Kỳ tích bay biển

Huyên Nguyễn - Anh Tú |

Mùa xuân này về trên quê ta/Khắp đất trời biển rộng bao la...

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, lắng nghe những giai điệu của ca khúc “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” rộn ràng đó đây, Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trực thăng Việt Nam lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm trong chuyến bay trực thăng đặc biệt “nhiều không” dịp Tết Kỷ Mùi (tháng 1.1979).

Những quyết định vì “màu cờ, sắc áo”

Đó là chuyến bay dầu khí trên biển đầu tiên của Việt Nam với “nhiều không”: Không tín hiệu dẫn đường; Không radar; Không định vị vệ tinh; Không đài liên lạc xa. Đặc biệt, các phi công Việt Nam chưa bao giờ bay ra đại dương như vậy, cũng không ai biết tiếng Anh để giao tiếp. Ngoài ra, cũng chưa ai biết hình thù giàn khoan nổi như thế nào... Vậy mà, chuyến bay đã thành công!

Nhớ lại thời điểm dịp Tết Kỷ Mùi, phi công Nguyễn Xuân Trường lúc đó là Thiếu tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917 đang chỉ huy trực thăng chiến đấu ở Campuchia nhận lệnh bay gấp về Tân Sơn Nhất.

Về đến sở chỉ huy tiền phương, ông Trường bất ngờ khi Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí - Đinh Đức Thiện, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Không quân - Đào Đình Luyện trực tiếp đến giao nhiệm vụ.

Một cuộc họp khẩn cấp diễn ra ngay trong ngày Tết. Tổng Cục trưởng cho biết, Tổng cục Dầu khí đã thuê Công ty Bow Valley (Canada) dùng tàu khoan có tên Dan Queen vào thăm dò tại vùng biển Nam Côn Đảo. Phía đối tác thông báo, họ đã có mặt tại tọa độ như đàm phán. Theo quy định, tàu khoan muốn hoạt động phải được nhà chức trách Việt Nam ra tận nơi xác định tọa độ khoan và làm thủ tục nhập cảnh. Điều này gây bất ngờ cho chúng ta khi kế hoạch do ta xây dựng là sẽ đón ở đất liền rồi mới ra vị trí thăm dò. Thêm vào đó, nước ta chưa có dịch vụ trực thăng bay biển chuyên nhiệm. Dù đã thuê máy bay của Pháp để làm nhiệm vụ trên nhưng phải tới ngày 15.2.1979, đối tác mới có mặt.

Nếu đợi đúng lịch bay như thế, phía Việt Nam phải tự chịu tiền thuê tàu khoan tới vài chục nghìn USD/ngày. Tổng Cục trưởng Đinh Đức Thiện rất sốt ruột, ông đề nghị Bộ Tổng tham mưu sử dụng trực thăng quân sự thực hiện nhiệm vụ này. Thời điểm đó cũng rất đặc biệt bởi Việt Nam vừa tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa vì thế mỗi hoạt động đều rất quan trọng.

Thế nhưng, máy bay trực thăng UH-1 hoàn toàn khác với trực thăng bay dầu khí, nó chỉ có một động cơ, không có phao cứu sinh thoát hiểm và chỉ đủ xăng bay trong vùng chiến thuật cấp quân đoàn, cả đi về khoảng 250km. Từ sân bay Vũng Tàu nếu không tìm thấy giàn khoan để hạ cánh nạp xăng được, phải quay lại đất liền tổng đoạn đường 2 chiều 350km thì sẽ hết nhiên liệu, hy sinh trên biển là điều chắc chắn.

Các đơn vị đều căng thẳng, đặc biệt là tổ bay. “Chúng tôi xác định là không thể bay được chứ không phải không muốn bay. Thứ nhất là không có phương tiện dẫn đường để bay trên biển, không đủ xăng... Thứ hai, cả tổ bay chưa ai biết giàn khoan là cái gì cả. Thứ ba, chúng tôi là phi công của Không quân Việt Nam, lúc bấy giờ không có không quân hải quân, không thực hiện bay biển. Thứ tư, cả tổ bay cũng không ai biết tiếng Anh để giao tiếp. Mọi người đều học ở Nga nên chỉ nói được tiếng Việt và tiếng Nga” - nhiều vấn đề được tổ bay của phi công Xuân Trường đặt ra đầy trăn trở.

Suy nghĩ đủ đường nhưng vẫn bế tắc. Trong cuộc bàn bạc ngày thứ hai, ông Cuna - Tổng Giám đốc Công ty Bow Valley thẳng thừng chỉ ra những bất lợi: “Tôi chắc chắn là phi công của các ngài không bay được. Tôi được biết các phi công bay biển, bay dầu khí phải được huấn luyện trong trường đàng hoàng và đúng loại máy bay mới có phương tiện hỗ trợ”.

