Johannes Vermeer - Danh họa bí ẩn

Huy Minh (tổng hợp) |

Nếu ngày nay, Vermeer được coi là một trong những nghệ sĩ phương Bắc nổi danh nhất thì ông cũng là một trong những người bí hiểm nhất. Ông không viết bất cứ dòng hồi ký hay thư từ nào. Ông cũng không chính thức để lại bức chân dung tự họa nào.

Không ai trong số học trò của ông có thể ca ngợi tài năng và cuộc đời vẻ vang của thầy mình bởi ông không có xưởng vẽ cũng như không mở lớp dạy truyền nghề. Không nhà văn nào thời ấy viết về thân phận người nghệ sĩ mà ngày nay được coi là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thế kỷ XVII, ngang hàng với Rembrandt, Velázquez hay Ruben.

Cuộc đời và những khoảng lặng

Cuộc đời ông chỉ được biết đến bằng một vài mốc thời gian. Người ta tìm thấy những nguồn tin liên quan vào các thời điểm chính trong cuộc đời một tín đồ Ki-tô giáo: Ngày sinh, ngày rửa tội đặt tên thánh, ngày cưới và ngày mất. Johannes Vermeer được ban tên thánh ngày 31.10.1632 tại nhà thờ Neuve ở Delft. Ông là con thứ hai của Janszoon Vos, một người thợ dệt và bà De Digna Baltens. Ngày 5.4.1653, ở tuổi 20, ông kết hôn với Catharina Bolnes tại Tòa thị chính thành phố Delft và cùng năm đó ông gia nhập phường hội Thánh Luke dưới mã số 78. Ngày 15.12.1675 ông được an táng trong Nhà thờ Vieille Église (Oude Kerk), thành phố Delft. Ông mất đi, để lại cho người vợ góa gánh nặng một gia đình đông con, ước tính có tới 11 đứa, trong đó 8 đứa còn rất nhỏ!

Người vợ đã phải chịu vô số khó khăn tài chính từ những khoản nợ của chồng và bà buộc phải tuyên bố phá sản. Chính thương gia kiêm nhà khoa học Antoni Van Leeuwenhoek đã được chỉ định là người quản lý tài sản của Vermeer. Người ta biết được một vài chi tiết về đời sống vật chất của danh họa nhờ vào bản kiểm kê tài sản được biên vào năm 1676.

Bản kê được lập sau khi ông mất đã chứng thực rằng Catharina, hôn thê của ông, sinh trưởng trong một gia đình khá giả. Nhưng người ta cũng nhận đoán được ông từng gặp nhiều khó khăn lớn về tài chính. Bản kê khai đã tiết lộ rằng lúc cuối cuộc đời, ông đã đi Amsterdam để làm một hợp đồng vay mượn.

“Phúng dụ đức tin Công giáo”, 1670, sơn dầu trên vải, 114,3 × 88,9 cm, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. Nguồn: “Johannes Vermeer”, NXB Dân Trí. Ảnh: Omega Plus cung cấp
“Phúng dụ đức tin Công giáo”, 1670, sơn dầu trên vải, 114,3 × 88,9 cm, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. Nguồn: “Johannes Vermeer”, NXB Dân Trí. Ảnh: Omega Plus cung cấp

Ba cột mốc khác có thể được coi là chắc chắn: Ông đã ký tên và chỉ ghi ngày tháng trên ba tác phẩm: “Tú bà”, ký năm 1656, “Nhà thiên văn học”, năm 1668 và “Nhà địa lý học”, năm 1669. Ngoài những mốc thời gian này, tất cả chỉ là giả thuyết được chắp nối, suy diễn hoặc thuần túy là tưởng tượng mà thôi.

