Níu giữ nghề trăm năm ở làng xưa

văn hải |

Ở phía Bắc, đã từng có nhiều làng nghề làm đèn kéo quân, nhưng rồi với sự khắc nghiệt, quy luật đào thải của cơ chế thị trường, nghề dần bị mai một. Hiện nay, ở ngôi làng có lịch sử hơn 100 năm làm đèn kéo quân, chúng tôi chỉ còn thấy 2 nghệ nhân vẫn ngày ngày làm đèn để níu giữ nghề xưa.

Thoi thóp giữ nghề

Chúng tôi hỏi đường về thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội để tìm hiểu về nghề làm đèn kéo quân đã có lịch sử cả trăm năm. Cuộc tìm kiếm những nghệ nhân ở Đàn Viên không ngờ lại khó khăn với chúng tôi như thế. Bởi trong cuộc mưu sinh cơm, áo, gạo, tiền người Đàn Viên đã bỏ nghề làm đèn từ hơn chục năm nay. Chẳng còn ai nhớ tới và biết còn người nào trong làng làm đèn kéo quân nữa hay không. Phải hỏi một số cụ cao niên trong làng, chúng tôi mới tìm ra được nhà người nghệ nhân có tên Vũ Văn Sinh.

Nhà nghệ nhân Sinh nằm ở cuối xóm Hòa Bình, thôn Đàn Viên. Chúng tôi khá bất ngờ khi biết nghệ nhân Vũ Văn Sinh là người đã từng giữ kỷ lục làm ra chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam năm 2006. Chiếc đèn kéo quân của nghệ nhân Sinh làm ra mùa Trung thu 2006 có chiều cao 6,7m và đường kính rộng 2,7m, có nghĩa gần bằng căn nhà hai tầng. Kinh phí để làm ra chiếc đèn kéo quân khổng lồ này nghệ nhân Sinh cho biết phải cả chục triệu đồng (đó là số tiền khá lớn khi ấy). Nhưng rồi đèn làm ra cũng chỉ là để đơn vị chủ quản đăng ký kỷ lục Guinness Việt Nam. Sau khi xác lập kỷ lục rồi, đèn bị vứt xó ngoài trời mưa, nắng. Cuối cùng nghệ nhân Sinh và mọi người đành đem về làng phá làm củi đun.

Nói về chiếc đèn kéo quân và nghề này, ông Sinh tâm sự: “Làm đèn kéo quân ở quê tôi đã có từ rất rất lâu rồi, cứ từ thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Ông bà truyền nghề cho bố mẹ, rồi bố mẹ lại truyền cho chúng tôi. Cứ như thế nghề đèn kéo quân ở Đàn Viên đã có hơn 100 năm tuổi. Thuở trước, khi còn thiếu thốn nhiều nguyên vật liệu, thì chiếc đèn kéo quân được làm ra từ thanh tre, thanh nứa khô, dây chỉ, giấy màu, cây nến hết sức đơn giản. Khi đèn kéo quân được làm xong, nhà nhà và đặc biệt là bọn trẻ lại háo hức đợi tết Trung thu để được đốt đèn, sau đó lũ trẻ đi rước đèn từ làng trên xuống  xóm dưới rất vui nhộn...”.

Khi ông Sinh còn trẻ, tức là cách đây khoảng 30-40 năm thì đèn kéo quân đã phong phú hơn về hình dáng, kích cỡ và màu sắc khi nguyên liệu làm đèn đã đầy đủ, chuyên nghiệp hơn. Khi ấy người ta làm đèn kéo quân chủ yếu để chơi, hoặc biếu nhau hoặc cùng lắm là đổi lấy vài cân thóc, cân khoai.

Thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ trôi qua, khi nền kinh tế bước vào cơ chế mở cửa theo định hướng thị trường, nhiều người ở Đàn Viên đã mạnh dạn mua nguyên liệu về làm đèn kéo quân, đèn ông sao để bán dịp Trung thu. Nhưng theo nghệ nhân Sinh, cái nghề làm đèo kéo quân bán ở Đàn Viên thực sự chỉ tồn tại khoảng gần 30 năm (từ sau năm 1975 đến đầu thế kỷ 21) rồi biến mất. Mấy năm trở lại đây trong thôn, ngoài một số nhà còn làm đèn ông sao ra thì tuyệt nhiên chẳng gia đình nào làm đèn kéo quân nữa.

Cũng chỉ vì lòng đam mê và tiếc nuối những chiếc đèn kéo quân mà nghệ nhân Sinh và người anh họ là nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn cố giữ lấy nghề.

