Giáo dục Phần Lan: Thành công nhờ đặt niềm tin tuyệt đối vào thầy cô

Vân Anh |

Không có sự thần kỳ nào giúp Phần Lan nằm trong số những cường quốc giáo dục trên thế giới như hôm nay, bởi chúng tôi cũng mất tới 40 năm để phát triển từng bước. Không có một công thức kỳ diệu nào ngoài việc kích thích sự sáng tạo, trí tò mò của học sinh và đặt niềm tin tuyệt đối vào các thầy cô.

Đó là những câu trả lời mà đoàn nhà báo quốc tế chúng tôi nhận được từ các chuyên gia sư phạm và các thầy cô giáo trong chuyến thăm tìm hiểu hệ thống giáo dục Phần Lan, một trong những nền giáo dục tiên tiến và thành công nhất thế giới và là một yếu tố quan trọng giúp quốc gia này tạo dựng được sự thịnh vượng suốt đời cho người dân của mình.

Bình đẳng về giáo dục

Một nguyên tắc cơ bản của hệ thống giáo dục Phần Lan là tất cả mọi người đều có quyền và cơ hội thụ hưởng ngang bằng nền giáo dục và đào tạo chất lượng cao, không kể xuất thân giàu nghèo, thiểu số hay đa số, già hay trẻ, nông thôn hay thành thị.

"Bình đẳng là điều quan trọng nhất trong nền giáo dục Phần Lan" - TS Arja-Sisko Holappa, Viện Giáo dục quốc gia Phần Lan, chia sẻ. Ở đất nước nghìn hồ này, giáo dục được miễn phí tại tất cả các cấp từ mẫu giáo đến hết trung học. Trẻ không bị bắt buộc phải đi học cho đến khi tròn 7 tuổi.

Ở lớp tiền tiểu học (6 tuổi) và cấp giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9 với trẻ từ 7-16 tuổi), sách giáo khoa, bữa trưa và xe đưa đón học sinh ở xa trường đều được miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên, như cô Sara Sintonen, chuyên gia nghiên cứu về giáo dục mầm non tại Đại học Helsinki cho biết, hầu hết trẻ đều chọn trường gần nhà nhất để học, vì "chúng tôi không có khái niệm trường này tốt, trường kia không tốt".

Tôi nhận ra rằng, việc dạy - học ở quốc gia này là niềm vui, niềm hạnh phúc và đam mê của cả thầy và trò, thay vì quay cuồng học thêm, áp lực điểm số và thi cử.

Khi chúng tôi đến trường tiểu học Lauttasaari, cách thủ đô Helsinki 5km, học sinh lớp 5 của cô Satu Pietinen đang làm bài tập lịch sử sau 1 tháng học về Italia. Đề bài hôm đó là: Em thấy kiến trúc cổ La Mã có ảnh hưởng như thế nào ở Helsinki của chúng ta? Với câu hỏi mở này, các em làm bài trên máy tính, được mở sách và tìm hiểu thêm trên Internet.

"Chúng tôi không có kỳ thi nào cả, đây chỉ là bài tập để xem các em nắm bắt được đến đâu. Chúng tôi đánh giá các em trong cả quá trình học và quan trọng là các em học được gì, chứ không phải học những gì cô bảo" - cô Pietinen nói với phóng viên Lao Động.

Trường Lauttasaari có 870 học sinh, 53 giáo viên, 1 hiệu trưởng, 1 hiệu phó, 2 y tá và 1 chuyên viên tâm lý. Cô hiệu trưởng Johanna Honkanen-Rihu cho biết, trường có 27 học sinh cần sự giúp đỡ đặc biệt, nhưng các em được bố trí học cùng các bạn bình thường nên hoà nhập rất tốt.

"Chúng tôi cố gắng khai thác tối đa khả năng của mỗi học sinh và nói với các em rằng ai cũng có sự khác biệt, bạn này có thế mạnh ở mặt này, bạn kia có thế mạnh ở mặt kia. Vì thế, thậm chí các em còn không nhận ra ai là bạn cần sự giúp đỡ đặc biệt nữa" - cô Johanna nói.

Tất cả học sinh Phần Lan, dù thông minh hay không, đều được xếp chung một lớp, do đó cũng không có hệ thống trường chuyên lớp chọn, và gần như không có sự cách biệt giữa học sinh giỏi - dốt.

