Văn chương

Hài đồng

TRUYỆN NGẮN CỦA QUỲNH PHẠM |

Đây không phải chuyện tình lâm ly bi thiết, mà là một chuyện sinh nở không thành trong bệnh viện phụ sản. Chuyện buồn ảm đạm như mùa đông, khi nhân vật góa phụ phải vào bệnh viện bỏ con, vì thai nhi dị tật bẩm sinh. Ra viện, thiếu phụ chết vì tai nạn giao thông.

Tác giả đã phóng chiếu cái nhìn đàn bà đầy thương cảm vào tình cảnh người thiếu phụ nhọc nhằn trải qua các cảm giác ghê sợ khủng khiếp nhất của việc bỏ thai, trong cô đơn, không được cảm thông từ các nhân viên y tế trong bệnh viện, ngoài sự cảm thông từ thiếu phụ cùng cảnh ngộ.

Tuy nhiên, Quỳnh Phạm đã không định phê phán ai và triết luận điều gi to tát, khi cho nhân vật mơ giấc mơ hạnh phúc, là “sự hoàn hảo cho gia đình”, là được “cùng nhau đi trên con đường gột rửa linh hồn và trở nên sạch sẽ”. Với đích đến cuối đường là cái chết, trong sum họp của ba người, chàng, nàng và hài nhi…

Và người đọc đã không nén thở dài trước cái kết thúc vô phương này. NGUYỄN THỊ MINH THÁI


Mùa đông năm nay lạnh lẽo và ảm đạm hơn. Nàng chậm chạp lê gót từ phòng khám sản của bệnh viện đa khoa. Hành lang hun hút ngập ngụa mùi thuốc sát trùng và cả mùi máu. Đi lướt ngang qua nàng là một cô gái trẻ với cái bụng nhô cao, dựa vào kích thước đó, nàng đoán cái thai mới độ năm tháng tuổi. Bất giác đưa tay xoa xoa bụng mình, Nàng tưởng như đứa con đang cựa quậy. Sao nhỉ, hẳn nó sẽ là một đứa bé hết sức biết điều, bởi từ khi có mang tới giờ, nó chưa từng gây ra cơn nghén hay cơn choáng váng nào cả.

“Dị tật bẩm sinh”.

“Cô bị bệnh tim, không thể giữ đứa con này”.

“Nếu như gắng gượng thì ngay cô cũng chỉ duy trì được vài năm nữa thôi, nó cũng không hoàn thiện, đừng làm khổ nó”.

Lời nói của vị bác sĩ chuyên khoa sản với cặp kính dày cộp dán chặt vào gốc mũi cứ thế ong lên trong đầu. Nàng từng nghe nói rằng không nên đặt tên con cái của mình từ trước bởi vì khi đó cái tên ấy sẽ bị chép lại trong sổ sinh tử, thần chết sẽ để ý tới nó, theo sát và có thể cướp đi nó bất kỳ lúc nào. Vậy là do lỗi của nàng…

Bệnh viện vắng, tiếng mèo hoang loang giữa đêm trường. Ai nấy đều đã ngủ say, chỉ có những người đang nằm trên bàn sinh là vẫn chong chong với cơn đau đớn. Nàng ngồi xuống băng ghế chờ, thầm hỏi đứa con trong bụng rằng liệu mùi thuốc có nồng quá không? Ánh điện kia có chói mắt quá không? Con có đói không, có lạnh không? Nàng chỉnh lại khăn quàng cổ, nhận ra rằng suốt cả ngày nay mình chưa ăn gì cả.

Giọng của nữ điều dưỡng vang lên đanh nghiệt:

- Dạng rộng chân ra! Kêu gì mà kêu!

Nàng có thể tưởng tượng ra hình ảnh chịu đựng của người phụ nữ đang chờ cho đứa con ra đời, cũng tưởng tượng ra khuôn mặt của nữ điều dưỡng đang dùng hai ngón tay thăm dò độ mở của tử cung. Bà ta đã làm việc ở phòng sinh nở nhiều năm, chứng kiến biết bao sự khởi đầu và kết thúc của sinh mệnh, phải ngửi mùi máu, mùi mồ hôi, mùi sữa non, mùi phân, mùi nước tiểu, tất thảy khiến bản thân trở nên chai sạn, không còn nhớ tới cảm giác đớn đau nữa.

- Câm ngay cái mồm vào, nằm lùi xuống đây!

