Phác thảo chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương

hoàng khôi |

Cuộc đời và thơ văn của nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương đến nay vẫn còn nhiều phán đoán và còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời thuyết phục, rõ ràng. 

Đã có nhiều bài viết, nhiều công trình của các học giả Việt Nam nổi tiếng như Nguyễn Đức Bính, Hoàng Xuân Hãn, Đào Thái Tôn, Hồ Tuấn Niêm... nhằm giải mã nhân vật bí ẩn này. Chắt lọc từ những công trình ấy xin được phác thảo đôi nét về chân dung nữ sĩ.

1.Hồ Xuân Hương, không rõ năm sinh, được ước đoán mất vào 1821 hoặc 1822, khi đó bà khoảng 50 hoặc 55 tuổi. Bà là con của Hồ Phi Diễn, từng đậu sinh đồ (tú tài) năm 21 tuổi, ước đoán ông sinh 1703 mất 1786, như thế, Hồ Phi Diễn sinh Xuân Hương lúc gần 70 tuổi? Theo gia phả họ Hồ thì tên Hồ Phi Diễn được ghi ở 6 cuốn, số còn lại không chép, có thể vì “Phi Diễn không thuộc dòng gia phả hoặc vì đã bỏ họ, bỏ làng, lại không có con trai thừa kế” (trích theo Hoàng Xuân Hãn). Hồ Xuân Hương được sinh ra ở Phường Khán Xuân Thăng Long. Cũng theo gia phả họ Hồ thì Hồ Phi Diễn còn có tên là Huống (Huấn) là con út trong gia đình có năm anh em mà Phi Phúc là anh gần kề. Hồ Phi Phúc không ở Quỳnh Lưu mà dời đến làng Thái Lão huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), sau lại dời đi trại Tây Sơn thuộc Quy Nhơn. Hồ Phi Phúc chính là người sinh ra ba anh em Tây Sơn nổi tiếng là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ trong đó Nguyễn Huệ (Hồ Thơm) là vua Quang Trung. Như thế, Hồ Xuân Hương là con chú, con bác ruột với Hồ Thơm - Nguyễn Huệ?

Họ Hồ là một dòng họ lớn, có nhiều người nổi danh suốt từ thế kỷ X đến nay nhưng thân phụ Hồ Xuân Hương thì chỉ là một sinh đồ nghèo phải lang bạt nhiều nơi, lấy vợ muộn và chỉ sinh được duy nhất một gái. Hồ Xuân Hương ở cùng cha mẹ - mẹ là bà họ Hà, tại Nghi Tàm ven Hồ Tây. Xuân Hương được cha dạy bảo nên biết chữ Hán, chữ Nôm, làm được thơ và là một phụ nữ có tính cách mạnh mẽ, có khả năng ứng biến linh hoạt. Xuân Hương thường ngày phụ giúp gia đình gánh hoa bán cho nhà chùa, chạy chợ cùng chị Cả Tân là vợ của một học trò lớn của cha nàng. Có lẽ cái không gian dân dã Xuân Hương từng trải đã khiến thơ của bà đa thanh, đa nghĩa, hàm ý, hàm ngôn hấp dẫn người đời. Rất có thế những bài thơ chế giễu, phê phán, các loại sư hổ mang “đầu thì trọc lóc áo không tà” hoặc “chày kình tiểu để suông không đấm”, những hình ảnh “đứng chéo trông theo cảnh hắt heo”, những tình huống trớ trêu “cả nể cho nên sự dở dang”, những lời than thở “này chị em ơi có biết không/ một bên con khóc một bên chồng”.v.v... đã ra đời như thế.

2.Xuân Hương đã trải qua rất nhiều mối tình. Ở cái thời của nữ sĩ mà có lối sống phóng khoáng như thế thì cũng rất hiếm, rất lạ. Hồ Xuân Hương đã có một cuộc tình rất trẻ trung, trong sáng, mối tình đầu với Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều bất hủ, kéo dài suốt ba năm để rồi đi tới một hụt hẫng: “Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ mong/ Mượn ai tới đấy gửi cho cùng/ Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không...”.

Tiếp đó bà gắn bó với Mai Sơn Phủ, một nho sinh chưa thành đạt và hai người đã từng có những hẹn ước thề bồi: “Một kiếp đã thề cùng dạ thắm/ Trăm năm đừng phụ với đầu xanh”.

Thế nhưng Mai Sơn Phủ cũng một đi không trở lại. Những bài thơ Tự tình khi ngồi đếm tiếng gà, tiếng trống canh, khi ví mình như con ốc, quả mít... chính là những tâm sự u uẩn của Hồ Xuân Hương.

