Tết của những ngày xưa cũ

Trần Mỹ Thương |

Cuối Chạp, trời ủ rũ rắc những hạt mưa bụi li ti bơ phờ, trắng xám. Đâu đó, những tiếng nhạc rộn ràng đủ thể loại nổi lên, dường như đang cố dần xua đi niềm ảm đạm.

Tôi lặng lẽ quét dọn, hì hục xếp sắp những mớ lộn nhộn của cả một năm qua, cố gắng cho căn nhà trở nên gọn gàng, ngăn nắp, chí ít cũng được non tháng trước và sau Tết, cho ra không khí của ngày xuân. Lũ trẻ tíu tít ngoài sân, mỗi đứa một cái xe đạp nhỏ. Chúng không dám bỏ khẩu trang khi chơi. Rõ khổ. Chơi mà còn phải bịt kín mũi miệng rồi vừa hét vừa cười lại vừa phì phò thở.

Tuổi thơ của chúng nó bây giờ sao sinh ra toàn những chuyện tréo ngoe làm cho bọn trẻ chả được vô tư như tuổi thơ của bố mẹ chúng ngày trước. Vừa hết cấm túc ròng rã ba năm vì dịch COVID-19 thì lại bắt đầu Cúm A, rồi Cúm B... Toàn bệnh lây đường hô hấp, mà bệnh nào cũng nguy, bệnh nào cũng biến chủng, trẻ không tha, già không thương, bị là bị tất. Có nhà cứ thay phiên nhau đi truyền thải độc, nhập viện đến quá tải.

Ngày xưa - chúng tôi hồi đó, làm gì phải đeo khẩu trang đi chơi, làm gì bị cấm đốt pháo, làm gì có cái Tết nào mà nhà ai nấy ở? Nhớ ngày nhỏ, cũng vào những ngày cuối Chạp, trời vẫn thường rắc mưa bụi như thế, những giọt bụi nước li ti xám trắng, nhưng hồi đó chẳng hề thấy ảm đạm u buồn, mà chỉ thấy phơi phới những niềm vui, rạo rực những mong chờ, hễ chỉ cần một khúc nhạc nổi lên sẽ như là thấy Tết về ngay cửa. Nhà nào cũng cố sắm sửa một chiếc đài cátsét, cố mua cho bằng được cuộn băng nhóm nhạc Model Talking hoặc Borney 79.

Ngày cuối Chạp, anh trai tôi được nhận cái nhiệm vụ vinh dự là đi chọn lấy hai cây mía to nhất, thẳng nhất, lá dày, dài, đẹp nhất, gióng đều nhất đem về cho bố buộc ở hai bên chân ban thờ, cạnh cành đào chi chít nụ. Có mỗi cái việc ấy mà anh cũng hí ha hí hửng, vênh cái mặt không giấu nổi tự hào. Bố lặng lẽ thắp một nén nhang, lẩm nhẩm vài câu rồi vái ba vái, sau đó mới cẩn thận lau chùi dọn dẹp ban thờ, rút bớt chân hương để lấy chỗ cho việc thắp bồi những tuần hương mới, ông tỉ mẩn mân mê từng tí một, gương mặt hiện lên nét nghiêm chỉnh đến nỗi bọn trẻ chúng tôi tự biết phải vặn nhỏ cái đài quay băng xuống.

Dưới bếp, mẹ khẽ khàng lau rửa từng chiếc lá dong, cẩn thận chọn từng hạt đậu xanh, lựa từng củ hành khô, từng miếng thịt ba chỉ ngon nhất chuẩn bị cho việc gói bánh. Còn chị em tôi nhận nhiệm vụ bê hết đồ dùng ra mương đánh rửa. Mương đông như hội, nhà nào cũng lôi hết thảy những xoong, nồi, chảo, dế, trạn, tủ ra mà kỳ, mà xối.

Xong xuôi việc cọ rửa, chị em tôi được thổi bóng bay treo cành đào, ấy là việc sướng nhất. Nhà nào có điều kiện một tí thì sẽ mua các loại bóng đủ loại hình thù, kích cỡ, nhà nào khó hơn hoặc không có trẻ con cũng phải treo lên đó ít nhiều vài quả. Chúng tôi hì hục thổi, thi thoảng có quả bị nổ vì căng quá, chị tôi tiếc đứt ruột, còn tôi lại thích thú tít mắt vì cảm giác như chính mình cũng được đốt pháo vậy.

