Khung cửa tư pháp

Hy vọng bước chuyển nhận thức

LUẬT SƯ PHAN TRUNG HOÀI |

Từ sáng sớm, len lỏi vượt qua dòng người từ ngoại thành đổ vào trung tâm thành phố tìm kiếm mưu sinh, tôi trở ngược ra quốc lộ 51 đến Trường Cao đẳng An ninh Nhân dân 2 nằm ở khu vực ngã ba Thái Lan theo hướng đi Vũng Tàu.

 Đêm qua, tôi mới trở về từ Hà Nội sau cuộc họp tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam để chuẩn bị cho việc biên soạn cuốn “Sổ tay luật sư” như một cẩm nang hữu dụng cho những luật sư trẻ mới vào nghề. Nay được đến tham dự Hội thảo “Đảm bảo hoạt động của người bào chữa trong điều tra tội phạm” do Trường Cao đẳng An ninh Nhân dân 2 chủ trì vào ngày 6.10.2016, tâm trạng của tôi rất háo hức.

Cách đây gần hai năm, tôi được mời tham dự Hội thảo khoa học “Lực lượng công an nhân dân với chiến lược cải cách tư pháp” do Thượng tướng Bùi Văn Nam chủ trì, trình bày tham luận về những vướng mắc trong hành nghề luật sư cần được tháo gỡ. Bây giờ tôi có thêm cơ hội để chia sẻ những suy nghĩ về nhận thức, thực trạng, cơ chế và các giải pháp làm thế nào đảm bảo hoạt động của người bào chữa trong điều tra tội phạm. Được Thiếu tướng Trần Vi Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Công an Nhân dân giới thiệu, Đại uý Lê Ngọc Quảng là Phó Bộ môn pháp luật của Trường liên hệ với tôi theo cách không thể ấm lòng hơn. Quảng viết qua email sau khi nói chuyện qua điện thoại, chẳng biết tuổi tác bao nhiêu, gọi tôi bằng “bác” và bảo biết tôi từ khi vừa tốt nghiệp trường Đại học An ninh Nhân dân. Trong thời gian công tác thực tế tại PC14 Công an TP. Hồ Chí Minh, Quảng đến Nhà xuất bản Tư pháp, thấy được cuốn sách “Bút ký luật sư” của tôi, mấy lần tìm cách liên hệ để gặp mà không được.

Vâng, có những thời điểm trong cuộc đời mà người ta đến với nhau bằng tấm lòng chứ không phải qua sắc màu trang phục. Bản thảo “Bút ký luật sư” tập 2 được khởi thảo cách đây mười năm, giờ vẫn đang lật từng trang thấm đẫm nhiều thân phận, để xem cách khách hành của mình đứng lên sau biến cố như thế nào. Khi gặp nhau, tôi nói với Quảng, trong một góc nhìn rộng mở và sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, đây thật sự là cơ hội để các chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự bày tỏ rõ ràng nhận thức và cách tiếp cận của mình, nhằm cố gắng giải quyết tận gốc rễ những vướng mắc đã xảy ra trong thực tiễn. Điều đó cũng phù hợp với mục đích qua chuyên đề nghiên cứu của nhà trường, sẽ cung cấp, bổ sung, hoàn thiện các luận cứ khoa học, pháp lý, thực tiễn, quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và đội ngũ luật sư, phục vụ lãnh đạo Bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật về đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, làm cơ sở cho việc truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, nhiệm vụ của cơ quan điều tra là bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đồng thời, hoạt động này cũng phải góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để có thể thực hiện được nhiệm vụ quan trọng nêu trên, một trong những vấn đề cần được xem xét và thực thi chính là bảo đảm quyền tự bào chữa và nhờ luật sư, người khác bào chữa của người bị buộc tội đã được quy định tại Hiến pháp 2013, cũng như bảo đảm quyền của người bào chữa trong quá trình điều tra tội phạm.

Không chỉ là vấn đề lý luận, thực tế chứng minh một xã hội lành mạnh đòi hỏi phải được quản lý bằng pháp luật - một hệ thống cần phải đạt được sự cân bằng giữa mục tiêu phòng chống tội phạm với việc bảo đảm các quyền của những người bị buộc tội. Tuy nhiên, thế cân bằng này có thể bị phá vỡ, do chức năng buộc tội được hậu thuẫn bởi các biện pháp cưỡng chế do Nhà nước đặt ra và trước sự cưỡng chế ấy, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có nguy cơ bị xâm hại. Do đó, quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa được coi là điều kiện tất yếu cho việc đảm bảo nguyên tắc tranh tụng một cách công bằng, tạo cơ hội cho người bị buộc tội khả năng tiếp cận với công lý và tố tụng hình sự có được bản chất dân chủ của nó. Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện chức năng gỡ tội, thông qua việc nhà nước có biện pháp đảm bảo người bào chữa được thực hiện các kỹ năng chuyên môn của họ mà không bị đe dọa, cản trở, hoặc can thiệp không đúng đắn, cũng như người dân có thể tiếp cận một cách bình đẳng và hiệu quả đối với các dịch vụ pháp lý mà người bào chữa cung cấp là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết.

Khi chia tay TS-Đại tá Lê Văn Thiện, Hiệu trưởng nhà trường cùng rất nhiều nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, tôi nghĩ rằng đây là biểu hiện trên thực tế bước chuyển căn bản về nhận thức đối với chủ thể thực hiện chức năng gỡ tội trong điều tra tội phạm, góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Giới luật sư cũng mong muốn những kết quả nghiên cứu từ hội thảo quan trọng này sẽ sớm được báo cáo và triển khai, tạo cơ hội nâng cao vị thế, xây dựng cơ chế bảo đảm thực thi quyền của người bào chữa trong tố tụng hình sự.


LUẬT SƯ PHAN TRUNG HOÀI
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.