Những khó khăn…
Giai đoạn chuyển cấp là giai đoạn mà trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường mới, bắt đầu thay đổi những thói quen khi còn bé và tự mình định hướng tính cách, đồng thời thể hiện cá tính của mình trong quá trình học tập. Để trẻ sớm thích nghi với những điều này, nhiều phụ huynh đã bắt đầu lớp Một của con ngay từ những ngày đầu tháng 7, tuy nhiên khi bước vào tuần học chính con vẫn còn ngỡ ngàng, lạ lẫm. Chị Nguyễn Thanh Nga (Hoàn Kiếm Hà Nội) cho biết: “Tôi sợ con mình vào năm học sẽ không bắt kịp những thay đổi của môi trường mới như vấn đề thời gian, nề nếp nhà trường… Đặc biệt, vào cấp 1 con không thể đi muộn như khi học mầm non, phải chép bài và phải lắng nghe thầy cô giảng để tiếp nhận kiến thức. Chính vì vậy, gia đình tôi chọn cách đăng ký lớp học kỹ năng để vào lớp Một nhằm giảm bớt được gánh nặng và lo âu. Tuy nhiên một tuần đầu năm học đã trôi qua nhưng con vẫn có phần nào đó lạ lẫm, lo lắng với cấp học mới này”.
Khác với chị Thanh Nga, chị Nguyễn Thị Việt Hà (Hà Tĩnh) đã dành thời gian trước năm học mới của con ở nhà trò chuyện cùng con về những điều mới, cái hay của cấp học mới, kể những câu chuyện về trường lớp để kích thích tính tò mò, khát khao được đến trường của con. Đồng thời hướng dẫn con những thói quen như dậy sớm, tự chuẩn bị sách vở, quần áo và đặc biệt tự giác vệ sinh cá nhân để đi học. Chị Việt Hà cho rằng: “Chính mình phải tạo được sự say mê, thích thú, đặc biệt trẻ con là độ tuổi thích khám phá, tò mò với những cái mới, đặc biệt là môi trường học của các con, tôi khuyến khích con tìm hiểu và tạo sự đam mê trong đó”.
Bên cạnh đó, các con lại tiếp xúc với một lượng kiến thức khá sâu và mang tính tư duy cao, phải làm quen với những nếp sinh hoạt, hiệu lệnh mới của giáo viên. Đặc biệt, các thay đổi cơ bản như: Tư thế ngồi, cầm bút viết và các nội quy của trường lớp. Cô Đặng Thị Lài (giáo viên cấp 1, trường Tiểu học Quang Lộc, Hà Tĩnh) cho biết: “Bước vào cấp học mới các con phải thay đổi gần như là tất cả các thói quen ở mẫu giáo, việc đầu tiên là tư thế ngồi. Ở mẫu giáo các con chưa phải ngồi bàn, có thể ngồi tư thế ngồi thoải mái nhất mà các con muốn, có thể dịch chuyển chỗ ngồi trong buổi học. Nhưng lên cấp một các con phải ngồi chỗ đúng quy định, ngồi đúng tư thế học đường để không ảnh hưởng đến thị lực cũng như cột sống. Việc thứ hai là cách cầm bút, có con sẽ thuận tay trái, con thuận tay phải chính vì vậy giáo viên phải hướng dẫn các con cách cầm bút viết cho đúng”.
Cô Lài cũng nói thêm, trước lúc vào năm học mới các con sẽ có “hai tuần 0” có nghĩa hai tuần này các giáo viên lớp 1 sẽ giúp các con làm quen trường lớp, bạn bè, nếp sinh hoạt, hướng dẫn các con nội quy, quy định, hiệu lệnh, động lệnh, các trò chơi, các cử chỉ, ký hiệu cô giáo làm trong các giờ học. Đặc biệt, “2 tuần 0” này giúp các con rút ngắn khoảng cách, cũng như thời gian làm quen khi bước vào tuần học chính các con có thể yên tâm học. Bên cạnh đó, nhưng khó khăn ban đầu của cấp học mới các con được giảm. Tuy nhiên vẫn có nhiều con mất cả tháng trời mới hòa nhập được với môi trường học mới này.
Rèn tính tự lập
Lên lớp Một các con sẽ gặp gỡ bạn bè thầy cô giáo mới, phải tự lập trong một số hoạt động cá nhân như: Thắt dây giầy, xếp dép, treo áo khoác đúng nơi quy định, tự mình xúc cơm ăn… nhiều con khá bỡ ngỡ khi mình phải tự làm mọi việc.
Chính vì vậy, ngay từ khi vào năm học mới, các thầy cô cũng như bố mẹ rèn luyện tính tự lập cho các con, nhằm giúp các con nhanh chóng làm quen và thích nghi với môi trường mới, với bạn bè, thầy cô và rất nhiều sự lạ lẫm. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh còn giúp con xây dựng thời khóa biểu công việc, học tập hằng ngày một cách khoa học nhất để các con dựa trên cơ sở đó mà thực hành, tạo thành thói quen có nề nếp.
Chị Đặng Phương Anh (Hà Tĩnh) cho biết: “Sau khi hai mẹ con lên thời khóa biểu tôi bắt đầu dạy con viết sổ nhớ nhằm ghi lại các công việc của con đã hoàn thành và những công việc chưa hoàn thành trong ngày. Đến cuối tuần hai mẹ con dành một buổi nào đó ngồi lại xem những việc con đã làm được, nếu tốt thì khen ngợi, động viên con để con cảm thấy có động lực thực hiện cho các tuần sau. Còn những việc chưa làm được thì bắt đầu hai mẹ con nhìn vào đó, phân tích xem vì sao không hoàn thành, nếu thời khóa biểu nặng quá thì mẹ lắng nghe con nói và từ đó cùng con có phương án thay đổi”.
Nhiều phụ huynh cũng để con tự thực hiện mọi việc các nhân như: Đánh răng, rửa mặt, tự xúc ăn không còn giúp đỡ như trước đây và đặc biệt cho con ngủ riêng. Ngoài ra, không nên thúc ép con phải học hay bày cho con, để con tự độc lập suy nghĩ đối với những bài tập khó.
Chị Việt Hà, một phụ huynh có con mới vào học lớp Một cho rằng: “Khi có những bài tập khó, cần có sự suy nghĩ và tư duy cha mẹ không vội vàng chỉ cách làm, để con suy nghĩ kỹ đến khi nào con cảm thấy không thể dùng cách nào được nữa mới hướng dẫn. Nên chỉ ra cho con cách nhận biết dạng bài và cách nhớ. Tuyệt đối không làm hộ cho con, phải tập cho con tính độc lập suy nghĩ, nếu không khi có bài khó con sẽ ỷ lại”.
Sẽ không còn bỡ ngỡ
Kể từ ngày khai giảng năm học mới 5.9 đến nay học sinh cả nước đã bước sang tuần học thứ 2, bắt đầu lấy lại những thói quen hằng ngày của mình, nhiều học sinh lớp Một cũng bắt đầu dần quen với nếp sinh hoạt tại trường mới. Chị Việt Hà kể: “Kết thúc tuần đầu tiên chiến đấu với lớp Một, đến ngày thứ 7 được nghỉ, nhưng tối thứ 6, sau khi học xong con gái tôi vẫn chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập để chuẩn bị cho ngày mai đi học. Sáng dậy lúng túng khi nhìn lên đồng hồ đã 8 giờ, ngỡ mình ngủ quên. Khi thấy tôi đang chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà thấy cháu cuống cuồng gọi mẹ vừa đi giày vừa trách, sao mẹ không gọi con dậy, muộn học con mất rồi. Đến khi tôi bảo, hôm nay thứ bảy được nghỉ học cháu mới ngỡ ngàng”.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng rất bối rối, khi nhìn thấy con mới hết một tuần đầu cấp học đã rơi vào tình trạng áp lực, lo lắng. Chị Thanh Nga chia sẻ: “Ở trường con viết chậm, vì vậy về nhà cứ ăn cơm xong lại loay hoay tập viết, rồi đến làm toán. Mới có một tuần nhưng tôi thấy con mình đang phải đối mặt với lượng lớn bài tập phải làm. Thậm chí, cuối tuần vừa qua tôi bảo đưa cháu đi công viên chơi để sang tuần học cho thoải mái, cháu còn tỏ ra lo âu và nói con chưa viết xong bài tập viết cô giao về nhà”.
Thấy chương trình học của con nặng về, học cả ngày ở trường nhưng về nhà lượng bài tập cũng còn khá nhiều, không ít phụ huynh đã cho con học thêm để giảm bớt gánh nặng. Trào lưu đó không chỉ ở các vùng trung tâm, các thành phố lớn mà đã lan ra ở nhiều nơi thuộc các địa bàn nông thôn. Chị Nguyễn Thị Thảo (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết: “Giờ chương trình học cũng như cách chuẩn viết chữ không như trước đây, các bài toán lớp 1 cũng cần phải có lời giải, trong khi đó ngày xưa tôi học lớp 3, 4 mới phải làm toán có lời giải nên nếu tự dạy sẽ sai chuẩn, thậm chí hại con”. Vì vậy, ngoài thời gian học 2 buổi ở lớp, thứ bảy chị còn gửi con đến nhà cô giáo quen nhờ dạy kèm, vì sợ con không theo kịp chương trình học”.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bận bịu công việc, không có điều kiện thời gian kèm cặp con học các buổi tối dường như cho con đến các lớp học thêm hay trung tâm như là phương pháp tối ưu và một phần để có người trông con.