Mở là chữ hay!

TRẦN QUANG QUÝ |

Mở là chữ hay, chữ mênh mông lắm. Vì vậy, bàn về chữ mở thì như bơi trong đại dương, tôi chỉ như kẻ lãng du, ngẫu hứng lang thang góp chuyện, mà là chuyện cũng không đầu, không cuối mà thôi.

1. Mở cực quan trọng

“Chủ trại” báo Tết Lao Động Cuối tuần bảo tôi viết cho một bài, về vấn đề gì cũng được, nhưng xoay quanh chữ “Mở”. Mở là chữ hay, chữ mênh mông lắm. Vì vậy, bàn về chữ mở thì như bơi trong đại dương, tôi chỉ như kẻ lãng du, ngẫu hứng lang thang góp chuyện, mà là chuyện cũng không đầu, không cuối mà thôi. Bởi cái sự mở diễn ra trong mỗi khoảnh khắc vận động của thiên cuộc và nhân cuộc, biết đâu mà tóm cái không cùng của nó.

Ảnh của VALENTINA LOFFREDO.

Mỗi ngày, mở cánh cửa ra là thấy bầu trời, thiên nhiên và cuộc sống ngoài ngôi nhà của ta. Mở mắt ra là thấy con người và xã hội. Mở óc ra là thu nạp trí tuệ, văn minh, văn hóa của nhân loại. Mở lòng ra là người đến với người. Cứ thế mà diễn cái sự khai mở: Mở luân xa, khai tâm mở trí, mở mày mở mặt, mở đường, mở hướng, mở cánh, mở nghiệp, mở hội, mở hàng, mở sách, mở cờ, khai trương, mở két/mở hầu bao… Chỉ riêng cái sự mở trong văn học, nghệ thuật đã muôn hình vạn trạng rồi. Tỉ như trong thơ, thơ nữ thôi, Nguyễn Phan Quế Mai có cả tập “Cởi gió” (sự mở) đánh dấu bước chuyển quan trọng trong thơ của chị. Mở cúc/nút là cái mở rất tế nhị, sinh động của tình yêu, thì đã có hai bài thơ nổi tiếng của hai nữ thi sĩ, Dư Thị Hoàn và Ly Hoàng Ly. Dư Thị Hoàn cảnh báo, tình yêu có thể tan vỡ vì một điều giản dị nhưng tế nhị và tinh tế này: Câu đầu bài thơ là “Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ…” để dẫn và kết bằng sự đóng, “Nếu không có một lần…/ Một lần như đêm nay/ Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em” (Tan vỡ). Nghĩa là chỉ biết mở (và hưởng thụ) mà không biết đóng/cài khuy (văn hóa) thì dễ gặp hậu họa. Ly Hoàng Ly cũng nói về mở nút/cúc áo, nhưng là những điều còn lớn lao hơn thế, mở cả bầu trời, cái bầu trời ảo diệu, huyền bí: “Mở mãi, muốn mở mãi/ Mở bầu trời đêm trong lồng ngực…/ Mở mãi, muốn mở mãi/ Bầu ngực này căng đêm/ Soi vào gương/ Bất lực và khóc/ Trong vô vàn những giọt nước mắt/ Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng” (Mở nút đêm). Đó là sự mở tình, mở tâm lý, mở cánh cửa siêu thực của tâm hồn.

Sự mở có tính đại sự quốc gia, ấy là mở cửa hội nhập. Nó liên quan đến vị thế của một dân tộc, sự tiến nhanh hay chậm trong thế giới ngày càng hội nhập, toàn cầu hóa. Các nước tiến ra nước ngoài không chỉ bằng tiềm lực to lớn về sức mạnh kinh tế mà bằng sức mạnh mềm văn hóa. Văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia. Công nghệ giải trí của Hàn Quốc xâm thực thị trường, thị hiếu, đặc biệt với lớp trẻ Việt Nam trong điện ảnh, sân khấu biểu diễn thế nào trong hơn thập niên qua, chắc bạn đọc đều rõ.

Như báo chí từng đưa chuyện người Cơ Tu ở xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tận miền núi Quảng Nam, đua nhau đặt tên con theo tên các minh tinh màn bạc Hàn Quốc thì ngạc nhiên, vừa thương lại vừa buồn cười: Anh Pơloong Huân, văn thư xã, có hai ái nữ, một nam quý tử (vỡ kế hoạch), thì đều đặt tên con theo ba cái tên lai Hàn, chỉ vì nghiện phim “Mối tình đầu”. Trưởng nữ nhà anh Huân, 8 tuổi, có mỹ tự là Pơloong San Ốc; thứ nữ là Pơloong San Ân; cậu út thửa cái tên Pơloong San U. Rất nhiều gia đình ở đây đặt tên con như thế. Rõ ràng lai năm mươi phần trăm, chữ đầu Cơ Tu chính hãng, đuôi đích thị Hàn lai. Dân ta thường gọi “đầu Ngô mình Sở”.

