bức ảnh được lôi lên từ bùn lầy và đã bị nước biển làm mờ. Người ta mới chỉ tìm thấy nhưng chưa thực sự "cứu" được chúng.

“Không thể mua lại ký ức”

Yuichi Itabashi, một kỹ sư hóa học, hoàn toàn bình yên vô sự ở Tokyo khi thảm họa xảy ra. Nhưng chứng kiến sự kiện và đặc biệt khi biết tin về các bức ảnh hỏng, ông nghĩ rằng mình có thể giúp thay đổi tình hình.

“Vài tuần sau thảm họa, có một bản tin trên truyền hình cho thấy cảnh một số người ở vùng bị nạn đang tìm cách làm sạch các bức ảnh. Tôi thấy họ chỉ sử dụng biện pháp thô sơ như dùng nước rửa”, ông nói và nhún vai.

Khi ấy Yuichi còn đang làm việc cho Fujifilm, một trong những hãng máy ảnh lâu đời nhất ở Nhật Bản. Yuichi phụ trách đơn vị sản xuất giấy in ảnh của Fujifilm - cũng chính là sản phẩm mà ông thấy nhiều người dùng nước gột rửa để tẩy vết bẩn phát trên TV.

“Một số người nói rằng ảnh đang được thu gom thành đống ở nhiều thành phố. Tôi nghĩ rằng mình nên tới đó để xem sao, dù trong tâm tâm thực lòng tôi cũng không biết phải làm sạch hết cách bức ảnh bằng cách nào", ông thừa nhận. Có điều Yuichi biết rõ rằng rửa ảnh bằng nước như những gì ông thấy là hành động sai lầm và nó có thể phá hủy bức ảnh.

Trong vài ngày tiếp theo, Yuichi đã hợp tác với một số đồng nghiệp để tái tạo lại các điều kiện do sóng thần gây ra. Họ phun nước biển và bùn vào những bức ảnh thử nghiệm để mô phỏng lại các hư hỏng. Sau đó họ tìm ra cách thức để khiến ảnh trở lại trạng thái toàn vẹn nhất có thể. Và họ phải hoàn thiện các kỹ thuật này thật nhanh, do không có nhiều thời gian.

Không nói gì cho lãnh đạo công ty biết, Yuichi thuê một chiếc xe điện để chuẩn bị cho hành trình sắp tới, do lo ngại rằng ông sẽ khó kiếm điểm đổ xăng. Tiếp đó ông cùng hai đồng nghiệp chạy thẳng vào vùng thảm họa. Họ muốn tìm kiếm những con người mà mình đã xem trên TV để hướng dẫn cách rửa chất bẩn cho đúng, và qua đó không hủy hoại những bức ảnh.

“Chúng ta luôn nghĩ rằng người sống sót cần nước, thực phẩm và nơi để ngủ. Nhưng sau khi những thứ này được đáp ứng, họ sẽ cần thứ gì tiếp theo? Không phải là tiền? Họ cần những bức ảnh hơn”, Yuichi nói. “Nhà, xe, quần áo đều có thể sắm lại cùng nỗ lực kiếm tiền. Nhưng không ai có thể mua lại ký ức”.

Đồng hồ bắt đầu đếm ngược lên những báu vật ký ức ngay khi nước biển tấn công các ngôi nhà, nhận chìm những album ảnh và các bức hình chân dung treo trên tường. Ảnh có thể chống chọi được điều kiện ngập nước mặn trong khoảng 72 giờ đồng hồ. Nhưng sau đó, phần màng gelatine đã giúp hình ảnh bám lấy giấy sẽ bắt đầu hút nước. Tiếp theo, các loại thực thể vi bào sẽ ăn đi phần gelatine này, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, khiến ảnh bị ngả màu hoặc mờ đi.

Trong nhiều thập kỷ, người Nhật đã nuôi dưỡng tình yêu của họ với nhiếp ảnh. “Kể từ những năm 1960, gần như mọi gia đình đều có một chiếc máy ảnh”, nhiếp ảnh gia Yoko Shiraiwa chia sẻ với BBC. “Vì thế mọi gia đình có lẽ đều lưu các album ảnh trong nhà”.

