Nhặt lại... cái “vỏ” cũ càng của ngôn từ

lê vạn quỳnh |

Thời nay, hình như nhiều thứ đang bị rỗng ruột một cách mau lẹ. Điều đó, không chỉ biểu hiện trong thế giới vật chất mà ngôn ngữ cũng bị đời sống xâm lăng làm cho ngữ nghĩa xê dịch đến mức ngôn từ nhiều khi chỉ còn trơ lại cái... vỏ. 

1. Gọi tên không theo bản chất sự vật lại đang trở thành căn bệnh quen mà lạ có vui đấy chứ và chớ vội buồn nhiều. Ví như, với tôi chữ yêu nghe quen quen bây giờ thấy lạ hoắc lạ huơ, hoặc lại bị chuyển, làm cho hẹp nghĩa: Chỉ một hành động có thể xảy ra khi yêu. Nhiều lúc nghe mà phát hoảng. Có thể giờ mình hết tuổi yêu hay ai yêu mình sẽ bị thiệt hoặc giả, sự yêu hiện đại đã chuyển trang thì vui không kịp, buồn cũng không kịp nữa rồi. Chết thật!? Nhưng thôi, cũng chẳng cần hoảng hốt, đời sống xã hội, của cải vật chất tinh thần tăng tiến, lượng đổi chất đổi đến vô chừng thì hình thức biểu hiện khác đi cũng là chuyện đương nhiên. Ví như từ ăn cắp chỉ hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản mà chủ nhân không biết, còn hình thức cưỡng đoạt trực tiếp sự vật từ nạn nhân, thậm chí phải dùng vũ lực gọi là trấn lột. Dân xóm Khang quê tôi, chẳng màu mè chữ nghĩa gọi thẳng đó là ăn cắp, ăn cướp, dù chủ thể hay bị hại có là ai. Chốn lịch sự văn minh hay xã giao văn bản, chữ ăn cắp giờ thay bằng tham ô, ăn cướp là trấn lột (chỉ đối tượng bị hại là tập thể, là số đông, còn với cá nhân thì hai từ của dân xóm Khang hơi bị nặng nề!). Khi định danh từ tham nhũng cho một chủ thể nào đó (bị hại cũng là số đông), rất có thể, một chút mềm lòng chợt đến, các nhà làm từ điển trong tương lai phải nhớ tới Lâm Ngữ Đường, tác giả cuốn Sống Đẹp (1) viết cách đây gần 80 năm, trong đó ông đã luận bàn về món khoái khẩu của loài thú bốn chân, giống ăn cỏ (voi ngựa, trâu bò...) hiền lành hơn giống chuyên ăn thịt (hổ báo, sư tử, chó sói...), và đặc biệt loài thú hai chân tiến hoá, bộ não phát triển thì lịch sự hơn, bởi sau khi gây ra cái chết cho đồng loại, nó sẽ đặt lên phần mộ đầy tiếc thương mươi nhành hoa và cây thánh giá. Tôi nhớ, cách đây chừng dăm năm, có người đã đề nghị dùng cụm từ “ăn thịt người” định danh cho từ tham nhũng (hình như tác giả đã chịu ảnh hưởng của họ Lâm). Tham nhũng làm cho sản xuất bị ngưng trệ, lệch hướng, gây ra đói kém, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, kiệt quệ sức yếu người già. Suy cho cùng nó cũng cùng một giuộc với tham ô, trấn lột, đều xấu xa, đều thủ lợi.

2. Đúng là, từ điển tiếng ta đang bận rộn. Đầu tiên là cách dùng từ phong bì, đi ăn cỗ cưới, dự sinh nhật vợ sếp hay liên hoan đầy tháng trẻ mới sinh, khách tham dự thường nhắc “làm phong bì chưa?”, tức chỉ việc cho tiền vào đó chứ không phải chuyện thư tín. Lôi thôi nhất là từ ‘‘cựu” và “nguyên”, cách dùng hai từ đang lẫn lộn, việc này các nhà từ điển học đương nhiên không phải bận lòng, có chăng chỉ người sử dụng nó, ví như ông trẻ xóm tôi dù đã thôi làm trưởng thôn vẫn cứ thích đám cháu con gọi là nguyên trưởng thôn. Ai lại đi gọi cựu trưởng thôn bao giờ? Rõ chán!