Xuân Hương cũng có một thời gian làm lẽ ông Tổng Cóc. Ông này tên là Nguyễn Công Hòa người ở Lâm Thao, Phú Thọ. Ông còn được gọi là Tổng Kình, vốn là học trò của thân phụ Hồ Xuân Hương. Tổng Cóc rất trân trọng Xuân Hương, làm riêng nhà cho Xuân Hương ở để dạy học. Ngôi nhà này vẫn còn và người ta vẫn lưu giữ được bút tích của Xuân Hương bằng chữ Hán, trên đôi bình tiện bằng gỗ mít, sơn then: Thảo lai băng ngọc kính/ Xuân tận hóa công hương/ Độc bằng đan quế thượng/ Hảo phóng bích hoa hương (Nói đến tấm gương bằng ngọc / Hóa công cũng chịu lúc tàn xuân / Chỉ lúc vin cành quế đỏ / Tha hồ hoa biếc tỏa hương thơm). Có thể vì nhiều lý do nên hai người không thể sống cùng nhau nhưng Tổng Kình không phải là người thô lỗ, võ biền như lâu nay lầm tưởng. 

Bài thơ “Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/ Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé/ Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi” lâu nay ta cho rằng của Xuân Hương lôi cả họ hàng cóc nhái Tổng Cóc để xỉ vả có lẽ phải hiểu là một nỗi niềm đau thương của thân phận Xuân Hương mới hợp lý. Xuân Hương đã hạ mình ngang với thứ cóc nhái, nòng nọc... cũng như bà từng xem mình như con ốc nhồi lăn lóc đám cỏ hôi, thế mà đời vẫn rơi vào bi kịch!

Cùng với những mối tình, Xuân Hương còn kết bạn với nhiều người khác nữa, đó là các bạn thơ như Cư Đình, Tốn Phong, Trần Quang Tính... trong đó Tốn Phong là người bạn thân nhất từng được bà nhờ viết tựa cho tập thơ “Lưu hương ký” của mình. Tập “Lưu hương ký” cũng là một tập thơ tình đầy đủ vẻ gió mây trăng nước nhưng đều là từ đáy lòng mà phát ra song lại rất chừng mực, lễ nghĩa. Phong cách nghiêm cẩn thể hiện trong “Lưu hương ký” hoàn toàn khác với phong cách khoáng - cởi mở của thơ Nôm truyền miệng. Xuân Hương đã kết bạn với nhiều người và bà luôn hướng tới họ với khát vọng tình yêu đôi lứa, bằng cả một tâm hồn bộc trực chân thành. Chỉ có điều, phần kết bao giờ cũng rơi vào cảnh trắc trở, lỡ làng, bao giờ cũng là bi kịch.

3.Cái bi kịch tình yêu cuối cùng của Hồ Xuân Hương lại gắn với một vụ việc tổn hại đau lòng. Trước câu chuyện này phải kể thêm một sự kiện là Xuân Hương suýt gặp lại Nguyễn Du, người tình thời còn trẻ. Ấy là vào một ngày xuân năm Quý Dậu (1813) Xuân Hương nhận được lời hỏi thăm của Nguyễn Du khi ông này đang làm Chánh sứ đi triều cống nhà Thanh qua Thăng Long. Cụ thể chuyện thế nào không rõ, nhưng đúng là Xuân Hương đã có viết một bài thơ để tạ lòng người tình xưa trong đó có những câu đầy ẩn ức nghĩ về người, về mình: “Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong/ Biết con mảy chút sương siu mấy (sương siu - bịn rịn)/ Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong”.

Có thể vì cái hụt hẫng cuối cùng này chăng nên Xuân Hương đã nhận lời làm lẽ Trần Phúc Hiển. Ông này được cử làm Tham hiệp (người đứng đầu về hành chính) ở Yên Quảng - nay là Quảng Ninh. Những ngày đầu chắc Xuân Hương cũng có những vui vẻ bởi qua những bài thơ bà viết về Vịnh Hoa Phong (Vịnh Hạ Long) thì thấy bà với chồng cũng khá tâm đắc, thuận hòa. Nhưng thật không may, Trần Phúc Hiển bị dân tố tội tham ô và vua Gia Long xử án chém! Cả một khoảng về sau, không ai còn nhắc đến Hồ Xuân Hương! Có một bài thơ được lưu truyền là của bà viết về ông Phủ Vĩnh Tường: “Hăm bảy tháng trời là mấy chốc/ Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!”.