Ngày nay, hình ảnh thường được tạo ra trên máy ảnh số và lưu ngay lên các nền tảng đám mây. Tuy nhiên các bức hình được in ra vẫn có sức mạnh riêng, khi chúng chiếm lấy các không gian vật lý trong một gia đình. Yoko nói rằng khi thảm họa động đất sóng thần xảy ra, mọi thứ được lưu trữ trên các ổ cứng, thẻ nhớ và đĩa CD đều vĩnh viễn mất đi.

Bình thường Yoko làm việc cho các bảo tàng và nhà sưu tầm tư nhân nhằm kéo dài tuổi thọ của các hiện vật lịch sử vô giá. Nhưng sau thảm họa, bà đã xem cùng bản tin giống như Yuichi và sửng sốt trước cách người sống sót tẩy rửa bùn bẩn khỏi các bức ảnh. Bà cũng hiểu rõ rằng chỉ có rất ít thời gian nữa là các bức ảnh đó sẽ rã ra thành nhiều mảnh nhỏ.

Yoko lập tức suy nghĩ về cách thức cứu ảnh. Bà không sử dụng những kỹ thuật phức tạp như thường lệ mà phát triển một phương thức đơn giản hơn chỉ dùng nước. Sau đó bà tới vùng thảm họa để thử nghiệm phương thức mới này.

Mọi thành phố nằm dọc theo bờ biển Nhật Bản hóa ra đều có chung một ý tưởng giống nhau: Khi không còn tìm thấy thi thể nào từ các đống đổ nát, người ta sẽ cố thu gom các bức ảnh. Tình nguyện viên tham gia tìm kiếm ảnh còn sót lại tự gọi họ là Thợ săn ký ức. “Chúng tôi “giải cứu” các bức ảnh, rửa chúng sạch sẽ và tìm kiếm chủ nhân của chúng. Tất cả các hoạt động đó đã kết nối mọi người”, Yoko nói.

Ban đầu người ta nghĩ rằng các bức ảnh tìm được sẽ để đó để những người tạm mất tích sau sóng thần có thể lấy lại chúng. Nhưng khi số người chết tăng lên, và chuyện dần rõ ra rằng nhiều người mất tích có thể sẽ không bao giờ trở lại, các bức ảnh được cứu lại trở thành phương tiện giúp người còn sống tưởng nhớ về người đã khuất. Tình nguyện viên nhanh chóng tập hợp thành nhiều dây chuyền phân loại hoạt động rất hiệu quả. Họ cẩn thận làm sạch từng bức ảnh và để chúng khô tự nhiên trong các căn lều nhỏ.

Những chuyên gia giải cứu ảnh

Trở về từ vùng thảm họa, Yuichi đã đề nghị Fujifilm làm một đoạn quảng cáo nhỏ gửi tới cho những người sống ở vùng chịu thảm họa, với nội dung giải thích rằng người ta có thể cứu các bức ảnh nếu làm sạch chúng đúng cách. Các công ty khác cũng có động thái tương tự Fujifilm. Từ đây một nỗ lực quốc gia thành hình.

Nỗ lực đó vô tình thu hút cả các tình nguyện viên tới từ nước ngoài. Becci Manson, là một chuyên gia ảnh số hàng đầu sống ở phía Bắc nước Anh, rất giỏi về sửa ảnh. Sau khi thảm họa xảy ra, cô đã tạm ngừng việc để tham gia nhóm cứu trợ All Hands and Hearts tới Nhật Bản. Manson được đưa tới Rikuzentakata, khu vực cách không xa nhà của Tomomi. Ban đầu cô phải làm nhiều công việc chân tay hơn chuyên môn chỉnh sửa ảnh.

Tuy nhiên mọi chuyện thay đổi vào ngày cô tới dọn dẹp một nhà tắm hơi. Khi đến hiện trường, cô thấy nơi này đang chứa hàng ngàn bức ảnh được lực lượng cứu hộ tìm thấy từ các đống đổ nát. Tất cả đều đang dần phân hủy.