Thay cho những năm tháng tu nghiệp của ông, người ta chỉ tế nhị nói về “những ảnh hưởng” mà ông chịu. Người ta cũng cố lấp đầy những khoảng trống cuộc đời ông bằng các bức tranh và coi đó là câu trả lời. Như về tín ngưỡng của Vermeer, ông được đặt tên thánh theo học thuyết Tin Lành của cha mẹ mình: Học thuyết Calvin. Tuy nhiên, ông lại kết hôn với một người theo Công giáo, vì thế mà nhạc mẫu của ông, một người rất sùng đạo, luôn để tâm đến phần hồn của cô con gái cũng như của các cháu ngoại. Trong một khoảng thời gian dài, người ta khẳng định ông lấy được vợ là do ông cải đạo. Một trong những tác phẩm cuối cùng của ông, bức “Phúng dụ đức tin Công giáo” luôn được coi là một di ngôn về tinh thần và biểu tượng của lòng tôn kính sâu sắc, thậm chí là sự tri nhận hướng về thần học; bức tranh chính là một minh chứng. Nếu nhìn gần hơn, tác phẩm được cấu tứ từ một tập sách hình họa Ý của Cesare Ripa, được dịch sang tiếng Hà Lan vào năm 1644. Ta thấy ở đó một sự rèn giũa phong cách mà tất cả các chi tiết trong một bức tranh tương tự phải thể hiện được: Người đàn bà ngồi bên Chén Thánh, gợi nhắc đến sự hi sinh của Đức Chúa, chân đặt lên quả địa cầu, biểu tượng cho Đức tin Khải hoàn. Phải chăng đây chính là bằng chứng cho thấy người con rể đã thực sự tu chí và cải theo đạo của mẹ vợ? Hay ngược lại, nó chỉ đơn giản là sản phẩm của một đơn đặt hàng, biết đâu lại là đơn hàng của các giáo sĩ dòng Tên thành Delft? Và sau rốt, tác phẩm này thực sự hé lộ về ai? Tác giả hay người khách đặt hàng bức tranh? Thậm chí người ta còn cho rằng cảnh trong tranh chính là nhà của bà mẹ vợ, Maria Thins, một tín đồ Công giáo, cũng là nơi tác giả sinh sống. Vì vậy, nói về cuộc đời của Vermeer, mọi nhận đoán đều phải hết sức cẩn trọng. Cần lập luận trên rất nhiều góc độ: Bởi người nghệ sĩ này thật khó nắm bắt.

Một sự nghiệp ít tác phẩm và nhiều cạnh tranh

Nêu nhận định rõ ràng về cuộc đời của Vermeer và phác thảo tiểu sử sự nghiệp của ông là điều rất khó. Ta có thể dựa vào những con số chắc chắn như: Số lượng tranh được cho là của ông khoảng tầm 30 bức. Các chuyên gia ước tính có khoảng 20 bức bị thất lạc hoặc bị mất, vậy di sản mà ông để lại không nhiều. Điều này lý giải cho việc họa sĩ từng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Tuy vậy ta vẫn nên lưu ý hai điều. Gia đình bên vợ ông rất khá giả. Như rất nhiều danh họa đương thời, ông cũng tham gia vào việc buôn bán tranh và thậm chí còn là chuyên gia về hội họa Ý cho một hoàng thân Đức quốc giàu mạnh lúc đó, một tuyển đế hầu xứ Brandebourg. Lại một lần nữa, ta thử suy đoán theo giả thuyết: Với số lượng các tác phẩm ít ỏi như thế, hẳn Vermeer đã dành nhiều thời gian để vươn tới sự hoàn hảo cần thiết hòng cạnh tranh với các nghệ sĩ cùng thời, những người được gọi là “họa sĩ cao quý”. Có thể ông đã nhắm tới đối tượng khách hàng giàu có ưa chuộng các cảnh vẽ tinh tế, một nhóm những người sành sỏi nghệ thuật.