Đến ngày thứ ba, khi phía Việt Nam gần như chấp nhận vừa mất tiền, lại mang tiếng, chuẩn bị giải tán cuộc họp thì ông Cuna phát biểu thêm: “Thưa ngài Tổng Cục trưởng. Ngài đừng bắt cấp dưới của ngài làm những việc mà đến hôm nay ở Châu Á chỉ có người Nhật Bản mới làm được!”.

Lúc này, phi công Nguyễn Xuân Trường không kịp nghĩ nhiều, đứng bật dậy, khẳng khái nói: “Thưa ông Cuna, 9h ngày mai chúng tôi sẽ bay ra tàu khoan!”. Câu nói của ông Cuna đụng đến bản lĩnh, lòng tự trọng người lính từng thử lửa nhiều năm chiến đấu trận mạc.

Trước tinh thần tình nguyện của tổ bay, Tổng Cục trưởng Đinh Đức Thiện gật đầu, dù trong tâm tư, nỗi lo lắng vẫn đang nặng trĩu.

Suốt ngày hôm đó, tổ bay Thiếu tá Xuân Trường - lái chính, Thượng úy Trần Đình - lái phụ kiêm dẫn đường và Thượng úy Nguyễn Thành Công - kỹ sư cơ giới trên không vò đầu bứt trán tính toán đường bay, lượng gió dạt.

“Nghĩ mãi chưa ra phương án, tôi ngồi trong khách sạn nhìn xa xăm. Lúc bấy giờ, loa phát thanh văng vẳng những giai điệu “Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la...”. Tôi chợt nghĩ ra đài dẫn đường duy nhất của máy bay lục quân bắt được đài phát thanh. Tôi nhớ lại những năm tháng còn học ở Liên Xô hay được thầy giáo kể chuyện các phi công của Liên Xô đi ném bom trên lãnh thổ Đức phát xít buộc phải bay dẫn đường bằng đài dẫn đường phía sau (đằng sau máy bay).

Tôi nói to với đồng đội: “Ta sẽ bay theo đài sau!”. Thành phố Hồ Chí Minh, Côn Đảo và tàu khoan nằm trên một đường thẳng. Chúng ta sẽ tận dụng sóng Đài Phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh để dẫn đường” - ông Trường vui mừng bảo.

Chưa từng thực hành, chỉ được nghe giảng nhưng anh em tổ bay hình dung ra được và thống nhất bay dù tỉ lệ chuẩn xác chỉ khoảng 30 - 40%.

Phi công Nguyễn Xuân Trường (ở giữa). Ảnh: Chụp lại tư liệu.
Phi công Nguyễn Xuân Trường (ở giữa). Ảnh: Chụp lại tư liệu.

Kỳ tích!

Sáng 31.1.1979 (Mồng 4 Tết), trực thăng UH-1 mang số hiệu 779 chở 11 cán bộ các ngành ra tàu khoan. Tất cả mọi người lên máy bay đều mặc áo phao mà thật ra chỉ có tác dụng tâm lý. Quả thực, trước khi cất cánh, mỗi người cũng đều xác định tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

“Tôi ra một góc của sân bay Vũng Tàu, ngoảnh về phương Bắc - nơi gia đình đang sinh sống - để gửi lời tạm vĩnh biệt vợ: “Em ơi, anh đang thực hiện một chuyến bay có thể không bao giờ về nữa. Cho nên, đây là lời tạm vĩnh biệt em và con” - phi công Nguyễn Xuân Trường kể lại.

Chiếc UH-1 rời mặt đất, tổ bay mở đài dò được sóng đài phát thanh. May thay, đường bay đi qua đúng đỉnh Côn Đảo - là điểm kiểm tra xem có bị lệch đường không. Thế nhưng, càng ra xa, gió mùa Đông Bắc rất mạnh nên đẩy máy bay đi xa.

Gần đến giờ máy bay cạn nhiên liệu, nỗi lo càng tăng lên. Làm sao có thể tìm được giàn khoan nhỏ nhoi giữa đại dương mênh mông. Mọi thành viên trong đoàn được lệnh nhìn ra cửa sổ để tìm kiếm mục tiêu.

Lúc này, một phút dài như vô tận. Bay đã hơn 50 phút, vẫn không thấy tàu khoan đâu, đài liên lạc chỉ còn reo “ò e í”.

Đến phút thứ 57, lái phụ Trần Đình reo lên: “Anh Trường ơi! Có cột điện, bên trái”.

Anh Ngô Thường San, cán bộ Tổng cục Dầu khí từng đi học ở nước ngoài, được gọi tới gần tổ lái để trợ giúp. Đúng tháp khoan, mọi người reo lên vui sướng.

Rất may là đường bay chỉ lệch khoảng 3 - 4km mới nhìn thấy chứ lệch tầm 10km thì không thể trông thấy. Hạ thấp độ cao, từ trực thăng, mọi người thấy tàu Dan Queen và thở phào nhẹ nhõm.

