Lê Hữu Trác hay Lê Đăng Trác có biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, là người thôn Văn Xá, hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Ông sinh ngày 9.12.1720 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, cha là Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, làm quan đến chức Ngự sử triều Lê Dụ Tông.
Sợ làm quan, say sưa với y học
Thuở nhỏ, Lê Hữu Trác theo cha lên học ở Thăng Long và nổi tiếng là thông minh, học giỏi. Là con của một viên ngự sử và là cháu binh bộ thượng thư Lê Hữu Kiều nhưng ông không thích làm quan. Sau một thời gian tòng quân, đi đánh các cuộc nông dân khởi nghĩa, ông chán việc quân, lấy cớ phải chăm sóc mẹ già đã giải ngũ, đến sống tại quê mẹ là thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Từ chỗ đời sống nhà quan ở đế đô chuyển sang đời sống nông thôn ở chốn núi rừng thanh tịnh là một sự đấu tranh gian khổ đối với một người thanh niên đầy nhiệt huyết như ông.
Bỗng vài năm ông đau ốm liên miên, may thay gặp nhà lương y họ Trần ở núi Thành để chữa bệnh, ông mới quan tâm đến ngành y. Ông quyết chí lao vào học y, học rất miệt mài, cố tranh thủ thì giờ đã bỏ phí. Từ chỗ lấy việc ở ẩn để phủ định cái việc phục vụ giai cấp phong kiến thống trị, đến chỗ học một nghề nghiệp để phủ định việc ở ẩn ngồi không là hai bước quan trọng: nó quyết định cuộc đời của Lê Hữu Trác.
Ông không thích làm quan, cũng không thích làm giàu, ông không thích luồn cúi ai và cũng không muốn ai quỵ lụy mình. Lê Hữu Trác cho rằng, “làm thuốc cũng giống như làm tướng, nghề thuốc trị bệnh cứu người là một đạo lý cao quý, lợi nước yên dân”.
Từ ngày chuyên tâm chú ý vào ngành y, Lê Hữu Trác mới thấy y học là một ngành khoa học rất tinh vi, không thể chỉ biết mập mờ, qua quýt; nghề y là một nghề thanh cao, người thầy thuốc phải giữ khí tiết của mình, không được vụ lợi. Ông viết, “Lãn này ngẫm nghĩ về những câu cách ngôn của tiên triết để lại, dạy bảo về tấm lòng nhân từ tế độ và đức che chở nuôi nấng, thật nghiêm trang mà đầy đủ. Nghề y thực là một nhân thuật, nó chuyên bảo vệ sinh mạng con người: lo cái lo của người, vui cái vui của người; chỉ lấy việc cứu sống người làm phận sự, tuyệt không được cầu lợi kể công”.
Cho nên, Lê Hữu Trác đã tự đặt cho mình mục tiêu phải phấn đấu thành một người thầy thuốc giỏi. Khi đã thành nghề ra chữa bệnh cho mọi người, ông cũng luôn luôn tự nhắc nhở mình phải thấy trách nhiệm nặng nề đang gánh vác, phải giữ lương tâm trong sạch.
Do chuyên tâm, tài năng và đạo đức, danh tiếng của ông vang dậy khắp mọi nơi trong nước. Năm 1782, chúa Trịnh Sâm biết tới tài năng của ông và cho người mời ông ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Ở Thăng Long gần một năm trời, ông không những chữa khỏi bệnh cho Trịnh Cán mà ông còn chữa bệnh cho nhiều người khác nữa, trong số này có rất nhiều vị quan nắm chức tước quan trọng trong triều.
Khoảng cuối năm 1783 hoặc đầu năm 1784, Lê Hữu Trác lại trở về quê mẹ. Từ đó, danh tiếng của Lê Hữu Trác càng ngày càng lẫy lừng ở vùng Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay, không một ai không biết đến tên tuổi của ông. Mọi người tỏ ra kính cẩn mỗi khi nhắc đến tên ông; trong nhà ông lúc nào cũng đầy khách thập phương đến cầu ông chữa bệnh. Ông đem hết tâm lực của mình ra chữa bệnh cho mọi người, không kể là người giàu hay người nghèo.
Cuộc đời của Lê Hữu Trác là cuộc đời của một người yêu y học đến say sưa, dốc hết tâm lực của mình để xây dựng y học. Trong 30 năm, ông không ngừng nghỉ viết ra các tác phẩm y học, những kiệt tác của y học nước nhà như Hải Thượng y tôn tâm lĩnh, Y tôn tâm tĩnh hay Lãn Ông tâm tĩnh gồm 66 quyển; Vệ sinh yếu quyết, Y hải cầu nguyên, tập Hành giản trân nhu gồm 2.210 nghiệm phương đơn giản ứng trị 126 loại bệnh; tập Bách gia trân tàng gồm 644 bài thuốc kinh nghiệm; tập Y phương hải hội gồm 234 cổ phương đã được chọn lọc; tập Tâm đắc thần phương gồm 70 bài thuốc; tập Hiệu phỏng tân phương; hai tập Y dương án và Y âm án; tập Nữ công thắng lãm...
Trong lịch sử y học Việt Nam, không có người thầy thuốc nào để lại nhiều công trình nghiên cứu như ông. Nhiều tác phẩm này vẫn còn lưu truyền đến ngày nay, là minh chứng cho nền y học truyền thống phát triển ở Việt Nam trong quá khứ.