Trừ ba bức tranh nêu trên, việc xác định thời gian cho các tác phẩm của ông chỉ là những phỏng đoán. Bức “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” được sáng tác khoảng năm 1665 hay 1666, trong khi bức “Cô gái rót sữa” được vẽ khoảng giai đoạn 1658-1660. Để xác định thời gian, người ta thường sắp xếp các tác phẩm theo đề tài cảm hứng: Trên cơ sở ấy, người ta chia làm ba “thời kỳ”. Thời kỳ đầu là xung quanh bức “Tú bà”, một tác phẩm chủ đạo thời trai trẻ, khi họa sĩ đang đi tìm chính mình. Vermeer chịu ảnh hưởng rất lớn từ Caravaggio, đặc biệt trong sự chọn lựa đề tài: Cảnh ở các tửu quán hay sự lạm dụng rượu. Người ta cũng thấy những ảnh hưởng khác từ hội họa Ý, như đề tài thần thoại trong tác phẩm “Diana và các bạn gái” hay những cảnh có nguồn gốc Công giáo như bức “Thánh nữ Paraxède” và bức “Chúa ở trong nhà Marthe và Marie”. Khi thoát khỏi ảnh hưởng của Ý, Vermeer dường như đã tìm được cho mình một hướng đi riêng vào khoảng cuối những năm 1650: Thời điểm này được coi là giai đoạn thứ hai. Ông vẽ những cảnh trong nhà với bố cục gần như không thay đổi: Vẫn cái ghế ấy, cái bàn ấy, cái cửa sổ ấy, những chi tiết lặp đi lặp lại của không gian “đậm chất Vermeer”. Khoảng thời gian sau năm 1660, giai đoạn cuối cùng, là thời kỳ chín muồi được đánh dấu bằng một sự dư thừa nhất định: Quá nhiều tranh vẽ gương mặt phụ nữ, từ bình dân đến quý tộc, từ cô gái rót sữa đến gương mặt yêu kiều của các thiếu nữ chơi đàn. Có vẻ như Vermeer đã tìm thấy mẫu hình sáng tác để hoàn thiện cho dù cuối cùng nó cũng làm ông chán nản. Để hiểu rõ sức sáng tạo và đặc biệt là hiểu công lao của ông trong việc mô tả ánh sáng và không gian, ta có thể đặt ông cao hơn Carel Fabritius và về phương diện thị giác thì ông tương đương với Pieter De Hooch, một tài năng ngang hàng, thậm chí là một đối thủ. Còn muốn sáng tỏ những bức tranh về tầng lớp quý tộc lúc cuối đời thì chỉ Ter Borch mới cạnh tranh được với ông. Tóm lại, để hiểu về ông, cần phải sử dụng phép so sánh và đối chiếu.

“Chân dung một gia đình tư sản thành Delft”, k. 1658-1660, sơn dầu trên vải, 113 × 97cm, Học viện Mỹ thuật Vienna, Vienna. Nguồn: “Johannes Vermeer”, NXB Dân Trí. Ảnh: Omega Plus cung cấp
“Chân dung một gia đình tư sản thành Delft”, k. 1658-1660, sơn dầu trên vải, 113 × 97cm, Học viện Mỹ thuật Vienna, Vienna. Nguồn: “Johannes Vermeer”, NXB Dân Trí. Ảnh: Omega Plus cung cấp

Khám phá lại Vermeer

Sinh thời và sau khi mất không lâu, Vermeer được coi là một họa sĩ vĩ đại. Tuy nhiên ông vẫn bị chìm vào quên lãng. Sau cái chết của ông và bà vợ góa, các tác phẩm của ông đã bị phân tán. Người vợ góa buộc phải gán một phần gia tài nghệ thuật của ông cho một thương nhân thành Haarlem. Năm 1696, Jacob Abrahamsz, một chủ xưởng in, đã bán 21 bức tranh của Vermeer mà ông ta được thừa kế ở Amsterdam. Những lời bình trong danh mục bán cho thấy tương lại xán lạn của các tác phẩm này: Bức “Cô gái rót sữa” được đánh giá “cực kỳ thành công”. Sau đó, Vermeer biến mất, ông không có tên trong hầu hết các cuốn từ điển về danh họa trong thế kỷ tiếp theo. Một trong những người đầu tiên “khai quật” lại danh họa này không ai khác chính là Jean-Baptiste Lebrun, họa sĩ và cũng là nhà buôn tranh thế kỷ XVIII, hôn phu của Louise Élisabeth Vigée-Lebrun, nữ họa sĩ nổi tiếng chuyên vẽ chân dung cho Vương hậu Marie-Antoinette! Nếu thời đó mọi người mê mẩn Rembrandt hay Dou thì Lebrun lại ngưỡng mộ “hiệu ứng ánh sáng” của Vermeer.