Những hình dân gian, ngộ nghĩnh được dán lên thân chiếc đèn kéo quân.
Những hình dân gian, ngộ nghĩnh được dán lên thân chiếc đèn kéo quân.

Một thực tế cho thấy hiện nay chẳng còn mấy người, mấy nhà chơi và trang trí đèn kéo quân trong nhà dịp Tết Trung thu. Cứ đến mùa Trung thu, vài nhóm tổ chức như trường học, bảo tàng dân tộc, viện văn hóa lại tổ chức làm đèn kéo quân kiểu phong trào, vài ba ngày qua loa. Điều đó không tạo được thích thú, hào hứng cho bọn trẻ và những người tham gia.

Theo nghệ nhân Sinh, làm đèn kéo quân thật ra cũng hết sức đơn giản, chỉ cần tinh ý làm học việc vài ngày là biết làm. Điều quan trọng nhất của người làm đèn kéo quân là phải biết tính toán đến đối lưu không khí bên trong chiếc đèn kéo quân sao cho thật cân bằng. Khi đối lưu không khí cân bằng, chúng ta đốt nến lên và có gió thổi qua chiếc đèn kéo quân sẽ tự nhiên quay.

Hiện nay đèn kéo quân bằng khung gỗ, giấy màu cỡ lớn đang được nghệ nhân Sinh làm theo đơn đặt hàng của một số quán cà phê. Theo nghệ nhân cho biết, mỗi chiếc đèn kéo quân này được ông và vợ làm liên tục trong 3 ngày mới xong. Khi giao cho các cửa hàng thì giá thành của nó cỡ tầm 3 - 5 triệu đồng/cái...

Còn với những chiếc đèn kéo quân đơn giản bằng khung tre, nứa, cỡ nhỏ thì một người thợ có thể làm trong ngày là xong với giá bán ra khoảng 200.000 - 300.000đ. Nhưng vấn đề ở chỗ chẳng còn ai mặn mà chơi đèn kéo quân nữa, nên người Đàn Viên không thể sống được với nghề này.

Đi khắp nơi truyền dạy

Người làm đèn kéo quân kỷ lục còn sót lại ở Đàn Viên chúng ta phải kể đến nghệ nhân Vũ Văn Sinh. Còn người nghệ nhân gắn bó với chiếc đèn kéo quân lâu nhất thì chúng ta phải nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền. Ông Quyền năm nay 80 tuổi và đã có trên 60 năm làm đèn kéo quân.

Thấy mấy người trẻ tìm mình, nghệ nhân Quyền cũng ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi khi biết lý do, ánh mắt ông rất vui, như đang sáng lên một niềm tin hy vọng gì đó thật lạ kỳ. Ông bỏ cả bữa trưa để vừa làm đèn kéo quân, vừa tiếp chuyện chúng tôi.

Ông Quyền bảo, ngày xưa lũ trẻ chúng tôi nghèo làm gì có tiền để ra Hà Nội mua đồ chơi trung thu. Cả bọn ở vùng quê này thường cùng nhau đi kiếm tre, nứa và những trang giấy bỏ đi để làm đèo kéo quân chơi đêm rằm. Những câu thơ trên lũ trẻ con ngày xưa ở làng quê nào mà chả thuộc.

 

Vậy là thoắt cái đã hơn 60 năm, nghệ nhân Quyền gắn bó với chiếc đèn kéo quân. Không chỉ làm đèn kéo quân rất giỏi mà nghệ nhân Quyền còn biết làm mọi đồ chơi dân gian. Không để chúng tôi chờ đợi, nghệ nhân đã lấy ngay một đồ chơi rất thú vị ra biểu diễn cho chúng tôi xem, đó là mấy con lật đật bằng tre, nứa. Cách làm con lật đật này cũng hết sức thủ công đơn giản, nhưng khi chơi ta thấy rất hay và thích tay.

Có được niềm vui trong giây lát khi mấy người trẻ tìm về với mình, ông Quyền lại buồn bã kể cho chúng tôi nghe chuyện đèn kéo quân thời nay. Ông bảo, hiện nay còn ai sống được bằng nghề làm đèo kéo quân nữa cả. Cả làng Đàn Viên bỏ nghề hết rồi. Chỉ có gia đình ông Sinh và ông Quyền hằng năm được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đặt hàng vài chục chiếc.

