Nhập cư Hà Nội

ĐỖ PHẤN |

Hà Nội có đến hơn 90% dân số là người nhập cư. Chẳng biết có phải vì thế mà người Hà Nội rất hãn hữu dùng chữ “nhập cư” trong giao tiếp hàng ngày. Dù chữ “nhập cư” đã là văn minh hơn chữ “nhà quê” thời Pháp thuộc rất nhiều lần nhưng nghĩa của nó thì vẫn như vậy mà thôi.

Gọi là người Hà Nội gốc thật ra vừa đúng vừa sai. Nếu cứ xét theo thành ngữ “Gốc gác ba đời” thì nhiều người Hà Nội tự hào là dân bản địa ở đây. Nhưng gia phả để lại nhà ai có hơn chục đời ở đất này là rất hiếm. Hai chục đời thì có thể đếm trên đầu ngón tay. Từ đó một câu hỏi được đặt ra “Vậy thì trước khi nhập cư vào Hà Nội các cụ từ đâu đến?”. Và câu trả lời có thể là: Không có ai gốc gác ở Hà Nội cả!

Hà Nội với hơn 1.000 năm lịch sử không phải lúc nào cũng là kinh đô của nước Việt. Trước Lý Công Uẩn kinh đô nước Đại Cồ Việt của Đinh Tiên Hoàng đế ở Hoa Lư - Ninh Bình. Sau Lý Thái Tổ mới dời đô ra Thăng Long. Việc dời đô đánh dấu một thời kỳ nhập cư vĩ đại vào mảnh đất này. Dĩ nhiên thế. Cả một bộ máy triều đình nhập cư kéo theo bầu đoàn thê tử quê hương bản quán về Thăng Long. Trải qua hai triều đại nhà Tây Sơn 1778 - 1802 và nhà Nguyễn 1802 - 1945 Thăng Long không phải là kinh đô nước Việt. Chẳng cần lịch duyệt sử sách lắm cũng biết rằng, đây là thời kỳ ít biến động nhất về dân số Hà Nội. Mãi cho đến tận hòa bình 1954, Hà Nội chỉ có hơn ba chục vạn dân kể cả những người mới nhập cư sau kháng chiến chống Pháp (trước đó là 52.000 người). 1954 cũng là một dấu mốc quan trọng về lần nhập cư lớn vào mảnh đất này. Hà Nội được chọn là thủ đô mới của chính quyền cách mạng. Cả một bộ máy chính quyền kèm theo những công việc phụ trợ cho nó dĩ nhiên chuyển về Hà Nội.

Người lao động nhập cư ở Hà Nội những năm 1980. 

Ảnh: John Ramsden.

Đã có rất nhiều sách vở ca ngợi mảnh đất Hà Nội như một nơi hội tụ đầy đủ những nét đẹp, cư xử thanh lịch, lối sống chậm rãi tôn trọng khác biệt của con người nơi đây. Thế nhưng truy nguyên nguồn gốc đến tận cùng thì những nét đẹp ấy chính là từ nơi khác mang đến. Hoặc nói một cách khác, tất cả những gì hèn mọn xấu xa được những người về sống ở đây giấu kín như một nỗi mặc cảm thấp kém. Để trở thành một người Hà Nội có tấm lòng rộng mở hơn như là một cốt cách hết sức quan trọng của con người trên mảnh đất này.

Thật ngạc nhiên khi truyền thông đôi lúc dậy lên những phong trào bôi bác cách sống của người Hà Nội. Từ những chuyện thuộc về bản sắc con người ở đất này như bán buôn không săn đón vồ vập. Người làm dịch vụ thờ ơ với chức phận nghề nghiệp của mình. Cho đến những chuyện lớn hơn như “bún mắng, cháo chửi, phở xếp hàng”. Người ta có lẽ không biết rằng, đó chính là bộ phận thị dân nhập cư chưa đủ lâu để hòa nhập với cách sinh hoạt điềm đạm, tôn trọng người khác của dân phố. Và bôi bác thế chính là vô tình phá vỡ đi cái nền nếp đáng quý ấy. Để phê bình những chướng tai gai mắt ư? Người Hà Nội sẽ sàng nói nhỏ với người khác về khuyết điểm của họ. Chỉ một lần thôi. Lần sau sẽ quay lưng bỏ đi. Nhiều người chê trách thói cam chịu ấy mà không hẳn thế. Một đô thị đã từng tiếp cận với lối sống văn minh Châu Âu thời thực dân ít nhiều cũng hiểu rằng, Hà Nội không còn là một cái làng để mà lu loa hoặc bài bác những gì lạc hậu kém cỏi. Sẽ có nhiều hơn một cách để xử lý những chuyện tương tự. Quay lưng lại với những cái xấu chỉ là một cách thôi.

