Lưu giữ những kỷ vật về thời kỳ vàng son

VƯƠNG TRẦN |

Cách đây 77 năm, từ cuộc cách mạng vĩ đại tháng 8.1945, vào ngày 2.9.1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã đem lại cuộc đời mới tươi sáng cho nhân dân Việt Nam. Ngày nay, những tư liệu, hiện vật, kỷ vật còn được lưu trữ tại các bảo tàng đã lưu giữ lại những câu chuyện xúc động, ý nghĩa về những dấu son lịch sử.

Mốc son lịch sử

Tại gian trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, bà Lê Thị Thuận (Bí thư Chi bộ thôn 3, Đảng bộ xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cùng đoàn tham quan dừng lại ngay nơi đặt tấm biển hình chữ nhật đã phai màu theo thời gian với dòng chữ “Toàn dân đoàn kết đánh Tây, đánh Nhật. Việt Nam độc lập. Tổng Bộ vạn tuế (Tổng Bộ Việt Minh - PV). Chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa”.

Bà Thuận đọc từng dòng chú thích được treo trên tường về Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945: “Ngày 12.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, thời cơ để nhân dân Việt Nam vùng dậy giành độc lập, tự do đã đến. Trung ương Đảng quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong một thời gian ngắn (từ ngày 16 đến ngày 28.8.1945) Việt Nam Giải phóng quân cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân cả nước nổi dậy đập tan ách thống trị của phát xít Nhật và phong kiến tay sai, giành chính quyền trên cả nước. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam”.

Các đoàn thể và người dân tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam  nhân dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Ảnh: T.Vương
Các đoàn thể và người dân tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nhân dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Ảnh: T.Vương

Vừa xem các hình ảnh, hiện vật, bà Thuận cùng đoàn 23 người là đảng viên, quần chúng nhân chăm chú lắng nghe lời giới thiệu của hướng dẫn viên Nguyễn Thái Linh - phòng tuyên truyền giáo dục, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu về tiến trình lịch sử, những dấu mốc đặc biệt và hiện vật tiêu biểu được trưng bày. Bà Thuận nói buổi sinh hoạt chuyên đề của chi bộ trở nên ý nghĩa hơn nhiều khi được trực tiếp tham quan, chứng kiến những kỷ vật, tư liệu lịch sử tại bảo tàng. “Tôi cảm thấy rất thú vị và tiếp thu được nhiều điều từ buổi sinh hoạt. Qua đây, chúng ta càng thấy sự dày công vun đắp, xây dựng đất nước của các thế hệ cha anh” - bà Thuận nói.

Thiêng liêng, tự hào

Đoàn tham quan của bà Thuận chỉ là một trong số những đoàn tới thăm, tìm hiểu các hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Thiêng liêng, tự hào là cảm nhận chung của nhiều người khi trực tiếp được chứng kiến những kỷ vật tại đây. Tại bảo tàng còn trưng bày, lưu trữ những tư liệu, hiện vật mà phía sau đó là một câu chuyện ý nghĩa lớn về lòng yêu nước.

Đó là bức ảnh gia đình ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ trong ngày mở đầu Tuần lễ Vàng tại Nhà Hát lớn Hà Nội, ngày 17.9.1945. Vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là người đã được lịch sử ghi danh với những đóng góp quý giá cho một giai đoạn đặc biệt quan trọng của đất nước.

Câu chuyện về vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - một doanh nhân có tấm lòng son, nhắc nhở chúng ta về truyền thống của dân tộc. Khi vận nước khó khăn, đứng trước thời khắc quyết định, lòng yêu nước luôn được phát huy cao độ. 77 năm trước, gia đình ông đã tình nguyện dâng hiến 90% khối tài sản của mình cho đất nước để Tổ quốc vượt qua sóng to, gió cả.

Con đường đến với cách mạng của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ như cái duyên. Năm 1944, ông chính thức tham gia mặt trận Việt Minh. Đầu năm 1945, vợ chồng nhà tư sản quyết định ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương cho Việt Minh, khởi đầu sự nghiệp phụng sự tài chính cho cách mạng. Sau lần đó, gia đình ông bà còn ủng hộ nhiều lần nữa. Tính đến trước Cách mạng tháng 8, gia đình họ Trịnh đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá bấy giờ.

Sau ngày lập quốc, nạn đói hoành hành, đất nước kiệt quệ, kho bạc trống rỗng. Bấy giờ, toàn bộ ngân khố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ có 1.200.000 đồng Đông Dương, đa phần không thể lưu thông. Sau Cách mạng tháng Tám, ông bà được tiến cử vào Ban vận động Quỹ Độc lập. Gia đình ông bà đã tiếp tục ủng hộ Quỹ Độc lập 20 vạn đồng, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ. Trong Tuần lễ Vàng, gia đình ông bà đã đóng góp 117 cây vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 cây vàng nữa.

