Đời bên đá

phong linh |

Tôi đi An Giang cũng nhiều, không biết bao nhiêu lần đếm xuể, nhưng cứ mỗi lần ngược về mạn này, tôi lại có một cảm xúc rất lạ và lần đi này cũng lắm xót xa.

Có một nghề lắm nhọc nhằn

Đi dọc qua đường tỉnh lộ 943, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, không khó để bắt gặp hình ảnh những người lao động nghèo làm việc trên các bãi đá hai bên đường. Một đoạn đường dài hơn 2 cây số, mà có đến hơn trăm người lao động làm trụ đá dùng trong vật liệu xây dựng.

“Nghề chẻ đá!” - một người đàn ông ngoài 40 tuổi nói với tôi khi đôi tay vẫn không ngớt việc. Nước da đen sạm cùng điệu bộ khỏe khoắn của ông đủ để tôi hiểu ông thuần thục công việc này đến cỡ nào. Tay phải ông cầm một chiếc búa (dạng búa thầu), còn tay trái là một chiếc đinh đục cỡ lớn, cứ thế ông dùng búa đập vào đinh đục nhằm gọt những viền trụ đá cho bằng phẳng, phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân.

“30 năm, tôi làm nghề này ngót nghét cũng 30 năm rồi. Người ta nhìn vào chắc cũng đủ thấy nó gian khổ và nhiều nguy hiểm thế nào. Kể làm sao cho cô, cậu nghe hết những mệt nhọc này nhưng chúng tôi vẫn làm vì phải mưu sinh" - ông Nguyễn Văn Hùng (thợ làm đá, An Giang) chia sẻ.

Công đoạn mài gọt cho mặt đá bằng phẳng.
Công đoạn mài gọt cho mặt đá bằng phẳng.

Kể với chúng tôi về quy trình cho ra một trụ đá thành phẩm, ông Hùng nói: Đầu tiên, thợ lấy đá tảng từ trên núi cao, những tảng đá nặng đến cả tấn. Sau đó, xe tải chở đá tập kết về công trường, người lao động sẽ thực hiện tiếp công đoạn chẻ tảng đá thành những trụ nhỏ và cuối cùng là mài gọn cho bằng phẳng là có thể dùng.

"Chúng tôi cũng có dùng máy cắt để hỗ trợ việc chẻ đá nhưng cũng do đặc tính của đá này nên buộc làm bằng thủ công. Huống hồ, mỗi lần dùng máy cắt, bụi đá bay mịt mù trong không khí, bám đầy người rất khó chịu" - anh Nguyễn Văn Thông, một thợ làm đá ở Tri Tôn chia sẻ.

Gắn liền với công việc nặng nhọc nhưng người lao động này vẫn miệt mài bất chấp thời gian vì hễ còn sáng là còn làm. Hơn 12h trưa, họ ngồi dưới những miếng bạt che bạc màu năm tháng, chẻ thêm một trụ sẽ đỡ được 14.000 đồng.

“Không phải chúng tôi không biết cực khổ mà chúng tôi không có việc gì khác để làm! Bây giờ làm hồ (thợ xây) cũng khó vì ít công trình nào thiếu thợ. Đồng áng thì có máy bay xịt cả rồi, 5 - 7 phút là xong một công (1.000m2). Bất đắc dĩ chúng tôi mới làm đá" - ông Hùng cười nói thêm.

Đinh đục găm vào đá để chẻ ra thành trụ.
Đinh đục găm vào đá để chẻ ra thành trụ.

Không tuổi tác, không giới tính

Ở vùng quê này, nghề chẻ đá cũng không phân biệt tuổi tác, giới tính, một công trường hơn chục người, trải dài từ 16 đến 60 tuổi đều có đủ. Những tưởng công việc nặng nhọc chỉ dành riêng cho phái mạnh nhưng nào ngờ phụ nữ làm nghề này cũng không hẳn được sự ưu tiên. Họ sẵn sàng tham gia vào mọi công đoạn, từ mang vác đá, chẻ đá, gọt đá, thậm chí sau giờ lao động, khi đàn ông nằm nghỉ, phụ nữ còn phải thu gom các đinh đục vương vãi trên nền hay lau chùi chiếc máy cắt cho sạch sẽ.

“Đau lắm! Thịt da mình mà, bị đá găm vào thì làm sao chịu nổi, nhưng mà cũng phải cố gắng vượt qua. Con tôi còn đi học, mẹ tôi ở nhà còn đợi thuốc, đợi cơm. Một mình ông ấy làm, ngày kiếm được 200.000 - 300.000 đồng cũng không nuôi nổi cả nhà" - chị Mỹ Anh (43 tuổi, Tri Tôn) nói.

Những ngày thứ bảy, chủ nhật, không khí ở bãi đá Tri Tôn cũng trở nên đông vui và nhộn nhịp hơn bởi sự góp mặt của thiếu niên. Được nghỉ học, 5 - 7 cô cậu liền kéo nhau ra bãi đá phụ cha, phụ mẹ đỡ tiền. Lắm lúc, đôi bàn tay tri thức quen cầm bút sách ấy cũng ửng đỏ máu vì đá dập vào tay.