Nàng đương mải gật gà trên ghế, bất giác giật mình vì cái giọng chua, the thé vọng ra và tiếng la hét cứ thế rít vang tựa tiếng kêu ma quái. Trong phòng sinh, một tiếng thét rất lớn dội ra, đập vào vách tường và tản khắp không gian. Nàng thấy chồng của người phụ nữ trong ấy đang lập cập lau mồ hôi và đi đi lại lại. Trên cao, ánh đèn chói lòa cứ thế hắt xuống, đổ lên những bóng người mải lo lắng cho hai sinh mệnh đang nằm trong kia, những chiếc bóng run rẩy ma quái ám ảnh nàng. Thêm một tiếng trẻ con ngằn ngặt vọng ra, chào đời rồi. Nàng run rẩy, hạnh phúc chan lên mi mắt như thể chính thân được sinh đứa con này. Người nhà bệnh nhân chạy xộc vào khi nghe tiếng gọi:

- Người nhà bệnh nhân đâu? Mang tã vào xem nào.

Mẹ của người đẻ mới được thăng chức nọ vội vàng “vâng, dạ” hai tiếng rồi tất tả mang hết mọi thứ đã chuẩn bị sẵn vào với con và cháu. Nàng chăm chắm nom lối đi dẫn vào buồng sinh nở, ước mình có thể vào đó một lần. Nhưng ngày mai, khi trời sáng, nàng sẽ phải nói lời từ biệt với đứa con này, sẽ phải dứt nó ra khỏi cơ thể mình.

Bỗng bước chân ai vang tiếng, nàng ngoảnh ra và trông thấy một người bước ra từ phòng bệnh số 2 thì không khỏi đừng được mà cất lời hỏi:

- Bé nhà chị được mấy ngày rồi?

Cơ hồ lúng túng vì sự đường đột của mình, nàng ngập ngừng đưa tay lên vuốt tóc một cách vụng về. Bà mẹ ấy vừa nựng con, vừa mỉm cười ngồi xuống cạnh bên để nàng có thể nhìn thấy khuôn mặt bụ bẫm và cái môi chúm chím hồng của đứa bé, đáp:

- Em vào đây được hai tuần rồi. Sinh mổ nên phải ở lại theo dõi, nay mới thoải mái đi lại được.

Nàng nhoẻn miệng cười, vén miếng tã ra để nhìn mặt đứa bé cho rõ:

- Bé nhà chị là trai hay gái?

- Con gái chị ạ - người mẹ cười buồn, khẽ giọng trả lời.

Sự nhạy cảm trời sinh khiến nàng ngay lập tức hiểu ra vấn đề, bèn an ủi:

- Mẹ chồng chị bảo sao?

- Bà ấy chỉ nhìn cháu một cái rồi đi, thuê người tới chăm em…

Nàng thở dài, không biết nói sao đành im lặng. Người mẹ lại hỏi:

- Sao chị không nghỉ đi, mai rồi tới, giờ này bên xét nghiệm lần lữa lắm.

- Không - Nàng lại cười, nụ cười mệt mỏi cùng cực - Tôi có bệnh, con không phát triển bình thường, phải bỏ.

Người mẹ sững mình, ái ngại bảo:

- Em xin lỗi.

- Không sao.

- Anh nhà chị chắc bận lắm nhỉ?

Thăm dò. Nàng hiểu rõ ý tứ trong câu nói ấy, người ta có nhu cầu tìm những người giống mình. Nàng trả lời:

- Anh nhà tôi mất rồi. Trong đợt bão, anh ấy phải vào miền Trung làm phóng sự. Bị nước cuốn. Không về được.

Nàng nói từng câu đứt đoạn, câu nào câu nấy đều nghẹn lại ở lưng chừng cổ họng dường như không thể thoát ra được. Không thoát ra được… Nàng là một nhà báo trẻ, chồng nàng là đồng nghiệp, họ yêu nhau. Song nó không có phúc được làm người. Họ đã vượt qua nhiều trở ngại, đánh bại mọi sóng gió trên đời để có thể tới được với nhau, vậy mà vẫn không thắng nổi mệnh trời.

Thấy nàng trầm ngâm, người mẹ cũng không dám nói gì nữa, cô sắp phải ra viện, cô không muốn trở về căn nhà đó, không muốn nhìn những khuôn mặt ác độc đó, đứa con gái đầu lòng đã bị cắt lìa khỏi cô khi còn là một cục thịt đỏ hỏn mới ba tháng tuổi, tới đứa thứ hai này, cô phải nhờ bác sĩ siêu âm cho mình giúp đỡ thì mới thu lại được một khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi tới từ gia đình nhà chồng.

Hai người im lặng, đôi lúc tiếng trẻ khóc lại ngằn ngặt vọng ra khiến lòng nàng và người mẹ hoang hoải cùng cực. Cuộc sống này sao mà mệt mỏi đến vậy?

***

Bóng tối dấp dính hút chặt lấy nàng, trên chiếc xe đẩy chứa đầy các dụng cụ vô trùng để làm tiểu phẫu, ngăn dưới có một ấm nhôm chứa nước đun sôi, một lọ đựng chỉ khâu nom như xác của lũ tấc sống trong mũi động vật ngâm trong một loại dung dịch nào đó mà nàng không biết. Đầu nàng đau buốt, trong đó phát ra từng tràng từng tràng âm thanh méo mó tựa tiếng khóc của trẻ con mà cũng dường không phải.

“Bình tĩnh nào con yêu” - nàng thầm vỗ về đứa bé trong bụng mình, chỉ trong giây lát nữa thôi, họ sẽ phải rời xa nhau, nàng cần tranh thủ nói chuyện với nó nhiều hơn trong lúc nữ điều dưỡng nọ chuẩn bị dụng cụ.

“Đừng sợ gì cả, con sẽ được gặp cha con nhanh chóng, bố đang chờ con ở thế giới bên kia. Con sẽ không phải trưởng thành trong đau đớn, không phải chịu đựng ánh nhìn của người đời”.

- Nào, mở đùi rộng ra.

“Con sẽ không giống như mẹ, phải chịu sự chia ly, từ biệt...”.

- Dịch xuống.

Nàng trở mình nhích xuống phía dưới, hai bàn chân dính chặt lấy giá đỡ, mắt khép chặt chờ đợi sự phán quyết. Trước khi cơn đau ập tới, nàng đã cảm thấy khó thở cùng cực và thầm mong cơn ác bệnh kéo tới để đưa cả mình đi cùng, có vậy nàng mới không cô độc trên thế giới này. Sự đau đớn lan dọc cơ thể, bất chợt trào ra như thủy triều khiến nàng kêu thét lên, mồ hôi vã ra thấm ướt mái tóc, nước mắt cũng cứ vậy mà chảy xuống.

- Im nào! Cựa quậy là rách tử cung bây giờ!

Máu bắt đầu rỏ ra.

Nàng cảm thấy bản thân đang chết, đang bị nghiền tới nát vụn, máu đang chảy ra kia là máu của mình và cũng là của tình yêu giữa nàng và chồng. Trên sàn nhà, một đám trẻ con đỏ hỏn với đôi mắt trắng dã đương bò lồm ngồm về phía bàn phẫu thuật. Mặt nàng trắng bệch, hai mắt tối sầm, loáng thoáng nghe thấy tiếng gọi thêm người vào trợ giúp. Một đứa trẻ đã bò lên ngực và cười khanh khách nắm tóc Nàng giật mạnh, hai mi mắt của Nàng cứ dính chặt vào với nhau.

Nàng muốn ngủ.

***

Nàng nghĩ rằng mình là một con thiêu thân, cứ mải miết đi tìm ánh sáng, dù đôi khi thứ ánh sáng ấy phát ra từ những ngọn lửa bỏng rực đủ sức làm tan nát cả vẻ đẹp, đủ sức biến mọi thứ trở thành tro bụi, nhưng Nàng vẫn bay - không ngừng…

Không phải bóng tối, xung quanh chỉ toàn thứ ánh sáng lờn lợt. Nàng đang trôi trên một dòng sông, hoặc đại dương, nàng đoán vậy. Nước vây lấy cơ thể, nàng thấy mái tóc chồng đương nằm trong bàn tay của mình.

Nàng mấp máy môi, hỏi:

- Sao anh đã không đưa em đi?

Có tiếng đáp lại:

- Vì anh đang chờ.

- Chờ điều gì?

- Sự hoàn hảo cho gia đình ta.

- Rồi sau đó?

- Anh sẽ đưa em đi, chúng ta sẽ cùng nhau đi trên con đường gột rửa linh hồn và trở nên sạch sẽ.

Nàng gật đầu hạnh phúc, nàng cứ trôi, trôi mãi…

Có tiếng thở phì phò của một sinh vật nào đó vang lên, cố gắng hé mi, trước mắt hiện lên một bộ váy dài nâu có các đường kẻ sọc, chủ nhân chính là bà mẹ mà nàng đã nói chuyện cách đây mấy tiếng. Nàng kinh ngạc:

- Sao chị lại ở đây?

Bà mẹ chỉ lắc đầu, lẳng lặng ôm đứa con bỏ đi, máu xối ra từ ổ bụng cô, loang tràn mặt nước.