Nghệ nhân Quyền kể: “Những buổi dạy làm đèn ở khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bọn trẻ hào hứng học lắm, nhưng được vài buổi thôi. Những đứa trẻ say mê và thực sự muốn học để biết làm ngày càng ít. Ngay ở làng Đàn Viên, nơi có nghề làm đèn mà bây giờ bọn trẻ cũng chẳng còn đứa nào yêu thích nữa”.

Hiện nay nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền và Vũ Văn Sinh vẫn đang truyền dạy cách làm đèn có một số bạn trẻ yêu thích ở khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngoài dịp Tết Trung thu thường dạy ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, thì hai nghệ nhân cũng đến một số trường cấp 1, cấp 2 để dạy làm đèn vào các buổi ngoại khóa.

Bên cạnh đó, để duy trì nghề đèn kéo quân và có tiền sinh hoạt, nghệ nhân Quyền và Sinh hiện nay có nhận thêm các đơn hàng làm đèn kéo quân từ quán cà phê, phục vụ tiệc sinh nhật, trang trí đám cưới hỏi, lễ tết người dân và các dòng họ.

Cả hai nghệ nhân đều tâm sự với chúng tôi, vì lòng đam mê nên vẫn quyết tâm giữ nghề, vẫn sẽ đi dạy lũ trẻ ở bất cứ nơi nào. Mong ước lớn nhất của hai nghệ nhân là níu kéo lại cho lũ trẻ tâm hồn trong sáng, hướng về nét văn hóa dân gian truyền thống, tốt đẹp.

Tại sao gọi là đèn kéo quân

Đèn kéo quân còn có tên gọi là đèn cù, một loại đồ chơi truyền thống bằng giấy dán vào khung tre, nứa được trẻ con ưa thích mỗi dịp Tết Nguyên tiêu hay Trung thu xưa. Trước đây người ta làm đèn kéo quân cho trẻ em ngoài mục đích như một món đồ chơi, thì nó còn mang ý nghĩa truyền dạy lòng yêu nước, lòng tự hào  dân tộc cho thế hệ trẻ. Chính vì thế những hình dán lên các thân mặt của đèn kéo quân thường nói về việc lễ, hiếu, trung, nghĩa và đặc biệt là hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận (vì thế nên mới được gọi là kéo quân). Sau này các hình vẽ được dán lên đèn phong phú hơn như hình các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, hình chú Tễu, chú Cuội, chị Hằng Nga...

văn hải
TIN LIÊN QUAN

Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Ninh Bình vẫn “nằm trên giấy”

NGUYỄN TRƯỜNG |

Chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân và NƠXH cho người có thu nhập thấp trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt với tổng số 5.573 căn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các dự án NƠXH tại Ninh Bình vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Hà Nội xử lý thực phẩm mất an toàn vệ sinh bủa vây cổng trường học

Lệ Hà |

Những loại thực phẩm được bày bán ở trước cổng trường luôn tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh.

Nhận định bóng đá Man City vs Fulham, vòng 7 Premier League

Chi Trần |

Dự đoán tỉ số trận Man City vs Fulham ở vòng 7 Premier League, diễn ra vào lúc 21h00 ngày 5.10.

Thêm 2 cơn bão làm nên lịch sử trong mùa bão 2024

Song Minh |

Bão Kirk và bão Leslie làm nên lịch sử trong mùa bão 2024 ở Đại Tây Dương.

Cập nhật giá vàng sáng 5.10: Đột ngột sụt giảm

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng sáng 5.10: Vàng thế giới quay đầu giảm mạnh trong bối cảnh Mỹ công bố chỉ số kinh tế mạnh hơn dự kiến.

Diễn biến các vụ án Phúc Sơn, Thuận An, Sài Gòn - Đại Ninh

Việt Dũng |

Ngoài thông tin diễn biến các vụ án Phúc Sơn, Thuận An, Sài Gòn Đại Ninh, đại diện Bộ Công an còn đề cập đến vụ án Vạn Thịnh Phát.

Bí thư huyện bức xúc về việc 300 sổ đỏ của dân bị thu hồi

Hoài Phương |

Bình Định - Về việc tham mưu UBND huyện thu hồi 300 sổ đỏ của người dân, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ cho rằng, đây là vấn đề gây bất ổn trong xã hội.

Đề nghị sửa đổi quyền sử dụng đất của đền Dâu và đền Quán Cháo

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - UBND thành phố Tam Điệp đã có văn bản đề nghị sửa đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại 2 di tích đền Dâu và đền Quán Cháo.