Năm rồi, có lẽ do chú chuột đạp đất đầu xuân nên con ngựa xuất bản khi buông vó gặp lắm chuyện năm xung tháng hạn. Không phải chỉ một lần thậm chí nhiều lần, trong các tình huống khác nhau, vài nhà xuất bản bị thổi còi, riêng sạp báo bội thu hết cỡ. Cũng loanh quanh chuyện ngôn từ, xê dịch ngữ nghĩa do biến thiên ồn ã của đời sống xã hội đó thôi. Giải mã điều này tựa như đi tìm chỗ nhậu ở xứ ta. Đầu phố cuối phố, chỗ cửa hàng cửa hiệu có hoá đơn đỏ dập dìu xe khách, người ít tiền ngồi lê vỉa hè hẻm phố. Nghe nói, sắp có chủ trương cấm buôn bán trên vỉa hè mặt phố? (văn chương thi nhạc, theo đó cũng sẽ bị số hoá trong những ngôi nhà hợp khối hay khu liên sở, mới nghe đã thấy buồn buồn!).

3. Ta chỉ mới bắt đầu kinh tế thị trường, vỉa hè đô thị chả khác bờ hè sân nhà lối xóm, Cụ Nghè Ngô đã quá quen ấn phẩm không cần nói cũng biết rồi do con cháu từ cõi dương gửi tặng. Vậy chi, chỉ nên buồn chứ đừng quá tức tưởi. Tôi chắc, giáo sư Trần Quốc Vượng nơi chín suối không quá giận dữ, có chăng thì ông cũng chỉ cười nụ đám cháu con mắc bệnh dạ dày “luộc” cuốn “Văn hoá Việt Nam” (2) của ông. Cùng năm, Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh (3) lại còn cẩu thả hơn ví như giải nghĩa lấy nhau là giao cấu hay bồ bịch là bạn bè... Giải mã như thế thì chỉ bố chúng nó (bố học trò) mới có thể hiểu được. Đùa như thật, phải kể đến “Bộ luật dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014” (4) trang bìa có hình ảnh chàng hài vận quần đùi gánh gồng Công Lý nhẹ tênh tênh.

Mới đây, dự cuộc giao lưu thơ cùng đám đông thanh niên học sinh đã biết đến chuyện yêu, tôi thấy trên phây (FB), email của các em toàn những cảm thán từ: hu hu (khóc), hi hi (cười nhẹ), he he (cười nhạo), hun (hôn) yêu tí me, chẹc chẹc! (chà chà!) đến là nhanh và gọn! Và lạ lùng thay, khi thẩm các thông dụng từ yêu đương lúc trò chuyện, thấy các em khác xa lớp người lớn tuổi. Hình như thời @ không còn “đất” cho các từ thất tình, tương tư? Có lẽ, giờ chẳng còn chàng trai nào lâm “trọng bệnh”: “Gió mưa là bệnh của giời. Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” (5) hay người đàn bà mắc chứng “vụng thầm”: “Tôi đã đi bên cạnh cuộc đời. Ái ân lạt lẽo của chồng tôi. Mà từng thu chết, từng thu chết. Vẫn giấu trong tim bóng một người” (6). Thanh niên giờ yêu không được thì yêu ngay người khác, lối sống mở cùng nhịp thời gian gấp gáp không có chỗ cho tương tư cũng như thất tình. Nguyễn Việt Hà nhà văn, trong thiên tạp ký “Thiếu nữ thất tình” (7) thì than thở một cách sôi nổi “Có phải vậy chăng mà Hà Nội vào cái hôm trái gió trở trời, sông cũng như hồ chỉ thấy toàn nổi cá là cá, tuyệt không hề thấy nổi một lãng mạn tiểu thư thất tình”. Vâng! Giờ đây không ai còn xưa cái chuyện yêu, có bị tâm thần mới chết bởi thất tình. Sự biến cải vô chừng của thời đại đang ồn ào mang đến sự chật chội trong cái “vỏ” cũ càng của ngôn từ.

Vậy xin quý vị đừng vội cho tôi là người không nặng lòng với tiếng Việt!

lê vạn quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.