Thắp sáng ngọn lửa đam mê sáng tạo

VĂN ĐỨC |

Theo danh sách công bố của Hội đồng giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ 4 năm 2022, anh Nguyễn Văn Huỳnh (sinh năm 1993, người dân tộc Tày, ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là người trẻ tuổi nhất vinh dự nhận giải thưởng này.

Bất ngờ khi được vinh danh

Những ngày cuối năm Âm lịch 2022, vượt qua con đường tỉnh lộ 175 đang được thi công nâng cấp, sửa chữa, phóng viên có mặt tại thôn Đại Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, nơi đặt trụ sở của Hợp tác xã Huỳnh Phát. Lẫn trong khu xưởng mới xây dựng xong cùng với những công nhân của hợp tác xã, chủ nhân của những sản phẩm khoa học vừa được vinh danh trên người vẫn khét mùi hàn xì, chân tay lấm lem, đón chúng tôi bằng một nụ cười rạng rỡ cùng cái bắt tay thật ấm.

Sau đó tay chân thoăn thoắt, ánh mắt lanh lợi hồ hởi, anh Huỳnh chia sẻ rằng, "Đợt này rét, nhiều đơn hàng quá, anh em trong xưởng đang cố gắng hoàn thiện xong đơn hàng trên Lào Cai cho khách gấp, không chậm trễ được".

Mô hình bếp Huỳnh Phát đang được bà con khu vực miền núi phía Bắc sử dụng rất nhiều.
Mô hình bếp Huỳnh Phát đang được bà con khu vực miền núi phía Bắc sử dụng rất nhiều.

Sau một lúc khi những đơn hàng được chuyển lên xe di chuyển đến các địa phương, chàng trai người Tày này mới rảnh tay, ngồi tâm sự với phóng viên. Theo đó, bản thân anh cũng mới biết mình vừa vinh dự được chọn là 1 trong 62 người nhận danh hiệu "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ 4 năm 2022, đã thế lại còn là người trẻ tuổi nhất. Không giấu được niềm vui trong ánh mắt, nhà khoa học trẻ cho hay, "Bản thân không tin là mình nhận được vinh dự này vì còn rất nhiều người xứng đáng hơn. Nhưng cũng thấy tự hào khi những đóng góp của mình được mọi người biết đến".

Tuy nhiên, anh Huỳnh cũng thẳng thắn thừa nhận, bản thân thấy áp lực và phải cố gắng để xứng đáng với giải thưởng là "nhà khoa học của nhà nông"; làm sao trong tương lai sẽ có thêm nhiều sản phẩm hơn nữa giúp bà con hơn; truyền động lực nghiên cứu, sáng tạo cho các bạn trẻ khác.

"Mình mong muốn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê sáng tạo, sáng chế ra những máy nông nghiệp có tính ứng dụng cao và đem chính những máy móc đó giúp đỡ bà con vơi bớt khó khăn, đem lại lợi ích phát triển kinh tế cho gia đình, địa phương" - anh Huỳnh cho biết.

Vừa dẫn chúng tôi tham quan khu nhà xưởng tươm tất vừa được xây dựng, chàng trai trẻ hồ hởi kể về nguyên do khiến anh quyết tâm tập trung nghiên cứu và cho ra Hệ thống bếp Huỳnh Phát gồm có 5 sản phẩm gồm: Bếp đun củi nóng lạnh, hệ thống nồi đun tắm lá thuốc, hệ thống nồi nóng lạnh, xông hơi; nồi hơi nấu rượu và bếp trấu nóng lạnh.

Bản thân anh cũng rất bất ngờ khi hệ thống sản phẩm đang được đón nhận rất rộng rãi tại khu vực vùng núi phía Bắc, đến tận những ngõ ngách thôn bản xa xôi nhất. "Tôi sinh ra và lớn lên ở quê nên quá quen thuộc với cảnh bà con dùng bếp đun củi, rơm rạ hàng ngày. Vất vả, mệt nhọc mà hiệu quả thì rất thấp. Rồi ngày xuống Hà Nội học, tôi mang theo trăn trở đó và luôn khao khát tự tay làm ra loại bếp không chỉ phục vụ đun nấu mà còn có nhiều tính năng mới, giúp ích được nhiều hơn cho bà con" - anh Huỳnh kể tiếp.