Pháo hồi đó với chúng tôi là tín vật, là sự minh chứng và là cái hồn của Tết. Mặc dù cái không khí sắm sửa, dọn dẹp và tiếng nhạc rộn ràng trước Tết đã đủ vui lắm, nhưng chỉ khi tiếng pháo cối đầu tiên nổ ra, vào đúng khoảnh khắc giao thừa, kéo theo hàng tràng, hàng loạt những tiếng pháo cối, pháo tép đùng đùng đoàng đoàng, lách ta lách tách xen lẫn, nối nhau bất tận vào khoảng không đen ngòm của đêm ba mươi, thì lũ trẻ chúng tôi (mà có lẽ không chỉ riêng lũ trẻ chúng tôi) mới cảm thấy thật sự hân hoan, thật sự sung sướng, thật sự đã đời, thật sự Tết.

Đêm 30 Tết có lẽ là cái đêm mong chờ nhất của tất cả những đứa trẻ trên đời. Chúng tôi được lệnh đi ngủ trước một giấc, hễ đến lúc bố gọi thì dậy xem pháo, nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước trên tivi. Nhưng đố đứa nào ngủ được. Bộ quần áo giấu dưới gối còn thơm nguyên mùi mới, chúng tôi chẳng ai nghĩ nên giặt chúng trước khi mặc vì như thế sẽ bị mùi bột giặt át đi mùi mới tinh nguyên của vải, cho nên đứa nào cũng để nguyên như thế, gấp gọn vào góc tủ, tối tối lại lôi ra, nhét dưới gối.

Chúng tôi cứ thao thức như thế, có khi thiêm thiếp ngủ đi, đang lơ mơ thì giật mình bật dậy khi tiếng pháo nổ đoàng ngoài sân, cả nhà, cả làng, cả xã ùa ra sân reo hò, vỗ tay, hô vang lời chúc mừng năm mới, rồi lại ùa vào nhà ngồi quây quần bên bàn nước ăn kẹo bánh, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết, mê mẩn xem những màn biểu diễn pháo hoa ở các điểm cầu trực tiếp trên màn ảnh nhỏ, trong niềm hân hoan không tả hết bằng lời.

Rồi mùng 1 sớm mai cũng đến. Chúng tôi dường như chẳng ai có thói quen ngủ nướng cho dù sớm mùng 1 không ai được đến nhà ai chơi cả. Nhưng vì nóng lòng được mặc quần áo mới, được nhận quà mừng tuổi, nên không ai cần gọi ai, đứa nào cũng tự dậy sớm chải chuốt, vệ sinh cá nhân rồi chạy ù vào phòng thay đồ.

Vì mùng 1 kiêng dọn dẹp, nếu dọn tức là tự bỏ đi những điềm may, mẹ bảo thế. Nên việc của chúng tôi hôm ấy chỉ là mặc đẹp và ngồi chơi, ăn bánh kẹo, đợi được bố mẹ, ông bà trao cho những gói giấy đỏ chứa những đồng tiền lẻ phẳng phiu, cũng thơm nguyên mùi mới mà bọn trẻ giờ đây gọi là “lì xì”. Những đồng lì xì ấy, hầu như chỉ được dùng vào một việc gì thật quan trọng, có khi suốt cả một năm chúng tôi vẫn để nguyên trong gói giấy đỏ, chỉ khi cần mới mang ra tiêu, vừa tiêu vừa tiếc.

Quá trưa ngày mùng 1, mọi người bắt đầu túa ra đường, hóng xem nhà nào đã có ai xông đất rồi thì mới vào chúc Tết, cứ nhà nọ hóng nhà kia, nhà nọ sang chúc nhà kia. Ai đến cũng sẵn một vài mâm cỗ thịt bày lên, đàn ông uống với nhau đôi ba chén rượu, đàn bà bóc cho nhau vài miếng bánh, trẻ con khoe với nhau tấm áo manh quần mới và những đồng mừng tuổi.

Đám thanh niên choai choai thì tụ tập nhau thành từng nhóm đốt những quả pháo tép được để dành, mùi khói pháo khét lẹt mà lại hóa thơm tho, quyện cả vào đầu tóc, quần áo... Trước Tết, chả ai đốt pháo cho đến lúc sang canh, sau Tết cũng chả ai đốt pháo nữa. Cùng lắm chỉ để dành việc ấy cho những ngày quan trọng như vào nhà mới, hay đón dâu mới vào nhà. Đâu phải chui lủi, trộm đốt những quả pháo lậu trước Tết cả tháng như thời nay.

Xóm giềng hồi đó đón Tết với nhau vui vẻ từ độ hai mươi lăm, hai sáu tháng Chạp. Nhà nào cũng luân phiên mổ lợn, làm cơm, rải thức ăn vào lá chuối bày ra sân mới đủ chỗ cho cả làng ngồi. Nhà nào bí quá không có lợn thì “đụng” nhau lấy một đùi rồi cũng làm vài mâm cỗ đạm bạc để mời làng xóm đến chung vui. Tiếng nói cười, chúc tụng cứ nối nhau râm ran từ những ngày đó, cho đến hết ngày rằm tháng Giêng mới gọi là hết Tết. Hết rằm tháng Giêng, người lớn lại cày cuốc ra đồng, trẻ con lại nô nức đeo cặp đến trường, đến lớp. Mọi thứ bắt đầu trong tâm thái vui tươi, hồ hởi và phơi phới tin yêu.

Tôi cứ luôn mong ước một ngày nào đó sẽ có ai phát minh ra loại pháo không gây hại cho môi trường, không nguy cơ cháy nổ, để không bị cấm. Nếu có thế, chắc chắn Tết bây giờ sẽ lại vui như Tết xưa, bọn trẻ bây giờ cũng sẽ lại mong Tết như chúng tôi hồi đó. Nghe đâu, người ta sớm đã phát minh ra loại pháo ấy rồi, năm qua đã được dùng thí điểm. Niềm vui trong sự an toàn mới thực là hoan lạc.

Rồi sẽ nhân rộng, việc mua pháo đốt ngày Tết sẽ lại háo hức rộn ràng. Và hẳn, nó sẽ là một phát minh vĩ đại. Bởi tiếng pháo đâu chỉ đơn thuần là một tiếng nổ, đâu chỉ đơn thuần là những đụn hoa phụt lên, phát sáng. Nó còn mang đến cho người ta sự phấn chấn, hân hoan, niềm mong đợi và cái gì đó thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người khi đứng trước khoảnh khắc giao thời từ cũ sang mới; nó khiến con người gần gũi, xiết chặt nhau hơn.

Trần Mỹ Thương
TIN LIÊN QUAN

Bánh chưng đen của người Dao trong mâm cỗ ngày Tết

Vân Hoa |

Cứ dịp Tết đến, đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Suối Lìn, Sơn La lại làm bánh chưng đen để bày trên mâm cỗ cúng, bày tỏ sự hiếu thuận với ông bà tổ tiên. Bánh chưng màu đen thể hiện mùa màng bội thu, đời sống no ấm, được tạo màu bằng tro rơm.

Hoài niệm không gian Tết xưa giữa lòng TPHCM

Việt Phong |

Xin chữ, nặn tò he, ngắm mai vàng... là những hoạt động đặc sắc đang được diễn ra tại Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 nhằm tái hiện lại không gian Tết đầy hoài niệm ngay giữa trung tâm thành phố.

Bàn về ẩm thực trên mâm cỗ Tết xưa và nay

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Ngày Tết nói chuyện ẩm thực là để nhằm gợi cái thú tao nhã trong hưởng thụ vật chất. Theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Tuân, quan trọng của nghệ thuật ẩm thực là trong không gian nào, cùng với ai và tâm thế nào. Đó chính là văn hóa ẩm thực.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Hiện trạng áp thấp gần Biển Đông và áp thấp gần Philippines

Song Minh |

Vùng áp thấp gần Biển Đông đã tan nhưng vẫn còn một áp thấp nhiệt đới gần Philippines.

Đường lầy lội, tiểu thương chợ đầu mối mòn mỏi chờ khách

YẾN PHƯƠNG - MỸ LY |

Cần Thơ - Hạ tầng giao thông xuống cấp cộng thêm thời tiết mưa bão khiến tuyến đường dẫn vào chợ đầu mối lớn nhất Cần Thơ lầy lội, dơ bẩn...

Huấn luyện viên Kim Sang-sik và chuyện chọn tên tuổi hay phong độ cầu thủ

TAM NGUYÊN |

Huấn luyện viên Kim Sang-sik đứng trước câu hỏi về kế hoạch sử dụng nhân sự trong dịp FIFA Days tháng 10 cũng như ASEAN Championship sắp tới.