Ngập phố sau ngày đón năm mới: Gian nan “cuộc chiến” với rác

cường ngô - đặng chung |

Năm nào cũng vậy, sau lễ đón năm mới, Hồ Gươm hay những khu vui chơi tại đồng bằng, miền núi cũng trong tình trạng: Người về, rác ở lại. 

Sau những hình ảnh vui chơi của người dân là một bi kịch về môi trường ở những khu du lịch. Vì sao “cuộc chiến” với rác ở Việt Nam lại gian nan đến vậy? 

Những hình ảnh xấu xí

Tối 31.12.2017, hàng vạn người chen chân đến khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) để dự lễ hội đếm ngược mừng năm mới. Lượng người đổ về quá đông khiến khu vực phố đi bộ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Hàng vạn người chen lấn xô đẩy nhau trong đêm giao thừa khiến người già, trẻ nhỏ hoảng sợ. Đã có ít nhất 10 người bị ngất xỉu, phải nhờ đến lực lượng cứu hoả đưa lên xe để sơ cứu.

Và sau khoảnh khắc đón năm mới, dòng người “vật vã” về nhà trong cảnh tắc đường, còn rác ở lại, tràn ngập các tuyến phố. Rác của người dân và du khách vô ý thức đã vứt lại chỗ ngồi và các con đường cả tấn rác gồm chai lọ, bao nilon, giấy, vỏ bánh kẹo, thức ăn thừa... Rác phủ đầy, trắng xóa mặt đường, ngổn ngang, chất đống như cuộc tàn của bàn nhậu.

Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường lại căng mình dọn rác cho tới gần sáng. Những vườn hoa đẹp như tranh ở Hồ Gươm cũng bị “san phẳng”, giẫm nát chỉ sau đêm giao thừa.

Ngán ngẩm nhìn bãi rác thải giữa trung tâm thành phố, anh Nguyễn Văn Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh đến phố đi bộ Hồ Gươm xem trình diễn nghệ thuật đêm giao thừa và rất bức xúc trước tình trạng người dân vô tư xả rác.

“Cảnh tượng này năm nào cũng lặp lại. Sự vô ý thức của người dân và du khách vô tình làm thủ đô xấu đi. Và hơn hết việc xả rác không đúng nơi quy định khiến công việc của những người lao công vất vả, nặng nhọc hơn. Hy vọng những năm sau ý thức của người dân sẽ tốt hơn để hạn chế tình trạng này”, anh Long chia sẻ.

Trần Mạnh Tuấn (20 tuổi, quê Hà Nội) vừa chia sẻ ảnh rác thải được vứt bừa bãi trước Nhà hát Lớn Hà Nội lên trang cá nhân của mình với dòng trạng thái “ngán ngẩm bãi rác giữa thủ đô”. Mạnh Tuấn cho phóng viên Lao Động biết, đây là những hình ảnh cậu chụp sau sự kiện Đếm ngược trên phố đi bộ. Theo đó, sau khi giây phút chuyển giao năm mới linh thiêng, nhiều bạn trẻ tụ tập ăn uống, nghỉ ngơi và “không quên” xả rác.

“Các nhóm đến phố đi bộ xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật mang theo báo hoặc mua những tờ giấy trắng trải xuống đường ngồi chờ. Khi xem xong, phần lớn thản nhiên bỏ về và quên luôn rác của mình”, Tuấn nói.

Còn chị Hồng Anh - công nhân môi trường phụ trách quét dọn rác trên Đinh Tiên Hoàng cho hay, giao thừa năm nào thành phố cũng ngập rác. “Chúng tôi rất vất vả dọn rác đến 2 - 3 giờ sáng mới xong. Tôi mong mỗi người có ý thức, không xả rác để công nhân vệ sinh như chúng tôi bớt khổ”, chị Hồng Anh than thở.

Nữ công nhân môi trường cho biết để nâng cao ý thức của người dân trước hết phải tăng cường tuyên truyền - vận động nâng cao ý thức cộng cơ sở hạ tầng như lắp đặt thêm nhiều nhà vệ sinh, thùng rác nơi công cộng trên phố đi bộ, đồng thời không nên tổ chức quá nhiều sự kiện trên phố đi bộ.

