Một đôi cánh của giấc mơ, để bay, để phiêu

Lê Văn Đồng |

Mở đầu một cuốn sách trong bộ Kinh Thánh có câu: “Khởi thuỷ là lời”. Lời ở đây không nên hiểu chỉ ở dạng thuần tuý là sự truyền đạt tiếng nói, mà đó là sự giao tiếp và biểu đạt ngôn ngữ qua nhiều dạng thể khác nhau.

Lê Minh Phong là một nhà văn, anh dùng ngôn từ để diễn tả thế giới quan đầy phức cảm đến người đọc. Nhưng có lẽ với anh như vậy là chưa “nói” hết cơn bức bối, sự quẫy cựa của nỗi muốn giao tiếp vẫn còn thường trực và thôi thúc.

Anh là một con người. Anh phải nói, và anh tìm đến hội hoạ, mượn ngôn ngữ của màu sắc để diễn đạt một thứ ngôn ngữ, kể những câu chuyện mà ngôn từ của anh chưa biểu đạt được. Triển lãm Thiên di với hơn 50 bức tranh được bày biện vừa qua tại Sài Gòn chính là chốn của những câu chuyện cất cánh, quanh quẩn chập chờn trong trí óc. Và, lún dần, ngấm sâu vào tâm thức của tác giả cùng những ai đã đến, đã thấy, đã “nghe”, đã ngấm những câu chuyện ẩn chứa và bật ra từ mỗi bức tranh.

Là một nhà văn tay ngang đến với hội hoạ, điều này vừa là điểm yếu, đồng thời cũng lại là thế mạnh của anh. Nói vậy là bởi, nhiều hoạ sĩ bảo rằng lối vẽ của anh bỏ qua nhiều kỹ thuật, lớp lang, cách dụng màu… nhưng Lê Minh Phong lại thấy khác và nhiều người yêu thích tác phẩm của anh cũng thấy khác. Ở những sáng tác của anh, ta chỉ thấy một Lê Minh Phong bỏ qua những quy tắc của trường lớp mà hướng đến kể cho bằng được câu chuyện của mình bằng màu, bằng sắc độ. Chính mục đích ấy làm cho bút pháp hội hoạ của anh trở nên phóng khoáng hơn, sự mê mị dẫn dắt của anh trở nên thuyết phục người xem hơn.

Trưng bày triển lãm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trưng bày triển lãm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là một người Hà Tĩnh, nhưng dành phần lớn thời gian trưởng thành, làm việc và sinh sống ở đất Thần Kinh - xứ Huế, lại từng làm biên tập ở tạp chí Sông Hương, Lê Minh Phong có một sợi dây liên kết khá chặt chẽ với đời sống nghệ thuật của mảnh đất này. Điều đó dễ thấy trong cả truyện, thơ và đặc biệt là tranh của anh. Luôn muốn biểu lộ một triết lý, bộc bạch một nghiệm sinh sâu sắc qua mỗi tác phẩm. Đó là điều mà nhiều hoạ sĩ theo “trường phái Huế” muốn theo đuổi, nhưng không phải ai cũng thành công.

Những Bửu Chỉ, Đinh Cường… như là những biệt lệ được neo giữ trong bản đồ lịch sử hội hoạ Việt Nam. Thấy và thừa hưởng di sản đó, Phong đang tung tẩy và mang đến cho lối vẽ mang đậm phong cách của trường phái Huế một sức sống mới, bày biện những phảng phất, ám ảnh mang tính đương thời hơn.

Có được điều này là bởi Phong không chỉ đóng khung trong một phong cách cụ thể, mà đó là sự pha trộn, tìm tòi và tiếp xúc nhiều trường phái nghệ thuật lớn trên thế giới của anh. Đặc biệt là lối vẽ tranh của Đông Âu một thời, tạo nên nhiều tiếng vang và dư chấn đến tận hôm nay trong giới hội hoạ nước ta.

Phong biến những nhân vật như chim, người, cảnh thành biểu tượng, tự thân mỗi biểu tượng ấy mang trong mình những ý nghĩa và khơi gợi những câu chuyện mang đầy tính huyền hoặc. Như những câu chuyện dân gian trong lối vẽ tranh của Slave, chúng gặp gỡ nhau trong một khung toan, phối trộn và năng sản ra những câu chuyện kế tiếp, liên tục, vô định và bất ngờ. Như những giấc mơ.

Giấc ngủ trên cây.
Giấc ngủ trên cây.

Đó là kiểu giấc mơ của một cá nhân bị ám ảnh trong vô thức tập thể mang đầy căn tính dân tộc và chủng tính nhân loại. Phong từng chia sẻ: “Nghệ thuật là nơi phản chiếu nội tâm của tôi ra với thế giới khách quan, đồng thời cũng là nơi tôi truy tìm về lịch sử và dự phóng về những khả thể hư cấu luôn réo gọi mình. Truy tìm về lịch sử, tôi thấy những khuôn mặt, những số phận tưởng đã ngủ yên trong lớp bụi thời gian, trong rêu phong ẩn mật lại sống dậy gọi tôi lên đường. Và từ đó, tôi song hành những cuộc lữ”.