Bữa trưa của học sinh trường tiểu học Lauttasaari. (Ảnh: Vân Anh)

Học gì và học thế nào

Sự lột xác của nền giáo dục Phần Lan được khởi đầu từ hơn 40 năm trước, khi chính phủ quyết định tạo ra bước đột phá nhằm phục hồi kinh tế đất nước. Là một đất nước ít dân số, tài nguyên không giàu có, Phần Lan cho rằng chỉ có đầu tư vào giáo dục mới là cách đúng đắn nhất để phát triển thịnh vượng.

Bà Arja-Sisko Holappa, Viện Giáo dục quốc gia Phần Lan, cho biết trải qua hàng chục năm, nền giáo dục từng bước đổi mới từ học gì sang học như thế nào. Chương trình giảng dạy mới cho giáo dục bắt buộc, đó là học suốt đời. Phát triển văn hoá làm việc của trường học là khái niệm rộng, bao hàm phương pháp làm việc, cách đánh giá hỗ trợ học tập, mục đích các môn học, tăng cường khả năng...

"Xây dựng một chương trình giảng dạy mới, chúng tôi tập trung vào việc nghĩ cho tương lai, nghĩa là chúng tôi nghĩ lại cách học và môi trường học, nghĩ lại cách giảng dạy, nghĩ lại các mục tiêu. Và điều quan trọng hơn hết là chương trình giảng dạy đó phải đảm bảo được sự an toàn và vui thích của thầy trò" - bà Arja-Sisko nói.

Để thực hiện chương trình cải cách, các chuyên gia giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, hiệp hội giáo viên Phần Lan cùng nhau đưa ra những hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn, yêu cầu với học sinh lớp 1-2 là được hướng dẫn tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn và truyền đạt lại cho nhau. Các em được dạy để biết mối quan hệ giữa thế giới thực và thế giới tưởng tượng.

Học sinh lớp 3 đến lớp 6 được dạy quan sát, diễn giải câu chữ trong văn bản, tranh luận và nhận ra rằng sách giáo khoa có những mục đích khác. Học sinh lớp 7-9 có yêu cầu cao hơn, nhấn mạnh vào việc phân tích sâu, phản biện và bày tỏ quan điểm riêng.

Ở bậc giáo dục cơ bản, Phần Lan không có bất kỳ một kỳ thi chuẩn hoá bắt buộc nào, trừ một kỳ thi cuối năm lớp 9. Ở đất nước này, việc đánh giá học sinh được tiến hành thường xuyên trong suốt quá trình học, mỗi em được nhận một bản đánh giá ít nhất mỗi năm một lần, dựa trên mục tiêu thực hiện của từng môn học được quy định trong chương trình giảng dạy. Dựa trên đánh giá này, các em sẽ được lựa chọn để vào cấp học cao hơn là phổ thông trung học hoặc dạy nghề.

Một trong những nhiệm vụ nữa của giáo dục cơ bản là phát triển khả năng tự đánh giá của học sinh. Mục tiêu của việc này là phát triển kỹ năng tự học, tự tìm hiểu và giúp học sinh nhận thức được sự tiến bộ của mình trong suốt quá trình học.

Tranh vẽ của học sinh trường tiểu học Lauttasaari. (Ảnh: Vân Anh)

 

Văn hoá trách nhiệm và niềm tin

"Phần Lan tự hào vì nền giáo dục không bắt chước nước nào mà hoàn toàn mang thương hiệu Phần Lan" - GS Lasse Lipponen, chuyên gia về giáo dục mầm non và tiểu học thuộc Đại học Helsinki, nói. Ông cho biết, nghề giáo là nghề được kính trọng và danh giá ở Phần Lan, bên cạnh hai nghề là bác sĩ và luật sư, với đầu vào hạn hẹp và rất khó khăn.

Khi Phần Lan thực hiện quyết sách quan trọng vào năm 1979 để cải cách giáo dục, tiêu chuẩn để trở thành giáo viên là phải có bằng thạc sĩ tại 1 trong 8 trường đại học lớn nhất trên cả nước. Trong năm 2016, đại học Helsinki có 1.700 hồ sơ đăng ký vào ngành đào tạo sư phạm, nhưng chỉ 120 hồ sơ được nhận, tức là chưa đến 10% và đây là khoa có tỉ lệ chọi khó nhất của trường.

