Mười năm sau thảm họa Fukushima, các cộng đồng dân sinh dọc theo 300 km bờ biển bị tàn phá trong thảm họa đang nỗ lực từng ngày để đưa cuộc sống trở lại bình yên như trước kia.
Tại làng Kamaya, lớp vỏ bê tông là tất cả những gì sót lại của địa điểm từng là trường tiểu học Ookawa. Có 74 trẻ em và 10 giáo viên thiệt mạng khi sóng thần ập đến. Tàn tích này sẽ trở thành đài tưởng niệm các nạn nhân, trong số đó có Koharu - con gái 12 tuổi của Shinichiro Hiratsuka.
Vào thời điểm xảy ra thảm họa, Shinichiro đang dạy học ở thành phố Ishinomaki. Bốn ngày sau, anh mới đến được Kayama. Chứng kiến những thi thể trẻ nhỏ được đưa ra khỏi bùn và đống đổ nát, Shinichiro hiểu rằng anh không bao giờ có thể được nhìn thấy con còn sống nữa.
Sau thảm kịch, Naomi, vợ của Shinichiro, đã bỏ công việc giáo viên và lấy giấy phép vận hành máy móc hạng nặng để tìm kiếm thi thể con gái. Khoảng 5 tháng sau, thi thể Koharu được tìm thấy ở một vịnh cách Kayama 4 km.
Vượt qua đau thương, Shinichiro tiếp tục dạy học và chăm sóc 2 người con khác của mình. “Là giáo viên, tôi phải mỉm cười trước học sinh. Tôi sẽ chỉ khóc khi lái xe đi về và sau đó lại mỉm cười vì gia đình... Tôi muốn con gái trên thiên đường hạnh phúc khi nhìn thấy cách tôi đang sống" - Shinichiro.
Nằm sâu trong đất liền, làng Iitate không bị ảnh hưởng bởi sóng thần năm 2011 nhưng bị một kẻ thù vô hình khác tấn công: Những đám mây phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi.
Ông Tatsuo Harada, 80 tuổi, đã sống cả đời ở ngôi làng cho đến khi ông và tất cả 5.300 cư dân khác được lệnh sơ tán sau thảm họa. Sau 9 năm, ông trở lại làng vào tháng 4 năm ngoái. Ông Tatsuo Harada là một trong số 1.500 cư dân cũ quay về làng, đa số họ là người cao tuổi.
Nana Matsumoto, 28 tuổi, thuộc nhóm những người đang nỗ lực thu hút người trẻ trở lại làng Iitate sinh sống. “Có rất nhiều tòa nhà bỏ hoang từ sau thảm họa. Chúng tôi đang nỗ lực biến một số tòa nhà thành không gian chung cho các nghệ sĩ và công ty khởi nghiệp làm việc" - Nana Matsumoto chia sẻ.
Khi sắp kết thúc 3 năm đồng hành trong nỗ lực hồi sinh ngôi làng cùng với chính quyền địa phương, Nana Matsumoto quyết định ở lại đây sinh sống. “Tôi nghĩ sống ở đây an toàn. Tôi đã nghiên cứu và trao đổi với các nhà khoa học về vấn đề này” - cô nói.
Iitate được hưởng các ưu đãi từ chương trình phục hồi sau thảm họa do chính phủ tài trợ. Chính quyền địa phương đài thọ hoàn toàn chi phí giáo dục cho trẻ em, từ học phí cho đến bữa trưa ở trường, dã ngoại và thậm chí cả đồng phục học sinh.
Sau thảm họa, 12% diện tích tỉnh Fukushima bị ảnh hưởng và khoảng 165.000 người phải rời bỏ nhà cửa theo lệnh sơ tán hoặc tự nguyện. Tuy nhiên, cho tới nay, nhiều khu vực đã được tuyên bố là an toàn sau khi khử nhiễm trên diện rộng. Các biện pháp khuyến khích cũng đang được đưa ra để vận động người dân trở lại.
Fukushima đã gánh chịu vô số thiên tai trong suốt hàng thiên niên kỷ. Sau thảm họa kép năm 2011, từng ngày, người dân Nhật Bản vẫn luôn luôn hy vọng và nỗ lực hồi sinh mảnh đất này. Đến nay, có những khu vực hầu như không còn dấu vết của sự tàn phá.
Nhưng thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân ở vùng Tohoku không giống như bất kỳ thảm họa nào mà Nhật Bản từng phải đối mặt trước đây. Những thách thức để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường như cách đây một thập kỷ là vô cùng lớn.
Theo SCMP, cho tới nay, chính phủ Nhật Bản đã chi hơn 30 nghìn tỉ yên (280 tỉ USD) từ ngân sách nhằm phục vụ cho việc tái thiết sau thảm họa.