Tuy nhiên, người có công nhất trong việc tái khám phá và đưa Vermeer về đúng vị trí như ngày nay lại là Théophile Thoré-Bürger. Người đàn ông Pháp này là một nhân vật đầy màu sắc, giống như những người cùng thời, ông bị chia rẽ giữa phê bình nghệ thuật và báo chí chính trị. Là một thanh niên dưới thời Quân chủ tháng 7, ông am hiểu nền Đệ nhị Cộng hòa và Đệ nhị Đế chế, ông tham gia vào các nhóm đối lập và là đảng viên Cộng hòa, viết bài cho các ấn phẩm le Siècle (Thế kỷ) và Revue du progrès (Tạp chí tiến bộ). Và nếu người theo phái Cộng hòa này quan tâm đến các danh họa Hà Lan thì đó không phải là sự lựa chọn vô thưởng vô phạt.

Người Hà Lan trong thế kỷ XVII được nhìn nhận như những người cộng hòa mạnh mẽ đã kiên cường chống lại các cuộc tấn công của chế độ quân chủ Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Còn ai có thể đại diện cho tinh thần rất mực cộng hòa hơn các danh họa này? Vậy là ông tiến hành một cuộc điều tra thực sự để tìm hiểu về “Ver Meer”, người chỉ xuất hiện dưới cái tên ghi trên một bức tường trong tác phẩm “Nhà thiên văn học” và “Nhà địa lý học”.

Ông tìm tòi trong các danh mục bán tranh của những thế kỷ trước, trong những bộ sưu tập của Pháp và châu Âu, cố gắng lập nên một danh sách, ngày nay danh sách đó bị coi có là phần thiếu chính xác, nhưng không thành vấn đề. Ông đã mang Vermeer trở lại với ánh hào quang, đặc biệt là ở Pháp. Năm 1886, ông đăng một chuyên khảo về danh họa này trên tập san Gazette des beauxarts (Những trang mới về mỹ thuật) và chắc hẳn đã làm độc giả phấn khích với 20 trang tâm huyết. Ông có công lao đưa danh họa lỗi lạc thành Delft vào Bảo tàng Louvre với tác phẩm “Cô gái dệt đăng ten” năm 1870.

Ở thế kỷ XIX, người ta thích viết về Vermeer và đặc biệt là viết về tranh của ông, những bức tranh bí ẩn. Nếu câu chuyện về chiếc bánh “madeleine” của Proust nổi tiếng như thế nào thì đoạn văn trong tác phẩm văn học “Đi tìm thời gian đã mất” tả “mảng tường nhỏ màu vàng” cũng nổi tiếng không kém. Đó là một chi tiết trong bức Quang cảnh thành Delft được Marcel Proust đánh giá là “bức tranh đẹp nhất thế giới” mà ông được chiêm ngưỡng tại phòng trưng bày Jeu de Paume. Nhân vật Bergotte trong tác phẩm của ông bị ốm rồi chết trước bức tranh này đã để lại bao cảm xúc! Như vậy, sau khi qua đời gần hai trăm năm, tiếng tăm của Vermeer mới lại được hồi sinh. Tiếp theo, đến lượt các nhà văn Paul Claude hay André Malraux bị quyến rũ đến mê hoặc trước một Hà Lan huyền bí.

Nhân sư thành Delft

Tại sao Vermeer lại có sức lôi cuốn đến như vậy? Chất lượng kỹ thuật và sự điêu luyện của ông sau này đã được phát triển hơn rất nhiều, còn cuộc đời và sự nghiệp thì ThoréBürger đã tóm lược một cách hoàn hảo như sau: “Đó là một bí ẩn”. Ý này phải được hiểu theo hai nghĩa. Những điều được biết về cuộc đời “nhân sư thành Delft” thật ít ỏi và trong tranh của mình, họa sĩ dường như có một thú vui ranh mãnh là vừa che giấu vừa tiết lộ sự thật. Năng lực của Vermeer nằm ở việc miêu tả khoảnh khắc, như thời điểm mà những tia nắng mặt trời ngập tràn thành phố trong bức “Quang cảnh thành Delft”. Nhưng ông còn tinh tế hơn thế nữa. Những ý ẩn ông giấu đi cũng nhiều như những điều ông miêu tả: Hai đứa trẻ bên dưới ngôi nhà chính giữa bức tranh đang chơi trò gì? Người phụ nữ trên lối đi bên trái bức tranh đang làm gì? Tranh của Vermeer thường có một điểm chung là phản nghĩa. Ngay cả khi ta xem xét bức tranh một cách kiên trì về mặt biểu tượng và phân tích tỉ mỉ các đối tượng, các chi tiết nằm ở đây đó nhằm tìm ra điều ẩn giấu thì ý nghĩa của nó vẫn không bao giờ cạn kiệt. Trí tưởng tượng bị lạc lối, những bức tranh cứ thôi miên khán giả, thôi thúc họ viết lại câu chuyện theo kiến giải hoặc cảm xúc của mình.