“Đêm giao thừa có một sân khấu biểu diễn ở đây, rất nhiều người đi xem đứng hết lên bồn hoa, cây cối, thậm chí cả nóc nhà vệ sinh. Dòng người đông đúc, ủn nhau nhích từng bước một khiến cho bảo vệ ở Hồ Gươm cũng “bất lực” không thể nhắc nhở được”, là chia sẻ của chị Nguyễn Mỹ Linh (32 tuổi, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm).

Còn tại TPHCM, lượng người tập trung xem bắn pháo hoa quá đông khiến tất cả các khu vực như công viên cảng Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Tôn Đức Thắng... cũng ngập trong rác. Để tận hưởng khoảnh khắc đón năm mới, nhiều gia đình đã đến phố đi bộ, mang theo đồ ăn, nước uống. Sau khoảnh khắc ngắm pháo hoa đón chào năm mới, người dân kéo nhau về, bỏ lại những đống rác tràn ngập phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Đáng buồn, những hình ảnh này đã trở nên quen thuộc, năm nào cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông sau mỗi dịp nghỉ lễ, tết. Lên án rất nhiều, nhưng năm nào cũng vậy, rác vẫn ngập ngụa khắp nơi.

Tại anh hay tại ả?

Nói về tình trạng xả rác bừa bãi, giẫm đạp lên hoa, cây cảnh ở phố đi bộ sau đêm giao thừa, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Mỗi dịp lễ tết, Hồ Gươm lại có hàng vạn người đổ về. Số lượt người đổ về quá lớn, trong khi chúng ta lại không thể khống chế được số lượng. Hiện nay cũng chưa có cơ chế xử phạt việc xả rác bừa bãi, mà trong điều kiện đông người như thế cũng không thể xử lý nổi. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi chỉ có thể tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng”.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng nhấn mạnh, thực trạng người dân xả rác, giẫm đạp lên hoa, thảm cỏ cho thấy thái độ ứng xử chưa tốt của con người với cộng đồng, con người với môi trường thiên nhiên.

Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn để thay đổi thói quen xả rác của người Việt. Chỉ đến khi người Việt thay đổi cách ứng xử với rác thì mới mong xã hội bước vào nếp sống văn minh và đất nước mới trở thành nơi đáng sống.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13), việc các khu vui chơi trên khắp cả nước ngập rác sau mỗi dịp nghỉ lễ có lỗi rất lớn của BTC các sự kiện, cơ quan chức năng ở địa phương, chứ không thể chỉ đổ lỗi cho ý thức của người dân.

“Tuyến phố đi bộ là một điểm nhấn của Hà Nội, cũng như TPHCM, tuy nhiên khi tổ chức các sự kiện tại đây phải thực hiện sao cho văn minh, hiện đại. Để hình ảnh rác ngập phố, vườn hoa bị giẫm nát như thế thực sự phản cảm. Đó là điều đáng tiếc khi xảy ra ở những đô thị hiện đại, văn minh như Hà Nội, hay TPHCM. Theo tôi, điều này là do thói quen của người dân chưa tốt, nhưng đừng chỉ đổ lỗi cho ý thức của dân.

Khi mà năm nào cũng xảy ra tình trạng này thì không chỉ dừng ở chuyện ý thức nữa, cần xem xét lại khâu tổ chức, tuyên truyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa, du lịch ở địa phương. Ban tổ chức các sự kiện đã làm tốt nhiệm vụ của mình chưa? Các nhà quản lý khi cho phép tổ chức các sự kiện ở những địa điểm như thế đã tính toán và đưa ra những biện pháp để ngăn chặn điều này xảy ra chưa, hay bất lực để cảnh đó xảy ra mãi?

Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm. Ngoài việc tính đến phương án dự phòng, đảm bảo an toàn cho người dân, cần bố trí thêm thùng rác (cố định và di động) trong những ngày lễ hay tổ chức sự kiện. Hoặc phải bố trí lực lượng tình nguyện viên luôn túc trực hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chứ đừng để xảy ra rồi mới đi khắc phục. Đừng trông chờ mãi vào ý thức của dân nữa” - PGS.TS. Bùi Thị An chia sẻ.

Ngoài nhắc nhở, cần có chế tài

Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có nêu rõ: Người dân có hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Quy định là vậy, nhưng vì việc giám sát, xử lý còn lỏng lẻo, nên tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn tái diễn.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành các bộ quy tắc ứng xử, đẩy mạnh tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng đến người dân, nhưng cuộc chiến với rác vẫn còn rất gian nan.