“Đó là khoảnh khắc khiến tôi bừng tỉnh”, Becci nói về thời điểm cô thấy một số người sống sót bật khóc khi chứng kiến các bức ảnh quý giá của họ đã bị hư hại. Ngay lập tức cô nhận ra mình phải dùng kỹ năng sửa ảnh hơn người để giúp các nạn nhân. Đồng thời cô còn kêu gọi sự giúp đỡ của các chuyên gia chỉnh sửa ảnh.

Chỉ trong vài tuần, Becci đã nhận được sự hỗ trợ của khoảng 500 chuyên gia sửa ảnh, từ Thụy Điển cho tới Mỹ. Tất cả đều sẵn sàng tham gia khôi phục các tấm ảnh bị nước biển làm hỏng, để chúng trông như mới trở lại. Đây dĩ nhiên không phải là việc dễ dàng. Đơn cử như trường hợp của một bức ảnh chụp một thiếu nữ mặc kimono đã bị hỏng gần như hoàn toàn. Một chuyên gia đã phải sao chép và ghép lại họa tiết của chiếc kimono từ một bức ảnh khác không liên quan, để tái tạo lại nó và việc này mất rất nhiều ngày.

Ngoài ra, cô cũng quy tụ được hàng ngàn tình nguyện viên tại chỗ để làm sạch các bức ảnh. Công việc mới của Becci và bạn bè mang lại hạnh phúc cho các nạn nhân, nhưng nhóm cũng chịu nhiều áp lực mới. “Cánh tài xế làm việc với các tình nguyện viên thường tìm tới chỗ chúng tôi và xem các bức ảnh đã được làm sạch, vì họ là dân địa phương nên có thể biết về người trong ảnh”, Becci nói. “Một tài xế quả thực đã phát hiện bạn mình trong một bức ảnh chụp cùng hai cô con gái sinh đôi. Các bé gái này chưa được một ngày tuổi khi sóng thần ập vào bờ và một bé gái đã thiệt mạng. Vì thế chúng tôi đã lục lại hết kho ảnh, cố tìm các bức ảnh của bé gái đã mất”. Nhiều câu chuyện tương tự cũng xuất hiện. Ví dụ một cô gái mất hết thân nhân đã may mắn tìm được tới 7 bức ảnh cũ, chụp trong một chuyến dã ngoại ở trường.

Một ngày nọ Tomomi tới gặp Becci. Cô mang theo các bức ảnh của gia đình đã bị nước biển làm hỏng, để tìm kiếm sự giúp đỡ. “Chúng tôi đã ghép các phần khác nhau từ các bức ảnh hỏng để tạo ra một bức nguyên vẹn”, Becci nói, vẫn chưa hết ngạc nhiên về mức độ khó khăn mà nhóm đã phải xử lý khi sửa ảnh. “Chúng tôi trả lại ảnh cho cô ấy trong ngày sinh nhật con trai, và tôi vẫn nhớ rằng cô ấy đã vui tới phát khóc. Đó là một mảnh ký ức mà con cô ấy tìm thấy mối liên hệ trong đó và nó đã tồn tại trước khi cơn sóng thần tước đi mọi thứ.

Bức ảnh hiện được treo trong phòng ngủ của Tomomi. “Tôi đã bỏ cuộc rồi. Tôi tưởng mình đã mất đi bức ảnh gốc, nhưng rồi nó đã trở lại. Tôi mất hết tài sản, nhưng ít nhất vẫn giữ lại được kỷ niệm về quá trình con cái mình lớn lên”, cô nói.

Cầu nối giúp người bị thảm họa sống tiếp

Các dự án làm sạch và phục hồi ảnh thi nhau xuất hiện tại nhiều khu vực nằm dọc theo bờ biển Nhật Bản. Tại thành phố Rikuzentakata, các bức ảnh đã được làm sạch xuất hiện với số lượng ngày càng nhiều. Thực tế này mang tới một thách thức mới về mặt tổ chức: Trả lại ảnh cho đúng chủ nhân. Dự án ngày càng tăng lên về quy mô. Ngoài các bức ảnh, nhiều món đồ không liên quan như balo của học sinh hay tranh vẽ nghệ thuật cũng được thu gom và làm sạch với hy vọng chủ nhân của chúng sẽ tới lấy. Rõ ràng là khối tài sản đặc biệt này cần người có năng lực quản lý. Đó là lúc Mari Akiyama - một nhân viên xử lý thảm họa - vào cuộc và được giao nhiệm vụ quản lý giai đoạn tiếp theo của dự án ở Rikuzentakata.

