Gặp gỡ Cuối tuần

Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn: “Quan hệ Việt - Nga hiện nay là giai đoạn thử thách quyết liệt...”

Vân Anh thực hiện |

Bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22 - 26.8, Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn đã dành cho Lao Động một cuộc phỏng vấn. Đại sứ Sơn nói rằng, mặc dù quan hệ Việt - Nga trong giai đoạn hiện nay được thử thách hết sức quyết liệt, song bạn và ta trong gần 1 thế kỷ qua gần như không có mâu thuẫn, chỉ có lòng tin và lợi ích chung.

Đại sứ nhận định thế nào về quan hệ Việt - Nga trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn trong khu vực?

- Quan hệ Việt - Nga hiện nay là giai đoạn thử thách hết sức quyết liệt. Việt Nam và Nga là đối tác chiến lược toàn diện. Chúng ta đã mở đối tác chiến lược với các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nước lớn ở EU. Riêng với Nga, tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay chúng ta phải củng cố và phát triển quan hệ, xây dựng lòng tin với nhau để những nhiệm vụ mà chính phủ hai nước đã thảo luận hàng năm phải thực hiện được.

Nga hiện nay đang hết sức chú trọng đến Việt Nam. Trong chính sách đối ngoại, họ đánh giá ta là một trong những nước quan trọng nhất ở Châu Á, ngang với Trung Quốc và Ấn Độ. Chính vì vậy, tranh thủ quan hệ với Nga lúc này là hết sức cần thiết. Chúng ta có một cộng đồng người Việt Nam ở Nga khá lớn. Chúng ta có một số dự án kinh tế đầu tư vào Nga đang triển khai rất tốt. Đồng thời bạn với ta trong gần 1 thế kỷ qua quan hệ gần như không có mâu thuẫn, có lòng tin và chúng ta chỉ có lợi ích chung. Vì vậy, phát triển quan hệ với Nga rất có lợi cho chúng ta, trong chi phối quan hệ với các nước lớn trên thế giới hiện nay.

Trong thời gian gần đây, dư luận cho rằng Nga đang nghiêng về ủng hộ lập trường của Trung Quốc, cụ thể là Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, "nói theo giọng Trung Quốc" khi cho rằng cần "chấm dứt quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông”. Ông nhận định thế nào?

- Tôi cho rằng, quan điểm của Nga về tranh chấp Biển Đông giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền vẫn giữ lập trường trung lập với cả quan điểm của Việt Nam và Trung Quốc. Tổng thống Nga -Vladimir Putin - và Thủ tướng Nga - Dmitry Medvedev - là hai vị lãnh đạo cao nhất vẫn công bố, vấn đề Biển Đông cần phải giải quyết một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và công ước quốc tế. Đây là quan điểm chính thống, nhất quán của Nhà nước LB Nga. Còn những câu chuyện ngoài lề của Ngoại trưởng Lavrov có thể là cá nhân, hoặc trong bối cảnh nào đó. Vì vậy, bình luận của câu nói này tôi cho là không chính thức. Chúng ta phải nghe chính thức phát ngôn của tổng thống hoặc đại diện của tổng thống hay thủ tướng.

Vừa qua, khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết về Biển Đông, chúng ta cùng các nước có tranh chấp chủ quyền chân chính đều đánh giá cao việc Tòa ra phán quyết. Trong khi đó Trung Quốc đưa ra lập luận của một số quốc gia để chứng minh rằng, những nước này ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, trong đó có Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Nga - Putin - đã cải chính ngay. Ông nói Nga không phát biểu như vậy, và Nga luôn tôn trọng đàm phán hòa bình, tranh chấp chủ quyền của các quốc gia cần phải giải quyết bằng con đường hòa bình và luật pháp quốc tế, công ước quốc tế.

Tôi cho đây là những phát ngôn chính thức, là quan điểm duy nhất của Nhà nước Nga, chứ không có chuyện là Nga xích lại gần Trung Quốc để ủng hộ quan điểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Quan điểm của Nga là đứng giữa, không ngả về bên nào trong quan hệ Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nga cũng thể hiện rõ lập trường của mình là quyền qua lại, giao lưu hàng hải quốc tế là quyền của tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và phải được Công ước Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế công nhận.

Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Nga?

- Quan hệ quốc phòng Việt Nam với Nga và Liên Xô trước đây là quan hệ truyền thống rất tốt đẹp. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga kế thừa tất cả các hiệp ước mà Liên Xô trước đây đã ký kết với các quốc gia truyền thống trong đó có Việt Nam, hiện nay quan hệ Việt - Nga có những điểm còn đậm đà hơn cả trước đây. Ví dụ, Liên Xô trước đây chưa bao giờ đề nghị đào tạo thiếu sinh quân cho chúng ta, nhưng trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu vừa qua, phía Nga đã đề nghị Việt Nam cử các học sinh phổ thông sang để Nga đào tạo. Tôi cho rằng đây là sự hợp tác rất mới, và Nga muốn có đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự lãnh đạo của quân đội Việt Nam trong tương lai được đào tạo từ lúc trẻ. Đây cũng là thiện chí của họ. Như vậy, hợp tác trong đào tạo quân sự là truyền thống kế tiếp của hợp tác đào tạo giữa Nga với Việt Nam nói chung. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng, trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ hợp tác khoa học kỹ thuật quân sự giữa ta với Nga là hợp tác hàng đầu.

v Tiếp xúc với người dân Nga, ông cảm thấy người dân Nga nghĩ gì về Tổng thống Putin của họ? Họ có e ngại gì không trước khả năng ông Putin có thể nắm quyền quá lâu?

- Nước Nga hiện nay đang áp dụng một chế độ dân chủ đa đảng, nước Nga đi theo thể chế dân chủ đa nguyên. Quan điểm của các đảng chính trị ở Nga hiện nay rất khác nhau, nhưng Đảng nước Nga thống nhất của Tổng thống Putin là đảng chiếm đại đa số trong quốc hội và là đảng cầm quyền có nhiều uy tín. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin trong thời gian qua, vị thế cường quốc của Nga được đưa trở lại. Có thể nói tiềm lực kinh tế của Nga đang dần dần được khắc phục và vươn lên. Tiềm năng và sức mạnh quân sự của Nga luôn luôn được khẳng định. Chính vì vậy mà vừa qua trong vấn đề giải quyết Crưm, Ukraina và Syria, uy tín của Tổng thống Putin được nâng lên rõ rệt.

Vị thế của nước Nga đã được đánh giá đúng. Nước Nga đã trở lại vị thế cường quốc mà không thể không có trên thế giới khi các vấn đề quốc tế được bàn luận đến, nên vừa rồi uy tín của Tổng thống Nga lên rất cao, chưa bao giờ lên đến gần 90%. Tôi đánh giá đây là một ưu thế rất tốt, tạo đà để ông Putin có thể vượt qua khó khăn của kỳ bầu cử tổng thống 2018 tới đây.

 Trong hai năm qua Nga đã bị bao vây bởi cấm vận của phương Tây. Đại sứ có thấy đời sống của người dân Nga bị ảnh hưởng?

- Tôi cho là Nga có một thắng lợi nữa mà người dân Nga thấy rất rõ, đó là dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, qua hai năm bao vây cấm vận của Mỹ và EU, nước Nga vẫn đứng vững. Mỹ và EU đã nhầm khi đánh giá Nga sẽ sụp đổ rất nhanh chóng khi bị bao vây cấm vận. Nhưng họ không nghĩ rằng Nga là một nước có truyền thống vượt qua khó khăn gian khổ, tự lực tự cường rất lớn. Tính truyền thống của nước Nga hiện nay vẫn đang được phát huy từ thời kỳ trước cho đến bây giờ. Vì cấm vận, Nga đã khôi phục lại tính tự lực tự cường, làm cho mưu toan cấm vận của Mỹ và EU thất bại.