Trực chờ bệnh tật

Với bất cứ thợ đá nào, chuyện mảnh đá găm vào da thịt rồi "nằm lỳ" ở đó là hết sức bình thường, đó là chưa kể đến chuyện nhỏ nhặt va chạm dập tay, dập chân. Có những người kém may mắn còn bị dăm đá, mảnh vụn văng vào mắt, nhẹ thì gây viêm giác mạc, nặng thì gây cảnh mù lòa. Ấy vậy, họ cũng không có bất kỳ hỗ trợ nào khác vì họ vốn hiểu "phận mình là lao động tự do!"

"Nếu nhà có của ăn của để chẳng ai muốn theo nghề này cả. Công việc vừa cực nhọc vừa dễ mắc bệnh mãn tính. 10 người theo nghề hết 9 người mắc bệnh lao phổi về già, cả những lúc bụi đá văng trúng mắt hay cưa sai đường vân của đá là đứt tay.

Vất vả nhưng bù lại thu nhập có nhiều hôm đến 400.000 đồng/ngày đủ cho tôi trang trải sinh hoạt cho 6 thành viên trong nhà" - ông Hùng vừa lau vệt mồ hôi trên trán vừa nói.

"Cô cậu hỏi thì chúng tôi chia sẻ nỗi vất vả, nhưng nói rồi lại thôi, chúng tôi cũng không thể bỏ nghề. Mấy mươi năm rồi, làm đi làm lại cũng thấy quen, tuổi mình bây giờ cũng không thể làm gì khác. Còn làm được ngày nào thì cứ hay ngày ấy, ít ra như vậy còn có trụ đá cho người ta dùng" - ông Quang (60 tuổi, người có 40 năm làm nghề chẻ đá) chia sẻ.

Phụ nữ cũng làm nghề chẻ đá.
Phụ nữ cũng làm nghề chẻ đá.

Nhiệt độ ước chừng cũng lên đến 30, cái nắng cháy da cháy tóc cũng không thể cản ngăn ý chí của người dân Bảy Núi. Xế chiều, nếu có một cơn gió thổi qua, họ sẽ sướng mê người bởi được trời thương trời ưu đãi. Còn không, những giọt mồ hôi cứ thế nối nhau lăn dài trên vầng trán bệch bạc lấm lem.

Không chỉ vất vả gian khổ, đeo bám nghề làm đá, người thợ còn phải trực chờ bao nhiêu nguy hiểm bệnh tật. Quan trọng không phải câu chuyện kiếm kế sinh nhai hiện tại mà là cuộc sống chật vật của họ sau này bởi thực chất, họ không có quyền lợi nào khác khác ngoài chút tiền công ít ỏi ăn nhờ vào đá.

phong linh
TIN LIÊN QUAN

Nghề lưới chuồn càng ra khơi càng lỗ

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Chưa bao giờ nghề lưới chuồn ở tỉnh Quảng Ngãi lại thất thu như năm nay. Tàu cá nằm bờ, ngư dân không đi biển, nợ nần chồng chất...

Hội An tôn vinh những người phụ nữ làm nghề ve chai

THUỲ TRANG |

Những người phụ nữ hành nghề nhặt ve chai mỗi ngày không chỉ giúp họ kiếm sống mà còn là nguồn lực quan trọng góp phần tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại và thu gom rác thải, biến rác thải thành tài nguyên, thu gom và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường.

Độc lạ nghề chẻ đá hóa ra tiền ở An Giang

PHONG LINH |

An Giang - Đi dọc tỉnh lộ 943 (thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), không khó để nghe được những âm thanh, cạch cạch, chát chát từ bên đường. Nghề chẻ đá lắm khó khăn và nhọc nhằn nhưng nhiều người vẫn cố bám trụ vì cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Hiện trạng áp thấp gần Biển Đông và áp thấp gần Philippines

Song Minh |

Vùng áp thấp gần Biển Đông đã tan nhưng vẫn còn một áp thấp nhiệt đới gần Philippines.

Đường lầy lội, tiểu thương chợ đầu mối mòn mỏi chờ khách

YẾN PHƯƠNG - MỸ LY |

Cần Thơ - Hạ tầng giao thông xuống cấp cộng thêm thời tiết mưa bão khiến tuyến đường dẫn vào chợ đầu mối lớn nhất Cần Thơ lầy lội, dơ bẩn...

Huấn luyện viên Kim Sang-sik và chuyện chọn tên tuổi hay phong độ cầu thủ

TAM NGUYÊN |

Huấn luyện viên Kim Sang-sik đứng trước câu hỏi về kế hoạch sử dụng nhân sự trong dịp FIFA Days tháng 10 cũng như ASEAN Championship sắp tới.