“Quang cảnh thành Delft”, 1661, sơn dầu, 98 × 117,5 cm, Bảo tàng Mauritshuis, La Haye. Nguồn: “Johannes Vermeer”, NXB Dân Trí. Ảnh: Omega Plus cung cấp
“Quang cảnh thành Delft”, 1661, sơn dầu, 98 × 117,5 cm, Bảo tàng Mauritshuis, La Haye. Nguồn: “Johannes Vermeer”, NXB Dân Trí. Ảnh: Omega Plus cung cấp

André Malraux, Bộ trưởng Văn hóa dưới thời Tướng De Gaulle, trong một cuộc phỏng vấn nhằm tôn vinh những giá trị của quá khứ vào năm 1966 đã tỏ ra rất thích thú việc điều tra khám phá này. Người ta tìm thấy một manh mối quan trọng: Tất cả các nhân vật trong tranh của Vermeer đều giống nhau. Kết luận của Malraux thật táo bạo nhưng lại rất cuốn hút: Đó là các thành viên trong gia đình Vermeer! Trong ba lần, Vermeer vẽ một người phụ nữ mang thai, một đề tài mà theo Malraux, ít khi xuất hiện trong hội họa.

“Người đàn bà áo xanh đọc thư” là Catharina Bolnes, vị hôn thê đang mang thai một trong mười một người con của ông. Vì gương mặt họ gợi nhớ đến những nhân vật trong các bức tranh của những năm đầu tiên. “Cô gái đội mũ đỏ” và cô gái trong bức “Nghệ thuật hội họa” có lẽ là hai người con gái của ông.

“Nhà địa lý học”, người phô ra các nét giống những phụ nữ được thể hiện trong các tác phẩm này không ai khác chính là Vermeer! Malraux thậm chí còn táo bạo đề xuất khôi phục lại niên đại các bức tranh theo tuổi của các nhân vật mà ông cho là được thể hiện trong đó! Một sự phân tích xác đáng hay là trí tưởng tượng quá đà? Không quan trọng. Vẻ đẹp trong tranh của Vermeer là đây: Niềm vui giải đố. Vì lẽ đó, bí ẩn đã vượt qua cả phẩm chất kỹ thuật để đưa kiệt tác hội họa của Vermeer lên tầm huyền thoại.

Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Họa sĩ già miệt mài vẽ tường khu phố liên tục trong gần 1 tháng

HOÀI ANH - HỒNG CƯỜNG |

Với mong muốn "khoác áo mới" cho khu phố cũng như bổ sung thêm các kiến thức lịch sử cho học sinh, người họa sĩ già Nguyễn Trọng Nguyện (Ngõ Quỳnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã miệt mài vẽ tường cho khu phố nhà mình liên tục trong 1 tháng.

Người họa sĩ khơi gợi niềm đam mê hội họa cho trẻ em khuyết tật

Văn Thắng - Hà Phương |

Họa sĩ Văn Dương Thành cùng bốn học trò của mình đã tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em khuyết tật của trường PTCS Dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội. Đây là hoạt động thường xuyên của họa sĩ Văn Dương Thành và các học trò nhằm khơi gợi tiềm năng, niềm đam mê nghệ thuật cho giới trẻ.

Trầm trồ với triển lãm tranh về Bùi Xuân Phái của những họa sĩ nhí

Văn Thắng - Hà Phương |

Tại triển lãm tranh “100 năm Bùi Xuân Phái - Tranh Văn Dương Thành và thế hệ nối tiếp” bên cạnh những bức họa mà họa sĩ Văn Dương Thành vẽ Bùi Xuân Phái, buổi triển lãm còn mang tới những tác phẩm đặc sắc của các "họa sĩ nhí" ở độ 12-15 tuổi được nữ họa sĩ Văn Dương Thành đào tạo.

