Không “vung” tiền tổ chức lễ kỷ niệm

đặng chung |

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang lấy ý kiến xung quanh dự thảo Nghị định Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương. 

Trong đó có những nội dung như “không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng và chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm”, không tổ chức ngày lễ kỷ niệm rình rang, tốn kém. Những quy định này nhận được sự ủng hộ của người dân. 

Cấm tặng quà, tổ chức ngày lễ phô trương, lãng phí

Sân khấu hoành tráng, có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên và hàng nghìn khách mời... là những hình ảnh thường thấy ở hầu hết các lễ kỷ niệm được các địa phương, đơn vị tổ chức trong thời gian vừa qua. Để có những khoảnh khắc này, các địa phương, đơn vị đều đã phải tiêu hàng chục tỉ đồng tiền ngân sách.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), hiện có khoảng 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành và địa phương. Số lượng nhiều và xu hướng ngày càng nở rộ nhưng việc quy định cụ thể về tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống... cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục. Mỗi nơi tổ chức một kiểu, mạnh ai nấy làm.

Một câu hỏi đặt ra, tốn bao nhiêu tiền để tổ chức 200 ngày truyền thống đó? Có thống kê nào cho thấy mỗi lễ kỷ niệm mời đến hàng nghìn quan khách đó đã “ngốn” hết bao nhiêu tiền?

Chỉ tính sơ đã có rất nhiều vụ việc khiến dư luận bức xúc vì số tiền tỉ bỏ ra tổ chức lễ kỷ niệm; nhiều festival (ngày hội, hội hè, liên hoan) được tổ chức ở các địa phương, tốn kém hàng chục tỉ đồng nhưng lợi ích mang lại chẳng là bao.

“Dư luận thời gian qua ồn ào xung quanh chuyện một địa phương chi cả chục tỉ đồng để mua quà tặng. Nhiều tỉ đồng khác cũng được vung ra cho những hoạt động lễ lạt, màu mè không cần thiết. Cách thức, quy trình tổ chức mỗi nơi một kiểu, bất nhất cả ở những nghi thức cần thiết sự chuẩn mực như chào cờ, hát quốc ca…

Thực tế đó yêu cầu cần phải có quy định chặt chẽ, chuẩn mực cho việc tổ chức các lễ kỷ niệm. Trước đây, Nghị định 145 của Chính phủ năm 2013 cũng chưa có các quy định cụ thể, chặt chẽ về các hoạt động kỷ niệm, lễ kỷ niệm của các bộ, ngành, địa phương” - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh ý nghĩa của việc ban hành Nghị định Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 15 điều, quy định về thẩm quyền, trình tự công nhận ngày truyền thống cũng như việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó nêu rõ hoạt động lễ kỷ niệm được thực hiện thống nhất, đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương, hình thức, gây lãng phí. Không tổ chức kỷ niệm khi chưa có văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền hoặc chưa được cấp thẩm quyền công nhận. Bộ, UBND cấp tỉnh chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập hoặc ngày truyền thống, không tổ chức kỷ niệm ngày tái lập.

Đặc biệt, dự thảo nghị định nêu rõ không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo) và chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm và lễ kỷ niệm. Vì những hoạt động này khiến ngày lễ thêm rình rang, gây lãng phí.

Một trong những điều đáng chú ý nữa tại dự thảo Nghị định mà Bộ VHTTDL trình Chính phủ phê duyệt, đó là để giảm tránh được việc tổ chức buổi lễ quá lớn, khách mời quá đông, số lượng đại biểu khách mời không quá 100 đại biểu (bao gồm đại biểu thuộc các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương và khách mời quốc tế).

Đối với các năm chẵn (10, 20, 30 năm...) thì các đơn vị tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống phải xây dựng kế hoạch, được Bộ VHTTDL thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt. Không tổ chức lễ kỷ niệm vào các năm lẻ.

Dự kiến đến hết tháng 11.2017, Bộ VHTTDL sẽ trình Thủ tướng ký ban hành nghị định này. Hiện vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và dư luận.

Quà tặng tiền tỉ là quá lãng phí!

Đánh giá về những quy định yêu cầu không tổ chức ngày lễ kỷ niệm rình rang, không tặng quà khách mời tham gia buổi lễ, TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - cho rằng: Lễ kỷ niệm là một dịp để mọi người gặp gỡ, trao đổi, kết nối. Đối với các bộ, ban ngành, lễ kỷ niệm như “ngày giỗ Tổ” nên việc cấm hay bỏ là không nên. Ông cho rằng, việc tổ chức như thế nào mới là quan trọng.