Máu chảy nhiều quá, Nàng cảm thấy lo lắng cho bà mẹ, cố gắng cất cao giọng gọi giật cô lại, nhưng cô không nghe thấy, trong thoáng chốc đã mất hút sau màn sương dày xuất hiện tự bao giờ.

- Cô ấy bị sao thế? - Nàng hỏi chồng.

- Cô ấy đang đi tìm một cuộc sống mới.

- Cô ấy chảy nhiều máu quá.

- Chỉ là thể xác thôi em.

“Cạch”, nàng bỗng nghe thấy tiếng mở cửa, nước vẫn thì thào bên tai đầy mê hoặc, chồng nàng thôi không nói chuyện nữa, chắc hẳn anh đã đi rồi. Nàng thấy như đang lơ lửng giữa không trung, đầu óc trĩu nặng.

- Nhịp tim ổn định, thân nhiệt ổn định, huyết áp trở lại bình thường!

Cơ hồ có thứ gì đó quất mạnh vào bụng, vào ngực khiến nàng giật mình bừng tỉnh khỏi cơn mộng. Nàng chầm chậm mở mắt, dường không thích ứng được vì ánh đèn trần sáng tới lóa mắt, tấm ga dưới lưng nồng nặc mùi thuốc. Đưa tay đặt lên bụng mình, nàng chờ đợi một cú hích dù chỉ là nhè nhẹ, nhưng không có gì cả, chỉ có một vết sẹo đã khắc vào Nàng mãi mãi.

- Cô còn sống là cả một phép màu - bà bác sĩ thở phào nhẹ nhõm.

Nàng im lặng và biết rằng nó không phải “phép màu”, chỉ có trả giá, hoán đổi. Nàng mấp máy môi, thì thào hỏi:

- Đứa trẻ đâu?

- Là thế này, ở đây có hai phương pháp, một là nhà mình đưa về, hai là… - Vị bác sĩ ấy gượng lời - cô cũng biết, chỗ chúng tôi không có nơi an táng.

- Tôi muốn đưa con tôi về nhà - nàng nói từng từ một cách rành rọt.

***

Nàng chậm chạp lê gót ra khỏi bệnh viện, sắc mặt nhợt đi như thể máu đã bị hút cạn. Ánh nắng mặt trời chói loà trên đỉnh đầu, người xe nêm kín, lớp này xô lên lớp kia giống thác nước xiết chảy khiến nàng hoa mắt. Sắc màu giờ chỉ còn là một màu trắng, trắng đến đau nhức con ngươi.

Nàng run rẩy ôm chiếc hộp đựng đứa con của mình, bước vào giữa dòng người và xe, buông xuôi tất thảy. Bay lên đi nào cánh thiêu thân. Nàng nở nụ cười chờ đợi, dịu dàng hỏi:

- Con có lạnh không?

Đứa con trong hộp hơi cục cựa. Chồng nàng đứng ở phía trước.

- Anh có lạnh không? - Nàng lại hỏi.

Chồng nàng vẫn mặc bộ quần áo mưa xanh lá mạ đẫm nước, da xanh tái, nàng vươn tay chạm vào, chỉ thấy gương mặt anh lạnh buốt, bèn vội rụt tay như bị kim châm. Anh bảo:

- Ở đây lạnh lắm, đâu đâu cũng là nước cả. Con mình đâu?

Nàng lẩy bẩy giơ chiếc hộp ra, oà khóc:

- Con mình… Em xin lỗi!

- Không, không phải lỗi của em - chồng nàng lắc đầu và lập tức vỗ về.

Anh đón lấy chiếc hộp, mở nắp, đứa con nhanh chóng trèo ra. Đứa con leo lên cổ cha mình, nhìn nàng chòng chọc và cười khanh khách thích chí. Nàng thấy sự ớn lạnh chạy dọc sống lưng, ngực nghẹn lại vì cơn khó thở. Chồng nàng bèn vỗ nhẹ tay nàng để trấn an và nói:

- Đi thôi.

Nàng hơi chần chừ, song vẫn gật đầu:

- Vâng, hãy đưa em đi.

Chiếc xe tải đang lao tới.

Nàng vui vẻ đứng dậy đi theo chồng. Ánh sáng loé lên. Trước khi tài xế kịp hiểu được chuyện gì xảy ra thì một nụ cười đẹp đẽ đã khoét sâu vào mắt gã.

Mùa đông năm nay, nàng nằm dưới đất lạnh, chiếc hộp vốn là nơi nghỉ ngơi của con nàng bị bung nắp khiến nó lăn ra ngoài. Nàng gắng gượng lần các ngón tay về phía con, chậm rãi khép mắt.


TRUYỆN NGẮN CỦA QUỲNH PHẠM
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.