Phụng sự cho nền độc lập nước nhà, vợ chồng tư sản Trịnh Văn Bô đã dâng hiến cho Chính phủ 5.147 lượng (cây) vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (theo thời giá lúc đó). Vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô đã đóng góp cho nền tài chính cách mạng vững chắc.

Trong những ngày đầu lập quốc, Chính phủ đã luôn được một ngân hàng đặc biệt đứng sau, chẳng cần huy động vốn, chỉ chi ra mà không đòi gốc, cũng chẳng lấy lãi. Đó là ngân hàng của lòng ái quốc, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Người dân tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nhân dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Ảnh: T.Vương
Người dân tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nhân dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Ảnh: T.Vương

Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, nhiều người dân, du khách và các đoàn tham quan đã tới bảo tàng để trực tiếp xem, lắng nghe những câu chuyện về những mốc son lịch sử.

Thượng tá Huy cho biết, cùng với việc lưu trữ, trưng bày các tư liệu, hiện vật, bảo tàng cũng phối hợp với các cơ quan tổ chức các triển lãm chuyên đề. Bảo tàng xuất bản một số cuốn sách như kỷ vật kháng chiến, trong đó có tập hợp các bài viết về kỷ vật, hiện vật liên quan tới các giai đoạn lịch sử. Đồng thời, thông qua website của bảo tàng cũng đã giới thiệu các hiện vật tiêu biểu gắn với các nhân vật, sự kiện để những người vào trang web có thể tra cứu thông tin.

Số hoá tài liệu, hiện vật phục vụ người dân, du khách

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, bảo tàng cũng đang tiến tới số hoá các tài liệu, hiện vật để phục vụ cho công tác quản lý, khai thác thông tin cũng như phát huy tối đa tuyên truyền, giới thiệu tới người dân và khách tham quan. Khi số hoá, tư liệu, hiện vật có thể vượt ra khỏi vị trí địa lý là bảo tàng, đến với đông đảo bạn đọc, du khách.

VƯƠNG TRẦN
TIN LIÊN QUAN

Một chặng đường rực rỡ

Ngọc Tú |

Bên cạnh bộ sưu tập đồ sộ gần 20.000 hiện vật gắn liền với truyền thống chiến đấu, xây dựng và phát triển của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử 77 năm (19.8.1945 - 19.8.2022), Bảo tàng Công an Nhân dân hiện đang lưu giữ bộ sưu tập gồm khoảng 400 bức ký họa chiến trường của họa sĩ Lương Mạnh Tâm. Đây là một trong những sưu tập luôn chiếm được nguồn cảm xúc dạt dào của du khách về hình ảnh lực lượng Công an trong một giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc.

Bảo tàng Điện Biên Phủ tiếp nhận 24 hiện vật chiến tranh

THANH BÌNH |

Điện Biên - Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa tiếp nhận 24 hiện vật chiến tranh liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ từ ACV.

Triển lãm 100 hình ảnh ghi lại những thời khắc lịch sử tại Bảo tàng Cần Thơ

Yến Phương |

“Đất nước trọn niềm vui” là chủ đề cuộc triển lãm gồm 100 hình ảnh ghi lại những sự kiện trọng đại, những thời khắc lịch sử của đất nước và của Thành phố Cần Thơ sau 47 năm thống nhất.

Công an tỉnh Quảng Ninh điều động nhiều chức vụ

Lương Hà |

Quảng Ninh - Công an tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức lễ công bố quyết định về việc điều động, bổ nhiệm chức vụ.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam

Thanh Hà |

Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo tối 8.10 về chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Hot girl billiards sớm dừng bước tại Hanoi Open Pool Championship

HOÀNG HUÊ - MINH PHONG |

Ngày 8.10, giải billiards Hanoi Open Pool Championship 2024 đã khởi tranh tại Cung điền kinh trong nhà Mỹ Đình, Hà Nội.

Cứu hộ đưa người dân thoát khỏi vùng cô lập do mưa lũ

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Các lực lượng cứu hộ đã nỗ lực sơ tán các hộ dân có nhà cửa bị ngập sâu và cô lập trong mưa lũ.

Nhập 176.980 người của huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang

PHẠM ĐÔNG |

Từ ngày 1.1.2025 sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 191,74km2, quy mô dân số là 176.980 người của huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang.