Gặp gỡ cuối tuần

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền: “Họ bảo ảnh mình chụp có hồn...”

Đỗ Lãng Quân thực hiện |

Thanh Miền xuất thân là lính trận, chuyển ngành sang lái xe ôtô, đến năm 2008 vừa rồi mới thôi vai trò là một lái xe của Báo Yên Bái. Bây giờ vẫn là một cán bộ Phòng Hành chính của Báo, tuy nhiên, hễ cứ “ăn trộm” được của sự bận bịu đời mình một ngày, là anh xách xe máy, khoác máy ảnh lên đường.

Ảnh của anh, cả đời dường như chỉ chụp về tỉnh Yên Bái, giải thưởng rất nhiều, từ giải Hội NSNA Việt Nam, giải Báo chí Quốc gia về mảng ảnh, ảnh “Khoảnh khắc vàng” của TTXVN, triển lãm cá nhân, in sách ảnh “Yên Bái, quê tôi miền sơn cước” (NXB Thông tấn), lại có ảnh treo ở các nơi sang trọng tầm quốc gia và quốc tế..., các bức ảnh đều chụp về ruộng bậc thang và hồ Thác Bà. Chả thế mà trong phần xúc động tâm sự đầu cuốn sách để đời kể trên, Thanh Miền bảo, ký ức bằng hình ảnh của anh về miền sơn cước tươi đẹp nuôi dưỡng anh đã được chạy theo hình cong xoáy của những thửa ruộng bậc thang. Ở đó có những con người cần cù, sáng tạo và lãng mạn, cấy cày xong là họ nhẩn nha ngắm kỳ quan quốc gia ruộng bậc thang tuyệt mỹ quê mình.

Nghệ sĩ Thanh Miền.

Lên núi tìm “Mâm xôi vàng”

Giữa những tiếng xuýt xoa tiếc nuối vì đã lỡ để lọt mất một mùa hoa ban Trạm Tấu, đánh rơi mất một khoảnh khắc yên bình kỳ diệu khi hàng ngàn con chim tụ về vùng Hạ Hòa, mải chơi không bấm máy để đàn chim lợn khổng lồ vỗ cánh bay đi mất trên cánh đồng lễ hội Mù Căng Chải từ 20 năm trước. Anh cứ tiếc, tiếc một ban mai mây sà xuống rừng già Chế Tạo, tiếc chiều mùa thu nắng vàng như mật ong ở La Pán Tẩn, “Giá hôm đó mà tôi biết phân thân ra làm năm bảy con người để ngắm và bấm máy thì tuyệt vời biết bao”. Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu, đời thường mà mơ mộng kiểu đó.

Chúng tôi đi lang thang mấy nghìn hòn đảo hồ Thác Bà, hồ thủy điện đầu tiên của Việt Nam, nhiều lắm. Cứ thắc mắc, sao từ hàng chục năm trước (khi chưa có flycame) anh đã chụp được ảnh hồ này từ trên cao?

- Chỗ ấy là có núi Cao Biền, thuộc xã Tân Hương (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Tôi tìm đường mãi, cuối cùng bà con bảo, lên đó nhìn thì hết tầm mắt luôn. Tôi đến thị trấn Thác Bà lên xã Vĩnh Kiên, đi xe máy bò ngược mãi. Có khi đi từ sáng đến chiều về không. Vì trời tuy nắng to nhưng sương mờ không chụp được. Trời vùng cao không tính toán được, có khi rời nhà mưa to, lên đến đỉnh núi nắng lại đẹp ngời ngời và ngược lại. Các bức ảnh cần công phu, cần hiểu nó cũng như món quà của thượng đế thôi. Lên đó, có khi tim như thắt lại khi thấy hàng trăm hòn đảo nổi như Vịnh Hạ Long trên cạn nối tiếp nhau, tôi đặt tên ảnh là “Thác Bà, nhịp sống sinh sôi”. Chợt từ đâu, một đàn cò trắng đông đúc bay tới, nó như ban cho bức ảnh của tôi một phong cảnh yên bình tuyệt đối. Cú bấm máy đó đã đem đến nhiều giải thưởng.

Dù thế nào thì anh vẫn chủ yếu được biết đến với danh hiệu “NSNA chuyên chụp ruộng bậc thang” ở Mù Căng Chải...