Ông Trần Phúc Hiển trước đó có làm tri phủ ở Vĩnh Tường nhưng hồi đó phủ này lại có tên là Tam Đái. Thời gian như vậy là không phù hợp nhưng cái tình của người làm thơ lại rất chân thành.

Xuân Hương là một người đàn bà mang rất nhiều tâm trạng. Có một Xuân Hương rất ân cần, rất tình người; có một Xuân Hương hết mình gắn bó trân trọng với tình yêu trong mối tình đầu thơ ngây trong trắng, khi cuồng nhiệt nồng nàn thấm đẫm nhục dục ái ân. Lại có một Xuân Hương rất gan góc, ngang tàng, sẵn sàng dè bỉu khinh thị những kẻ ngụy quân tử dốt nát hãnh tiến “Cũng đòi học nói, nói không nên” vừa chua cay vừa hài hước, vừa trần trụi khiến người ta vừa thích thú lại vừa dè chừng. Lại có một Xuân Hương với nhiều hiểu biết, phong phú kiến văn, hết sức cởi mở, sẵn sàng đáp lễ bạn bè với những vần thơ bài phú nghiêm cẩn chữ nghĩa, vừa thanh tao vừa uyển chuyển. Xuân Hương cũng còn là một con người đầy những cô đơn trống vắng với những ẩn ức thấm đẫm bao nỗi niềm chất chứa... Tất cả những nét tâm trạng này thường được Xuân Hương bộc lộ qua thơ. Thế kỷ XVIII và cho đến bây giờ có lẽ ở Việt Nam chưa có một tiếng thơ nào lạ và hấp dẫn như thơ Hồ Xuân Hương. Bởi thế mà Hồ Xuân Hương trở thành một trường lực hấp dẫn. Với Xuân Hương, chữ tình là một chữ đầy “ngang ngửa biết bao nhiêu”, chữ duyên thì “nào đã chắc trong tay, muôn kiếp biết là duyên trọn vẹn/ Một đời riêng mấy bận chua cay”. Thân phận Hồ Xuân Hương đúng là “Bảy nổi ba chìm với nước non”. Chúng ta tìm hiểu cuộc đời và thơ Hồ Xuân Hương, cảm thông với một kỳ nữ tài hoa và tinh anh xin hãy nhớ câu thơ của bà đầy tâm trạng:

Thương ai hẳn lại thương lòng lắm

Này nợ này duyên những thế này.

 

 

hoàng khôi
TIN LIÊN QUAN

Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Ninh Bình vẫn “nằm trên giấy”

NGUYỄN TRƯỜNG |

Chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân và NƠXH cho người có thu nhập thấp trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt với tổng số 5.573 căn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các dự án NƠXH tại Ninh Bình vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Hà Nội xử lý thực phẩm mất an toàn vệ sinh bủa vây cổng trường học

Lệ Hà |

Những loại thực phẩm được bày bán ở trước cổng trường luôn tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh.

Nhận định bóng đá Man City vs Fulham, vòng 7 Premier League

Chi Trần |

Dự đoán tỉ số trận Man City vs Fulham ở vòng 7 Premier League, diễn ra vào lúc 21h00 ngày 5.10.

Thêm 2 cơn bão làm nên lịch sử trong mùa bão 2024

Song Minh |

Bão Kirk và bão Leslie làm nên lịch sử trong mùa bão 2024 ở Đại Tây Dương.

Cập nhật giá vàng sáng 5.10: Đột ngột sụt giảm

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng sáng 5.10: Vàng thế giới quay đầu giảm mạnh trong bối cảnh Mỹ công bố chỉ số kinh tế mạnh hơn dự kiến.

Diễn biến các vụ án Phúc Sơn, Thuận An, Sài Gòn - Đại Ninh

Việt Dũng |

Ngoài thông tin diễn biến các vụ án Phúc Sơn, Thuận An, Sài Gòn Đại Ninh, đại diện Bộ Công an còn đề cập đến vụ án Vạn Thịnh Phát.

Bí thư huyện bức xúc về việc 300 sổ đỏ của dân bị thu hồi

Hoài Phương |

Bình Định - Về việc tham mưu UBND huyện thu hồi 300 sổ đỏ của người dân, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ cho rằng, đây là vấn đề gây bất ổn trong xã hội.

Đề nghị sửa đổi quyền sử dụng đất của đền Dâu và đền Quán Cháo

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - UBND thành phố Tam Điệp đã có văn bản đề nghị sửa đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại 2 di tích đền Dâu và đền Quán Cháo.