Từ thợ cạo mủ caosu đến “huyền thoại truyện tranh”

Việt Văn |

Câu chuyện với “huyền thoại truyện tranh”, như mọi người hay gọi, diễn ra cởi mở tại nhà ông ở một chung cư giản dị. Sinh năm 1956 tại Sài Gòn, Nguyễn Hùng Lân từng theo học ngành Toán - Lý - Hóa của Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn trước khi phải ngưng vì gia cảnh khó khăn. Sau giải phóng, ông theo gia đình lên Nông trường Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) định cư và làm kinh tế mới.

Người khai sinh trường phái nghệ thuật Ấn tượng

Lê Tiên Long |

Ngày 14.11 này, thế giới kỷ niệm 180 năm ngày sinh danh họa vĩ đại người Pháp Claude Monet, nhà tiên phong, người dẫn dắt phong trào nghệ thuật lớn nhất thời đại của mình - hội họa Ấn tượng.

Hà Nội mở đường huyết mạch lên 40m, hoàn thành sau 2 năm

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Quận Hoàng Mai đang tập trung giải phóng mặt bằng để khởi công dự án mở rộng đường Lĩnh Nam dài gần 3,5km vào tháng 6.2025, hoàn thành năm 2027.

Vũ khí vạn năng yểm trợ Nga đẩy lùi Ukraina giải phóng Kursk

Ngọc Vân |

Quân đội Nga thông báo đã đẩy lùi lực lượng Ukraina, giải phóng thêm hai ngôi làng ở tỉnh Kursk của Nga.

Bản tin công đoàn: Lí do người có công chưa nhận trợ cấp mới

Nhóm PV |

Bản tin công đoàn có nội dung chính: Người có công chưa được nhận trợ cấp theo đợt mới; Thu nhập bình quân lao động đạt 7,6 triệu đồng mỗi tháng,…

Họa sĩ già miệt mài vẽ tường khu phố liên tục trong gần 1 tháng

HOÀI ANH - HỒNG CƯỜNG |

Với mong muốn "khoác áo mới" cho khu phố cũng như bổ sung thêm các kiến thức lịch sử cho học sinh, người họa sĩ già Nguyễn Trọng Nguyện (Ngõ Quỳnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã miệt mài vẽ tường cho khu phố nhà mình liên tục trong 1 tháng.

Người họa sĩ khơi gợi niềm đam mê hội họa cho trẻ em khuyết tật

Văn Thắng - Hà Phương |

Họa sĩ Văn Dương Thành cùng bốn học trò của mình đã tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em khuyết tật của trường PTCS Dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội. Đây là hoạt động thường xuyên của họa sĩ Văn Dương Thành và các học trò nhằm khơi gợi tiềm năng, niềm đam mê nghệ thuật cho giới trẻ.

Trầm trồ với triển lãm tranh về Bùi Xuân Phái của những họa sĩ nhí

Văn Thắng - Hà Phương |

Tại triển lãm tranh “100 năm Bùi Xuân Phái - Tranh Văn Dương Thành và thế hệ nối tiếp” bên cạnh những bức họa mà họa sĩ Văn Dương Thành vẽ Bùi Xuân Phái, buổi triển lãm còn mang tới những tác phẩm đặc sắc của các "họa sĩ nhí" ở độ 12-15 tuổi được nữ họa sĩ Văn Dương Thành đào tạo.

Từ thợ cạo mủ caosu đến “huyền thoại truyện tranh”

Việt Văn |

Câu chuyện với “huyền thoại truyện tranh”, như mọi người hay gọi, diễn ra cởi mở tại nhà ông ở một chung cư giản dị. Sinh năm 1956 tại Sài Gòn, Nguyễn Hùng Lân từng theo học ngành Toán - Lý - Hóa của Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn trước khi phải ngưng vì gia cảnh khó khăn. Sau giải phóng, ông theo gia đình lên Nông trường Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) định cư và làm kinh tế mới.

Người khai sinh trường phái nghệ thuật Ấn tượng

Lê Tiên Long |

Ngày 14.11 này, thế giới kỷ niệm 180 năm ngày sinh danh họa vĩ đại người Pháp Claude Monet, nhà tiên phong, người dẫn dắt phong trào nghệ thuật lớn nhất thời đại của mình - hội họa Ấn tượng.