“Tôi nghĩ ngoài tuyên truyền cần có chế tài đủ mạnh. Chẳng hạn như ở Singapore, chỉ cần vứt một mẩu thuốc lá ra đường, khách đã bị phạt tới 500USD, còn các bộ quy tắc của ta mới chỉ là khuyến nghị, thuyết phục khách thực hiện. Họ thích thì làm, mà không làm cũng đành chịu”, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty du lịch Transviet - kiến nghị.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, rác thải là vấn đề “nhức nhối”, không chỉ người dân Hà Nội, mà đồng bào cả nước đều quan tâm. Ông cũng cho rằng cần có chế tài thật mạnh, xử lý thật nghiêm đánh vào túi tiền của người dân, để họ từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.

cường ngô - đặng chung
TIN LIÊN QUAN

Các bạn trẻ nhặt rác sau giao thừa: "Thấy vui dù việc rất nhỏ"

NBT |

Phố đi bộ Nguyễn Huệ tràn ngập rác thải sau màn pháo hoa mừng năm mới và một vài nhóm bạn trẻ đã cùng nhau nhặt rác để làm sạch con phố.

Cảnh quan Hồ Gươm bị "tàn sát" trong đêm giao thừa: Không thể chỉ chăng đèn kết hoa rồi để mặc

Nguyễn Hà |

Đó là ý kiến của PGS.TS – chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung trước hình ảnh phố đi bộ, Hồ Gươm trở thành bãi rác sau đêm đón năm mới.

Một đất nước đầy rác thì đừng nói chuyện bốn chấm

Lê Thanh Phong |

Sau đêm đón giao thừa 2018, phố đi bộ Nguyễn Huệ - TPHCM là một phố rác. Chuyện này không mới, bởi vì ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, cứ sau một buổi sinh hoạt ở nơi công cộng hay lễ hội, cái còn lại là một núi rác. Chung quanh khu vực Hà Nội đêm qua cũng như vậy, hình như rác là một đặc sản của lễ hội thì phải.

PGS Đặng Bích Hà an nghỉ bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Sáng 29.9, lễ an táng PGS Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Vũng Chùa - Đảo Yến.

Số người bị vùi lấp vụ sạt lở trên QL2 có thể gia tăng

Lam Thanh |

Hà Giang - Vụ sạt lở trên QL2 đoạn Km51 khiến 1 người tử vong, nhiều phương tiện và nhà dân bị vùi lấp.

Bà chủ Xuyên Việt Oil và những chiếc Patek Philippe đem biếu

Việt Dũng |

Ngoài những khoản tiền tỉ chi ra để hối lộ các cựu quan chức, Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Xuyên Việt Oil còn biếu những chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe.

Hồ thủy điện lớn nhất miền Nam giảm xả lũ

MINH CHÂU |

Đồng Nai - Công ty Thủy điện Trị An giảm xả lũ do lưu lượng nước về hồ đang có xu hướng giảm.

LPB Ninh Bình giành ngôi á quân giải bóng chuyền câu lạc bộ châu Á

NHÓM PV |

Trực tiếp trận đấu giữa LPB Ninh Bình và NEC Red Rockets tại chung kết giải bóng chuyền các câu lạc bộ nữ châu Á 2024, diễn ra lúc 16h00 hôm nay (29.9).

Các bạn trẻ nhặt rác sau giao thừa: "Thấy vui dù việc rất nhỏ"

NBT |

Phố đi bộ Nguyễn Huệ tràn ngập rác thải sau màn pháo hoa mừng năm mới và một vài nhóm bạn trẻ đã cùng nhau nhặt rác để làm sạch con phố.

Cảnh quan Hồ Gươm bị "tàn sát" trong đêm giao thừa: Không thể chỉ chăng đèn kết hoa rồi để mặc

Nguyễn Hà |

Đó là ý kiến của PGS.TS – chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung trước hình ảnh phố đi bộ, Hồ Gươm trở thành bãi rác sau đêm đón năm mới.

Một đất nước đầy rác thì đừng nói chuyện bốn chấm

Lê Thanh Phong |

Sau đêm đón giao thừa 2018, phố đi bộ Nguyễn Huệ - TPHCM là một phố rác. Chuyện này không mới, bởi vì ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, cứ sau một buổi sinh hoạt ở nơi công cộng hay lễ hội, cái còn lại là một núi rác. Chung quanh khu vực Hà Nội đêm qua cũng như vậy, hình như rác là một đặc sản của lễ hội thì phải.