Nói là làm, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, chàng trai người dân tộc Tày này quyết định quay về quê hương lập nghiệp và bắt tay vào việc nghiên cứu, chế tạo những mô hình bếp lò cải tiến đầu tiên.

Sau một thời gian mày mò, tìm tòi những chiếc bếp đầu tiên được ra đời và thử nghiệm nhưng đều thất bại. "Nhiều lúc cũng nản chí do khó khăn quá vì không có kinh nghiệm, kinh phí! Nhưng may mắn có thầy Tống Văn Thành - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Lương Bằng, huyện Văn Yên là người đã phát hiện, bồi dưỡng và truyền thụ niềm đam mê sáng tạo khoa học cho Huỳnh - luôn ở bên cạnh động viên. Khi trình bày ý tưởng với thầy, thầy đã giúp đỡ rất nhiều trong việc triển khai thực hiện, hỗ trợ kinh phí và liên hệ với các xưởng cơ khí trong vùng để cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên" - anh Huỳnh bộc bạch.

Không phụ sự kỳ vọng, năm 2016, những chiếc bếp lò nóng lạnh đầu tiên ra đời, được làm từ inox với nguyên lý đối lưu nhiệt tự nhiên. Khi đưa nguyên liệu vào đun nấu, vỏ bếp có gắn máy thu nhiệt đẩy theo đường ống lên bình bảo ôn có nhiệm vụ tích trữ nước nóng trong quá trình đun nấu.

Nếu như các loại bếp điện đòi hỏi dòng điện ổn định và chỉ sử dụng được tại những nơi có mạng lưới điện, bếp sử dụng năng lượng mặt trời phụ thuộc vào tình hình thời tiết thì bếp Huỳnh Phát hoàn toàn tự chủ về nguồn nhiên liệu. Bếp đun củi bình thường, tận dụng nhiệt thừa đun nấu, vừa có nước nóng sử dụng cho sinh hoạt vừa giúp tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hiệu suất nước nóng nhanh hơn bình nóng lạnh, giữ nóng lâu hơn. Với thiết kế thông minh và tối ưu, bếp làm giảm mức độ củi lan ra bên ngoài, hạn chế nguy hiểm, chống cháy nổ, lượng tro tàn không bị bay ra ngoài, giữ không gian đun nấu luôn được sạch sẽ.

Không dừng lại ở đó, anh Huỳnh tiếp tục chế tạo thêm bếp đun nóng lạnh tập thể, chủ yếu dùng cho trường học. Anh cho biết, "Ở vùng cao, ban ngày bếp có thể đun nấu cơm cho học sinh ăn, tối đến tận dụng luôn nước nóng từ bếp đun đẩy lên bình bảo ôn cho học sinh tắm. Thay vì sử dụng bình nóng lạnh thì sử dụng bếp này không tốn thời gian".

Khát vọng cống hiến

Đặc biệt vào năm 2018, trong một lần tham gia chuyến "Hành trình vì biển đảo quê hương", anh Huỳnh nảy ra ý tưởng chế tạo bếp lò nóng lạnh "3 in 1" vừa làm bếp đun nấu, tận dụng nước nóng và có thể chiết xuất nước mặn thành nước ngọt nhằm giải quyết nhu cầu thiếu nước cho các chiến sĩ ở Trường Sa.

Lại bắt tay vào thiết kế sản xuất bếp tại xưởng với thời gian nấu thử 40 phút, tận dụng bình bảo ôn 40 lít có thể làm nóng đến hơn 70 độ C và cho chiết xuất dung tích nước ngọt từ 2,7 - 3 lít nước ngọt, anh Huỳnh cho ra đời 7 bếp nóng lạnh chỉ trong một năm. Số bếp này, anh dự kiến sẽ tặng cho 7 điểm đảo ở Trường Sa nếu anh được ra đây một lần nữa.