Hà Nội sau hòa bình lập lại gần như phải xây dựng lại từ đầu một trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế… của cả nước. Ngoài những công sở do người Pháp để lại tạm đủ dùng trong thời kỳ đầu, tất cả chỗ ở cho người mới nhập cư phải chia sẻ và xây mới toàn bộ. Những khu phố cổ 36 phố phường Hà Nội phần lớn là các hộ gia đình buôn bán lâu đời cũng được chia cho cán bộ ở tạm. Có người ở tạm đến tận bây giờ. Những khu phố Tây cũ khá nhiều nhà vắng chủ sau hòa bình được chia đều cho cán bộ công nhân viên chức. Cán bộ to ở tầng trên cho yên tĩnh. Cán bộ nhỏ hơn chia nhau tầng dưới ì xèo mắm muối. Cán bộ nhỏ nữa mời ra các khu tập thể mới xây Kim Liên, Nguyễn Công Trứ… Cán bộ lưu dung từ chế độ cũ để lại dĩ nhiên cứ việc ở nhà mình mà không có bất kỳ hỗ trợ nào về chỗ ở.

Những khu tập thể mới hình thành phần lớn là những người mới nhập cư còn mang nặng rất nhiều văn hóa làng xã. Cái khác biệt ở đây là họ không phải người cùng làng mà thôi. Điều đó đã hình thành một lối sống còn khác biệt hơn nữa. Đại khái lối thu vén tích cóp tiểu nông đã dần biến những công trình phụ thành của riêng. Và lấn chiếm mở rộng lãnh thổ cả trên cao lẫn dưới đất một cách nghiễm nhiên như nó phải thế. Sinh hoạt bừa bãi và xả rác phơi phóng vô tội vạ. Nói khác biệt là bởi chẳng có một cái làng nào trên đất nước cho phép người ta làm như vậy.

Người Hà Nội chẳng những không kỳ thị với những khu tập thể toàn người mới nhập cư mà còn tích cực tham gia giúp đỡ bằng những phong trào thăm hỏi ủng hộ, chia sẻ những khó khăn với họ. Đặc biệt không có ai ở cơ quan, nhà máy, công trường cảm thấy bất kỳ sự phân biệt nào giữa người ở nhà tập thể với người có nhà riêng. Cho đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều người còn tự hào vì đã được phân phối một chỗ ở tập thể như thế. Đến bây giờ thì những người nhập cư thế hệ sau hòa bình 1954 cũng đã sống đủ lâu ở đất này để trở thành người Hà Nội lịch thiệp khiêm nhường như những người cũ hơn. Thậm chí những cư dân “xóm liều” bãi rác Thành Công, Thanh Nhàn, Đồng Tâm, Bạch Đằng… trong thời kỳ mở cửa di dân tự do đến thành phố thập niên 1990 bây giờ cũng nhiều người đã trở thành công dân ưu tú của thủ đô. Họ là những doanh nhân đóng thuế đầy đủ, là kỹ sư, bác sĩ ở những cơ quan nhà nước, là sĩ quan chiến sĩ công an hoặc quân đội. Và rất nhiều những văn nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp đất nước.

Có cái gì đó rất đặc biệt trên mảnh đất này không sao giải thích nổi. Đó là những người nhập cư rất nhanh chóng hòa nhập và trở thành một bộ phận cư dân quan trọng của thành phố. Mọi khác biệt vùng miền đều được tôn trọng nhưng cũng không thấy ai dám đem cái khác biệt của mình ra áp đặt cho những người không phải mình. Phải chăng đó mới chính là phẩm chất “mở” của mảnh đất này chứ không phải một Hà Nội mở rộng bây giờ đã bao gồm cả hai tỉnh Hà Đông, Sơn Tây cũ theo địa lý hành chính? Phẩm chất tuyệt vời ấy truyền đời trong dân phố đã hơn nghìn năm rồi.

ĐỖ PHẤN
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.