Cuộc “thiên di” thời mới ở Khuôn Bổ

Lãng Quân |

Bí thư Huyện uỷ Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), ông Nguyễn Thế Phước tâm sự về quyết tâm xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình rằng: Với những xã đặc biệt khó khăn như Hồng Ca, Kiên Thành... đại đa số là người H’Mông, rất khó để xây dựng nông thôn mới trên toàn xã; nên huyện và xã đã “nghĩ ra” cách làm phù hợp với từng thôn, bản. 

Có thôn 100% người H’Mông, các hội đoàn cùng phải xắn tay vào cuộc: Hội Phụ nữ tặng mỗi gia đình 100 cái mắc áo và hướng dẫn chị em cách sắp xếp nhà cửa gọn gàng, Đoàn Thanh niên có nhiệm vụ mang vôi ve đến từng nhà để “trang hoàng” lại cho sáng sủa... Khi ông Phước nói vậy, chúng tôi, dù cố tưởng tượng, cũng không thể hình dung hết được “công cuộc” xây dựng nông thôn mới đầy cảm kích nơi đây. Phải đến khi xuống tận thôn Khuôn Bổ (xã Hồng Ca), chứng kiến đường thôn bản khang trang, tập quán của bà con thay đổi đến ngỡ ngàng, ai nấy mới hiểu vì sao Khuôn Bổ - heo hút miền rừng - lại trở thành thôn nông thôn mới của Trấn Yên nói riêng và toàn tỉnh Yên Bái nói chung.

Chuyển tivi, “thiên di” chuồng trại

Khuôn Bổ là bản “trẻ”, mới được “khai sinh” từ năm 2000, do 25 hộ tách ra từ các bản Hồng Lâu và Đồng Ruộng. 19 “tuổi”, Khuôn Bổ đã sinh sôi thành 80 hộ dân, hơn 400 nhân khẩu. Trưởng bản Sổng A Dũng gầy gầy, có nụ cười toả nắng, sinh năm 1981, mà anh đã là bố của cậu sinh viên trường ĐH Nông - Lâm Thái Nguyên. Đứng trên đường lớn (đường liên xã do Nhà nước làm), chỉ xuống con đường như dải lụa uốn lượn dưới bản, A Dũng cười, hàm răng trắng loá giữa nắng hè chói chang: “Hơn một cây số đường bê tông với miền xuôi chắc không là gì đâu, nhưng với người trên núi thì đúng là giấc mơ đấy”.

Trưởng bản Dũng nói giọng ồi ồi: “Đến cuối năm 2017, lúc mình mới làm trưởng thôn, cả xã Hồng Ca mới đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới thôi. Tỉ lệ hộ nghèo của xã là 31,9% cơ mà, Khuôn Bổ của mình cũng có đến 35 hộ nghèo đấy. Xã có 9 thôn bản dưới thấp, cả điều kiện kinh tế lẫn nguồn lực xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn. Còn 4 thôn bản người Mông trên cao khó khăn lắm, cả về kinh tế lẫn hạ tầng”. Khó khăn đủ đường nên việc vận động bà con ở bốn thôn bản này là vô cùng khó khăn. Sau một thời gian vận động không có hiệu quả, huyện Trấn Yên cùng xã Hồng Ca quyết định làm dần ở từng thôn. Thôn bản nào có điều kiện thuận lợi hơn thì được tập trung nguồn lực xây dựng trở thành thôn nông thôn mới trước. Từ đó làm “tấm gương” cho các thôn bản khác, tạo hiệu ứng thi đua học tập giữa các thôn, đưa xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành phong trào.

Giấy khen cho Khuôn Bổ đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Giấy khen cho Khuôn Bổ đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Tháng 10 năm 2017, Khuôn Bổ ở trên cao và Bản Cọ ở phía dưới được xã chọn để triển khai xây dựng thôn nông thôn mới. Đường thôn do Nhà nước bỏ vật liệu, còn nhân công làm đường do bà con trong bản lo. Bây giờ đi trên con đường láng coóng kéo từ đường liên xã đến hết thôn, ngoài cảm giác sung sướng khi ngồi sau xe máy của bà con, chúng tôi ngờ ngợ mãi về những nếp nhà hai bên đường. Mất một lúc lâu, chúng tôi mới ồ lên hỏi A Dũng: “Chuồng trâu bò, chuồng gà của bà con “biến” đâu hết rồi”. Anh Dũng tủm tỉm cười, không nói không rằng dẫn chúng tôi đến từng hộ, hoá ra, toàn bộ chuồng trại của bà con đã được chuyển ra phía sau nhà! Bước qua ngưỡng cửa, tivi, bàn ghế, nội thất cũng không còn ở phía sau lưng mà đã được chuyển vào góc nhà. Ông Sổng A Chư vừa bấm điều khiển chuyển kênh vừa cười khì khì: “Ngày trước nhìn tivi là nhìn luôn ra sân để trông nhà luôn. Nhưng cán bộ đến bảo kê tivi như thế xem là bị ngược sáng, hại mắt lắm, nhà cửa cũng không được gọn gàng. Tôi là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nên làm gương. Từ ngày chuyển hết tivi, bàn tủ vào kia thấy mắt đỡ mỏi hẳn đấy”.

Đi khắp bản, thấy nội thất của mọi nhà và chuồng trại đều thay đổi vị trí. Chúng tôi hỏi A Dũng có bí quyết gì để thay đổi được tập quán bao đời nay của bà con, đây phải gọi là một cuộc “thiên di” mới xứng! Cả A Dũng và ông A Chư cùng gãi đầu gãi tai bảo: “Thì cứ các cán bộ thôn làm trước, rồi thỉnh thoảng rủ hàng xóm sang nhà mình, họ thấy cách bố trí như thế hợp lý hơn nên họ bắt chước. Nhà họ gà ở với người, chưa vào nhà đã xộc đầy mùi phân gia súc gia cầm; sang đến nhà mình thấy sạch sẽ hẳn lên, thế là họ cũng về chuyển hết chuồng trâu, bò ra sau nhà giống mình”.

Trẻ học bán trú về nhà không chịu “tắm lộ thiên”

Mấy năm nay, người dân Khuôn Bổ đã biết cải tạo vườn tạp, biết tận dụng những mảnh đất nhỏ tại vườn nhà để trồng rau, quả phục vụ cho nhu cầu gia đình. Nhiều hộ còn thừa rau quả mang đến chợ bán, có đồng ra đồng vào nữa chứ. 5 - 7 năm trước, khi chưa là trưởng bản, Sổng A Dũng cùng một số anh em trong bản đã quyết tâm thay đổi những vạt đất cằn của nhà mình. Họ sang xã Lương Thịnh học trồng cam. Cây trồng mới toanh trên đất dốc, nên mấy anh em cứ vừa làm vừa học, làm đến đâu học hỏi đến đấy. Hai năm nay, những vườn cam mênh mông này đã cho quả ngọt. Dũng chỉ từng gốc cam, nói cho chúng tôi biết đâu là cam Canh, cam Vinh và cam sành; có vẻ anh đã rút được nhiều kinh nghiệm sau nhiều năm chuyển đổi: “Mỗi loại cam cho thu hoạch vào một thời điểm khác nhau, nên không bị “no dồn, đói góp”” - Dũng cười khì khì. Không chỉ học hỏi về kỹ thuật canh tác, Dũng và anh em trong bản còn học cả cách hạn chế sử dụng phân hoá học - làm đất chai lì, nghèo đi theo thời gian. Mỗi năm hai lần, Dũng thuê xe tải sang tận huyện Văn Yên mua phân gà về ủ để bón cho cây.

Vụ cam đầu tiên đã mang về cho Sổng A Dũng khoảng 70 triệu đồng.
Vụ cam đầu tiên đã mang về cho Sổng A Dũng khoảng 70 triệu đồng.
A Dũng khoe, mấy năm nay huyện chủ trương đưa cây tre Bát Độ về cho bà con trồng để lấy măng. “Vườn cam này tôi “nuôi” được suốt mấy năm là nhờ có cây tre Bát Độ và cây quế đấy. Chứ hồi mới làm cam, mấy năm chỉ bỏ ra chưa được thu, vợ tôi cứ bảo bỏ đi, trồng cam làm gì. Tôi thì vẫn quyết làm, vì đất tốt mà để trồng măng tre cứ thấy phí phí. Hai năm nay cam cho thu hoạch, người ta đến tận vườn mua, mình không phải mang đi đâu cả”. Trưởng bản A Dũng thật thà, bảo không phải ai cũng chịu khó lao động để trồng cam như anh và vài anh em trong bản; nên với đại đa số bà con trong thôn cũng như trong xã, cây tre Bát Độ, cây quế vẫn là cây kinh tế chủ lực. “Tôi đang tính ngoài vườn cam, sẽ mở rộng thêm diện tích trồng tre. Vì cây dễ sống, ít phải chăm bón, có khi một ngày bán được cả triệu đồng tiền măng ấy” - A Dũng tâm sự.