- Hồi đầu đi chụp ruộng bậc thang, ít người để ý lắm. Cũng chả có mấy du khách đến ngắm đâu. Các góc rừng có ruộng đẹp, đến người Yên Bái bấy giờ cũng không ai biết. Khi tôi mò mẫm tìm ra các tuyệt tác gọt đẽo núi thành ruộng bậc thang tròn tít, vằn vện, từng bậc từng bậc cao dần lên tít trên trời rồi tôi đặt tên là “Mâm xôi vàng”. Tôi chụp, ai cũng ngạc nhiên, tôi mới đưa vài nghệ sĩ đi lên chụp.

Lúc đầu chúng tôi lên chụp ảnh, người Mông ở Mù Căng Chải ra xem đông lắm. Người ta lạ lẫm lắm, lạ cái người đeo nhiều máy móc, ống kính dài như khẩu súng, lại lạ mấy ông người Kinh cứ đi lang thang ngắm nghía, mặt đầy "âm mưu". Lúc trước, tôi chỉ có cái máy Zen-nit cũ của Liên Xô, chụp phim. Nhưng ruộng bậc thang hồi đó đẹp và hoang sơ vô cùng, bà con đi ra ruộng nhiều như đi hội, họ hồn nhiên lắm. Dù nghèo, có chuyến tôi cắn răng mua phim đắt đỏ. Đi 2 ngày thứ 7 đến chủ nhật mà đốt hết 15 cuốn phim. Đi từ Tú Lệ đi lên Mù Căng Chải, qua đèo Khau Phạ lại ngược đi xuống, các gương mặt hồn hậu và gợi cảm, các cô gái thơ ngây tắm suối ở mỏ nước kè đá cổ, mùa cấy, ruộng bậc thang nào cũng lênh láng nước. Mặt núi, mặt đất như được tráng gương lóng lánh...

Vẻ đẹp ruộng bậc thang Mù Căng Chải. Ảnh: Thanh Miền

Nhiều người thích ảnh của anh, đặt mua ảnh của anh phóng to treo ở cơ quan, treo ở nhà, treo cả ở phòng Chủ tịch Quốc hội, treo ở các khách sạn sang trọng, cũng là vì vẻ đẹp ấy. Rất mộc mạc, diễn tả phong cảnh của non sông gấm vóc rất giản dị. Ai xem cũng hiểu, trông thấy là thích. Vậy, quan điểm sáng tác của anh là gì?

- Tôi thấy vẻ đẹp thiên nhiên và muốn truyền tải nó vào trong bức ảnh của mình. Thêm các yếu tố mây trời, chim chóc bay ngang được thì tốt. Muốn vậy phải dụng công “rình” và “chộp”. Tôi nghĩ, sắp đặt quá thì không tốt. Cái gì cũng phải hiện thực, không nên gượng ép. Muốn thế cần công phu để nắm bắt được các biến ảo của thiên nhiên vùng cao. Tôi đi nhiều, có ngày thấy mưa nhưng tôi vẫn đi, bởi có khi lên núi đó cũng là lúc trời sẽ nắng. Dự kiến đầu xuân năm nay có nhiều cảnh đẹp để chụp ảnh hơn, các huyện Văn Chấn, Mù Căng Chải đã và đang phấn đấu đưa thêm cây tam giác mạch vào trồng đại trà. Mận đào nở và tam giác mạch và hoa cải dầu trải vàng các ngọn núi. Vừa rồi nghe, ông Chủ tịch UBND huyện Mù Căng Chải nói vậy, tôi sướng quá. Năm vừa rồi tôi lên La Pán Tẩn chụp ruộng bậc thang, lúc lên, buồn thay, hoa héo hết rồi. Độ ấy thèm đi quá, nhưng bận cưới con gái nên có đi được đâu.

Cưới con gái thì quan trọng hơn đi bắt các tia nắng hoặc các mùa hoa trên đại ngàn chứ! Nhưng quả là bỏ lỡ các giây phút đẹp xuất thần của thiên nhiên ở vùng đất mà mình gắn bó để “đóng đinh” nó lại cho mình và người đời xem thì cũng tiếc thật. Thế thì anh tiếc suốt đời!

- Nghề chơi ảnh kỳ công lắm. Xã Chế Tạo quá xa xôi, có loài vượn đen tuyền vô cùng quý hiếm, tôi đã đi nhiều. Có lần, tôi đã đi cùng ôtô với một đồng chí lãnh đạo của tỉnh đi tiếp xúc cử tri. Anh ấy bảo, cái gì đẹp thì nghệ sĩ Thanh Miền cứ xuống mà nắm bắt thôi. Nhưng mình cũng ngại chứ, sợ làm phiền các anh ấy. Tôi đã quá rụt rè, mây nó sà xuống óng ánh, biển mây mơ màng bồng bềnh sau cơn mưa, mà đành nén lòng ngồi im. Xong việc gấp gáp cùng lãnh đạo, hôm sau tôi xin ở lại Mù Căng Chải (cách tỉnh 180km đường hiểm trở) để mượn cái xe máy vào “bắt” lại cái biển mây ấy vào ống kính. Tôi vòng vèo, cả ngày không được và sáng hôm sau hồi hộp lội núi vào tiếp, nhưng không có nữa. Mây trắng phau, đẹp mênh mang và óng ánh như ngọc trai ấy đi đâu rồi? Tiếc lắm. Lại có lần tôi phải đi cùng với anh em đi giải quyết một vụ tai nạn xe ôtô ở thị xã Sơn Tây. Người ta đang sợ hãi, lo lắng, ân hận, mình cũng thế thôi, nhưng cảnh đẹp ven đường thì vẫn cứ thả hồn. Đi đến Hiền Lương (tỉnh Phú Thọ), vừa ăn sáng dọc quốc lộ 32. Mình ngó ra cửa xe, đúng mùa gặt chim về nhiều, hàng ngàn con. Tôi thấy bao nhiêu góc chụp đẹp, chỉ bấm máy thôi đã là có bức ảnh chú thích “Cõi bình yên” hoặc “Miền quê no ấm” rồi. Mùa gặt thơm rơm, thơm lúa vàng. Đàn chim như kéo về từ thiên đường ấy. Nhưng mình lại ngại, đang đi xử lý xe tai nạn. Mình ích kỷ quá, anh em sẽ nghĩ mình không tốt nếu đòi dừng lại chụp chim chóc cỏ cây... Tiếc ngơ ngẩn cả ngày. Hôm sau 4h sáng tôi đã để chuông đồng hồ, đi mấy chục cây số xuống Hiền Lương để rình chụp đàn chim núi mùa gặt ấy. Nhưng chim đã về núi xa hết rồi, không bao giờ còn gặp nữa. Lại có lần đến Tú Lệ, tôi đeo máy ảnh đi dự lễ hội dân gian của bà con miền rừng hẳn hoi, lúc đó mình là lái xe lại là người chụp ảnh của báo, có nhiều ảnh in báo Trung ương rồi, vậy mà mải chơi, mải chụp các sơn nữ mà bỏ phí mất khoảnh khắc tuyệt vời. Sau này, dù 20 năm trôi qua rồi, mỗi lúc nghĩ đến tôi vẫn tiếc. Hôm đó, đàn chim lợn dăm bảy con, chúng chao nghiêng, mắt tròn, đậu xuống và nhìn chúng tôi. Vậy mà cứ nghĩ: Rồi sẽ gặp lại chúng nó sau, chụp sau, cứ thẩn thơ đi lễ hội đã. Đến giờ tôi vẫn tiếc. Ơ, cái ngày đó thằng tôi nó dở hơi thế.

Tôi ước ao, giá mà mình phân thân thành 5 - 10 “thằng Thanh Miền” được

Ảnh của anh nhiều người thích, lại treo ở khắp nơi, nghe tin anh hay phóng ảnh tặng bạn bè treo trong nhà, nhưng như thế tốn lắm. Anh là nghệ sĩ nghèo đến từ miền mộng tưởng, nhiều người đặt mua vậy thì cũng phải thức giấc “trở về thực tại”, gửi bán lấy tiền làm lộ phí đi lang thang chứ, đúng không?

- Đúng. Nhiều người mua, họ đến nhà chọn nhờ mình in và đóng khung, hoặc họ đặt mua qua điện thoại.  Có khi tôi gửi ôtô khách hoặc bưu điện cho họ. Người Lạng Sơn và người phía Nam mua nhiều. Một bức ảnh phóng to cỡ 50cm x 75cm giá khoảng 600 nghìn đồng, 60 x 90cm thì 1,5 triệu đồng. Có người bắt phóng ảnh rồi cuộn tròn vào gửi đi tận tỉnh Bình Dương. Vừa rồi chị Hoàng Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nay là Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc có treo ở phòng khách nhà chị ấy nhiều ảnh do tôi chụp, bạn bè đồng nghiệp từ các tỉnh đến chơi, ai cũng xin số của tôi và đặt mua ảnh. Nhiều người họ muốn in ảnh to quá, vẫn nét thôi, nhưng phải in bằng bằng bạt, nó không đẹp như in bằng giấy. Tôi thấy họ quý mình thì rất mừng, bán ảnh được đồng nào thêm đồng ấy để đi sáng tác, chứ giàu có gì đâu. Ngay cả việc mình có duyên với giải thưởng cũng thế, vừa rồi chụp bé Linh Chi, cháu bé không có chân tay mà học giỏi và biết làm nhiều công việc một cách đáng ngạc nhiên, bộ ảnh đã nhận giải Báo chí Quốc gia, lĩnh thưởng 20 triệu đồng, cơ quan thưởng thêm 20 triệu đồng nữa. Nhưng tiền giải chưa về đến nơi thì tiền khao đã vơi gần hết.

Hôm vừa rồi có người quý ảnh của tôi đã “rước” bức “Dát vàng” (nắng vàng trên ruộng bậc thang vàng, khiến núi Mù Căng Chải như được dát vàng) về treo trong phòng làm việc của một lãnh đạo Trung ương, tôi rất tự hào. Tỉnh Yên Bái này thì Tỉnh ủy, Ủy ban và nhiều phòng lãnh đạo, các huyện thị, gia đình một số cán bộ, nhiều nhà hàng, quán xá, có chỗ thì tặng có chỗ thì bán, họ treo ảnh của tôi nhiều lắm. Có bức in to cỡ 1,2m x 2,1m, giá bán tới 5,5 triệu đồng. Có bức 8 triệu đồng, họ vẫn đặt mua.

Nhiều người có lý khi cho rằng, các bức ảnh của Thanh Miền đã góp phần không nhỏ, âm thầm quảng bá du lịch ruộng bậc thang cho Yên Bái, từ bao nhiêu năm qua. Anh có hay nghe phản hồi từ phía người xem ảnh không?

- Họ bảo ảnh mình chụp có hồn. Chả biết họ “nịnh” mình hay sao ấy. Chỉ biết là tôi mê phong cảnh và con người Yên Bái nói chung và vùng cao Yên Bái nói riêng thật sự. Tiền thì ai cũng thích nhưng nhiều lúc không phải vì tiền, các bức ảnh phóng to 60cm x 90cm tôi vẫn tặng thoải mái. Thấy cảnh vật và cuộc sống nơi này nó quá đẹp thì mê thôi. Tôi cảm phục sự kỳ công của người Mông trong việc vượt qua những khắc nghiệt của núi non hiểm trở, để làm nên các kiệt tác ruộng bậc thang cho nhân loại! Tất nhiên, họ làm trước mắt là vì sinh kế, vì cái dạ dày của họ, nhưng bàn tay khéo léo và kinh nghiệm lâu đời canh tác trên đất dốc đã giúp họ có được các tác phẩm nghệ thuật trở thành tài sản quốc gia kia.

Trước khi về Báo Yên Bái, từng nghèo đói, từng làm liên lạc cho trung đội vươn lên đại đội rồi lái xe cho lữ đoàn trưởng; lại từng sang Đức xuất khẩu lao động nhưng không mang được cái xe máy nào về..., tức là đời thăng trầm lắm rồi, bây giờ nghĩ lại, điều gì làm anh vui thú nhất?

- Tôi vui nhất là khi lạc vào những miền rừng đẹp kỳ diệu, ví dụ như ruộng bậc thang chẳng hạn, hồ Thác Bà, hay rừng hoa ban Trạm Tấu. Tôi có lần đã tiếc, nếu tôi sống ở Mù Căng Chải lâu hơn, ở đó đủ sáng trưa chiều tối thì ánh sáng nó sẽ đi vào ảnh của tôi sướng lắm. Những lúc ấy, tôi muốn phân thân mình ra làm 5 - 10 “thằng” Thanh Miền để chạy khắp nơi này nơi khác mà chụp ấy. Góc này đẹp, chạy góc kia nhanh kẻo nó hết rồi. Các địa điểm ấy mình nhẵn rồi, biết hết mọi đường đi lối lại, góc nào bấm máy đẹp vào buổi nào và vào mùa nào. Xưa thì ít ai biết, giờ có tiền, khách du lịch lên đến Mù Căng Chải là xe ôm họ đưa tới các vị trí “đẹp”, đứng ở đó sẽ có ảnh giống giống ảnh chúng tôi chụp ngay. Điều đó quả là rất tuyệt vời.

Cảm ơn NSNA Thanh Miền vì cuộc trò chuyện!

 

Đỗ Lãng Quân thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.