Lê Minh Phong nói tiếp: “Chúng tôi đi từ khởi thủy cho tới bây giờ, đi từ những khúc hát đồng dao cho tới những điệp trùng sử thi, đi từ rừng núi đến biển cả, đi từ bóng tối ra ánh sáng, đi từ đau khổ tới hạnh phúc, đi từ nô lệ tới tự do. Chúng tôi đi từ những huyền thoại, dã sử mịt mùng, đi từ Xích Quỷ tới Văn Lang, từ Văn Lang tới Đại Việt. Chúng tôi đi như để tìm về miền đất hứa, mong số phận được đổi thay. Và trên những cuộc chuyển dời đó, chúng tôi thấy nước mắt, thấy lầm than, thấy cả những tủi hờn, hạnh phúc”.

Có lẽ Phong đã cảm, đã thấy được những mạch mạch sống liên kết thế giới tinh thần riêng tây của anh với tha nhân, thấy được bầu trời cô tịch nhốt chứa những thân phận tiềm tàng nỗi quậy cựa khôn nguôi. Nói cách khác, Phong bị ám ảnh và day dứt bởi nỗi sống, một nỗi sống vừa hiện sinh vừa mơ hồ ảo ảnh, cứ thoáng thấy đó mà lại không cầm nắm níu giữ được.

Điều trên chính là tiền đề để hình thành một cõi u u chợt rực sáng trong tâm thức Phong. Giống như một đám bụi khí vũ trụ hỗn độn tự sụp đổ vào bên trong để chuẩn bị hình thành, sản sinh ra một ngôi sao mới. Ngôi sao ấy vừa bị cuốn trong thiên hà mênh mông mà bản thân nó không thoát ra được vừa tự toả sáng như một cách truyền tin trong vô vọng tuyệt mù. Đó là một hình thức thiên di bất tận, một kiểu lai vãng khôn cùng của những mầm mống ký ức ẩn chứa trong bộ gen của kẻ sáng tạo.

Chúng được Phong nén lại trong bảng màu cô quạnh, hun hút và đầy tính liêu trai của mình. Và chúng bùng vỡ trong mắt người xem làm ta cô đơn rợn ngợp. Một kiểu cô đơn tập thể khó lý giải. Kiểu cô đơn ấy hoá thân thành cánh chim, thành ánh nhìn, rành dáng vẻ, thành cảnh trí lờn vờn từ cái nhìn đến tâm tưởng kẻ đa cảm.

Nên gọi tên, kể lại những câu chuyện trong mỗi tác phẩm của triển lãm Thiên di trong bất chợt cũng được mà trong mơ hồ lại càng hấp dẫn. Nói như Lê Minh Phong tự thừa nhận, cái bất biến trong đó đã có sẵn mà cái hiện đại hoặc hậu hiện đại trong ấy cũng đầy ra, tùy tâm người xem muốn thấy gì, muốn cảm gì mà chọn lựa và nắm lấy. Như cách họ tự chọn cho mình một đôi cánh của giấc mơ, để bay, để phiêu.

Lê Văn Đồng
TIN LIÊN QUAN

Hình ảnh Việt Nam sống động trong tranh vẽ của các họa sĩ nước ngoài

Chí Long |

Nhiều họa sĩ nước ngoài đã truyền tải tình yêu đối với phong cảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam thông qua những bức tranh đơn giản, mộc mạc mà sống động, giàu cảm xúc.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính ra mắt triển lãm nghệ thuật lớn nhất sự nghiệp

huyền chi |

Triển lãm "Ego - Người" của họa sĩ Ngô Xuân Bính diễn ra từ ngày 18.11 đến 31.12.2022 tại Bảo tàng Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022.

“Hội tụ sắc màu” là triển lãm của 40 họa sĩ ĐH Nghệ Thuật Huế tại Đà Nẵng

An Thượng |

Đà Nẵng - triển lãm “Hội tụ sắc màu” sẽ giới thiệu tác phẩm của 40 họa sĩ là cựu giảng viên, sinh viên trường Đại học Nghệ Thuật Huế, sẽ diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 27.4 đến 20.5.2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Hiện trạng áp thấp gần Biển Đông và áp thấp gần Philippines

Song Minh |

Vùng áp thấp gần Biển Đông đã tan nhưng vẫn còn một áp thấp nhiệt đới gần Philippines.

Đường lầy lội, tiểu thương chợ đầu mối mòn mỏi chờ khách

YẾN PHƯƠNG - MỸ LY |

Cần Thơ - Hạ tầng giao thông xuống cấp cộng thêm thời tiết mưa bão khiến tuyến đường dẫn vào chợ đầu mối lớn nhất Cần Thơ lầy lội, dơ bẩn...

Huấn luyện viên Kim Sang-sik và chuyện chọn tên tuổi hay phong độ cầu thủ

TAM NGUYÊN |

Huấn luyện viên Kim Sang-sik đứng trước câu hỏi về kế hoạch sử dụng nhân sự trong dịp FIFA Days tháng 10 cũng như ASEAN Championship sắp tới.