Mở như là định mệnh…

NGUYỄN BỈNH QUÂN |

Văn hóa nước ta, từ thượng cổ đã là “văn hóa ngã tư”, mở rất mạnh mẽ và rõ ràng.

Triết lý giáo dục Việt Nam quá xuất sắc (sao cứ phải tìm ở đâu đâu với những khẩu hiệu tù mù kiểu Tiên học lễ - Hậu học văn…). Đó là học ăn - (học) nói - (học) gói - (học) mở. Học ăn là đào luyện ngũ quan, phát triển cơ thể. Thể chất gắn với cảm xúc ngũ quan là nền tảng cho một nhân cách đầy đủ. Thiếu khuyết sẽ là khuyết tật. Thiếu chi hay đui điếc chẳng hạn. Các giác quan trên cơ thể này là cửu khiếu - chín cái lỗ mở ra bên ngoài - ngoại giới, khép vào bên trong - nội giới. Có năng khiếu, tài năng chính là học “ăn” giỏi, tốt từ bé. Thí dụ có tai âm nhạc, mắt mỹ thuật, mũi của chuyên gia hương liệu… Cơ thể ta như ngôi nhà năm cửa, khóa kín mít lại là chết, là cái nhà mồ. (Hai ngôi mộ đá của Gia Long - Nguyễn Ánh và bà vợ ông ở Lăng Gia Long quả thật là tác phẩm điêu khắc tuyệt đỉnh thể hiện cái chết!). Học mở các giác quan cho chúng thông thoáng, tinh nhạy để trẻ có hạnh phúc nên là trọng tâm, phần lớn của giáo dục mầm non. “Giác quan” thứ sáu là Ý - tổng hợp những cảm nhận ngũ quan kia thành những khái niệm tư duy rồi biểu hiện chúng ra bằng ngôn ngữ (dưới dạng các chuỗi biểu tượng âm thanh hay đồ họa). Đó là học Nói (gồm nghe nói, đọc, viết và làm tính). Hình thức là mở miệng, nội dung là mở ý. Ta học nói tức học thể hiện mình, trình bày, mở cái nội giới của mình giao hòa với ngoại giới. Mở Ý cũng là mở ra để nhận thức bản thân. Đó nên là trọng tâm, phần lớn của giáo dục tiểu học.

Tranh của Juan Gris.

Học Gói học Mở là học và rèn kỹ năng sống để trở thành một thành viên đầy đủ và bình đẳng của cộng đồng, xã hội… dưới gầm trời, trong càn - khôn này. Ở môi sinh rộng lớn ấy sống là khép mở. “Đêm ba mươi” khép chặt cánh càn khôn, kẻo ma quỷ - cái xấu cái ác - tới. Sáng mùng một thì mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân - cái đẹp, cái thiện - vào (“lẩy” câu đối của Tú Xương). Giáo dục phổ thông lấy dạy khép/ mở làm trọng tâm. Người trẻ tuổi được mở mang kiến thức nền tảng về khoa học, công nghệ, mở mang hiểu biết xã hội và các kỹ năng ứng xử trong xã hội và tự nhiên mà phát triển nhân cách của mình. Quả thật triết lý giáo dục ăn - nói - gói - mở rất sâu sắc và không bao giờ cũ bởi nó chính là quá trình thành người - làm người của mỗi cá nhân. Không khuôn hẹp trong lớp học, trong khoa cử, trong giáo điều. Không phải Lê Văn Thịnh hay Chu Văn An hay “cụ” nào đó đã đưa ra triết lý này mà nhân dân ta đã đúc kết nên nó. Đáng bái phục. Sao Bộ GDĐT ta không học không theo?

Lại viện tới sử nước Việt Nam. Xin dám nói Việt Nam là một dân tộc mở. Một quốc gia mở từ bản chất hình hành đến quá trình phát triển. Thật ngây ngô khi cứ lan truyền cái thuyết rằng, người Việt “âm tính”, “tính nữ” ưa tĩnh sợ động, ưa đóng sợ mở, quay lưng với biển, ru rú trong lũy tre làng… Văn hoá Việt Nam bị kết án quá oan uổng. Thực tế là ngược lại. Văn hóa nước ta, từ thượng cổ đã là “văn hóa ngã tư”, mở rất mạnh mẽ và rõ ràng. Không mở sao có con rồng lấy cháu tiên rồi đưa nhau đi lên non cao, ra biển xa. Không mở sao có An Dương Vương và Loa Thành. Không mở sao có văn hóa Chăm - Kinh hòa vào nhau tạo nên văn hóa Lý Trần ở Thăng Long từ mỹ thuật tới âm nhạc và nông nghiệp (lúa Chiêm chẳng hạn). Không mở sao thời Nguyễn ta đã có Hoàng Sa, Trường Sa xa tít trùng khơi. Lịch sử trung đại, nhất là cận đại hình thành ra nước Việt Nam ngày nay càng khẳng định “tính mở” của dân tộc Việt - Văn hóa Việt.