Khuôn Bổ giờ có đến 70ha măng Bát Độ 150ha quế và hàng chục hécta cam, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 10. Nhắc lại hơn một năm quyết liệt xây dựng nông thôn mới, trưởng bản A Dũng và Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Toàn dường như cũng không dám tin là Khuôn Bổ đã trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Bà con đã có 100% là nhà gỗ khang trang, có nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ.

Nhắc đến công trình phụ, cả trưởng thôn và Chủ tịch Toàn cùng cười lớn: “Đây mới là “cuộc chiến” của chúng tôi. Vì bà con, nhiều người đã nửa đời hoặc trọn cuộc đời không biết thế nào là nhà tắm, nhà vệ sinh”. Lúc xây dựng, nhiều hộ bảo “công trình phụ chứ có phải là công trình chính đâu mà cần”, người thì bảo “ra suối cho mát”. Thế là Hội Phụ nữ xã, trong lúc mang tặng và hướng dẫn bà con cách dùng mắc áo, các chị còn tỉ tê chuyện cái nhà tắm, nhà vệ sinh nó văn minh, sạch sẽ ra sao. Thêm bọn trẻ đi học bán trú, ở trường được sinh hoạt với công trình phụ hiện đại, vệ sinh; nhiều đứa khi về nhà, đã dứt khoát không tắm lộ thiên, không ra suối, buộc bố mẹ chúng phải làm công trình phụ.

Người H’Mông gắn liền với các cuộc thiên di quật cường trong lịch sử, cuộc sống của họ đã từng du canh du cư, di dịch nay đây mai đó, như cánh chim rừng không biết mỏi; nay người Khuôn Bổ đã an cư, làm các cuộc “thiên di” thời mới trong nếp sống, tập quán sinh hoạt. Và từ đó, chưa bao giờ bà con thấy hạnh phúc đến thế.

Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

Giá vàng hôm nay 5.10: Vàng nhẫn bán được giá hơn vàng miếng

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 5.10: Giá vàng nhẫn trơn tiếp tục tăng mạnh. Giá mua vào vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC.

Doanh nghiệp xây dựng trái phép 2.800m2 không bị xử phạt

QUANG ĐẠI |

Nghệ An - Công ty TNHH Kinh doanh xuất nhập khẩu lâm sản Tám Oanh (huyện Diễn Châu) xây dựng trái phép trên diện tích 2.800m2.

TPHCM xây cầu đi bộ gần 1.000 tỉ đồng nối Quận 1 - Thủ Thiêm

MINH QUÂN |

UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, nối Quận 1 - Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.

Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Ninh Bình vẫn “nằm trên giấy”

NGUYỄN TRƯỜNG |

Chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân và NƠXH cho người có thu nhập thấp trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt với tổng số 5.573 căn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các dự án NƠXH tại Ninh Bình vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Hà Nội xử lý thực phẩm mất an toàn vệ sinh bủa vây cổng trường học

Lệ Hà |

Những loại thực phẩm được bày bán ở trước cổng trường luôn tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh.

Nhận định bóng đá Man City vs Fulham, vòng 7 Premier League

Chi Trần |

Dự đoán tỉ số trận Man City vs Fulham ở vòng 7 Premier League, diễn ra vào lúc 21h00 ngày 5.10.

Thêm 2 cơn bão phá kỷ lục trong mùa bão 2024

Song Minh |

Bão Kirk và bão Leslie làm nên lịch sử trong mùa bão 2024 ở Đại Tây Dương.

Bộ GDĐT dự kiến điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Vân Trang |

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến các địa phương có thể chọn thi tuyển vào lớp 10 với 3 môn gồm Toán, Văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên.