Hình ảnh đất nước trong phim Việt

NSƯT Phạm Thanh Hà |

Phim truyện là những cốt truyện được hư cấu, thông qua nghệ thuật kể chuyện bằng các thủ pháp điện ảnh truyền tải thông điệp của các tác giả. Các nhân vật trong phim sống và hành động trong những không gian của cỡ cảnh, không gian đời sống, địa lý nơi câu chuyện xảy ra.

Bối cảnh là địa điểm cụ thể để các đoàn làm phim thực hiện các cảnh quay, được tạo dựng hoặc cải tạo theo yêu cầu nội dung của theo những góc nhìn của đạo diễn, họa sỹ thiết kế mỹ thuật, quay phim...

Quảng bá đất nước hữu hiệu

Có thể nói rằng: Bên cạnh việc chuyển tải nội dung, thể hiện không gian trong từng cỡ cảnh, đoạn phim và cả phim là những thủ pháp phối cảnh để từ đó các lớp cảnh thực, cảnh dựng thông qua ống kính trở thành không gian điện ảnh. Bối cảnh quay là địa điểm cụ thể nhưng không gian phim mang tính ước lệ thông qua những dấu hiệu bằng hình ảnh mà các nhà làm phim đưa ra trên màn ảnh để trở thành những ký hiệu nghệ thuật về không gian, thời gian.

Những ký hiệu mang tính thông tin về địa lý biểu hiện qua đặc thù địa phương như phong cảnh, loài vật, sinh hoạt, vật dụng sản xuất, phục trang và sắc màu văn hóa ở lễ hội, tập tục. Khán giả được thấy ở các cảnh quay về nước Nga nhờ hình ảnh Kremli, rừng, nhà gỗ xứ bạch dương... Phim quay tại Hà Nội nhiều ít cũng có Hồ Gươm hoặc vài phố cổ quen thuộc, về miền núi cao nếu không có ruộng bậc thang, nương chè thì cũng có nhà sàn, trình tường treo ngô bắp vàng óng. Nếu chuyện phim xảy ra ở đồng bằng Nam bộ hẳn có xuồng ba lá thấp thoáng bên hàng dừa nước len lỏi qua những con kênh.

Thông qua những mảnh đời trong câu chuyện phim là văn bản điện ảnh mang giá trị về đời sống văn hóa. Thời gian qua đi, nhưng cảnh lãng mạn của ngày xuân trên rẻo cao trong phim “Vợ chồng A Phủ” còn được truyền tụng; hình ảnh làng quan họ trong “Đến hẹn lại lên” hôm nay vẫn đang xốn xang lòng người. Còn nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam đặc sắc khác, nhưng tôi nêu thí dụ hai phim trên, tuy là phim đen trắng nhưng những hình ảnh để lại luôn rực rỡ sắc màu trong tâm tưởng người xem thế hệ sau. Nói theo học giả người Nga Iuri Mikhailovich Lotman thì các tác phẩm nghệ thuật có sức sống đến đời sau đó đã thuộc về “văn hóa ký ức” của nhân loại. Tôi muốn nhắc đến phim tài liệu “Chim di cư” của điện ảnh Pháp được quay tại rất nhiều vùng miền các nước trên thế giới. Thông điệp của bộ phim là lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên trước hiểm họa ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Theo đôi cánh các đàn chim di cư là kiến trúc nổi tiếng của Tháp đôi New York - Mỹ, Eiffel - Paris- Pháp, Vạn lý trường thành - Trung Quốc nhưng điều thú vị hơn là cùng với những địa danh có những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của thế giới có hình ảnh đồng lúa của “Hạ Long cạn” Ninh Bình, hồ Ba Bể, nhà sàn Hòa Bình của Việt Nam. Với những vùng miền đa dạng, thời tiết phong phú cùng những sắc màu văn hóa lộng lẫy đẹp từ thuở ca dao dân ca đến thi ca, tranh ảnh đương đại, Việt Nam không những xứng đáng là điểm dừng chân khách du lịch mà còn đối với các đoàn phim nước ngoài. Bề dầy lịch sử cùng bao số phận khắc nghiệt giành giật, bươn trải vì sự sống cũng là những đề tài để các nhà làm phim trong nước và quốc tế khai thác. Điện ảnh là một trong những phương tiện quảng bá hình ảnh đất nước rất hiệu quả dù rằng lượng người xem phim ít hơn người xem truyền hình và các kênh truyền thông xã hội. Nhưng các tác phẩm điện ảnh lớn lại có sức hút truyền bá không tưởng. Như nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã nói trước thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20: - Một bộ phim hay tự nó đã làm nên ngày hội.

Bối cảnh phiên chợ Ba Tư cổ tại phim trường Ghazli ở Tehran, Iran. Ảnh: TH
Bối cảnh phiên chợ Ba Tư cổ tại phim trường Ghazli ở Tehran, Iran. Ảnh: TH

Có cảnh đẹp không có nghĩa là phim sẽ hay

Nếu lạm dụng khoe phong cảnh, phim điện ảnh bỗng dưng trở thành những tấm bưu thiếp, hay nói một cách khác: Mang tính cảnh diễn “karaoke” làm mờ nhạt nội dung. Có bộ phim được truyền thông rầm rộ với nội dung phim ôm đồm được khoe bằng nhiều chuỗi phong cảnh đẹp của sông nước miền Tây, diễn viên được đặt vào cảnh diễn trong những bối cảnh ngoại khi bình minh, lúc hoàng hôn. Nếu chỉ dùng cảnh quay phim ảnh như bưu ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước nhằm thu hút khách du lịch cũng chưa hẳn đúng. Điện ảnh bằng những thủ pháp của mình truyền tải ý niệm những giá trị thẩm mỹ tính nhân văn từ hiện thực cuộc sống hơn là những đoạn phim như clip giới thiệu non xanh, nước biếc, bến thuyền... Vẻ đẹp đất nước phải được trình bày trong những câu chuyện hay về cốt cách con người Việt Nam chứ không phải là vỏ bọc cho những chuyện tình lụa là mướt mát, làm phông nền cho cảnh quay trên cả bạo lực nửa Tây nửa Đài. Ở một khía cạnh khác, khán giả nước ngoài sẽ nhìn nhận một đất nước tươi đẹp ra sao qua những cảnh trẻ con ném cát vào mắt nhau, anh vụt gẫy lưng em trai?

Tiếng thở dài

Cũng như khoáng sản cạn dần do khai thác không đúng quy cách, đất quê hẹp đi nhường chỗ cho khu đô thị, cảnh quan đẹp và phong phú của Việt Nam đang là một tài nguyên vô giá đang bị xâm hại vì phát triển nóng. Mới mấy chục năm qua thôi dãy núi Tràng Kênh bên dòng Bạch Đằng Giang lịch sử đã gần như bị xóa sổ để khai thác xi măng. Làng Việt, buôn bản vùng cao cũng đang thay hình đổi dạng khi đạt chuẩn “nông thôn mới” cùng đường nhựa, nhà biệt thự... Đền chùa, miếu cổ với danh nghĩa tu bổ được tân trang, thậm chí xây mới, thay đổi vật liệu cùng kiến trúc vay mượn. Có phim cổ trang, dù cốt truyện đã hư cấu nhưng bối cảnh lộ những đường gạch vẽ, cây cầu quét xi măng, những cảnh kiếm hiệp diễn ra quanh sân vương phủ hoành tráng mà mặt tiền, mái nhà như chùa Trung Hoa. Chắc hẳn do thuê mượn cảnh quay khu du lịch kiến trúc lai căng nên đoàn phim không thể can thiệp quá sâu về mặt thiết kế mỹ thuật. Kết hợp điện ảnh với du lịch là một quá trình không phải ngày một ngày hai. Còn trước mắt chỉ các đoàn phim ca nhạc thích ứng hơn với các bối cảnh là các khu du lịch sinh thái hoặc du lịch tâm linh với voi, trâu, rồng đắp xi măng mạ nhũ vàng... Ở những phim truyện điện ảnh mà các đoàn phim phải chọn thực địa để quay cảnh tái hiện chiến trường xưa ác liệt trong rừng keo tai tượng xanh um, làng quê lộ nhà mái bằng, cảnh quay phố cổ nhưng đằng xa là màu tôn ausnam đỏ chót ...