Vừa tâm sự, "nhà khoa học" vừa chỉ vào những mô hình đã và đang được lưu hành ngoài thị trường rồi cho hay, ban đầu khi thực hiện cũng chỉ nghĩ sẽ phục vụ cho gia đình và địa phương, nhưng đến nay, 11 tỉnh miền núi phía Bắc từ Sơn La, Lai Châu hay Lào Cai, Hòa Bình... đều có đại lý phân phối sản phẩm, hàng tháng thu về trên dưới 1 tỉ đồng, trừ hết chi phí cũng dư ra được vài trăm triệu, trong tương lai quy mô chắc chắn sẽ càng mở rộng hơn nữa.

Những đơn hàng liên tiếp được thực hiện và vận chuyển đến các đại lý để kinh doanh.
Những đơn hàng liên tiếp được thực hiện và vận chuyển đến các đại lý để kinh doanh.

Tháng 7.2018, anh Huỳnh thành lập hợp tác xã (HTX) Huỳnh Phát chuyên sản xuất các loại bếp nóng lạnh, nồi hơi, nồi chưng cất tinh dầu, máy cấy lúa không động cơ và những sản phẩm khác. Từ ngày thành lập, HTX đã tạo việc làm cho trên 30 lao động thường xuyên là thanh niên địa phương với mức thu nhập 5 - 8 triệu đồng/ tháng, tổng các đơn vị đang sử dụng và bán các mặt hàng của HTX cũng lên đến hàng trăm đại lý phân bổ ở hầu khắp các tỉnh, thành phía Bắc.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, từ niềm từ đam mê sáng tạo và bước đầu có những thành công, tạo ra những giá trị kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững, Nguyễn Văn Huỳnh đang trên con đường trở thành một doanh nhân trẻ thắp sáng lên ngọn lửa đam mê sáng tạo và khởi nghiệp trong thanh niên, góp phần xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới, đưa quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

VĂN ĐỨC
TIN LIÊN QUAN

Cần có Giải thưởng dành riêng cho nữ công nhân viên chức lao động

Linh Nguyên |

Hà Nội - Ngày 20.12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Toạ đàm lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài hệ thống Công đoàn để đóng góp ý kiến xây dựng Quy chế Giải thưởng dành riêng cho nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương chủ trì.

Giải thưởng khoa học triệu đô VinFuture 2022: Xét duyệt gần 1.000 đề cử

Vân Trang |

Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng giải thưởng VinFuture 2022 làm việc liên tục trong nhiều tháng qua để chọn lựa ra 4 công trình kiệt xuất được vinh danh trong gần 1.000 đề cử.


Cậu bé 8 tuổi học vượt 2 lớp, sở hữu hàng loạt giải thưởng

QUANG PHƯƠNG |

Mới đây, khán giả xôn xao về em Lữ Hoài Thương - được ví như "thần đồng" đất sen hồng (Đồng Tháp) trong chương trình “Nhanh như chớp nhí”. 8 tuổi, nhưng Thương đã học lớp 5 - là học sinh tiểu học đầu tiên ở Đồng Tháp được xét học vượt lớp.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Hiện trạng áp thấp gần Biển Đông và áp thấp gần Philippines

Song Minh |

Vùng áp thấp gần Biển Đông đã tan nhưng vẫn còn một áp thấp nhiệt đới gần Philippines.

Đường lầy lội, tiểu thương chợ đầu mối mòn mỏi chờ khách

YẾN PHƯƠNG - MỸ LY |

Cần Thơ - Hạ tầng giao thông xuống cấp cộng thêm thời tiết mưa bão khiến tuyến đường dẫn vào chợ đầu mối lớn nhất Cần Thơ lầy lội, dơ bẩn...

Huấn luyện viên Kim Sang-sik và chuyện chọn tên tuổi hay phong độ cầu thủ

TAM NGUYÊN |

Huấn luyện viên Kim Sang-sik đứng trước câu hỏi về kế hoạch sử dụng nhân sự trong dịp FIFA Days tháng 10 cũng như ASEAN Championship sắp tới.