Đối với giàn khoan, việc xuất hiện một chiếc UH-1 “xấu xí”, “sần sùi” thì không ai nghĩ là đưa đoàn công tác. Họ nghĩ rằng máy bay của không quân đâu đó lạc đường xin đáp khẩn cấp SOS. Mình liệng thấp xuống nên họ nhìn được số hiệu 779 trên máy bay và nhận được tín hiệu từ tàu Dan Queen. Lúc này, rất may là anh Ngô Thường San biết tiếng Anh nên đã nghe, giao tiếp được và xin điều kiện hạ cánh.

Thế nhưng, lại thêm một bài toán, giàn khoan lúc đó chưa neo được, tháp khoan cao tới 80m, nhô lên thụt xuống trong phạm vi 3m, sóng biển cao 7m... Nguy hiểm lắm! Nếu hạ cánh vào thời điểm tàu đang dềnh lên biên độ cao nhất, trực thăng sẽ bị hất ngay xuống biển. Lái chính “rình” lúc tàu dao động tụt xuống điểm thấp nhất thì làm động tác hạ càng dứt khoát, đáp xuống.

Lúc này mọi người trên tàu khoan Dan Queen mới biết là đoàn liên kiểm tới nên ùa ra, ôm lấy phi công Việt Nam. Nhìn chiếc UH-1 chỉ có 2 dẻ cánh quạt nhỏ nhoi, máy bay 1 động cơ, không bánh hơi mà chỉ có càng hạ cánh, họ lắc đầu, bày tỏ kinh ngạc và khâm phục.

Sự có mặt của người Việt Nam ở tàu khoan Dan Queen hôm đó là “chủ quyền quốc gia”, là thương quyền kinh tế, là tư thế chủ nhà và là uy tín Việt Nam.

Về tới nơi, Tổng Giám đốc Công ty Bow Valley Cuna đã ôm bó hoa to, cùng đoàn lãnh đạo Tổng cục đón đoàn công tác, khen đã thành công và lập kỳ tích.

Ba ngày sau, giàn khoan Dan Quee tiếp tục yêu cầu tổ bay bay thêm một chuyến đưa công nhân bị tai nạn về đất liền. Rồi ba ngày sau nữa, thêm một công nhân bị đau ruột thừa được trở về an toàn. Sau 18 ngày, tàu Pháp sang đến nơi và tổ bay đặc biệt hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh khai trương thềm lục địa. Từ giàn khoan Dan Queen, tổ bay tiếp tục nhận nhiệm vụ quan trọng tại Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979...

Huyên Nguyễn - Anh Tú
TIN LIÊN QUAN

Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường và “hậu trường” những chiến thắng

HUYÊN NGUYỄN - ANH TÚ |

Những năm tháng chiến tranh, lực lượng Không quân Việt Nam đã khiến các đối thủ phải thán phục! Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường (nguyên Trung đoàn trưởng Không quân trực thăng 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân) là một trong số ít phi công Việt Nam lái được nhiều loại máy bay trực thăng chiến đấu của Liên Xô, Mỹ, Pháp. Ông từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới phía Bắc.

Từ cuộc gặp của những cựu phi công đến “Điện Biên Phủ trên không”

Việt Văn |

Cuối tháng 4.2022, một ngày như mọi ngày, đạo diễn, nhà biên kịch NSƯT Nguyễn Sĩ Chung lại ngồi vào bàn viết dù tuổi đã cao. Nhắc đến ông là nhắc đến hàng chục phim tài liệu ở nhiều mảng đề tài đa dạng khác nhau như “Một nét danh nhân” (phim về chủ tịch Hồ Chí Minh), “Hành trình cùng cách mạng” (phim về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), “Ngã ba Đồng Lộc”, “Dòng điện không bao giờ tắt”, “Chốn quê”... Ngoài ra ông còn viết lời bình cho rất nhiều phim khác.

Bay xuyên Tết và những chuyện đáng nhớ của phi công, tiếp viên

Minh Hạnh |

Những phi công, tiếp viên hàng không sẵn sàng đánh đổi những ngày lễ, Tết của mình để thực hiện những chuyến bay xuyên Tết để hành khách có những ngày vui sum họp đoàn viên trọn vẹn.

Su-25 Nga nhả tên lửa chặn đứng quân Ukraina ở Kursk

Song Minh |

Phi hành đoàn máy bay Su-25 của Nga chặn đứng việc luân chuyển quân Ukraina ở khu vực biên giới tỉnh Kursk.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Thủ phạm phá hoại Nord Stream "gieo gió gặt bão"

Ngọc Vân |

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho rằng đường ống dẫn khí Nord Stream bị phá hoại là để chia rẽ châu Âu.

Siêu bão Milton mạnh nhất năm lại tăng cấp, hôm nay đổ bộ

Thanh Hà |

Siêu bão Milton - siêu bão mạnh nhất hành tinh năm 2024 - đã tăng trở lại cấp 5 vào tối 8.10.