“Mọi thứ sao cho vừa đủ sự thân mật nhưng không phô trương, không phải mời thật nhiều người đến tham dự mới là hoành tráng. Điều này vừa làm loãng không gian lại tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Dù tổ chức năm chẵn hay năm lẻ cũng vậy thôi, nếu nằm ở trong khả năng mà không lạm dụng vào ngân sách quá nhiều thì nên ủng hộ.

Ngoài ra, việc quà cáp dành cho các đại biểu tham dự có thể bỏ, vì yếu tố này không quá cần thiết trong các hoạt động. Không tặng quà đâu có nghĩa là chúng ta không trân trọng khách mời, mà đôi khi, quà tặng chưa chắc đã phù hợp, chi phí lên đến tiền tỉ thì đúng là quá lãng phí. Tôi nghĩ việc tặng quà các đại biểu trong lễ kỷ niệm nên bỏ đi. Không người dân nào đồng tình trước sự xa hoa phù phiếm khi dân đang còn nghèo” - TS Trần Hữu Sơn chia sẻ.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Duy Đông lại đưa ra quan điểm khác: “Người Việt vốn có tinh thần hiếu khách, tổ chức một lễ kỷ niệm thường phải có quà tặng. Vả lại, khách đến nhà không lẽ lại thiếu mâm cơm? Để khách ra ngoài ăn “chủ nhà” đương nhiên là khó nghĩ. Vì thế, nên chăng Nghị định đưa ra quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để mua quà tặng hay tổ chức tiệc chiêu đãi? Có thể sử dụng nguồn tiền xã hội hóa cho các nội dung này”.

Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương cũng băn khoăn, nếu quà tặng chỉ là logo giá trị không lớn thì có nên cấm không? Hay chỉ cấm những quà tặng đắt tiền, lãng phí? Còn tiệc chiêu đãi, nếu mời khách từ các tỉnh, thành phía Nam ra Bắc mà không có mâm cơm thì quả tình là áy náy. Khách đến với mình, không thể để họ tự đi tìm chỗ ăn.

Về những băn khoăn này, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết sẽ cân nhắc ý kiến của các địa phương. Tuy nhiên bà bày tỏ quan điểm: “Với tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí thì phải nhận thức rằng, dù đắt hay rẻ, dù xã hội hóa hay ngân sách nhà nước thì việc tặng quà trong lễ kỷ niệm cũng gây nên sự tốn kém”.

đặng chung
TIN LIÊN QUAN

Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến.

‘Sơ tán nhằm đảm bảo tính mạng nhân dân’

CÔNG SÁNG |

Chính quyền, cán bộ các địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã triển khai các phương án ứng phó, đặc biệt là công tác sơ tán, bảo vệ tính mạng của nhân dân.

Quảng Bình còn 10 thôn chia cắt, không còn hộ dân bị ngập

CÔNG SÁNG |

Tính đến 10h ngày 21.9, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn 10 thôn, bản bị chia cắt, không hộ dân nào bị ngập.

Sở Y tế vào cuộc vụ bệnh nhân tử vong ở phòng khám

BẢO TRUNG |

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị xác minh ngay vụ việc 1 bệnh nhân tử vong sau khi thăm khám tại một phòng khám tư.

2 ôtô va chạm khiến 2 người đi xe máy tử vong

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 8 giữa 2 ôtô tải với 1 xe máy khiến 2 người trên xe máy tử vong.

Mùa bão dữ dội, dự báo còn bao nhiêu cơn bão đổ bộ đất liền?

AN AN |

Cơ quan khí tượng dự báo khả năng từ tháng 10-12.2024, số cơn bão đổ bộ đất liền cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Sự kỳ lạ nhìn từ vụ Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp đại học

Lan Anh |

Đại diện trường Đại học Ngoại thương đã xác nhận Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp trong bối cảnh cô vừa đăng quang cuộc thi sắc đẹp thứ 2 sau 10 năm.

Áp thấp gần Philippines mạnh lên áp thấp nhiệt đới

Ngọc Vân |

Một vùng áp thấp ngoài khơi phía bắc Luzon, Philippines đã phát triển thành áp thấp nhiệt đới Igme vào chiều 20.9.