Cũng tại Hội nghị Ngoại giao 29, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn đã kể lại chuyện nước Nga vượt lên "thoát cấm vận". Ông nhắc lại câu nói hài hước của Tổng thống Nga Putin: "Nhờ có lệnh cấm vận của Mỹ và EU mà lòng yêu nước và tinh thần tự lực tự cường của người dân Liên Xô trước đây đã được thức tỉnh". Trước đây Liên Xô có nền nông nghiệp rất hùng mạnh, các sản phẩm nông nghiệp đứng hàng đầu thế giới. Khi Liên Xô tan rã, nền nông nghiệp này cũng ra đi theo vì người ta không chú trọng đến phát triển nông nghiệp nông thôn nữa, mà tính đến khai thác các nguồn khoáng sản sẵn có. Các nhà tài phiệt Nga thâu tóm rất nhiều mỏ quặng để đem bán và thu lãi. Sau khi Tổng thống Putin lên nhậm chức, ông đã làm một việc mà Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho là rất đúng: thu hồi lại tất cả những tài nguyên này trở về với lợi ích của đất nước. Đến bây giờ, lại nhờ có bao vây cấm vận của Mỹ và EU nên Nga thức tỉnh ý chí quật cường như đã thấy thời chiến tranh. Họ lại xây dựng các trang trại, nông trường bao la, với mục đích tự lực tự cường trong bối cảnh nhiều biến động lớn và tranh chấp xung đột xảy ra bất cứ lúc nào. Nga vẫn là một cường quốc tự lực tự cường như Liên Xô trước đây.

Xin cảm ơn ông!

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn sinh năm 1957 tại Hà Nội. Ông có nhiều năm gắn bó với ngành ngoại giao. Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn am tường về đất nước, văn hóa và con người Nga. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Công nghiệp Ulanude, Liên Xô cũ và có bằng Tiến sĩ Ngôn ngữ học Hiệp hội các trường đại học Liên bang Nga. Ông là Tùy viên Văn hóa tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô từ 1989 - 1992; Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Nga từ 1999 - 2003. Ngày 16.7.2014, ông được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Liên bang Nga, kiêm nhiệm các nước Cộng hòa Armenia, Cộng hòa Azerbaijan và Cộng hòa Turkmenistan. Trước đó, ông là Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về UNESCO, Bộ Ngoại giao từ tháng 9 năm 2008.

“Liên minh kinh tế Á - Âu (Eurasian Economic Union) là thị trường thuận lợi cho các DN Việt Nam hội nhập với thế giới thông qua hợp tác kinh tế đối ngoại với Nga. Địa bàn Nga và EEU là thị trường không nhỏ để DN Việt Nam triển khai ở sân chơi mới, có thêm kinh nghiệm trong cạnh tranh quốc tế. Năm 2015, Đại sứ quán Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ở Nga. Gần 500 DN Việt Nam cùng hàng nghìn mặt hàng đã đổ bộ để thử thị trường này. Cuộc tập dượt đã thành công, 80% mặt hàng trưng bày tại hội chợ đã bán hết trong tuần đầu tiên. Hàng của Việt Nam không phải không có vị thế và chỗ đứng, với điều kiện chúng ta biết lựa chọn loại hàng nào, đưa sang thị trường nào cho hợp lý. Tháng 9 tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga sẽ tổ chức hội chợ các mặt hàng xuất khẩu của các DN phía bắc; tháng 10 là của DN phía nam; và cuối năm dự kiến là Hội chợ hàng ASEAN chất lượng cao” - Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn.

 


 

Vân Anh thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Cựu Chủ tịch FLC và 2 em gái xin giảm án

Việt Dũng |

Trong số 25 người kháng cáo, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và em gái đều xin giảm nhẹ hình phạt và giảm trách nhiệm dân sự.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Giá vé máy bay Tết 2025 tăng, đắt nhất gần bằng 1 chỉ vàng

Chí Long |

Trước Tết Âm lịch vài tháng, giá vé máy bay nội địa dịp Tết có xu hướng tăng trung bình khoảng 5-8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cận cảnh TTTM đầu tư trăm tỉ rồi "vỡ mộng" ở Lạng Sơn

An Khánh |

Lạng Sơn - Dù từng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song TTTM - chợ Đồng Đăng đìu hiu, vắng ngắt. Tòa nhà 3 tầng bề thế nay đã đóng cửa.