“Sau khi làm sạch các bức ảnh, chúng tôi đưa chúng vào nhiều album khác nhau”, bà chia sẻ với BBC. “Chúng tôi cũng cho người dân thấy những bức ảnh này”.

Các cuộc trả ảnh đầu tiên được tổ chức khá đơn giản. Vô số album và các bức ảnh đơn lẻ được để dưới nền đất, trên những tấm vải bạt màu xanh, và người ta sẽ kiểm tra xem có ảnh của họ ở trong đó không. Tiến trình trả ảnh này rốt cục đã kéo dài suốt 10 năm sau thảm họa và Mari hiện vẫn giữ vai trò phụ trách.

Tuy nhiên hệ thống trả ảnh hiện đã phức tạp hơn rất nhiều. Mari giờ điều hành một kho chứa các món đồ thất lạc được sắp xếp rất khoa học và bài bản, mang tên Trung tâm lưu trữ giảm nhẹ tác động của thảm họa Sanriku.

Các hiện vật trong trung tâm được phân chia cẩn thận ra nhiều nhóm khác nhau như các loại bằng cấp, các tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ... bên cạnh vô số album ảnh. Tất cả đều được đặt ngay ngắn cẩn thận trên giá, khiến người tới trung tâm lần đầu sẽ có cảm giác giống như nơi đây là một cửa hàng đồ cũ. Thực tế là chủ nhân của nhiều món đồ trong trung tâm có thể đã qua đời cách đây 10 năm. Nhưng cũng có khả năng họ vẫn còn sống và không biết về sự tồn tại của các món đồ này.

“Chúng tôi không biết các bức ảnh hoặc những món đồ đó có ý nghĩa như thế nào với mọi người”, Mari giải thích. “Từng món đồ chỉ có giá trị khi chúng được trả cho đúng chủ nhân, người có thể sẽ rất vui khi nhận lại, bởi thấu hiểu ý nghĩa của chúng”.

Trung bình mỗi tháng một lần, trung tâm lại tiến hành phân phát các tờ rơi chụp lại những hiện vật và các bức ảnh đang được lưu trữ, với hy vọng sẽ có ai đó tới nhận lại. Cũng có lúc họ tổ chức những cuộc trưng bày ảnh quy mô lớn ở Tokyo, nơi nhiều người sống sót đã chuyển tới định cư.

Nhiều người đã liên tục trở lại các sự kiện đó với hy vọng tìm lại mảnh ký ức của họ. Đã có phép màu xuất hiện. Một phụ nữ tìm thấy bức ảnh duy nhất còn sót lại của người chồng mất tích sau 9 năm kiên trì kiểm tra kho ảnh của trung tâm. Một gia đình khác còn thuê cả nhà di động tới ở cạnh trung tâm trong nhiều ngày với hy vọng sẽ tìm thấy thứ gì đó thân thuộc. Lần khác, một cụ bà 80 tuổi phát hiện một bức ảnh nhỏ xíu mà bà chụp thời còn đi học. Mari còn nhớ gương mặt cụ bà rạng rỡ khi nhìn thấy bức ảnh, và ngay sau đó bắt đầu kể lại các chuyến dã ngoại cùng trường, những người thầy đã dìu dắt bà cách đây hàng thập kỷ.

Nhưng hiện sự tồn tại của trung tâm đang bị đe dọa, do chính quyền Sanriku cân nhắc cắt giảm ngân sách của họ. Mari đã phải lên mạng kêu gọi quyên góp để trung tâm tiếp tục hoạt động. Bà nói rằng đã trả khoảng 200.000 bức ảnh cho chủ cũ, nhưng vẫn còn 186.000 bức chưa có ai nhận, bên cạnh hơn 1 triệu hiện vật khác nhau.