Quả thực, câu chuyện đặt tên con ở A Tiêng là một câu chuyện lạ. Nó phản ảnh một thực tế không thể chối bỏ, ấy là việc phim Hàn đã đánh bật phim ta ở ngay lãnh địa ta. Nhưng bàn về sự mở cửa hội nhập, trên mọi lĩnh vực đời sống, biết đến bao giờ mới tận?

2. Chạnh lòng biết mấy…

Vừa rồi, nhân lúc rảnh bèn rủ mấy người bạn sang Quảng Tây chơi. Tiện thể thăm thú một vài cơ sở văn hoá ở Nam Ninh, Quế Lâm và xem một show diễn ngoài trời, được đồn là hoành tráng lắm: “Ấn tượng chị Tam Lưu”, của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, tại thị trấn du lịch Dương Sóc, cách cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn chừng hơn 700 cây số.

Những lần đi công cán trước đây ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tô Châu, Nam Kinh, Thẩm Quyến, Quảng Châu… bằng đường không nên chỉ biết xứ người loanh quanh từ sân bay vào trong phố. Thực lòng là thấy gờm sự năng động và phát triển, cả những dự cảm tiềm ẩn của láng giềng to Trung Quốc. Chả thế mà ở New York, đi siêu thị nào cũng bày xúng xính áo quần, giày dép, đồ chơi “Made in China”, đủ biết ông bạn láng giềng có tham vọng là chủ công xưởng của cả thế giới như thế nào.

Lần này rủ nhau đi đường bộ, là cốt để được ngắm nhìn sông núi. Quế Lâm được dân bản địa ví như Hạ Long trên cạn. Và ngắm nhìn là cái thú “trông trời trông đất trông mây...” của dân xứ ta, có lẽ vì thế mà ta sinh lắm thơ ngâm vịnh, tả cảnh. Ai trong đời, có một ít chữ cũng tí toáy đôi câu “sơn thủy hữu tình”, chẳng phải tư tưởng cao siêu làm gì cho nặng óc. Vả lại, qua cái tỉnh giáp biên, thuộc khu tự trị dân tộc Choang, nghĩa là tỉnh vùng sâu vùng xa, chỉ xếp thứ 11/18 tỉnh thành của Trung Quốc về phát triển, nên có dịp xem vùng sâu, vùng dân tộc của bạn nó như thế nào để trông người mà ngẫm đến ta, mà thi đua tiến lên trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế?

Mấy trăm cây số đường cao tốc tới thủ phủ Nam Ninh, tịnh không thấy bóng chiếc Toyota đầu bằng (công nông), xe thô sơ nào; càng không thấy người láo nháo qua lại, tạt ngang tạt dọc. Thành thử, bỗng thấy đường vắng quá. Xem ra việc này không được tiện thể như ta nhỉ? Bà con nông dân chả biết làm ăn gì mà rơm rạ, lúa má, ngô khoai không thấy phơi ra như ở “cao tốc” Láng - Hòa Lạc dạo nọ và nhiều quốc lộ khác. Lại thấy, nhân viên trạm vé toàn các chân dài duyên dáng, mặt mũi thanh tao, nụ cười rất nhã, đồng phục màu xanh da trời.

Cậu gai-đơ (guider) quê ở Nam Ninh, đi Hà Nội như đi chợ hàng ngày cười bảo, làm nghề soát vé phải tinh tuyển. Ngoài hình thể ưa nhìn, khi gặp lái xe các cô gái phải tươi cười và câu cửa miệng là “ní hảo” (cảm ơn), thế thì người đi đường, lái xe vừa thấy cái uy trật tự giao thông, cái văn hóa giao tiếp, lại không... buồn ngủ. Ai lại buồn ngủ vì những nụ cười duyên thế!

Lạ hỉ, sao mấy lần đi qua trạm vé đường Láng - Hòa Lạc, và nhiều cung đường khác, “bản thân” chỉ gặp mấy ông bà nhân viên ăn mặc lôm nhôm, khẩu trang, khăn khố bịt bùng như những Nin-ja hiện đại Nhật mới nhập khẩu về. Và đặc biệt, họ rất “nhanh tay lên nào chị em ta ơi” chộp luôn cả cuống vé của khách, đến nỗi xước cả tay chú xế. Giá có một nhời, giả vờ văn minh thôi cũng được, rằng xin vé để quay vòng, thông cảm thời buổi “thóc cao gạo kém” thì ai nỡ không cho? Ấy là chưa kể, chỉ một đoạn đường, mỗi trạm lại một giá, chỉ tổ gây ức chế cho “cán bộ đường lối”, ôtô nó mới hay húc gốc cây, leo dải ngăn cách... làm nên láo nháo giao thông bản sắc Việt là vậy. Tây sang ta thì cứ gọi là lắc đầu lè lưỡi, nín thít, khỏi bình luận luôn. Tất nhiên, chuyện cướp lại vé giờ có lẽ không còn nhưng những trạm vé theo kiểu BOT lại khai gian mức thu để hưởng lợi rất lớn. Như trạm vé BOT Pháp Vân vừa rồi ì xèo việc này trên báo chí, dù họ chỉ rải lại thảm nhựa trên nền đường cũ?

