Đàn gà hè phố

Trang Thanh |

Cái đàn gà đó gồm có một gà trống - tạm gọi là gà bố, một gà mái - tạm gọi là gà mẹ, và một lũ líu chíu chục đứa gà con. Đây có lẽ là một gia đình gà. Căn cứ vào số lượng gà to gà nhỏ và tuổi tác của chúng, cũng như cách chúng ứng xử với nhau.

Đã là gà nhà thì bao giờ cũng được nuôi ăn, ở nông thôn hay thành phố cũng thế. Gia đình gà này có chăng may mắn hơn là được nuôi nấng trong một gia đình bán cơm bụi. Bữa trưa đến, ông chủ mở một cái lồng tre mà hàng ngày ông chằng buộc sơ sài trên một cái xe máy cũ kỹ. Trong lồng, lũ gà lớn bé chẳng có vẻ sợ hãi hay nháo nhác mà xốn xang tíu tít như con trẻ đang chờ bác bảo vệ mở cánh cổng công viên...

Thì cũng chỉ là được ăn để mà lớn đấy thôi, nhưng là ăn ở hè phố, giữa những thực khách rổn rảng nói cười, đôi khi có vươn mỏ mổ vào bàn chân một vài cô nàng óng ả, các cô cũng chỉ nhẹ xua tay mà cười, không ai nỡ mắng.

Ông bà chủ đơn giản là người biết tận dụng cơm vãi cơm rơi nuôi mấy con gà sạch, giữa thời buổi thực phẩm bẩn đến hãi hùng này, thật cũng chẳng có gì đáng để mà bàn. Lũ gà tuần bảy ngày ra phố, có thức ăn rơi vãi ra thì chúng nhặt, ăn no rồi thì đùa nghịch, nhởn chơi, vỗ cánh mà giỡn gió với nhau. Đợi ông bà chủ bán cơm xong, dọn dẹp tinh tươm thì vỗ vỗ vào chiếc lồng nan tre, miệng gọi “bập bập bập bập”. Cả một lũ lớn bé mẹ con nhà gà ngoan ngoãn nghe theo hiệu lệnh, chui tất cả vào, đứng nép bên nhau trong chiếc lồng chật chội mà bình an vô sự, để ông bà chủ mang chúng về nhà. Trưa ngày mai, chiếc lồng ấy lại tênh tênh trên yên xe máy, đàn gà nhà ta lại xuống phố xênh xang…

Nhiều thực khách quan sát lũ gà quẩn chân mình tìm kiếm thức ăn, bình luận, giống gà thế mà chẳng khôn, phố xá đông đúc, vỉa hè trống trải tứ bề thế này, sao chẳng vượt mặt ông bà chủ đi, chạy đến lùm cây bụi cỏ nào đó trong công viên mà sống cho thoải mái?

Xem ra, cả ý tưởng lẫn sự suy diễn này thật chẳng ăn nhập gì lắm với tính cách và hoàn cảnh của lũ gà nhà. Chúng vốn là những gia cầm được con người nuôi nấng, mà nuôi để đơn giản là làm thịt. Nhưng chúng chẳng thông minh đến mức dự cảm được rằng người ta vỗ chúng hôm nay cho lớn, cho béo để làm thịt chúng vào mai kia.

Cuộc sống đối với lũ gà thật đơn giản? Được nuôi nấng, được ăn no, chúng chẳng có khát vọng được bay nhảy đến một nơi tự do rộng lớn, thoát khỏi cái chuồng cỏn con chật hẹp người ta dành cho chúng, để mà thoải mái nhảy nhót, thậm chí đánh lộn lẫn nhau chán chê rồi đói bụng thì tự tìm kiếm trên vườn dưới đất được cái gì chén cái đó theo lẽ tự nhiên. Điều này có lẽ ngược hẳn với loài chim, cái loài biết bay cao bay xa, biết tìm kiếm không mệt mỏi những vùng trời rộng lớn - chúng lúc nào cũng tràn trề khát vọng tự do bay lượn, cho dù người ta có nuôi chúng trong những chiếc lồng sơn son thếp vàng, có chiều chuộng chăm chút nâng niu như báu vật, trong lòng chúng lúc nào cũng sôi sục khát vọng tháo cũi sổ lồng…

Nhưng mọi sự so sánh đều dễ trở nên vớ vẩn…

Có lẽ, với lũ gà nhà này, no cái bụng, vui con mắt, cái hiện tại mới là quan trọng. Gà bố, một chú gà trống không to lớn, dáng dấp chẳng lấy gì làm oai vệ, bộ lông đâu sặc sỡ đẹp đẽ gì cho lắm, tóm lại là một con đực hết sức bình thường. Sự đáng chú ý dành cho chú ta là bởi cái cách kiếm thức ăn và kêu gọi, nhường nhịn, chăm sóc cô vợ và lũ gà con. Chú đi đi lại lại, bước thấp bước cao, bước gằn bước nhảy, cặp mắt tinh nhanh quan sát đông tây ngang dọc. Mỗi khi nhìn thấy phía trước, phía bên có cọng rau hay hạt cơm rơi, trống ta dùng mỏ của mình mổ lên đặt xuống hạt cơm nhiều lần, vừa mổ vừa nghển cổ kêu “cúc cúc cúc cúc” gọi vợ gọi con. Vừa kịp vợ con chạy tới, trống ta lại tiếp tục mổ lên đặt xuống hạt cơm để vợ con nhìn cho rõ mà ăn. Cứ thế, hết hạt cơm này đến hạt cơm khác, hết lần nghển cổ cúc cúc này đến lần nghển cổ cúc cục khác, trống ta đã giúp vợ con căng diều mà chẳng phải nhọc nhằn tìm kiếm chút nào. Xong đâu đấy, tự mãn nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ, trống ta mới vươn vai vỗ cánh nhẹ nhàng vài cái, toàn thân toát lên một vẻ sung sướng rồi mới quay ra tìm kiếm thức ăn cho mình.

Vai trò “ông bố” của gà trống đã hoàn hảo đến mức, dường như trong lòng thực khách quán cơm kia, chú đã trở nên một thần tượng. Mỗi khi chú có làm phiền ai đó, làm đổ bát canh hay thậm chí làm văng cả bát nước mắm vào váy áo một cô nàng rực rỡ và thơm phức đang ăn uống ngon lành, thì cũng chỉ đủ để giữa họ chộ lên một tràng cười đùa thích thú chứ chưa bao giờ là một cơn giận dữ. Nhất lại là sau cú vỗ cánh ngoạn mục ấy, một âm vang kiêu hãnh “ò ó o o…” được cất lên.

Trang Thanh
TIN LIÊN QUAN

32 bàn thắng ở 7 trận đầu lượt trận thứ hai Champions League

tam nguyên |

32 bàn thắng được ghi trong loạt 7 trận đấu mở màn lượt trận thứ hai UEFA Champions League 2024-2025.

Hà Nội trang hoàng dịp kỉ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Nhật Minh |

Hà Nội - Nhiều tuyến phố, địa điểm công cộng tại Hà Nội được trang trí cờ, hoa, pano để chào mừng kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Nước Sông Hồng dâng cao, cầu phao Phong Châu tạm đóng

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều tối 1.10, cầu phao Phong Châu phải tạm ngừng phục vụ người dân do nước sông Hồng dâng cao.

Sau lũ quét kinh hoàng, Làng Nủ tiếp tục bị chia cắt

Đinh Đại |

Lào Cai - Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vào Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên bị chia cắt.

Thông tin chính thức về tiến độ đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Xuyên Đông |

Chiều 1.10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cuộc trao đổi thông tin với báo chí về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.