Hãy cho trẻ quyền được lên tiếng!

HUYÊN NGUYỄN |

Nhiều người với mong muốn con em mình được thành đạt đã mặc quyền thay trẻ định đoạt mọi chuyện khiến trẻ không được là chính mình, dẫn đến đi nhầm đường, năng lực bị thui chột, mất niềm vui sống. Hãy để trẻ em có quyền lên tiếng trước những vấn đề liên quan tới mình, được tự do thể hiện quan điểm và ý muốn của trẻ được ghi nhận cách nghiêm túc.

Không được là chính mình

Thói quen trói buộc trẻ em dường như đã trở thành một “căn bệnh nan y” mà không phải ai cũng nhận ra. Lẽ dĩ nhiên, chẳng ai trách phụ huynh mong muốn con em mình thành đạt. Thế nhưng, nhiều người để thực hiện được mong muốn của mình đã mặc quyền thay con định đoạt mọi chuyện với quan niệm “rút kinh nghiệm đời bố, củng cố đời con”. Vì thế, mới có những câu chuyện mỗi mùa thi cử, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra là chọn nghề theo đam mê hay theo ý của bố mẹ, bố mẹ ép đi du học, bị bắt làm những điều mà các em không muốn… Thậm chí, ngay cả mặc gì, ăn gì, chơi như thế nào, nhiều đứa trẻ cũng không được quyền tự chọn.

Nếu con nghe thì bố mẹ hớn hở, còn không thì lại ngán ngẩm với bài ca “trứng mà đòi khôn hơn vịt!”. Chuyện cha mẹ mong muốn lựa chọn điều tốt cho con sẽ chẳng có gì đáng bàn cãi nếu không có những câu hỏi đặt ra như: Liệu con mình có hứng thú, có khả năng với những gì mà bố mẹ đã chọn, khả năng và sở thích của con thế nào lại là chuyện đáng quan tâm hơn. Từ những vấn đề trên, quyền lên tiếng của trẻ em được nhắc tới.

Lên án mạnh mẽ về quyền của trẻ em đang bị xâm phạm, bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho biết: Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (CRC) mà Việt Nam tham gia từ năm 1990 khẳng định, trẻ em là con người có quyền thể hiện chính kiến của mình về những vấn đề ảnh hưởng đến mình. Điều này đòi hỏi rằng những ý kiến của trẻ em cần phải được các bên liên quan lắng nghe, tiếp thu và ghi nhận.

Bà Linh, nêu thực trạng: "Luật Trẻ em năm 2016 hay các chương trình hành động quốc gia có những cam kết về hành lang pháp lý để sự tham gia của trẻ em, tạo cho các em một môi trường an toàn để có thể biểu đạt. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hành cho sự tham gia lên tiếng này một là không tồn tại, hai là các hình thức chưa hiệu quả".

Đại diện MSD cũng thẳng thắn nêu ra vụ việc tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) khi trẻ bị ép buộc tham gia vào khảo sát mà kết quả theo ý muốn của người lớn. Bà Phương phân tích: Học sinh ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa qua bị áp đặt tham gia vào cuộc khảo sát với sự chỉ đạo của người lớn. Các em đã bị tước đi quyền của mình và thậm chí không được nói “không tham gia”.

“Chúng ta có hẳn chương trình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào quá trình xây dựng chính sách. Nhưng cách thức như thế nào và ra làm sao thì không đề cập đến. Việc này dẫn đến sự tham gia của trẻ em ở mức độ thông báo, hỏi cho có, thậm chí các em cũng không biết có hay không. Do đó, sự tham gia của trẻ em mang tính chất hình thức chứ không trực tiếp”, bà Linh cho hay.

Thực tế đã chứng minh có không ít trường hợp, con vì không muốn phụ lòng cha mẹ, ngoan ngoãn chọn trường như cha mẹ mong muốn nhưng quá trình học sau này chẳng hứng thú gì khiến các em mất phương hướng, không có ước mơ của riêng mình. Kết cục là kết quả học tệ hại, không theo kịp hoặc có nhiều bạn vì chán nản nên bỏ dở ngành học đó, quay trở lại ôn luyện thi vào trường khác, để rồi năng lực bị thui chột, mất niềm vui sống, lãng phí thời gian, tiền bạc... Vậy tại sao trẻ em lại không được hoàn toàn tự nguyện quyết định theo sở thích và mong muốn của mình?

Cần “vá” lỗ hổng về quyền tham gia của trẻ em

Bên cạnh việc người lớn chưa thực sự quan tâm tới mong muốn của trẻ em thì nhiều chính sách cho trẻ em hiện nay cũng tồn tại những bất cập. Liên quan đến vấn đề nóng về xâm hại tình dục trẻ em thời gian gần đây, tại chương trình đối thoại “Sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng - hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) và MSD được tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng cùng đưa ra quan điểm: các vụ xâm hại tình dục trẻ em gần đây đang có lỗ hổng trong thực hiện chính sách, lỗ hổng lớn từ phía nhà trường, gia đình. Các vụ việc đều được phát hiện rất muộn, lặp đi lặp lại nhiều lần ở mức độ nghiêm trọng hơn. Ở Việt Nam đang theo trọng chứng cứ hơn là những cái mang tính chất mô tả. Trong khi pháp luật quốc tế trọng mô tả, chứ không phải chứng cứ dấu vết. Bởi vì xâm hại tình dục trẻ em rất phức tạp, không chỉ là thể xác để lại dấu vết mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần rất nhiều. Nếu có sự tham gia của trẻ em để biết được thực trạng thế nào thì những quy định trong pháp luật này cần được điều chỉnh. Đây là cách để trẻ em nói lên tiếng nói của mình. Cũng như vậy, trong quá trình tố tụng, nếu cán bộ, công an không biết cách nói chuyện với trẻ em, tạo cho các em môi trường an toàn để lên tiếng, mà thực hiện cách hỏi cung thông thường thì đó là “xâm hại trẻ em lần thứ hai”.

Từ nhiều dẫn chứng trên, vấn đề tiếng nói của trẻ em cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn. Chúng ta chẳng ai rỗi hơi bắt một người lớn phải học nọ học kia, nhưng sẵn sàng cưỡng ép trẻ em phải đến trường để học thứ chúng ta muốn. Người lớn có thể đòi hỏi tự do và quyền lợi cho bản thân, trong khi nhiều đứa trẻ đến cả việc đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, mặc cũng không được theo ý mình.

“Vì thế trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng cần tạo ra môi trường an toàn để trẻ em có thể lên tiếng. Các nạn nhân có sợ không? Có, nỗi sợ to lớn ảnh hưởng cả thể xác lẫn tinh thần. Vậy làm thế nào để người lớn có thể lắng nghe, thấu hiểu, cho trẻ cảm thấy an toàn để nói ra, không để các em cảm thấy bị đổ lỗi hay bị đe dọa. Trẻ em rất sợ mắc lỗi”, Giám đốc MSD Nguyễn Phương Linh chia sẻ.

Bà Hoàng Thu Trang, Quản lý chương trình MSD cũng đã đưa ra mô hình Lundy về sự tham gia của trẻ em. Theo đó, 4 yếu tố để đảm bảo sự tham gia của trẻ em, gồm: không gian; tiếng nói giúp trẻ thể hiện quan điểm; công chúng/thính giả; tính ảnh hưởng giúp cho các ý kiến được ghi nhận. Bà Trang phân tích cụ thể: Về yếu tố không gian, trẻ cần một không gian an toàn, hoà nhập để thể hiện quan điểm của mình; từ đó trẻ có thể bộc lộ bản thân một cách thoải, được nêu lên những quan điểm của mình.

Về tính ảnh hưởng, cần đảm bảo rằng, ý kiến, quan điểm của trẻ em được ghi nhận một cách nghiêm túc và đưa vào thực tiễn một cách hợp lý; những ý kiến của trẻ em cần được xem xét, ghi nhận một cách nghiêm túc bởi những người có khả năng tạo sự thay đổi. Thậm chí, cần có các quy trình đảm bảo rằng ý kiến của trẻ em nhận được phản hồi về lý do cho các quyết định được đưa ra không.

Còn về yếu tố tiếng nói, cần cung cấp thông tin thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em nêu lên ý kiến của mình; đảm bảo trẻ đã có nhận được những thông tin cần thiết để hình thành quan điểm của mình, hoăc trẻ cần biết rằng mình có nhất thiết phải tham gia hay không. Đặc biệt, trẻ cần biết có được lựa chọn những cách thức khác nhau thể hiện quan điểm của mình không..

Yếu tố thính giả là việc trẻ cần đảm bảo quan điểm của trẻ được lắng nghe bởi những người có trách nhiệm; trẻ em cần biết những ý kiến, quan điểm của mình được chia sẻ với ai, có người hoặc cơ quan lắng nghe đó có quyền ra quyết định không, bà Trang nói.

HUYÊN NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Mẹ ruột đau đớn khi con trai nghi bị bạo hành phải nhập viện

Minh Anh |

TPHCM - Nhìn con trai nằm bất tỉnh trong phòng bệnh, khắp cơ thể chi chít vết bầm tím và bỏng rộp nghi do bị bạo hành, chị N.T.V. không kìm được nước mắt.

Hà Nội trang hoàng rực rỡ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

HOÀNG LỘC - HUYỀN TRANG |

Hà Nội - Người dân háo hức đi chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, với cờ hoa rực rỡ ở khắp các tuyến phố.

Tìm giải pháp cho ngư dân mất kết nối giám sát trên biển

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Cục Thủy sản, nhà mạng VinaPhone - VNPT, Chi cục Thủy sản và người dân đã có buổi làm việc để tháo gỡ việc mất kết nối giám sát hành trình.

Nghi vấn Iran dùng tên lửa siêu thanh tấn công Israel

Khánh Minh |

Iran được cho là lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Fattah 1 trong cuộc tấn công vào Israel, song các chuyên gia vũ khí đã bày tỏ hoài nghi.

HLV Kim Sang-sik tìm nhân tố trẻ cho tuyển Việt Nam

MINH PHONG |

Khi các trụ cột đang sa sút, huấn luyện viên Kim Sang-sik buộc phải tìm những nhân tố trẻ mới cho đội tuyển Việt Nam.

Người dân Hà Nội khoác áo dài, hào hứng đón không khí lạnh

HOÀNG XUYẾN - VIỆT ANH |

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết Hà Nội bắt đầu chuyển sang mát mẻ, se lạnh vào buổi sáng.

Huyện nông thôn mới đầu tiên của Quảng Ninh lên thành phố

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Ngày 1.11.2024, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức có hiệu lực.

Cận cảnh côn trùng chưa có thuốc trị tấn công lúa diện rộng

Lục Tùng - Phong Linh |

Kiên Giang - Trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị, bọ xít hôi có khả năng tiếp tục gây hại trên nhiều cánh đồng lúaĐồng bằng sông Cửu Long.