Giáo viên ở Phần Lan được đối xử như những giáo sư tại các trường đại học. Mặc dù có chương trình giảng dạy quốc gia chung, nhưng các thầy cô ở từng trường được hoàn toàn tự chủ về cách dạy, họ dạy với thời lượng ít hơn, chẳng hạn so với giáo viên tại Mỹ, nhưng dành thời gian để lên kế hoạch giảng dạy cho từng tiết học nhiều hơn. Quy định thanh tra trường học được bãi bỏ vào năm 1990 và cũng không có đánh giá nội bộ giáo viên.

"Chương trình giảng dạy quốc gia của chúng tôi là chương trình mở. Chúng tôi nghiên cứu và tự nghĩ xem có thể làm gì để sáng tạo hơn, phù hợp với từng em hơn. Do đó, các bạn có thể thấy sự sáng tạo ở khắp mọi nơi, không trường nào giống trường nào" - các cô Sara Sintonen và Heidi Sairanen, khoa giáo dục tiểu học, Đại học Helsinki, chia sẻ khi chúng tôi tới thăm Trung tâm "Học mà chơi" dành cho các em mẫu giáo.

Mỗi năm học ở Phần Lan có 190 ngày, bắt đầu từ giữa tháng 8 và kết thúc vào đầu tháng 6. Trường học mở cửa 5 ngày mỗi tuần và số tiết học tối thiểu trong tuần dao động từ 19-30, tuỳ theo các lớp và các môn học tự chọn. Mỗi trường được tự chủ về giờ học và thời khoá biểu, không có giờ cố định vào học hoặc tan trường. Thậm chí các trường còn tự chủ về số ngày nghỉ cho học sinh.

"Là giáo viên, chúng tôi không ai bị bảo phải làm gì, dạy thế nào, nhưng chúng tôi vẫn làm tốt. Phụ huynh hoàn toàn tin tưởng vào giáo viên, bởi họ biết chúng tôi có trách nhiệm dạy các em tự nghĩ, tự đánh giá và tự quan sát. Dạy các em mẫu giáo, tôi thấy trẻ thông minh hơn nhiều so với người lớn tưởng tượng" - cô Sara nhận xét.

Không chỉ nền giáo dục Phần Lan mà gần như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều được xây dựng dựa trên niềm tin. Khi được hỏi nghĩ gì về văn hoá niềm tin và trách nhiệm của giáo dục Phần Lan, TS Arja Sisko Holappa cho rằng đó là một điều hạnh phúc của xã hội, vì "khi đã dựa vào niềm tin, mọi việc chạy băng băng mà không cần sự giám sát của pháp luật".

Vân Anh
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố TBT Tạp chí Môi trường và Đô thị cùng 7 thuộc cấp

NHÓM PV |

Thái Bình - Ông Đồng Xuân Thụ, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cùng 7 đối tượng dưới quyền bị khởi tố, bắt tạm giam.

Bà Nguyễn Phương Hằng sẽ dừng livestream và tổ chức sự kiện

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Trang tin của Khu du lịch Đại Nam thông báo, bà Nguyễn Phương Hằng dừng tổ chức sự kiện tại Đại Nam.

Israel tổng tấn công tại chiến trường lớn nhất Trung Đông

Bùi Đức |

Trong diễn biến mới nhất tại Trung Đông, quân đội Israel vừa thực hiện không kích lẫn tấn công bộ binh vào Dải Gaza khiến 32 người thiệt mạng.

Hiệu trưởng nói nam sinh trong clip Long Biên chỉ lên an ủi vì cô giáo đang buồn

KHÁNH AN |

Hà Nội - Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) đã tạm đình chỉ giáo viên có hành động thân mật với học sinh ở trong lớp học.

Diễn biến mới vụ bức xúc vì các khoản thu ở Thanh Hóa

HÙNG DU |

Thanh Hóa - Liên quan đến sự việc phụ huynh bức xúc về các khoản thu, Phòng GDĐT thị xã Nghi Sơn đã xác minh, kiểm tra và yêu cầu Hiệu trưởng rút kinh nghiệm.

Cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Trần Đình Văn

ANH HUY |

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1184 về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Đình Văn.

Giá vàng nhẫn đảo chiều, bật tăng mạnh

Khương Duy |

Đúng như dự báo, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 chiều nay đảo chiều tăng theo thị trường thế giới.

Lượng mưa ở miền Bắc tháng 9 phá vỡ hàng loạt kỷ lục

NHÓM PV |

Tháng 9.2024, trên cả nước đã quan trắc được lượng mưa vượt giá trị lịch sử ở nhiều trạm khí tượng. Trong đó, trạm Láng (Hà Nội) vượt kỷ lục năm 1978.