Hết lòng phục vụ nhân dân
Lê Hữu Trác coi trị bệnh cứu người là mục đích của cuộc đời. Ngày cũng như đêm hễ bệnh nhân cần thăm khám là ông không quản đường xá xa xôi, không quản mưa gió, ông lên đường đi ngay để chữa cho người đó. Lê Hữu Trác chủ trương “người đã gánh cái trách nhiệm giữ sinh mạng con người thì không kể đường sá khó dễ, không ngại đêm tối gió mưa”. Vì thế, tuy tuổi già, sức yếu xong ông không quản gian lao, vất vả đi tới mọi nơi có người bệnh cần cứu chữa.
Ông còn viết:
“Vất vả phải đâu mong hậu báo,
Cứu người nghĩa trọng dám than phiền”
Quan niệm về người thầy thuốc Lê Hữu Trác rất gần gũi với chúng ta, ý thức phục vụ bệnh nhân của ông đáng làm gương mẫu. Theo ông kể, có lần chữa bệnh cho một em bé con nhà chài lưới bị bệnh đậu mùa nặng, rất dễ mất mạng. Mặc dù mùi tanh hôi khó chịu, ông vẫn đi lại chăm sóc hàng ngày. Để giữ vệ sinh, mỗi lần thăm bệnh, ông phải cởi áo, nút mũi bằng bông, lúc về phải xông tắm, nấu giặt quần áo, hơn một tháng trời như vậy không nản, cuối cùng Lê Hữu Trác cũng cứu được em bé.
Không những phải tận tụy mà theo ông, người chữa bệnh cứu người còn phải biết hy sinh thú vui riêng nữa: “Làm nghề thuốc bao giờ cũng phải nghĩ đến việc giúp người, không nên thỏa ý cầu vui, như lên núi uống rượu, đi chơi ngắm cảnh, nhỡ trong khi vắng nhà có bệnh cấp cứu mà người ta phải chờ đợi mình, thì nguy hại cho tính mạng bệnh nhân”.
Trong Y huấn cách ngôn của ông, Lê Hữu Trác viết: “Nghề làm thuốc không phải là nghề cầu danh lợi, không nên thấy giàu sang mà xu phụng để kiếm tiền, chớ thấy người nghèo khó cô đơn mà khinh thường. Những người giàu sang không lo không có người chữa, còn những người nghèo khó không đủ sức đón thầy thuốc; nếu ta lưu tâm một chút họ sẽ thêm tuổi thọ. Ngoài việc cho thuốc, còn tùy sức mình mà chu cấp tiền gạo cho họ nữa, vì có thuốc mà không có cơm thì cũng đi đến chỗ không xuống nổi. Phải lo cho họ toàn diện mới được gọi là nhân thuật”.
Không phải Lê Hữu Trác chỉ nói như thế và khuyên mọi người làm như thế mà chính bản thân ông đã làm như thế. Một lần ông chữa bệnh cho người thuyền chài. Người này bệnh nặng mà lại nghèo. Ông hết sức chăm sóc thuốc thang chữa cho người đó. Khi khỏi bệnh, người thuyền chài định bán thuyền để lấy tiền trả thuốc. Lê Hữu Trác không những không cho người đó bán thuyền, mà còn đem tiền và gạo của mình cho người đó nữa.
Thái độ của Lê Hữu Trác đối với bệnh nhân đáng cho chúng ta kính phục biết bao. Trong Y huấn cách ngôn, ông còn viết: “Đi thăm bệnh, nên tùy từng bệnh nặng hay bị nhẹ và sắp đặt thứ tự đến trước hay sau. Chớ vì giàu sang mà thăm trước, chớ vì nghèo đói mà thăm sau. Nếu có bệnh cấp cứu thì phải gác thú vui riêng lại, đi chữa cho kịp thời, kẻo người ta sốt ruột cho. Vì bệnh nặng, giây phút cũng có thể nguy hại đến tính mạng”. Những câu đại loại như trên thật xứng đáng là các nguồn cho người làm thuốc ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời gian nào.
Ông cũng căn dặn học trò rằng, “Khi chữa bệnh cho ai khỏi rồi, chớ có mưu cầu quà cáp, vì những người nhận của người khác cho, thường sinh ra nể nang”. Dĩ nhiên nể nang thì không thể nào giữ trọn cái khí tiết thanh cao, khí tiết đó tức là không vì giàu nghèo, sang hèn mà mất đi tính chủ động của bản thân. Ông lấy lương tâm của mình làm trọng tài, phân xử. Vì vậy, ông cũng viết: “Tôi từng thề với lòng mình là phải dốc hết sức làm những việc đáng làm, phải đi sâu hơn nữa vào cái sự nghiệp cứu giúp rộng rãi những ai hoạn nạn, ngõ hầu khi ngẩng lên trông trời, cúi xuống ngó đất không đến nỗi phải hổ thẹn”.
Ngày 18.3.1791, Lê Hữu Trác mất giữa sự tiếc thương chân thành của người dân. Ông được an táng dưới chân núi Minh Tự, bên sông Ngàn Phố, nơi ông hay thả diều khi xưa. Tuy vậy, sự nghiệp lẫy lừng với những cống hiến của ông làm chúng ta rất đỗi tự hào về cuộc đời của một người thầy thuốc đặc biệt, xứng đáng có một vị trí trang trọng trong lịch sử y học nước nhà.
Ngày nay, khu lăng mộ cùng tượng đài của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nằm ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một di tích thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến viếng thăm, cảm tạ với người thầy thuốc vĩ đại thuở nào.
Những công trình của Lê Hữu Trác về y học là cống hiến to lớn đối với nền y học Việt Nam. Ông từng nói một câu bất hủ: “Suy nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống và chết một tay mình nắm; họa và phúc một tay mình giữ. Thế thì, đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lượng, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng?”.
Trải qua mấy trăm năm vật đổi, sao dời thì ý nghĩa của câu nói trên vẫn vẹn nguyên, như tấm gương soi rọi, chiếu sáng cho ngành y tế nước nhà.