Ngạc nhiên, dĩ nhiên rồi, nó đã phá tan tưởng tượng ban đầu của tôi về một vùng sâu của người Choang. Nam Ninh hiện đại với những cao ốc, công viên, cầu vượt… Trung tâm hội chợ, triển lãm Quốc tế Trung Quốc - ASEAN hoành tráng, sừng sững trên đồi cao mà có lẽ Trung tâm hội nghị Quốc gia ở Hà Nội chỉ bằng một góc. Nam Ninh là thành phố xanh, bình quân trên 9 mét vuông cây xanh một người (Hà Nội khoảng 1,3 mét vuông). Thành phố này đã qua nhiều năm rồi, thời xe máy còn lộn xộn chèn nhau trên phố.

Và Quế Lâm, thành phố “nhị sông tứ hồ” lung linh, huyền ảo. Những con thuyền du khách vãn cảnh đêm, những quần thể kiến trúc mờ tỏ trong ánh đèn laser, đèn vàng dẫn ta trôi vào tiên cảnh. Một phố Tây ở thị trấn Dương Sóc sầm uất với quán bar, phòng nhảy, tiệm hàng và chợ đêm náo nhiệt. Thế giới của mua sắm. Các ông Tây bà đầm, khách Châu Á, khách nội quốc dập dìu, chen vai mua sắm, vãn cảnh, ăn nhậu, và nhạc và nhảy. Các cô gái mặc váy ngắn, quần soóc bò, hấp háy rốn đứng nhún nhảy theo nhạc trước các bar mời khách. Bài này thì từ ta sang Mỹ, từ Âu sang Á đều giống nhau. Đây là thời của Teen, của quần trễ cạp và hiphop toàn thế giới. Mở cửa mà.

Cách đó không xa, sân khấu hồ nước ngoài trời rất đặc sắc, một đêm hai buổi trình diễn show “Ấn tượng chị Tam Lưu”. Với khoảng 600 diễn viên nghiệp dư của các làng quanh thị trấn tham gia múa hát, thu hút tới hơn vạn người xem. Cứ Việt hoá tệ thì giá vé khoảng trên 300.000 đồng, doanh số bán một đêm khoảng trên 3 tỉ, mà các show diễn thì cứ ngày này sang tháng nọ (sẽ có dịp trở lại show diễn), mới thấy sức mạnh của nền du lịch xứ người tổ chức có bài, có mẹo, có mảng miếng thế nào. Nghĩ thế, lại thấy tiếc các ưu thế của sông hồ Hà Nội. Một sự so sánh nào đó với các thành phố ở ta vào lúc này chỉ làm ta nao lòng.

Nhưng không phải chuyện phố xá của Nam Ninh, Quế Lâm, hay Dương Sóc. Cũng không phải chuyện người Choang, người Di, người Đồng… ở Quảng Tây đã có một thân phận rất khác những gì tôi từng nghĩ. Càng không phải chuyện ông Trương Nghệ Mưu biết mang cái tài nhân bản mô hình show diễn ra cả nước để hốt tiền (Trương quê ở Quảng Tây), mà là chuyện cái cửa khẩu.

Chúng tôi sang đất bạn là bước vào một cửa khẩu to, có dấu ấn khác biệt về không gian kiến trúc, vóc dáng, đường dẫn, cổng chào và sự nghiêm cẩn của an ninh, của trật tự đường đi lối lại. Phía ta, ngoại trừ cây cột mốc chung ở cửa khẩu là mới, phía sau là căn nhà làm thủ tục xuất nhập cảnh cũ kỹ, chật chội. Những bốt kiểm soát có vẻ tạm bợ. Cửa khẩu là con đường bùn đất vương lầy lội, láo nháo người tìm nhau, xe đưa đón. Một nhà vệ sinh tin hỉn đầu hồi đã bị bịt, với dòng chữ phấn trắng nguệch ngoạc báo đang sửa chữa. Bi hài thay, ông bạn “yếu thận” của tôi cứ chạy vòng quanh, nhăn nhó vì không biết “giải cứu” bằng cách nào. Thú thực, chúng tôi cùng thốt lên, sao cửa khẩu bên mình nhếch nhác thế!

Nhếch nhác, lại căn bệnh nhếch nhác! Nhếch nhác, dễ dãi và tạm bợ, sao nó nhiễm lâu thế trong tư duy, trong lối sống của mình.

Hữu Nghị, một cửa khẩu lớn và lâu đời trên biên giới phía Bắc. Nó là cửa ngõ, là gương mặt, là tư thế, là phên giậu của một quốc gia. Bao nhiêu thứ “ăn chơi nhảy múa” còn có người không tiếc dốc hầu bao đầu tư, một cửa khẩu quốc gia cho đàng hoàng, uy nghi, cho tư thế, cho hấp dẫn du khách bao giờ mới có nhỉ?

Bao giờ, bao giờ? Các cụ ta vẫn bảo: “Nhà cao cửa rộng”, “Nhà có khuôn có phép”. Đây là ngôi nhà Tổ quốc, cửa ngõ Tổ quốc mở ra thế giới. Cứ thế mà trông ra, mà ngẫm, mà chạnh lòng biết mấy!

TRẦN QUANG QUÝ
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.