Khá già nên thành công đôi chút anh ta hay truy tìm gia phả, thuê chuyên gia hoặc tự lần mò. Một doanh nhân Cà Mau có hai con học và làm việc ở “Quận Cam” bên California Hoa Kỳ tự hào nói: “Ba đời ở đất mũi, ba đến năm đời thì ở Quảng Nam, ngược lên nữa đời thứ bảy từ Thanh Hóa vào và trước nữa thì ở Hải Dương. Anh bạn họa sĩ TP Hồ Chí Minh thuộc một gia đình văn hóa nổi tiếng nhất ở Huế, ở đất Thần kinh ba đời, Nghệ An bốn đời và trước nữa tám đời ngược lên thì ở Hà Đông cũ - nay là Hà Nội. Kỵ của anh dùng chữ Hán Nôm, cụ anh đã dùng quốc ngữ, ông của anh dùng tiếng Pháp. Cha của anh biết dùng tiếng Nga còn các con anh bây giờ làm việc bằng tiếng Anh. Tính mở này ăn sâu trong mỗi gia tộc, gia đình. Ngày nay ta thấy cả những người Tày, H’mông, Nùng, Dao đến Tây Nguyên sinh sống và người Gia Rai hay H’mông ở Âu Mỹ. Mở ra những miền đất mới, những chân trời tri thức và liên kết mới là định mệnh của dân ta suốt ngàn năm rồi, mà sự mở ngày càng tăng tốc, quyết liệt như một tiền đề sống còn. Có thể nói mỗi con người Việt Nam ta vốn là và đến hôm qua vẫn là một người làng - một người lính - một người mở đất. Cái chất người làng và người lính hội tụ trong người mở cõi. Mở cõi về nghĩa đen không gian vật chất lẫn nghĩa bóng không gian tinh thần. Cái làng đã được lưu dân chuyển tới miền đất họ mới khai phá. Gọi là dinh điền và lưu dân nên có anh bạn nhà văn bảo: Nói “mang gươm đi mở cõi” là nói cho oai nhưng mà sai vì tổ tiên ta mở cõi bằng cái cuốc và cái bút chứ đâu bằng cái gươm, bằng lao động và văn hóa hòa đồng chứ không bằng bạo lực chinh phạt! Thật chí lý.

Người Việt chúng ta cũng nổi tiếng giỏi ứng thế, giỏi xử lý tình huống, giỏi chiến thuật ở mọi lúc mọi nơi mọi sự. Đó là nhờ giỏi Gói, giỏi Khép. Gói/ khép với mở như là điều hòa hơi thở, hít vào thở ra. Gói - khép để tự vệ, tự bảo tồn, tạo sự ổn định lúc lâm nguy mà thôi. Gói/ khép không phải đóng, không phải là “tử thủ”. Lịch sử cũng cho thấy rõ ràng khi bản năng “khép - gói” khôn ngoan bị nhầm với đóng kín mít - cố chấp - bảo thủ - duy lý chí là thất bại ê chề.

Nhưng có bạn học giả phản biện rằng: Đồng ý “mở” là định mệnh của người Việt nước Nam hay cười xởi lởi nhưng có một điểm trừ là hình như về mặt trí tuệ, phát minh, sáng kiến, đào sâu, mở rộng tri thức thì người Việt nước Nam ta lại không mở, lại thiên đóng. Hướng nội - đi vào bên trong trí tuệ lẽ ra cũng phải là sự mở, mang tính mở thì ta lại quá đóng, quá lo gói, khép lại bằng các giáo điều. Cái “người mình” không có óc tò mò, óc nghi ngờ nên không ưa phiêu lưu tinh thần, không ham mở rộng trí thức, trí não không khát khao tự do. Học và hành quá giáo điều, hời hợt: Học để làm quan, học cho có cờ lọng, học để làm một cái gì đó như người ta đã làm hoặc như cổ nhân đã dạy! Ta không học chỉ vì tri thức, vì các chân trời hiểu biết mới, không có khoái thú phát minh, phát kiến, sáng tạo nghệ thuật, làm ra một cái gì đó chưa từng có trong càn khôn dưới gầm trời này. Vì thế dù tự nhận là thông minh, đến nay giáo dục đào tạo và sản xuất tinh thần của Việt Nam vẫn rất ì ạch, đóng góp của dân Việt nước Nam vào tăng trưởng, đột phá trí tuệ nhân loại là rất khiêm tốn.

Ngày nhàn cuối năm đám “nhân sĩ phường” tụ bạ lạm bàn chuyện khoa học khó nhằn nên “bác” nào cũng dễ ngộ nhận võ đoán. Tuy nhiên công bằng tôi phải nói rằng, nhiều bác ở phường tôi đáng được mời viết tham luận chính thức cho các hội thảo khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia của chúng ta giúp các ngành này “đi vào thực tiễn hơn” như chỉ thị.

NGUYỄN BỈNH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.