Thử hình dung xem nếu một ngày nào đó thực hiện đại cảnh phim vua Quang Trung dẫn hàng trăm thớt voi tiến vào kinh thành Thăng Long, khi mà hiện nay cả Tây Nguyên chi còn vài chục voi nhà sống sót? Phim là một cốt truyện được hư cấu, không gian phim mang tính ước lệ và kỹ thuật số với kỹ xảo đồ họa 3D có thể khỏa lấp điều kiện hiện có và tạo ra những hiệu ảnh không tưởng. Nhưng để làm được những điều không tưởng ấy không chỉ đòi hỏi tay nghề của các visual effects supervisor, mà còn là tư duy tạo cảnh của đạo diễn cùng các thành phần làm phim khác.

Phim trường Ghazli ở Tehran, Iran mỗi năm là bối cảnh của hàng chục phim điện ảnh và hàng trăm phim truyền hình từ cổ đại đến hiện đại không chỉ có những dãy chuồng ngựa, lạc đà mà còn cả những trại gà, trại vịt. Còn ở ta chuẩn bị quay thì nhân viên đạo cụ ra chợ mua gà. Còn nhớ các trường quay từng có của điện ảnh Việt Nam tuy chưa phải lớn nhưng đã có những kho đạo cụ với hàng trăm khẩu súng cùng rất nhiều đồ vật cũ, hàng nghìn bộ phục trang, nhưng theo năm tháng đã teo tóp dần, giờ không bằng của các nhà sưu tập tư nhân. Điện ảnh ngay từ đầu đã mang tính công nghiệp, là tập hợp của các nghệ sỹ cùng các nhà chuyên môn có ngành nghề khác nhau. Mỗi bộ phim là một tác phẩm, nhưng trước nữa đó là một công xưởng hơn là một gánh hát rong.

Hiện nay các phương tiện kỹ thuật đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là khâu tạo hình và hậu kỳ. Tuy nhiên để có những phim trường như Hollywoood - Mỹ, Mosfilm - Nga, Hoành điếm - Trung Quốc không phải chỉ trong ngày một, ngày hai, không chỉ đầu tư xây dựng cơ bản, nhập thiết bị về là xong. Để có những phim trường lớn nhằm thu hút đoàn phim trong nước và quốc tế cần phải có nền sản xuất phim có cơ thể khỏe mạnh cùng những đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, không mang thói quen bóc ngắn cắn dài. Hy vọng điện ảnh nước nhà sau những bước thăng trầm có cả vinh quang lẫn bĩ cực, sẽ hòa nhập và phát triển cùng dòng chảy hội nhập quốc tế và bằng tác phẩm nghệ thuật đích thực sẽ quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh đất nước con người Việt Nam.

NSƯT Phạm Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Cựu Chủ tịch FLC và 2 em gái xin giảm án

Việt Dũng |

Trong số 25 người kháng cáo, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và em gái đều xin giảm nhẹ hình phạt và giảm trách nhiệm dân sự.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Giá vé máy bay Tết 2025 tăng, đắt nhất gần bằng 1 chỉ vàng

Chí Long |

Trước Tết Âm lịch vài tháng, giá vé máy bay nội địa dịp Tết có xu hướng tăng trung bình khoảng 5-8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cận cảnh TTTM đầu tư trăm tỉ rồi "vỡ mộng" ở Lạng Sơn

An Khánh |

Lạng Sơn - Dù từng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song TTTM - chợ Đồng Đăng đìu hiu, vắng ngắt. Tòa nhà 3 tầng bề thế nay đã đóng cửa.