Tại các thành phố khác, nhiều trung tâm ảnh đã ngừng hoạt động. Theo truyền thống Nhật Bản, ảnh trong các trung tâm này sẽ được đưa tới một điện thờ và đốt hết, để trả lại cho người đã khuất. Tuy nhiên nỗ lực cứu các bức ảnh để trả lại cố chủ vẫn tiếp tục diễn ra, không chỉ trong biên giới Nhật Bản.

Khi Becci Manson trở về Mỹ, cô đã được đề nghị khởi động các chiến dịch cứu ảnh khác ở những nơi chịu thảm họa lớn tại Mỹ, như sau sự kiện siêu bão Andrew gần đây. Cô chia sẻ rằng vẫn nhớ các bức ảnh tác động ra sao tới tinh thần của người sống sót sau thảm họa.

Ảnh gia đình luôn khác biệt so với những thứ khác. Chúng luôn tạo ra cảm xúc riêng cho từng người, không thứ gì có thể sánh, đặc biệt khi họ đã trải qua đau thương mất mát. Becci chỉ ra rằng việc có những người sống sót sau thảm họa đã tự sát cho thấy việc duy trì sức khỏe tinh thần của họ cũng rất quan trọng. “Người sống sót (ở Nhật Bản) liên tục nói tới các bức ảnh. Việc có ảnh giúp họ lưu giữ chút cảm giác về quá khứ và sự bình thường trước kia”, cô chia sẻ.

Rõ ràng là các bức ảnh, được làm sạch và trải qua quá trình phục hồi công phu trước khi về với cố chủ, đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người sống sót tiếp tục bước đi, sau khi thảm họa đã tước đi mọi thứ quý giá trong cuộc đời họ.

Tường Linh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

10 năm động đất sóng thần: Nhật Bản nghi ngại về năng lượng hạt nhân

Ngọc Vân |

Cách đây 10 năm, ngày 11.3.2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter và kéo theo sóng thần đã gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.

Nhật Bản: Phát hiện hài cốt người mất tích sau 10 năm thảm họa sóng thần

Bảo Châu |

Nhật Bản vừa phát hiện và xác định danh tính hài cốt một phụ nữ mất tích trong thảm họa sóng thần kinh hoàng 2011.

Loạt động đất mạnh tới 8,1 độ richter, New Zealand phát cảnh báo sóng thần

Thanh Hà |

Cơ quan khẩn cấp của New Zealand yêu cầu người dân một số khu vực di chuyển đến vùng đất cao hơn sau trận động đất cực mạnh tấn công khu vực quần đảo Kermadec ngay sáng 5.3 làm dấy lên lo ngại về sóng thần.

Động đất cực mạnh rung chuyển bờ biển Mỹ, cảnh báo sóng thần

Song Minh |

Trận động đất 7,5 độ richter tấn công ngoài khơi bờ biển Alaska dẫn đến cảnh báo sóng thần.

Khoảnh khắc kinh hoàng "sóng thần" lở đất sập mỏ ngọc bích ở Myanmar

Khánh Minh |

Cảnh quay gây sốc vụ lở đất làm sập mỏ ngọc bích ở Myanmar khiến hơn 160 người thiệt mạng đã được ghi lại.

Thanh Thúy và hình mẫu cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp

HOÀI VIỆT |

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy luôn được các huấn luyện viên đánh giá cao ở tính kỷ luật trong tập luyện, thi đấu chuyên môn và tính cách cá nhân.

Thúc đẩy xử lý nợ trái phiếu để khơi thông dòng vốn

Lục Giang |

Vấn đề thúc đẩy xử lý nợ trái phiếu để khơi thông dòng vốn đang được đặt ra cấp bách trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp liên tục hoãn nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu do không thể thu xếp được dòng tiền, khiến nợ xấu trái phiếu tăng cao.

Dự báo vùng ảnh hưởng của áp thấp gần Biển Đông

Khánh Minh |

Ngày 7.10, áp thấp gần Biển Đông được dự báo di chuyển theo hướng tây, ảnh hưởng đến nhiều khu vực.